Những xu hướng và bất ổn địa chính trị ở châu phi

Thứ Bảy, 17/05/2025

5:11 am(VN)

-

8:11 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Những xu hướng và bất ổn địa chính trị ở châu phi

01/01/2024

Nhìn lại 20 năm qua cho thấy những diễn biến tương phản cả trên phương diện chính trị - với các cuộc đảo chính - lẫn kinh tế và địa chính trị với những hậu quả của đại dịch COVID-19 và cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đối với sự cân bằng quan trọng về kinh tế vĩ mô và nhân khẩu xã hội của lục địa Phi.


Trải qua một thập kỷ đáng thất vọng từ năm 1990 đến 2000, với sự hỗn loạn trong quản lý và các yếu tố, cả bên trong lẫn bên ngoài, góp phần dẫn đến các kết quả kinh tế yếu kém, bị các hoạt động chính trị phi dân chủ làm cho trầm trọng hơn, nạn tham nhũng tràn lan, sự bùng nổ các cuộc chiến tranh và những bất ổn đa dạng, thập niên 2000, đánh dấu sự khởi đầu của thiên niên kỷ, đã làm dấy lên nhiều tia hy vọng ở châu Phi. Việc đổi tên Tổ chức Thống nhất châu Phi thành Liên minh châu Phi, vô số các sáng kiến khu vực nhằm hội nhập kinh tế và con người sâu rộng hơn, sự thúc đẩy quá trình dân chủ hóa các hệ thống chính trị và tiếp tục phát triển các tổ chức xã hội dân sự là những nét đặc trưng cho những diễn biến quan trọng và những thách thức chủ yếu mà chúng ta cần theo dõi trong những thập kỷ tới.


Như vậy, thông qua việc xem xét những gì đã xảy ra trong quá khứ, chúng ta sẽ cố gắng xác định những xu hướng cấu trúc của những diễn biến chính ở châu Phi đến năm 2050, đồng thời dự báo những bất ổn địa chính trị mà những thách thức và diễn biến hiện tại có thể gây nên.


Quá trình dân chủ hóa chậm chạp ở châu Phi cận Sahara


Bằng việc thông qua các hiến pháp mới trong suốt thập kỷ 1990 - 2000, các nước châu Phi cận Sahara đã đi vào một làn sóng chuyển đổi dân chủ mới. Sự thay đổi này được thể hiện đặc trưng bằng việc thiết lập các hệ thống chính trị đa nguyên, thừa nhận sự đối lập chính trị, các quyền cơ bản và tự do công cộng. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những thay đổi về thể chế này, nền dân chủ ở nhiều quốc gia châu Phi cận Sahara vẫn được coi là một nền dân chủ giả tạo, một thứ “xa xỉ”. Quá trình dân chủ thường được xây dựng để đáp ứng những kỳ vọng và điều kiện quốc tế của các nhà tài trợ chính phương Tây. Các chỉ số thành tựu được nhận thấy thông qua việc tổ chức các cuộc bầu cử tự do và minh bạch, sự phát triển của hệ thống đa đảng và thúc đẩy quản trị tốt.

 

Do không có một thể chế vững chắc và các cơ chế điều hành độc lập, sự mở cửa bề ngoài này đã không thành công trong việc tạo ra một sự đột phá về chính trị với những sự lệch lạc chuyên quyền của các hệ thống được dựa trên các quốc gia độc đảng.


Nếu như một số quốc gia đã đạt được những tiến bộ đáng kể, thì ở những quốc gia khác còn nhiều trở ngại và tập quán thậm chí chống lại sự thay đổi một cách quyết liệt. Những tiến trình này bị cản trở bởi việc tổ chức các cuộc bầu cử, chắc chắn là thường xuyên nhưng không được chuẩn bị tốt, gian lận và rất thường xuyên dẫn đến bạo lực đẫm máu sau đó.

 

Ở nhiều quốc gia, hệ thống đa đảng và việc tổ chức thường xuyên các cuộc bầu cử đã không được tiếp nối bằng những sự kế thừa và chuyển đổi chính trị một cách dân chủ và hòa bình. Sự trỗi dậy của các cuộc đảo chính ở một số quốc gia (Mali, Burkina Faso) chứng tỏ việc thừa nhận về sự suy giảm dân chủ sau một thập kỷ 2000 - 2010 đáng khích lệ. Thực tế này gắn liền với tính lịch sử của một số hệ thống quốc gia, được đánh dấu bằng những logic của tình trạng cá nhân hóa mạnh mẽ quyền lực và thể chế, đôi khi khiến cho sự chuyển đổi và kế thừa bằng vũ khí và bạo lực trở thành phương tiện thay thế đáng tin cậy duy nhất để tiếp cận quyền lực.


Tuy nhiên, các quá trình dân chủ hóa đang dần bén rễ ở lục địa này thông qua việc thành lập và củng cố các thể chế đại diện, tổ chức các cuộc bầu cử đa đảng và trên hết là sự gia tăng quyền lực của các phong trào phản kháng quần chúng trên đường phố và trên mạng xã hội đòi hỏi nhiều tự do và dân chủ hơn. Do đó, chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng các phong trào phản đối dân sự, chính trị và công đoàn, thường được các nhà thờ và tổ chức xã hội dân sự tiếp sức. Phong trào “Chán ngấy rồi” vào tháng 6/2011 ở Senegal chống lại cựu Tổng thống Abdoulaye Wade và “Đừng động đến hiến pháp” vào tháng 6/2013 ở Bénin là những minh họa cho điều này.
 

Việc truyền thông hóa các cuộc huy động này có thể làm thay đổi đáng kể không chỉ các hành vi mà còn cả bản chất và hình thức của các tổ chức trong những thập kỷ tới. Những hình thức huy động mới này, diễn ra theo chu kỳ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, và được tung hô bởi sự tự do hóa thông tin và sự bùng nổ của các mạng xã hội, cho phép gia tăng ảnh hưởng của các nhóm gây áp lực, việc thúc đẩy nhân quyền và nâng cao nhận thức trong các cộng đồng dân cư về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của họ. Xu hướng này, vốn là một động lực không thể đảo ngược, có thể được củng cố đáng kể trong những năm tới.


Việc củng cố các nền dân chủ châu Phi có thể là một yếu tố của hòa bình và ổn định lâu dài. Nó có góp phần vào việc tăng cường sự vững chắc của các thể chế và thúc đẩy việc phân phối lại tài sản quốc gia cân bằng hơn bằng cách đẩy nhanh quá trình phân quyền trước những bất bình đẳng về lãnh thổ.


Sự tồn tại dai dẳng của các hành vi phi dân chủ và việc không có thay đổi chính trị có thể hủy hoại mọi hy vọng giải phóng các cộng đồng người dân châu Phi. Vả lại, chúng có thể xác nhận việc tái tạo lại sự hình thành của giai cấp thống trị hiện nay và do đó làm gia tăng sự trì trệ về chính trị kèm theo những rạn nứt và chia rẽ.


Sự tăng trưởng dân số mạnh mẽ: giữa những cơ hội kinh tế và nguy cơ bất ổn địa chính trị


Trong 2 thập kỷ qua, theo thống kê, châu Phi đã tạo ra hơn 37 triệu công ăn việc làm, trong khi dân số đã tăng gần gấp 5 lần từ năm 1960 đến năm 2020, vượt quá 1 tỷ người vào năm 2017. Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 2,7%, trong khi trên toàn cầu là 1%. Mức tăng thất nghiệp hàng năm từ 2017 đến 2019 trung bình là 30 triệu người mỗi năm. Những cải cách do các nước châu Phi thực hiện và sự du nhập các nguồn vốn mới, các nguồn tài chính “đổi mới” và xóa nợ quan trọng đã không thành công trong việc đảo ngược đồ thị thất nghiệp và tình trạng bấp bênh do áp lực nhân khẩu học ở châu Phi cận Sahara tạo ra, điều đó góp phần khiến sự ổn định tương đối ở một số quốc gia trở nên mong manh.


Thách thức về nhân khẩu học vẫn còn rất lớn đối với lục địa hơn một tỷ dân này. Trong 1 thế kỷ (1950-2050), số thanh niên từ 15 đến 30 tuổi ở châu Phi sẽ tăng hơn 10 lần và số thanh niên thành thị cũng sẽ tăng thêm hơn 20 lần - thách thức lịch sử mà chưa xã hội nào từng phải đương đầu. Hơn 20 triệu thanh niên hàng năm tham gia thị trường việc làm, mà hơn 75% trong số đó không có việc làm bền vững hoặc ổn định. Tăng trưởng kinh tế dẫn đến sự bất bình đẳng lớn và do đó đóng góp ít vào việc tái phân phối nội bộ, vốn cho phép các thị trường mở rộng.


Sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội của khu vực châu Phi cận Sahara trong những năm và thập kỷ tới sẽ phụ thuộc vào mức độ hội nhập xã hội nghề nghiệp của thanh niên trong các nền kinh tế chính thức ở cấp quốc gia và khu vực. Tăng trưởng sẽ vẫn phụ thuộc vào cả con đường được thực hiện bởi những thay đổi quốc tế hiện nay và những cải cách cơ cấu cần được tiến hành và vận dụng. Sự trỗi dậy của các nước mới nổi làm tăng tính cạnh tranh quốc tế ở châu Phi, có thể gây ra sự chuyển đổi cơ cấu của các nền kinh tế châu Phi. Nhưng nó cũng có nguy cơ, do thiếu điều kiện và sự phối hợp trong hợp tác, gây tổn hại nghiêm trọng đến việc bảo vệ xã hội cho người dân và duy trì sự cân bằng địa chính trị quốc gia và khu vực.


Năng lực của các quốc gia châu Phi cận Sahara trong việc tạo việc làm ổn định và bền vững trên quy mô lớn là rất yếu so với tốc độ tăng dân số. Vậy nên, tất cả các nghiên cứu đều đồng ý rằng châu Phi sẽ có dân số năng động lớn nhất thế giới vào năm 2050.


Nếu sự hội nhập xã hội nghề nghiệp của thanh niên vào các nền kinh tế chính thức có hiệu quả thì khu vực châu Phi cận Sahara có thể trải qua sự phát triển kinh tế đa ngành ngoạn mục trong những thập kỷ tới và do đó tiến gần hơn đến trọng tâm của nền kinh tế thế giới.


Nếu thanh niên bị tách ra khỏi các hệ thống kinh tế và nếu sự hội nhập của họ vào các lĩnh vực chính trị và hệ thống sản xuất không hiệu quả, khu vực châu Phi cận Sahara chắc chắn sẽ trải qua những bất ổn và thảm họa nhân đạo chưa từng có.


Những thách thức an ninh dai dẳng: nội chiến, sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan bạo lực và đảo chính quân sự


Cường độ xung đột và số lượng các cuộc nội chiến trong những năm 1960-1970 và trong những năm 1990-2000 đã giảm dần kể từ đầu những năm 2000. Nếu từ năm 1990 đến năm 2000 mỗi năm trên lục địa xảy ra khoảng 11 cuộc xung đột thì con số này đã giảm trung bình còn 5 cuộc kể từ năm 2001. Nhiều công cụ và cơ chế về thể chế, hoạt động và tài chính đã được các nước châu Phi và các đối tác quốc tế của họ thực hiện nhằm ngăn chặn, quản lý xung đột và củng cố hòa bình ở châu Phi. Từ việc Tổ chức thống nhất châu Phi (OAU) áp dụng cơ chế quản lý và ngăn ngừa xung đột vào năm 1993 cho đến việc thành lập Liên minh châu Phi (AU) vào đầu những năm 2000, châu Phi đã thực hiện một quá trình dần dần đạt được năng lực hoạt động tự chủ, đã cho phép châu lục này tự trang bị cho mình các cơ quan thể chế như Ủy ban Liên minh châu Phi, Hội đồng hòa bình và an ninh và do đó một Kiến trúc hòa bình và an ninh châu Phi (APSA).


Tuy nhiên, sự mất lòng tin và tranh cãi về và vai trò lãnh đạo giữa các quốc gia trong khu vực liên quan đang diễn ra mạnh mẽ vào thời điểm lục địa này đang dần bị lấn át bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa chính thống và chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ vẫn là vấn đề an ninh lớn đối với nhiều quốc gia (Cameroon, Sénégal, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Mali…).


Mặc dù các cuộc khủng hoảng và xung đột đã giảm bớt trên lục địa này, nhưng triển vọng hòa bình sẽ xoay quanh hai giả thuyết chính:


- Hoặc các quốc gia sẽ kiên quyết rút ra được những bài học từ những thất bại được nhận thấy trong những năm gần đây trong việc quản lý các cuộc xung đột, các tình huống chuyển tiếp và tái thiết sau xung đột và do đó sẽ tăng cường hợp tác khu vực của họ trong các vấn đề an ninh và quốc phòng;


- Hoặc sự ích kỷ dân tộc sẽ lấn át trong các hợp tác khu vực và những thất bại của hợp tác khu vực sẽ tạo cơ hội cho các nhóm vũ trang gia tăng khả năng gây phương hại và tăng cường sự gia tăng các mối đe dọa bất đối xứng khủng khiếp có thể nhấn chìm các quốc gia trong tình trạng mất an ninh cơ cấu kinh niên.


Tình trạng này có thể gây ra những tác động thảm khốc, không chỉ đối với các nền kinh tế quốc gia, mà trên hết còn đối với khả năng của họ đuổi kịp sự phát triển muộn màng kéo dài trong suốt 40 năm qua.


Đối mặt với sự tồn tại dai dẳng các điểm nóng căng thẳng ở một số khu vực và sự gia tăng các mối đe dọa ngày càng mang tính xuyên quốc gia và bất đối xứng, các liên minh khu vực có thể tự củng cố trong những năm và thập kỷ tới.


Nếu sự trỗi dậy của chủ nghĩa chính thống và chủ nghĩa cực đoan bạo lực được xác nhận, chúng ta có thể nhận thấy 2 kịch bản:


- Kịch bản thứ nhất: chúng ta có thể chứng kiến sự sụp đổ của một số quốc gia châu Phi và sự tê liệt kinh tế của họ (như trường hợp của Cộng hòa Trung Phi, Mali, Libya hoặc Somalia);


- Kịch bản thứ hai: chúng ta có thể quan sát thấy sự siết chặt luật pháp quốc gia trong các vấn đề an ninh nội bộ với việc hạn chế các quyền tự do công cộng, nhưng cũng có thể có sự hợp tác về cấu trúc thường xuyên trong các vấn đề an ninh và quốc phòng ở cấp khu vực.


Châu Phi, nguồn khao khát và sự cạnh tranh quốc tế mang những yếu tố gây bất ổn


Từ nhiều thập kỷ qua, khu vực châu Phi cận Sahara đã thu hút sự quan tâm của các cường quốc. Lâu nay vốn được dành cho quan hệ đối tác và hợp tác với châu Âu, đối với Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil, thì châu Phi chính là một kho chứa nguyên liệu năng lượng. Châu Phi cận Sahara là một không gian có tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn diện bất chấp những cơn gió thổi ngược trong những năm gần đây bởi đại dịch COVID-19 và chiến tranh Nga-Ukraine. Chắc chắn, châu Phi cận Sahara chỉ chiếm khoảng 2% thương mại quốc tế, nhưng lại ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong trao đổi quốc tế, với tỷ lệ nhập khẩu khoảng 16% mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2011. Động lực này đã được củng cố từ năm này sang năm khác, nếu chúng ta nhìn vào những biến động về nhân khẩu học và tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác trên lục địa. Do đó, nó khiến các cường quốc quốc tế thèm muốn và là nơi diễn ra những xung đột chiến lược và kinh tế giữa các cường quốc này.


Những khám phá mới trong các khu vực Thung lũng Rift (vùng Hồ Turkana) và rìa phía Đông giàu khí đốt của tiểu lục địa Ấn Độ Dương sẽ cho phép châu Phi tiếp tục là 1 trong số 5 khu vực thăm dò hàng đầu hứa hẹn nhất trên thế giới. Là nguồn thèm khát của các quốc gia cũng như của các nhóm vũ trang quốc gia và xuyên quốc gia, mảnh đất gia tăng ảnh hưởng, không gian địa chính trị và địa kinh tế nổi bật, châu Phi sẽ vẫn nằm trong chương trình nghị sự ngoại giao trong chính sách đối ngoại của các cường quốc quốc tế, cho dù chúng có quy mô lớn hay trung bình.


Những hậu quả địa chính trị của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine có nguy cơ tác động tiêu cực nghiêm trọng đến những cân bằng mong manh đã được đàm phán hoặc đạt được trong những năm qua. Những lợi thế kinh tế và thương mại của Trung Quốc và cuộc tấn công chiến lược của Nga vào lục địa này có thể làm lũng đoạn nghiêm trọng quá trình chuyển đổi được thiết lập ở châu Phi trong trường hợp khối Mỹ/châu Âu giành chiến thắng. Các quốc gia châu Phi thân cận với Nga hoặc đã phát triển các thỏa thuận quốc phòng với Nga có thể làm sống lại số phận được dành cho một số nước trong và sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.


Sở dĩ châu Phi trở thành nơi diễn ra các cuộc xung đột kinh tế và chính trị giữa các cường quốc quốc tế, đó là vì các quốc gia đại diện cho lợi ích sống còn của các cường quốc này có thể gặp phải căng thẳng chính trị nội bộ nghiêm trọng với sự gia tăng gấp bội các hoạt động hỗ trợ tác chiến từ bên ngoài cho các phong trào phản kháng của quần chúng.


Cuối cùng, sở dĩ việc đa dạng hóa các đối tác của châu Phi góp phần làm cho các nền kinh tế quốc gia trở nên năng động và tăng cường sự viện trợ nhà nước cho phát triển, đó là vì động lực này có thể đẩy nhanh sự phát triển kinh tế và xã hội của lục địa cùng với nguy cơ tạo ra những sự phụ thuộc mới vào một số nhà tài trợ./.
 

Thoibaovietuc.com/Nguồn aerion24.news, vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage