Những mặt trái của việc ăn thô thực phẩm

Thứ Bảy, 17/05/2025

10:04 pm(VN)

-

1:04 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Những mặt trái của việc ăn thô thực phẩm

06/09/2023

Vừa qua, Zhanna Samsonova, 39 tuổi, một blogger nổi tiếng người Nga đã tử vong vì thiếu chất, suy nhược cơ thể sau một thời gian chỉ ăn rau củ quả chưa qua chế biến. Cái chết của cô gái này đã gây kinh hoàng cho những tín đồ của xu hướng biến hội chứng orthorexia (ám ảnh với việc ăn uống lành mạnh) thành nguồn cảm hứng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

Samsonova, là một người có tầm ảnh hưởng (influencer) trên mạng xã hội, nhận được hàng triệu lượt theo dõi trên TikTok, Facebook và Instagram với cái tên Zhanna D'Art. Cô tuân thủ phương pháp thuần chay, ăn thô (chỉ tiêu thụ rau quả chưa qua chế biến) và thường xuyên quảng cáo về chế độ ăn này với người hâm mộ rằng nó rất tốt cho sức khoẻ.

 

Theo những người bạn thân của tiktoker, trước khi qua đời, Samsonova thường xuất hiện với vẻ ngoài mệt mỏi, gầy gò, chân sưng tấy, chảy dịch bạch huyết. Tiến sĩ Rebecca Reynolds, chuyên gia dinh dưỡng tại Sydney, cho biết chế độ ăn hoàn toàn bằng "trái cây, mầm hạt hướng dương, sinh tố và nước ép" khiến cơ thể Samsonova suy kiệt.

 

Theo các nhà khoa học, Ăn thô thực phẩm tươi sống trong thời gian dài không chỉ khiến cơ thể suy kiệt mà còn dễ nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng, thậm chí đe dọa tính mạng.

 

Chế độ ăn thô, hay còn gọi là raw food diet, là cách ăn uống sử dụng thực phẩm tươi sống, không dùng nhiệt độ cao để đun nấu, cũng không trải qua các công đoạn tinh chế, thanh trùng hay xử lý. Người theo chế độ này sử dụng chủ yếu các thực vật bao gồm trái cây, rau xanh, các loại hạt, song vẫn có thể bổ sung trứng sống và sữa theo nhu cầu, thậm chí cá thịt sống.

 

Nhiều người cho rằng chế độ ăn thô rất lành mạnh bởi giữ được hàm lượng các enzyme tự nhiên cùng các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm khi không bị nấu chín, từ đó hỗ trợ giảm cân, cải thiện sức khỏe và bảo vệ môi trường.

 

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y dược TP HCM, nhận định các chế độ ăn thiếu cân bằng dinh dưỡng như thuần chay, ăn thô, thực dưỡng có thể ảnh hưởng sức khỏe nếu áp dụng lâu dài.

 

Theo y học cổ truyền, ăn nhiều đồ sống lạnh sẽ làm tỳ vị hư hàn, dẫn đến bụng óc ách, ăn uống khó tiêu, hay trung tiện, đôi khi kèm theo tiêu chảy rất khó chịu, mất ngủ. Ngoài ra, nguy cơ lớn nhất khi ăn thô là thiếu dinh dưỡng và ngộ độc do vi khuẩn, virus, độc tố tồn tại trong thực phẩm

 

Nhiều loại đậu có chứa saponin và legumin, khi vào cơ thể gây ói mửa, đau bụng, dẫn đến tiêu chảy, trường hợp nặng có thể ảnh hưởng tính mạng. Tuy nhiên, saponin và legumin là hai độc tố có thể bị phá vỡ khi gặp nhiệt độ cao. Do đó, thực phẩm được chế biến và làm chín ở nhiệt độ cao sẽ an toàn khi sử dụng.

 

Ăn sống các loại rau còn có nguy cơ gây tiêu chảy do E.coli, salmonella, staphyococcus, campylobacteria, giun xoắn ký sinh, virus viêm gan A, B, E. Khi nấu chín ở nhiệt độ cao, các loại vi khuẩn này sẽ bị tiêu diệt.

 

Tương tự, bác sĩ Tạ Huy Hải, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Hà Nội), cho biết việc ăn các loại rau củ quả thô hoặc thịt cá sống dẫn đến nguy cơ rất lớn mắc các bệnh ký sinh trùng. Do rau sống không đảm bảo vệ sinh như tưới bón phân tươi, phân chưa ủ kỹ, sử dụng thuốc trừ sâu không đúng quy định. Các loại ký sinh trùng hay gặp trên rau củ quả sống là giun kim, móc, tóc, trứng giun đũa chó, sán lá gan, ký sinh trùng amip gây bệnh lỵ.

 

Các loại ký sinh trùng ký sinh trong cơ thể hút các chất bổ dưỡng để phát triển, lâu dài làm suy yếu hệ miễn dịch, gây tổn thương ruột, viêm ruột, rối loạn tiêu hóa. Ấu trùng sán lợn từ trong ruột sẽ xâm nhập mạch máu và di chuyển khắp nơi, tạo thành những nốt cứng ở bắp thịt, nhiều nhất là ở mô dưới da, não và mắt. Nang sán lợn có thể gây bệnh viêm màng não, tổn thương não, động kinh, giảm thị lực hay mù mắt.

 

Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương từng làm một thí nghiệm về các loại rau sống rửa ba lần bằng nước sạch theo cách rửa thông thường, sau đó được làm xét nghiệm lại. Kết quả cho thấy tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng sau rửa lần thứ nhất là 97%, lần thứ hai 77,9% và lần thứ ba 51,9%.

 

Các chuyên gia khuyến cáo người dân tuân thủ nguyên tắc vệ sinh ăn uống, không ăn thịt sống hoặc tái, không ăn thịt động vật mắc bệnh; ăn chín, uống sôi, tẩy giun định kỳ một năm 3 lần, mỗi lần cách nhau 4 tháng (liều lượng tùy vào độ tuổi theo chỉ định)./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn vnexpress

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage