Tại sao Thái Lan luôn bất ổn chính trị?

Thứ Sáu, 16/05/2025

12:59 pm(VN)

-

3:59 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Tại sao Thái Lan luôn bất ổn chính trị?

17/11/2023

Tờ “Bangkok Post” ngày 15/11 đăng bài viết của tác giả Peerasit Kamnuansilpa - Trưởng khoa Quản trị địa phương thuộc Đại học Khon Kaen - với đánh giá, nhận định về nguyên nhân dẫn đến tình hình bất ổn chính trị tại Thái Lan. Nội dung bài viết như sau:
           

Kể từ cuộc cách mạng năm 1932 - gây ra bởi cuộc đảo chính của giới tinh hoa cấp tiến nhằm thay thế chế độ quân chủ chuyên chế bằng chế độ quân chủ lập hiến - nền chính trị Thái Lan đã bước vào giai đoạn xung đột và bất ổn dai dẳng.
           

Tình trạng hỗn loạn này bắt nguồn từ cuộc đấu tranh đang diễn ra giữa các phe bảo thủ được hậu thuẫn bởi một nhóm bảo hoàng và Đảng Nhân dân (PP), định hình đáng kể nền chính trị Thái Lan.
 

Các tài liệu lịch sử cho thấy phe bảo thủ đã sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau để chống lại PP, bao gồm cả việc đóng cửa quốc hội, cuộc nổi dậy Boworadet (vào năm 1933 do Hoàng tử Boworadet theo chủ nghĩa bảo hoàng lãnh đạo) và cuộc nổi dậy Phraya Songsuradet.
           

Bất chấp những thách thức này, PP đã giành chiến thắng trong mọi cuộc xung đột cho đến tháng 11/1947, khi Thái Lan trải qua một cuộc đảo chính đưa ông Khuang Aphaiwong, cũng là một người theo chủ nghĩa bảo hoàng, lên làm thủ tướng. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của ông chỉ tồn tại trong thời gian ngắn vì bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính khác vào tháng 4/1948. Ông Khuang sau đó thành lập Đảng Dân chủ bảo thủ và trở thành thủ tướng thêm 3 nhiệm kỳ nữa.
           

Cuộc đảo chính năm 1947 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử bất ổn chính trị hiện đại của Thái Lan. Nó biến các cuộc đảo chính thành vũ khí chính trị mạnh mẽ trong bối cảnh chủ nghĩa hợp hiến trở nên vô hiệu trong việc hợp pháp hóa sự lãnh đạo của chính phủ. Năm 1948, thông qua cuộc đảo chính dưới sự lãnh đạo của phe quân sự, PP đã giành lại quyền lực chính trị và bổ nhiệm Thống chế Plaek Phibunsongkhram làm thủ tướng. Mặc dù vậy, chính phủ không tồn tại được lâu khi Thống chế cánh hữu Sarit Thanarat tổ chức một cuộc đảo chính khác vào năm 1957, qua đó đánh dấu sự sụp đổ của PP và sự xuất hiện của "chiến lược nhà nước ngầm" trong nền chính trị Thái Lan.
           

“Nhà nước ngầm” là một khái niệm nhiều mặt được sử dụng trong khoa học chính trị và có nhiều cách hiểu khác nhau. Bất kể cách giải thích như thế nào, thì nó thường ám chỉ đến một chiến lược bí mật được sử dụng bởi một mạng lưới các nhân vật nổi tiếng, trong và ngoài chính phủ hoặc các tổ chức có ảnh hưởng. Các thực thể này bí mật gây ảnh hưởng đến các quyết sách của chính phủ đằng sau bộ máy quan liêu. Sự bất ổn chính trị kéo dài của Thái Lan, được đánh dấu bằng các cuộc đảo chính do quân đội lãnh đạo và các thời kỳ quản lý gián đoạn của chính quyền quân sự, đã khiến một số nhà phân tích nhận ra các yếu tố giống như một “nhà nước ngầm”. Hiện tượng này vẫn còn dễ nhận thấy, ngay cả trong một số khoảng thời gian ngắn ngủi của chính quyền dân sự, khi cơ sở quân sự tiếp tục có ảnh hưởng đáng kể đối với các chính sách và quá trình ra quyết định của chính phủ dân cử. Điều này đặc biệt áp dụng cho việc phân bổ ngân sách quốc phòng, đặc biệt cho các hoạt động bí mật và mua sắm trang thiết bị quân sự.
           

Các khía cạnh khác của “nhà nước ngầm” được thể hiện rõ ở chỗ các cuộc tổng tuyển cử không hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của các thế lực bên ngoài chính trị. Trong cuộc bầu cử năm 2019 và 2023, các ủy viên bầu cử do chính quyền lựa chọn đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ công chúng và xã hội dân sự vì cho rằng họ thiếu tính độc lập và hoạt động kém cỏi.
           

Sau thành công của Đảng Tương lai mới (FFP) trong cuộc bầu cử năm 2019, lãnh đạo của đảng này đã bị buộc tội với nhiều cáo buộc hình sự khác nhau, nhiều tội danh liên quan đến vi phạm luật bầu cử và xúi giục nổi loạn. Thanathorn Juangroongruangkit, người sáng lập FFP cũng là người khởi xướng thành lập Đảng Tiến bước (MFP), đã bị Tòa án Hiến pháp truất quyền vào năm 2019 vì sở hữu cổ phần của công ty truyền thông V-Luck Media. Năm sau đó, cũng chính tòa án này đã ra phán quyết giải thể FFP và cấm các lãnh đạo của đảng này tham gia chính trị trong 10 năm vì khoản vay 191,2 triệu Baht mà FFP đã nhận từ ông Thanathorn, qua đó vi phạm luật hoạt động chính trị của các đảng phái.
           

Tương tự, sau cuộc tổng tuyển cử năm 2023, Pita Limjaroenrat, được cho là sở hữu cổ phần của một kênh truyền hình không còn tồn tại, cũng chịu số phận tương tự. Trong bối cảnh đó, khả năng MFP giành chiến thắng với số ghế lớn nhất trong cuộc tổng tuyển cử tới là tương đối thấp.
           

Trong tất cả các trường hợp này, ngày càng có nhiều lời chỉ trích rằng Hiến pháp năm 2017 được thiết kế bởi những người soạn thảo do chính quyền quân sự chỉ định nhằm làm giảm ảnh hưởng của các đảng phái chính trị và các quan chức dân cử, đồng thời tăng cường quyền lực của các thể chế không qua bầu cử. Hiến pháp này, được cố tình tạo ra để ngăn chặn các sửa đổi, đã khiến người dân mắc kẹt trong vấn đề phức tạp của “nhà nước ngầm”.
           

Vấn đề chính trị và kinh tế có mối liên hệ rất phức tạp. Việc thiết lập một cơ cấu quyền lực “nhà nước ngầm” và thực hiện quyền kiểm soát đối với các thành viên trong hệ thống chính trị có thể là một “hành vi vui thú”. Bắt nguồn từ “nhà nước ngầm”, nơi quyền lực chính trị chiếm vị trí trung tâm, tất nhiên dẫn đến “tham nhũng chính trị”, trong đó quyền lực kinh tế thống trị và duy trì quyền lực chính trị.
           

Trong đó các cá nhân hoặc nhóm có quyền lực tài chính hoặc chính trị thường bí mật làm việc cùng nhau để gây ảnh hưởng quá mức đối với chính phủ của đất nước nhằm thúc đẩy lợi ích của chính họ gây tổn hại đến lợi ích cộng đồng rộng lớn hơn. Nó thường bao gồm một quy trình có hệ thống và bí mật trong đó các tác nhân quản lý hoặc kiểm soát các quy trình ra quyết định quan trọng, chính sách kinh tế, quy định và thể chế để mang lại lợi ích cho bản thân họ hoặc doanh nghiệp của họ.
           

Do thiếu năng lực quản lý kinh tế, chính quyền quân sự có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của “tham nhũng chính trị”. Điều này đã được chứng minh kể từ cuộc đảo chính năm 1957 khi các giám đốc điều hành của một ngân hàng hàng đầu thường được chính quyền bổ nhiệm làm bộ trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế. Sau đó, một ông trùm bán lẻ đã thiết lập một hình thức “tham nhũng chính trị” rõ ràng hơn thông qua quyên góp chính trị, qua đó giúp một số thành viên trong gia đình ông và các cộng sự thân cận nắm quyền kiểm soát chính sách kinh tế.
           

“Nhà nước ngầm” và “tham nhũng chính trị” phối hợp với nhau để cản trở tiến bộ quốc gia. Trong 90 năm qua, các yếu tố “nhà nước ngầm” đã làm suy yếu tiến trình dân chủ, trong khi “tham nhũng chính trị” đã tạo điều kiện cho các nhóm doanh nghiệp tư nhân gây ảnh hưởng đến các quyết định của chính phủ, do đó làm suy yếu tiếng nói của người dân. Ngoài ra, “tham nhũng chính trị” thường liên quan đến hối lộ và giao dịch bất hợp pháp, chuyển ngân sách chính phủ cho lợi ích cá nhân, trong khi “nhà nước ngầm” có thể bảo vệ những kẻ tham nhũng khỏi trách nhiệm giải trình. Hơn nữa, “tham nhũng chính trị” có thể làm trầm trọng thêm sự chênh lệch kinh tế, qua đó làm gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo.
           

Giải quyết cả vấn đề cấu trúc “nhà nước ngầm” và “tham nhũng chính trị” là một thách thức lớn. Một cách tiếp cận huy động xã hội toàn diện có sự tham gia của nhiều tổ chức, xã hội dân sự và các phương tiện truyền thông là cần thiết để giải quyết những vấn đề này một cách hiệu quả. Tuy nhiên, thành công chủ yếu phụ thuộc vào sự sẵn lòng của giới tinh hoa và các nhóm xã hội thống trị khác, những người thu được lợi ích và nắm quyền kiểm soát nhà nước, các tổ chức hoặc thể chế.
           

“Nhà nước ngầm” và “tham nhũng chính trị” là những khuôn khổ khái niệm làm sáng tỏ lý do tại sao Thái Lan phải đối mặt với những thách thức trong việc phát triển và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Cần thực hiện một số bước để giải quyết những vấn đề này, chủ yếu tập trung vào nỗ lực đoàn kết nhằm thúc đẩy các chiến dịch giáo dục công dân và nâng cao nhận thức. Những sáng kiến này nhằm mục đích giáo dục công dân về tầm quan trọng của tính minh bạch và những rủi ro liên quan đến “nhà nước ngầm” và “tham nhũng chính trị”. Nhiều sự phản kháng đối với bất kỳ sự thay đổi nào chắc chắn sẽ đến từ những nhóm này./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn vna, Bangkok Post

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage