Putin ở Trung Quốc, Biden ở Israel: Thời điểm của mọi mối nguy hiểm

Thứ Bảy, 17/05/2025

6:03 am(VN)

-

9:03 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Putin ở Trung Quốc, Biden ở Israel: Thời điểm của mọi mối nguy hiểm

03/11/2023

Ngày 17/10/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới Bắc Kinh để gặp Tập Cận Bình, “người bạn Trung Quốc thân nhất” của ông. Ngày hôm sau, Joe Biden có chuyến thăm ngắn ngày tới Israel để làm dịu bớt những căng thẳng tột độ sau vụ tấn công khủng bố của Hamas. Sự trùng hợp này có lẽ báo trước rằng mặt trận quân sự thứ ba đã mở ra cho Mỹ. Trung Quốc và Nga sẽ không thể bỏ qua cơ hội này. 


Có mặt tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc tối 17/10/2023, Vladimir Putin đã chính thức tham gia diễn đàn thường niên về Con đường tơ lụa mới (Sáng kiến Vành đai và Con đường - BRI). Nhưng không có gì phải nghi ngờ: Ngoài những tuyên bố công khai về chương trình tham vọng này, cuộc hội đàm của Tổng thống Nga với “người bạn” Trung Quốc của ông có lẽ chủ yếu tập trung vào tình hình quốc tế chưa từng xảy ra do làn sóng bạo lực ở Trung Đông. 


Bất ngờ bùng cháy sau các hành động khủng bố của Hamas chống lại Israel vào ngày 7/10/2023 và những hành động trả thù từ phía Nhà nước Do Thái, khu vực này cùng lúc tạo ra một vùng bất ổn mới. Và kết quả là, một cơ may bất ngờ xuất hiện cho Trung Quốc và Nga: Sự bất ổn mới này cần đến sự tham gia của các lực lượng vũ trang Mỹ trên mặt trận thứ 3 bên cạnh các mặt trận Ukraine và Đông Á. 


Về phần mình, Tổng thống Joe Biden chỉ dành vài giờ ở Israel hôm 18/10/2023 để tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ. Ông cũng thuyết phục Chính phủ Israel cho phép đưa hàng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza trước khi tiến hành can thiệp quân sự quy mô lớn vào khu vực có khoảng 2 triệu người Palestine sinh sống, nhằm phá hủy tất cả các cấu trúc của Hamas. 


Thông báo ngày 17/10/2023 của Hamas về vụ không kích vào một bệnh viện được cho là do Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) thực hiện, gây ra cái chết của hàng trăm người Palestine, ngay lập tức làm dấy lên làn sóng giận dữ to lớn trên toàn thế giới Hồi giáo Arập, đe dọa bùng phát toàn bộ Trung Đông. 


Rất nhanh chóng, Chính phủ Israel đã phủ nhận mọi hành động không kích nhằm vào bệnh viện này. Dần dần, các cơ quan tình báo của Israel và Mỹ đã chứng minh được rằng thảm họa này rất có thể là kết quả của một vụ phóng tên lửa thất bại của nhóm Hồi giáo Jihad, đồng minh với Hamas. Tuy nhiên, sẽ phải mất thời gian để khu vực trở lại bình yên. 


Tổng thống Mỹ đồng thời kêu gọi Israel làm mọi cách tránh để dân thường ở Gaza trở thành nạn nhân oan uổng từ cuộc tấn công mà quân đội Israel đang chuẩn bị nhằm vào khu vực này. Joe Biden nhắc nhở Benjamin Netanyahu: “Thế giới đang dõi theo. Israel có những giá trị giống với Mỹ và các nền dân chủ khác, và họ đang dõi theo những gì chúng ta sắp làm”. Đáp lại, Thủ tướng Israel cam kết: “Israel sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo dân thường không bị tổn hại”. 


Ngày 18/10/2023, nhà nước Do Thái thông báo rằng họ cho phép vận chuyển viện trợ nhân đạo (nước, thực phẩm và thuốc men) vào Dải Gaza từ biên giới Ai Cập, một biện pháp mà trước đó họ đã từ chối. Nhưng cử chỉ này của Israel có lẽ sẽ không đủ để xoa dịu cơn giận dữ trong khu vực, đặc biệt khi nước này tập trung hàng trăm nghìn binh sĩ và quân dự bị cũng như một kho vũ khí đáng kể gần Gaza để chuẩn bị sẵn sàng tấn công.


“Cái gai trong chân”


Ở Washington, mối lo ngại ngày càng tăng về hậu quả trong trung hạn và dài hạn của những sự kiện bi thảm này ở một khu vực vốn thực sự là thùng thuốc súng từ nhiều thập kỷ qua. Đó là vì nỗ lực quân sự của Mỹ đã bị thử thách mạnh mẽ do hỗ trợ Ukraine đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga kể từ tháng 2/2022. Và song song với đó, Mỹ duy trì sự hiện diện mang tính quyết định trên chiến trường Đông Á, nơi những căng thẳng với Trung Quốc chưa từng gay gắt đến mức như hiện nay xung quanh vấn đề Đài Loan. Từ Lầu Năm Góc đến Bộ Ngoại giao, mọi người đều chia sẻ nỗi lo ngại về việc một mặt trận thứ 3 sẽ mở ra ở Trung Đông. Việc này cũng có thể tạo ra cơ may bất ngờ cho Moskva và Bắc Kinh, khi đó họ có lẽ sẽ cảm thấy sức cám dỗ mạnh mẽ để hiến các quân tốt của họ trên bàn cờ quân sự ở hai vùng lãnh thổ này. 


Cái gai này trong chân Mỹ có nguy cơ trở thành một khối ung nhọt lớn nếu cuộc xung đột giữa Israel và Hamas lan rộng sang các nước láng giềng, đặc biệt Iran lại được trang bị quá nhiều vũ khí, Liban và Syria cũng vậy. Mặt khác, cuộc xung đột này cũng sẽ chôn vùi triển vọng công nhận Israel mà Saudi Arabia đang chuẩn bị phê chuẩn dưới sự bảo trợ của Mỹ. Vả lại, theo nhận định của các nhà phân tích, chính triển vọng này đã thực sự thúc đẩy Iran đóng vai trò quyết định trong việc chuẩn bị cho các cuộc tấn công của Hamas ở Israel. Sự công nhận lẫn nhau giữa Jerusalem và Riyadh có lẽ cũng là một thành công lớn của Mỹ ở Trung Đông, nơi Trung Quốc đã ghi được những điểm thắng không thể phủ nhận về ngoại giao kể từ đầu năm nay. 


Thái độ của Trung Quốc đã thay đổi rõ ràng kể từ vụ tấn công khủng bố của Hamas vào ngày 7/10/2023. Sau thời gian ban đầu từ chối coi phong trào này là “khủng bố” đồng thời thận trọng tránh ủng hộ bên nào một cách rõ ràng, trong những ngày gần đây, Trung Quốc đã ngả về phía người Palestine. Họ cũng công khai thông báo cho Iran về quan điểm mới của họ, trong khi về phần mình, Tehran đã cảnh báo Israel rằng nước này có thể trở thành mục tiêu của một “cuộc tấn công phủ đầu” nếu IDF xâm chiếm Gaza. 


Mỹ đã triển khai hai tàu sân bay và khoảng 15.000 lính thủy đánh bộ ngoài khơi bờ biển Israel và Washington đã cảnh báo Iran chớ can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột. Trung Quốc đã duy trì các mối quan hệ chặt chẽ, công khai hoặc bí mật với Tehran cũng như với Hamas trong nhiều năm qua. 


Cuối tuần trước, Bắc Kinh đã lên giọng khi bình luận về phản ứng của Israel. Chẳng hạn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố các vụ oanh kích vào Dải Gaza “vượt quá phạm vi tự vệ” và Israel “phải chấm dứt các hình phạt tập thể đối với người dân ở Dải Gaza”. 


Vai trò hòa giải 


Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, 3 công dân Trung Quốc đã bị Hamas sát hại, còn 2 người bị mất tích. Một nữ công dân Israel gốc Hoa tên Noa bị Hamas bắt cóc đã xuất hiện trong video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Đại sứ quán Israel tại Trung Quốc đã viết trên Weibo, mạng xã hội của Trung Quốc tương đương với Twitter: “Noa là người Israel gốc Hoa. Noa đang tham dự một liên hoan âm nhạc vì hòa bình ở miền Nam Israel thì những kẻ khủng bố Hamas bắt cóc đưa về Gaza. Cô ấy là một người vợ, người chị và người bạn”. 


Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) đã gặp người đồng cấp Iran và các đại diện Liên đoàn Arập. Quan điểm của ông là Israel phải tôn trọng luật nhân đạo và Trung Quốc “ủng hộ chính nghĩa của người Palestine”. Tuy nhiên, ngày 15/10/2023, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã đề nghị Vương Nghị sử dụng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn xung đột lan rộng, bằng cách can ngăn Iran can dự vào cuộc xung đột này. 


Ngày 14/10/2023, chuyên gia người Pháp về Trung Quốc François Danjou nhận định trên trang mạng questionchine.net: “Theo lời một số nhà phân tích, nếu như sự khủng bố cực kỳ tàn bạo của Hamas là một chiến lược leo thang có chủ ý để gieo rắc sự sợ hãi, được các lãnh đạo của Iran ngấm ngầm xúi giục nhằm phá hủy từ trong trứng nước công cuộc xích lại gần nhau giữa Saudi Arabia và Israel, vậy thì hoạt động hòa giải ngoại giao ngoạn mục giữa Tehran và Riyadh mà Bắc Kinh thực hiện dường như để phục vụ điều đó. Đó là sự hòa dịu được bộ máy ở Bắc Kinh tưởng tượng ra trên các dải chiến lược của Washington, song vấn đề cốt lõi của nó dường như thiếu các yếu tố cơ bản gây bùng nổ, đó là sự căm thù người Do Thái được kích động bởi những kẻ khủng bố Hamas, do Tehran chỉ đạo, chính xác là để làm suy yếu ưu thế tôn giáo Sunni của Riyadh và phá hủy dự án hòa giải của họ với Israel”. 


“Sẵn sàng cung cấp các tàu phá băng” 


Ngày 13/10/2023, Vladimir Putin còn đi xa hơn nhiều. Theo Tổng thống Nga, việc vây hãm Gaza do Israel áp đặt, nếu được tăng cường có thể giống như việc Đức quốc xã vây hãm thành phố Stalingrad trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây là sự quy chiếu có thể xúc phạm sâu sắc đến người Israel do ý nghĩa lịch sử của Đức quốc xã. 


Hôm 18/10/2023, trong chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, người hùng của Điện Kremlin đã ca ngợi “những lợi ích” của “Con đường tơ lụa mới” và tuyên bố với người đồng cấp Trung Quốc, “người bạn thân thiết” của mình, rằng Nga mong muốn đóng vai trò quan trọng trong chương trình này. 


Vladimir Putin cho biết: “Giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới, Nga và Trung Quốc đều mong muốn hợp tác cân bằng, cùng có lợi với mục đích đạt được tiến bộ kinh tế toàn cầu và bền vững cũng như phúc lợi xã hội, đồng thời tôn trọng tính đa dạng của các nền văn minh và quyền có mô hình phát triển riêng của mỗi quốc gia”. 


Tổng thống Nga nói thêm rằng nước ông sẵn sàng giúp mở tuyến đường biển phía Bắc kéo dài từ thành phố cảng Murmansk của Nga, gần biên giới với Na Uy, đến eo biển Bering, gần Alaska. “Chúng tôi sẵn sàng cung cấp tàu phá băng và phương tiện liên lạc”. 


Ngay trước khi nhà lãnh đạo Nga phát biểu, các đại biểu châu Âu, trong đó có cựu Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin đã lần lượt rời khỏi hội trường lớn của Cung điện Nhân dân, bên cạnh Quảng trường Thiên An Môn. Trước đây, ông Raffarin từng nổi bật nhờ mối liên hệ rất chặt chẽ với chế độ cộng sản Trung Quốc, ông thậm chí còn ca ngợi những thành tựu của họ trước ống kính của kênh truyền hình chính thức CCTV, để rồi kênh này đã sử dụng chúng rộng rãi cho mục đích tuyên truyền. 


Tháp tùng Vladimir Putin tới Bắc Kinh là một phái đoàn lớn gồm Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Phó Thủ tướng Alexander Novak – nhân vật chủ chốt phụ trách các vấn đề về dầu khí Nga - và người phát ngôn của chính phủ Nga Dmitri Peskov. 


Tiếp sau chuyến thăm Bắc Kinh, ngày 18/10/2023, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đến thăm Bình Nhưỡng. Triều Tiên là đồng minh thân cận của Nga và Trung Quốc. Theo một nguồn tin quân sự Hàn Quốc, những kẻ tấn công Hamas nhằm vào dân thường Israel đã sử dụng lựu đạn và đạn pháo 122mm do Triều Tiên cung cấp. Bình Nhưỡng luôn phủ nhận việc cung cấp vũ khí cho quân đội Nga ở Ukraine, bất chấp các cáo buộc từ Nhà Trắng. 


“Chống lại sự cưỡng ép về kinh tế” 


Bắt đầu vào năm 2012, chương trình “Con đường tơ lụa mới” chính thức là nhằm mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng (đường bộ, bến cảng, sân bay, đường sắt) cùng với các quốc gia ký kết bằng cách phân bổ cho họ những khoản vay lớn.


Phát biểu đưa ra đánh giá tích cực về chương trình vốn đã khiến nhiều quốc gia rơi vào bẫy nợ, Tập Cận Bình đã nhân cơ hội này gửi lời cảnh báo ngầm tới Mỹ và các đồng minh phương Tây của Mỹ muốn tách nền kinh tế của họ ra khỏi nền kinh tế của Trung Quốc. “Chúng tôi phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương, cưỡng ép kinh tế, tách rời và cản trở chuỗi cung ứng”, Chủ tịch Trung Quốc phát biểu trước khoảng 1.000 đại biểu đại diện cho hơn 130 quốc gia ký kết chương trình.


Ban đầu ủng hộ việc tách nền kinh tế của mình khỏi Trung Quốc, trong những tháng gần đây, Mỹ đã chuyển sang lập trường ôn hòa hơn theo đề xuất “giảm rủi ro” của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen, và nhận được sự ủng hộ của chính phủ 27 nước thành viên Liên minh châu Âu. Công thức này có nghĩa là trước khi ký kết bất kỳ hợp đồng nào, phải kiểm tra mọi nguy cơ phụ thuộc vào Trung Quốc và các công nghệ do phương Tây cung cấp bị sử dụng vào các mục đích quân sự.


Quan chức cấp cao duy nhất của châu Âu có mặt tại Bắc Kinh là Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ông ngồi cùng phòng với Bộ trưởng Thương mại của chính quyền Taliban ở Afghanistan, Haji Nooruddin.


Tuy nhiên, không phải tất cả các bài phát biểu đều nồng nhiệt. Ví dụ như lưu ý quan trọng của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, quốc gia nợ Trung Quốc hơn 20 tỷ USD. Ông đã nhấn mạnh tại diễn đàn rằng các dự án BRI “không được làm phức tạp tình hình tài chính” của các nước ký kết.


Một “nhóm các quốc gia bất hảo”


Đằng sau chuyến đi của Vladimir Putin tới Bắc Kinh và chuyến đi của Joe Biden tới Tel Aviv, sự cạnh tranh thường xuyên giữa một bên là Trung Quốc và Nga và một bên là Mỹ đã trở nên sâu sắc hơn. Vài ngày trước khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine hôm 24/2/2022, Vladimir Putin có mặt tại Bắc Kinh, và Tập Cận Bình đã công khai tuyên bố rằng hợp tác Trung-Nga từ nay là “vô hạn”.


Trong bối cảnh này, chúng ta có thể nói gì về mối quan hệ Trung-Mỹ? Hiện rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1979, thoạt nhìn chúng rất tồi tệ. Nhưng từ 2 tháng qua, Bắc Kinh đã nối lại đối thoại với Washington. Câu hỏi lớn là liệu Tập Cận Bình có tham gia kỳ họp tới của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra từ ngày 11-17/11/2023 tại San Francisco hay không. Nếu Chủ tịch Trung Quốc nhận lời mời, đó có thể sẽ là cuộc gặp cấp cao song phương với Joe Biden lần đầu tiên kể từ cuộc gặp của hai ông bên lề G20 ở Bali ngày 13/11/2022. Nhưng việc tổ chức cuộc gặp cấp cao sắp tới này không hề dễ dàng chút nào. Vẫn còn nhiều trở ngại do sự nghi ngờ lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo của hai siêu cường. 


Ngày 17/10/2023, quan chức thứ hai của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, Xu Xueyuan, cảnh báo rằng cuộc gặp cấp cao này sẽ chỉ diễn ra nếu Washington đáp ứng 4 điều kiện tiên quyết, liên quan đến “lợi ích sống còn” của Trung Quốc, đó là: vấn đề Đài Loan, dân chủ và nhân quyền, con đường mà Trung Quốc đã chọn cho sự phát triển và quyền phát triển của họ. 


Xu Xueyuan tuyên bố: “Hai bên có sự khác biệt trong rất nhiều lĩnh vực. Nhưng tôi nghĩ, quan trọng hơn, chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta vẫn có một nền tảng chung rất lớn. Nhiều người Mỹ cho rằng trong những năm gần đây chính Mỹ đã giúp Trung Quốc phát triển và thịnh vượng, nhưng Trung Quốc chưa hề bày tỏ lòng biết ơn. Chúng tôi không thể chấp nhận lập luận này. Chính các chính sách của Chính phủ Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc và những nỗ lực không mệt mỏi của người dân Trung Quốc đã giúp Trung Quốc trỗi dậy”. 


Theo Ian Bremmer, Chủ tịch Tập đoàn Eurasia và chuyên gia về Trung Quốc được Nikkei Asia dẫn lời, cho dù việc nối lại đối thoại Trung-Mỹ là một điều tốt, nhưng gần như toàn bộ những lý do sâu sắc dẫn đến cuộc đối đầu giữa hai gã khổng lồ của hành tinh vẫn còn nguyên đó. “Mong muốn của cả hai bên tránh những cuộc xung đột ngắn hạn tốn kém không có nghĩa là sẽ có bất kỳ thay đổi cụ thể nào trong mối thù địch của họ vốn đang ngày càng sâu sắc hơn”. 


Đặc biệt vì không có gì cho thấy mối quan hệ Trung-Mỹ đang thực sự tan băng khi hai thời hạn quan trọng đang đến gần: cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào ngày 13/1/2024 và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11/2024. Cả hai cuộc bầu cử này đều sẽ được Chính quyền Trung Quốc theo dõi chặt chẽ, và trong những tháng gần đây họ đã không ngừng gia tăng các hoạt động quân sự nhằm đe dọa hòn đảo dân chủ mà Bắc Kinh chỉ coi là một tỉnh. 


Minh họa cho căng thẳng quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ, Lầu Năm Góc hôm 17/10/2023 đã công bố các bức ảnh và video về nhiều tình huống trên không trong đó máy bay chiến đấu của Trung Quốc áp sát máy bay Mỹ một cách nguy hiểm kể từ năm 2022. Hơn 180 tình tiết về các sự cố có tính chất “cưỡng chế và mạo hiểm” đã được lực lượng không quân Mỹ ghi lại trên không phận quốc tế. Thứ trưởng Quốc phòng Ely Ratner giải thích trong một cuộc họp báo rằng chừng ấy cuộc diễn tập của không quân Trung Quốc có khả năng kích động một cuộc xung đột quân sự không mong muốn. 


Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ở Israel có thể xác nhận một xu hướng nghiêm trọng. Trung Quốc của Tập Cận Bình ngày càng rời xa phương Tây để tiến gần hơn đến các chế độ độc tài như Nga, Iran, Afghanistan, Triều Tiên, có nguy cơ hình thành một nhóm các “quốc gia bất hảo”, theo cách diễn đạt phổ biến tại Washington từ những năm 1980. Trung Quốc cũng đang ve vãn các quốc gia Nam Bán cầu mà họ hy vọng lợi dụng sự căm ghét chung đối với phương Tây để giành quyền lãnh đạo nhằm đương đầu với phe Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Ván cược này đầy rủi ro, nhưng nó rất có thể là quân bài cuối cùng mà chế độ Bắc Kinh còn giữ trong ván bài ngoại giao./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn asialyst.com

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage