Nhượng bộ Trung Quốc, Australia "quên" bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ?

Thứ Bảy, 17/05/2025

6:14 am(VN)

-

9:14 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Nhượng bộ Trung Quốc, Australia "quên" bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ?

23/11/2023

Báo điện tử “Nikkei Asia” ngày 22/11 đăng bài viết nhận định rằng sau chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Canberra dường như không còn sẵn sàng đứng lên bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
        

Khi nhậm chức thủ tướng Australia hồi tháng 5/2022, Anthony Albanese đã cam kết rằng chính quyền của ông sẽ nỗ lực “ổn định” quan hệ với Bắc Kinh thông qua việc “hợp tác với Trung Quốc ở những lĩnh vực khả thi, không đồng tình ở những vấn đề cần phải làm vì lợi ích quốc gia”. Cho đến nay, câu hỏi đặt ra là Albanese đã thành công chưa và nếu vậy thì với cái giá phải trả gì?
        

Chuyến thăm của Albanese tới Trung Quốc cách đây hai tuần là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Australia kể từ năm 2016, có thể coi là thành công nếu từ “ổn định” được xét theo “nghĩa hẹp”, đó là việc nối lại đối thoại ngoại giao cấp cao và dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế thương mại mà Trung Quốc áp đặt đối với hàng xuất khẩu của Australia trong hơn 3 năm qua. Thành tựu này dường như có được một phần là nhờ việc Albanese từ bỏ những gì ông coi là “giọng điệu ngoại giao khiêu khích không cần thiết” của người tiền nhiệm Scott Morrison và những lời chỉ trích thẳng thừng của ông đối với Trung Quốc.
        

Tuy nhiên, mục tiêu ổn định quan hệ với một quốc gia công khai tìm cách thay đổi hiện trạng, gây leo thang căng thẳng và khó đoán định về mặt chiến thuật là khó đạt được.
        

Điều quan trọng nữa là phải đo lường sự thành công theo tuyên bố của Albanese rằng việc nối lại quan hệ bình thường với Trung Quốc sẽ không gây tổn hại đến lợi ích quốc gia của Australia. Trên thực tế, Australia đã phải trả giá đắt để dọn đường cho cuộc gặp của Albanese với Tập Cận Bình.
        

Đầu tiên, vào tháng 8/2023, Canberra đã rút đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về mức thuế mà Trung Quốc áp đặt đối với lúa mạch Australia, bất chấp các báo cáo rằng Hội đồng giải quyết tranh chấp nghiêng về phía mình. Canberra đã bằng lòng cho phép Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu lúa mạch mà không cần phải thừa nhận lỗi hay bồi thường cho những người trồng lúa mạch ở Australia bị thiệt hại.
        

Nhìn vào bức tranh lớn hơn, Australia đã cho thấy nước này không còn sẵn sàng đứng ờ tiền tuyến để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Bằng cách hủy bỏ vụ kiện lên WTO, chính phủ Albanese đã quay lưng lại với việc chính thức lên án và trừng phạt Trung Quốc vì hành vi bất hợp pháp của nước này. Các quy tắc và luật pháp sẽ chẳng là gì nếu hành vi vi phạm pháp luật không được xác định và trừng phạt. Nhiều người đặt câu hỏi về quyết định của Australia, theo đó sẵn sàng ưu tiên lợi ích trước mắt từ việc nối lại hoạt động thương mại xuất khẩu trước đây trị giá khoảng 597 triệu USD để từ bỏ mục tiêu cao hơn là bảo vệ thương mại công bằng toàn cầu.
        

Quyết định của Canberra cũng làm suy yếu các nỗ lực nhằm khuyến khích các nước dân chủ hợp tác về “chống cưỡng bức thương mại”, các cơ chế có thể được triển khai trong tương lai, đặc biệt là hỗ trợ các nạn nhân ở các nước có thu nhập vừa và nhỏ.
        

Tháng trước, Canberra tiếp tục lặp lại hành động “đầu hàng” vì lợi ích riêng của mình khi đình chỉ vụ kiện chống lại Trung Quốc về mức áp thuế đối với rượu vang Australia trong khi Trung Quốc đồng ý xem xét lại vấn đề này trong vòng 5 tháng. EU và 17 quốc gia thành viên WTO đã tham gia vụ khiếu nại của Australia với tư cách là bên thứ 3 quan tâm.
        

Quyết định của Albanese và việc Bộ trưởng Thương mại Australia Don Farrell dẫn đầu phái đoàn tới “Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc” tại Thượng Hải cho thấy rõ rằng Australia sẵn sàng tha thứ và quên đi chiến dịch áp bức thương mại của Bắc Kinh. Đó là thông điệp mà khoảng 200 lãnh đạo doanh nghiệp Australia đi cùng Albanese tới Thượng Hải đã nhận được. Được giải phóng khỏi gánh nặng, các doanh nhân này đã nâng ly chúc mừng Albanese và chính những kỳ vọng của họ về doanh số xuất khẩu mới sang Trung Quốc.
        

Rõ ràng có một sự “điên rồ” khi khuyến khích các doanh nghiệp Australia quên đi những “chuyện đã qua” và coi thường những bài học rút ra trong 2 năm qua về những biến động thất thường của nền kinh tế chính trị Trung Quốc. Hành động của Albanese cũng mâu thuẫn với cam kết đã tuyên bố của Australia về việc tham gia cùng với Mỹ và các đồng minh khác để “giảm thiểu rủi ro” bằng cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng, đồng thời tránh phải đối mặt với sức ép kinh tế tiềm tàng.
        

Hai chính phủ gần đây nhất của Australia đã đầu tư công sức đáng kể vào việc thuyết phục các doanh nghiệp địa phương xem xét nghiêm túc mối đe dọa từ sự ép buộc kinh tế của Trung Quốc. Albanese đã cản trở những tiến bộ mà họ đã đạt được.
        

Để đổi lấy sự đầu hàng của Australia dưới danh nghĩa ổn định, Bắc Kinh đã nhượng bộ rất ít, ngoài việc dỡ bỏ các hạn chế thương mại mà việc áp đặt mà ngay từ đầu đã là sai lầm.
        

Các biện pháp thương mại của Trung Quốc vốn được áp dụng như một hình phạt đối với các động thái của Australia nhằm chống lại Bắc Kinh và khuyến khích những nước khác làm theo. Từ quan điểm của Bắc Kinh, các hành vi sai trái của Australia bao gồm kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của trọng tài năm 2016, ban hành luật chống lại sự can thiệp của nước ngoài, cấm Huawei tham gia mạng 5G và thắt chặt sàng lọc an ninh quốc gia đối với các khoản đầu tư nước ngoài.
        

Với uy tín của mình, Albanese đã không rút lại bất kỳ quyết định nào trong số này. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của việc có được một cuộc gặp với Tập Cận Bình đã làm giảm bớt sự chỉ trích của chính quyền ông đối với Trung Quốc. Các quan chức bây giờ đề cập tới “những trở ngại thương mại” với Trung Quốc hơn là “ép buộc kinh tế” và tự ca ngợi mình vì nêu ra được những vấn đề khó khăn sau cánh cửa đóng kín.
        

Tiếng nói của Australia trước đây nổi bật trong nhiều vấn đề quan trọng đối với khu vực và trật tự dựa trên luật lệ. Nhưng chính quyền hiện tại rõ ràng đã im lặng vào tháng 10/2023 khi các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đâm vào các tàu đang cố gắng tiếp tế cho lực lượng thủy quân lục chiến Philippines đóng trên Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông.
        

Albanese đã nói về sự cởi mở của Australia đối với việc Trung Quốc trở thành thành viên của “Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” (CPTPP) nếu nước này có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao của hiệp định. Đồng thời, Thủ tướng Australia đã bác bỏ đơn đăng ký của Đài Loan với tuyên bố không chính xác rằng tư cách thành viên không được mở cho các thực thể phi quốc gia. Quan điểm này bỏ qua khả năng Đài Loan đáp ứng các tiêu chuẩn cao của hiệp ước tốt hơn so với Trung Quốc.
        

Mới đây, các thợ lặn hải quân Australia đang thực hiện nhiệm vụ trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản đã bị thương do xung siêu âm từ tàu chiến Trung Quốc. Và hành động cố ý này của hải quân Trung Quốc cho thấy hầu như chưa có bằng chứng nào chứng minh Bắc Kinh đang thực sự tìm kiếm một kỷ nguyên mới trong quan hệ hữu nghị với Australia. Chính quyền Albanese có thể tự chúc mừng vì đã nối lại các cuộc gặp cấp cao với Trung Quốc, nhưng về bản chất, điều này sẽ không mang lại mối quan hệ ổn định và dễ đoán hơn với Bắc Kinh cũng như không làm tăng vị thế của Australia với các đồng minh và đối tác của mình./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn Nikkei Asia, vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage