Những “cơn gió chướng” có thể làm đảo lộn quan hệ Australia-Trung Quốc

Thứ Bảy, 17/05/2025

4:39 am(VN)

-

7:39 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Những “cơn gió chướng” có thể làm đảo lộn quan hệ Australia-Trung Quốc

13/01/2024

Trang mạng The Diplomat mới đây đăng bài viết của Tiến sĩ Corey Lee Bell - Cán bộ Dự án và Nghiên cứu tại Viện Quan hệ Australia-Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS) - cho rằng có 3 yếu tố có thể xảy ra và có nguy cơ “kéo lùi” mối quan hệ mới được phục hồi giữa Australia và Trung Quốc. Nội dung bài viết như sau:


Sau những thăng trầm trong mối quan hệ Australia-Trung Quốc dưới thời các chính phủ liên minh do Thủ tướng Malcolm Turnbull và Scott Morrison lãnh đạo (2015-2022) ở Australia, năm 2023 đã chứng kiến sự hòa dịu trong quan hệ Canberra-Bắc Kinh – mục tiêu mà chính quyền Công đảng đương nhiệm theo đuổi - khi mối quan hệ này được nhiều người coi là đã “ổn định”.


Sự cải thiện này đã được đánh dấu bằng một số cột mốc quan trọng. Hầu hết các hạn chế thương mại mà Bắc Kinh áp đặt đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Australia (bao gồm than đá, thịt bò và lúa mạch) trong nhiệm kỳ của chính quyền trước đó hiện đã được dỡ bỏ, phần còn lại (rượu vang và tôm hùm) dự kiến sẽ kết thúc vào đầu năm 2024.


Cheng Lei, một công dân Australia bị Bắc Kinh giam giữ vì cáo buộc vi phạm an ninh quốc gia năm 2020, đã được trả tự do vào tháng 10/2023, làm dấy lên hy vọng nhà văn người Australia gốc Hoa, Tiến sĩ Yang Hengjin - người bị giam giữ năm 2019 vì tội gián điệp – cũng sẽ được trả tự do.


Thương mại song phương đang phát triển và các cuộc gặp song phương cấp cao được tổ chức thường xuyên, đỉnh điểm là Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình (Xi Jinping) trong chuyến thăm chính thức Bắc Kinh - cuộc gặp lần thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo. Sau cuộc gặp, Thủ tướng Albanese cho biết mối quan hệ song phương đã cho thấy “những dấu hiệu đầy hứa hẹn”, trong khi Tập Cận Bình, khi phát biểu khai mạc cuộc họp, cho biết mối quan hệ đã “bắt đầu đi vào con đường đúng đắn để cải thiện”.


Vậy triển vọng cho quan hệ Australia-Trung Quốc trong năm 2024 là gì?


Mặc dù mối quan hệ này đang trên đà đi lên, song những khác biệt cơ bản vẫn đặt ra câu hỏi về mức độ thân thiết mà mối quan hệ có thể đạt được và bản chất thực sự trong khả năng phục hồi của nó. “Chìa khóa” trong số đó là liên minh chặt chẽ của Canberra với Washington, cùng với mối quan ngại chung của 2 nền dân chủ này về những thách thức mà Trung Quốc đặt ra đối với an ninh khu vực, các giá trị dân chủ tự do và trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ. Đồng thời, câu hỏi hóc búa lâu nay của Australia về việc cân bằng lợi ích kinh tế sinh lợi từ quan hệ đối tác thương mại với Trung Quốc - và cả lợi ích an ninh của liên minh với Mỹ - đang ngày càng trở nên “nóng bỏng”, với các “cuộc chiến” kinh tế và công nghệ trở thành trọng tâm của sự cạnh tranh quyền lực nước lớn.


Bước sang năm 2024, một số diễn biến tiềm năng có thể bộc lộ sự mong manh của mối quan hệ hòa dịu Australia-Trung Quốc năm 2023. Đặc biệt, 3 yếu tố có thể xảy ra có nguy cơ hủy hoại sâu sắc mối quan hệ: Thứ nhất, một sự cố hoặc tai nạn liên quan đến quân đội hai nước ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và biển Hoa Đông; thứ hai, Australia hạn chế Trung Quốc tiếp cận các khoáng sản quan trọng của nước này, đặc biệt là lithium; và Canberra lần thứ ba cấm công nghệ Trung Quốc vì lý do an ninh, lặp lại gần như quyết định tương tự đối với Huawei năm 2018.


Biển Nam Trung Hoa và biển Hoa Đông


Tháng 11/2023, các thợ lặn của Hải quân Hoàng gia Australia - khi đang hoạt động trong vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố là đối tượng tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản - đã bị thương do xung siêu âm phát ra từ tàu của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN). Đây là một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất liên quan đến quân đội hai nước trong lịch sử gần đây.


Canberra ngay lập tức chỉ trích hành động của Trung Quốc thông qua các kênh chính thức và tuyên bố công khai. Điều này đã gây ra phản ứng giận dữ của Bắc Kinh khi Trung Quốc đặt câu hỏi về tính xác thực của các cáo buộc và sau đó cáo buộc lại rằng Australia có hành động khiêu khích.


Mặc dù đây không phải là sự tương tác nguy hiểm đầu tiên giữa quân đội Australia và Trung Quốc ở vùng biển gần Trung Quốc, nhưng vụ việc này phản ánh sự leo thang của cả hai bên. Bên cạnh những lo ngại về lãnh thổ, còn có một yếu tố địa chiến lược bổ sung đằng sau những căng thẳng này.


Truyền thông Trung Quốc đã theo dõi chặt chẽ các cuộc tập trận chung của Australia với Mỹ, Philippines và Nhật Bản ở vùng biển gần Đài Loan. Một số phương tiện truyền thông Trung Quốc đã suy đoán rằng Mỹ đang sử dụng các cuộc tập trận kiểu này để chuẩn bị cho hoạt động huy động các đồng minh của mình một cách nhanh chóng trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược Đài Loan. Với các hòn đảo xa xôi của Nhật Bản ở gần phía Bắc Đài Loan và Philippines ở gần phía Nam – cũng như sự hỗ trợ quân sự từ Nhật Bản và quyền đóng quân ở cả Okinawa lẫn Philippines - sẽ giúp lực lượng Mỹ tạo thành “gọng kìm” đối với các lực lượng tấn công và có khả năng ngăn chặn cả kênh Bashi và eo biển Miyako, nơi lực lượng hải quân Trung Quốc sẽ phải đi qua để phong tỏa Đài Loan.


Với những lợi ích chiến lược rõ ràng như vậy (đối với Mỹ), Trung Quốc có thể tiếp tục phản ứng mạnh mẽ với các cuộc tập trận này – vốn không có dấu hiệu giảm bớt ngay lập tức. Điều này đặc biệt có thể xảy ra nếu Bắc Kinh lo ngại rằng các cuộc tập trận có thể làm suy yếu chiến dịch đe dọa của Bắc Kinh và khuyến khích “các lực lượng độc lập của Đài Loan”.


Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ điều này có ý nghĩa gì đối với mối quan hệ Australia-Trung Quốc.


Một cách bi quan, việc lặp lại điều gì đó tương tự như sự cố sóng siêu âm có thể sẽ làm tăng nghi ngờ của Canberra về các ý định của Bắc Kinh. Có khả năng cũng làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố giữa Mỹ và Trung Quốc, từ đó có thể leo thang và có khả năng gây ra xung đột rộng hơn. Nếu điều đó xảy ra, Canberra gần như chắc chắn sẽ đứng về phía đồng minh của mình.


Lạc quan hơn, những lời chỉ trích của Bắc Kinh về cuộc tập trận chung phần lớn nhắm vào các nước láng giềng và Washington. Không lâu sau sự cố sóng siêu âm, Bắc Kinh đã cử người đứng đầu Ban liên lạc quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc là Lưu Kiến Siêu (Liu Jianchao) tới Australia và bãi bỏ các hạn chế thương mại đối với thịt bò Australia. Một lý do tiềm tàng cho động thái này là quan điểm của các nhà phân tích Trung Quốc rằng Mỹ đang “giật dây”. Trong cả hai trường hợp, do Australia phụ thuộc vào sự hậu thuẫn của Mỹ, Bắc Kinh sẽ cảm thấy rằng “chìa khóa” để tạm dừng các cuộc tập trận này không nằm ở Canberra mà ở Washington.


Khoáng sản quan trọng


Một vấn đề tiềm tàng khác đối với mối quan hệ Australia-Trung Quốc là khả năng cản trở việc Trung Quốc tiếp cận các khoáng sản quan trọng của Australia. Đứng đầu danh sách là lithium – sản phẩm chủ chốt trong pin sạc, được mệnh danh là “dầu mới”.


Trước đây từng có những lo ngại rằng các hạn chế thương mại hoặc đầu tư vào lithium nhắm vào Trung Quốc sẽ gây tổn hại đáng kể đến mối quan hệ song phương. Một lý do chính được viện dẫn là Australia cho đến nay là nguồn nhập khẩu khoáng sản lớn nhất để cung cấp nhiên liệu cho ngành công nghiệp xe điện và pin sạc đang phát triển của Trung Quốc - những ưu tiên chính trong chiến lược “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc 2025) của Bắc Kinh và các kế hoạch tận dụng quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của nước này. 


Tuy nhiên, những hạn chế như vậy có thể diễn ra nhiều hơn vào cuối năm 2024. Cho đến nay, một tỷ lệ đáng kể xuất khẩu lithium của thế giới đã đến Trung Quốc, quốc gia có trữ lượng lithium khiêm tốn nhưng lại thống trị hoạt động chế biến và sản xuất pin lithium. Năm 2022, Trung Quốc sở hữu hơn một nửa công suất nhà máy lọc lithium của thế giới trong khi thị phần công suất sản xuất pin lithium-ion của nước này đứng ở mức khoảng 77%. Tuy nhiên, yếu tố làm thay đổi cuộc chơi là Mỹ - cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu - đang tích cực chuyển sang tăng cường năng lực sản xuất pin và lọc dầu của riêng họ thông qua các chương trình trợ cấp như Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Washington. Nếu thành công trong việc này, sự chú ý của Mỹ sẽ chuyển từ mua pin sang đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu thô dùng để sản xuất chúng. Điều này có thể sẽ khiến Mỹ chuyển sự chú ý sang Australia - hiện là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và là một trong những quốc gia cung cấp chính, đồng minh thân cận nhất của Washington.


Cùng với điều này, báo cáo Chiến lược khoáng sản quan trọng 2023-2030 của Australia được công bố gần đây cho biết: “Chính phủ sẽ sử dụng các công cụ chính sách để giúp đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là khi điều này sẽ liên kết các dự án của Australia với thị trường của các đồng minh và đối tác của chúng tôi”. Phản ánh điều này, Bộ trưởng Tài chính Australia Jim Chalmers đã “chặn” 3 hồ sơ dự thầu của các công ty khai thác Trung Quốc, trong khi Australia và Indonesia gần đây đã đạt được thỏa thuận về pin xe điện. Tuy nhiên, Australia vẫn tiếp tục xuất khẩu gần như toàn bộ lượng lithium sang Trung Quốc và các nhà đầu tư Trung Quốc – chủ yếu là Tianqi Lithium – vẫn có cổ phần đáng kể trong các hoạt động tại địa phương. Những mâu thuẫn này có thể sẽ được xem xét kỹ lưỡng trong năm 2024 và xa hơn thế nữa.


Một yếu tố có thể thúc đẩy hành động ngay lập tức là nếu Trung Quốc bị phát hiện sử dụng các công cụ phi thị trường để duy trì, mở rộng hoặc vũ khí hóa sự thống trị chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng của mình. Tháng 7/2023, Trung Quốc đã cấm xuất khẩu đất hiếm germani và gali, mặc dù đây được coi là hành động trả đũa lệnh cấm xuất khẩu công nghệ của Mỹ. Điều này diễn ra sau lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản sau vụ đánh cá liên quan đến 2 quốc gia năm 2010. Mặc dù không rõ liệu lệnh cấm năm 2010 có thực sự được thi hành hay không nhưng nó được coi là lý do để phòng ngừa rủi ro đối với sự thống trị đất hiếm của Trung Quốc. 


Một ví dụ rõ ràng hơn về việc vũ khí hóa các “nút thắt cổ chai” trong chuỗi cung ứng hoặc sự tập trung quá mức có thể sẽ gây áp lực buộc Australia phải giải thích cho các đối tác an ninh của mình lý do tại sao nước này lại giúp thúc đẩy sự thống trị về khoáng sản quan trọng của Trung Quốc. Một phản ứng tương tự có thể xảy ra sau những nỗ lực bị nghi ngờ của Bắc Kinh nhằm làm suy yếu sự cạnh tranh thông qua các cơ chế định giá (tức là bán phá giá hoặc cung vượt cầu) hoặc can thiệp chính trị vào các quốc gia cung cấp khác (kém ổn định hơn).


Huawei II


Quyết định của Australia cấm Huawei tham gia cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Australia năm 2018 – quốc gia đầu tiên làm như vậy – là một yếu tố góp phần quan trọng đằng sau sự suy giảm mạnh mẽ trong mối quan hệ Australia-Trung Quốc kéo dài cho đến khi hai nước nối lại đối thoại cấp cao vào năm 2022. Bất chấp hiện tại quan hệ được cải thiện, Bắc Kinh vẫn tiếp tục bày tỏ sự bất bình về quyết định này.


Chính phủ Australia gần đây đã cấm sử dụng TikTok trong các thiết bị của chính phủ, nhưng đã dừng việc ban hành lệnh cấm rộng hơn. Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của các thành viên phe đối lập, ngày càng có nhiều người chú ý đến các loại công nghệ của Trung Quốc có thể tạo điều kiện cho các mối đe dọa “kích hoạt trên mạng” đối với an ninh của Australia. Mặc dù không có sản phẩm hoặc công ty Trung Quốc nào có vẻ bị đe dọa ngay lập tức bởi các lệnh cấm toàn diện, nhưng tiền lệ của Huawei, làm gia tăng mối lo ngại về hoạt động gián điệp mạng trong các cơ quan tình báo Australia và ngày càng nhiều mặt hàng Trung Quốc trở thành đối tượng bị giám sát, có nghĩa là một quyết định “Huawei II” không hoàn toàn không có khả năng xảy ra trong năm 2024.


“Biến tần thông minh” năng lượng mặt trời


Tháng 7/2023, Bộ trưởng An ninh Mạng James Paterson của phe đối lập và Bộ trưởng phụ trách Biến đổi Khí hậu và Năng lượng Ted O'Brien cũng của phe đối lập đã gây chú ý khi bày tỏ lo ngại rằng “bộ biến tần thông minh” của Trung Quốc dành cho các tấm pin mặt trời có thể được sử dụng để giám sát hoặc phá hoại nguồn cung cấp năng lượng, phản ánh những lo ngại trước đó về công nghệ này ở Mỹ và Hà Lan. Đáp lại, Bộ trưởng Nội vụ Clare O'Neil nói rằng chính phủ đang tìm cách thúc đẩy sản xuất trong nước để giảm sự phụ thuộc của Australia vào "các nhà cung cấp có rủi ro cao". 


Tháng 10/2023, Chính phủ Australia thông báo rằng họ đang lên kế hoạch ngăn chặn các cuộc tấn công mạng tiềm ẩn bằng cách sử dụng bộ biến tần năng lượng mặt trời. Nếu các chuyên gia kết luận rằng không thể dễ dàng giảm thiểu các mối đe dọa từ công nghệ Trung Quốc, Australia cuối cùng có thể phải đối mặt với một câu hỏi hóc búa tương tự như câu hỏi đã dẫn đến lệnh cấm Huawei.


Canberra cũng sẽ lưu ý đến các biện pháp mà các quốc gia khác đang thực hiện đối với tấm pin mặt trời, bộ biến tần và các công nghệ tương tự của Trung Quốc. Giữa tháng 12/2023, có thông tin cho rằng Lưới điện Quốc gia Anh có thể đang trong quá trình loại bỏ các bộ phận của hệ thống truyền tải quốc gia được mua từ NR Electric, công ty mẹ thuộc sở hữu của nhà điều hành lưới điện nhà nước Trung Quốc.


Xe điện 


Paterson cũng đã hướng sự chú ý đến những lo ngại về an ninh ngày càng tăng đối với ô tô điện, vốn được một chuyên gia mô tả là “máy tính lưu trữ dữ liệu trên bánh xe”. Một số chuyên gia cũng lo ngại về các lỗ hổng mạng liên quan đến xe điện Trung Quốc, đặc biệt là ở Anh và Bắc Mỹ. Trung Quốc cũng nhận thấy mối nguy hiểm từ xe điện, đã cấm Tesla hoạt động ở những địa điểm nhạy cảm về mặt chính trị và yêu cầu dữ liệu thu thập từ những phương tiện đó không được gửi ra nước ngoài.


Một mối lo ngại gần đây hơn là nỗ lực của các công ty Trung Quốc nhằm chuyển sang mạng sạc xe điện và hệ thống lưu trữ năng lượng pin (BESS), điều mà một số chuyên gia cho rằng có thể mở ra các cửa hậu vào lưới điện quốc gia.


Ngoài việc hành động vì những lo ngại trong nước, Australia có thể phải đối mặt với áp lực hạn chế xe điện của Trung Quốc từ các đồng minh của mình, với Mỹ và các quốc gia đồng minh ở châu Âu và Đông Á, có khả năng đặt mối lo ngại về an ninh cạnh nhau (hoặc kết hợp) với lo ngại rằng sự tăng trưởng bùng nổ của Trung Quốc. Xuất khẩu xe điện đe dọa một ngành được coi là trụ cột quan trọng của hệ sinh thái công nghiệp và R&D tương ứng của họ.


Với ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc hiện được cung cấp năng lượng từ lithium của Australia, Canberra có thể dễ bị áp lực này hơn nếu Australia cắt đứt quan hệ đối tác thương mại khoáng sản quan trọng sinh lợi với Trung Quốc.


Lệnh cấm và cảnh báo


Một vấn đề tiềm ẩn lớn hơn là Chính phủ Australia có thể đưa ra các cảnh báo chung chung - hoặc sử dụng các công cụ pháp lý hoặc hợp đồng có tính chất răn đe - để ngăn cản các khu vực kinh tế lớn hơn sử dụng công nghệ của Trung Quốc có thể gây ra rủi ro an ninh mạng.


Đề xuất như vậy đã được Paterson đưa ra trước đó vào năm 2023, người đã chỉ trích cách tiếp cận “đập chuột” dẫn đến việc chính phủ phản ứng và cấm các dịch vụ công đối với camera an ninh, máy bay không người lái và mạng xã hội của Trung Quốc. Ông cũng cho biết nếu một số công nghệ nhất định bị cấm trong các cơ quan chính phủ, “thật khó hiểu tại sao chúng lại được phép áp dụng trên một hệ thống có tầm quan trọng quốc gia” trong khu vực phi chính phủ.


Mối lo ngại về hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc trong khu vực tư nhân – đặc biệt là giữa các doanh nghiệp và viện nghiên cứu hàng đầu – đã gia tăng trong cộng đồng tình báo Australia. Tháng 10/2023, Tổng Giám đốc Tổ chức Tình báo An ninh Australia (ASIO) Mike Burgess đã cảnh báo rằng “Chính phủ Trung Quốc đang tham gia trộm tài sản trí tuệ và chuyên môn có quy mô, tinh vi và lâu dài nhất trong lịch sử loài người”. Các cơ quan tình báo Australia cũng đã tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức bị nhắm mục tiêu hoặc được coi là dễ bị tấn công từ các tác nhân mạng nước ngoài. Trước các cuộc tấn công kéo dài, cách tiếp cận mạnh mẽ hơn trong việc sử dụng các cảnh báo công khai nêu đích danh các nhà cung cấp hoặc sản phẩm Trung Quốc là nguồn gốc gây ra lỗ hổng mạng có thể ảnh hưởng sâu sắc đến doanh số bán hàng công nghệ Trung Quốc và danh tiếng của các nhà cung cấp Trung Quốc, khiến Bắc Kinh tức giận.


Áp lực từ Mỹ cũng có thể phát huy tác dụng. Vào cuối tháng 10/2023, Chính phủ Australia đã đưa ra Dự luật sửa đổi kiểm soát thương mại quốc phòng năm 2023, trong đó “hợp lý hóa việc chuyển giao hàng hóa và công nghệ quốc phòng” giữa Australia và các đối tác AUKUS (gồm Anh và Mỹ), nhưng áp dụng các hình phạt khắc nghiệt hơn đối với những cá nhân chuyển giao công nghệ với các thực thể nước ngoài của các quốc gia khác “theo những cách gây phương hại đến lợi ích của Australia”. 


Tương tự, các thực thể Australia mong muốn tham gia dự án hợp tác công nghệ AUKUS Trụ cột II với các đối tác Mỹ và Anh gần như chắc chắn sẽ được kiểm tra khả năng an ninh mạng của họ, có khả năng tăng cường sự phù hợp với các hạn chế của Mỹ đối với công nghệ Trung Quốc.


Vấn đề cuối cùng là Mỹ có thể tranh thủ sự tham gia của Australia vào cái được gọi là “cuộc chiến công nghệ”. Mặc dù Australia không phải là nhà sản xuất hàng hóa công nghệ tiên tiến lớn, nhưng nước này có thể buộc phải tuân thủ lệnh cấm đầu tư của Mỹ vào một số công ty công nghệ Trung Quốc – một quan điểm gần đây được nêu ra bởi Tiến sĩ Benjamin Herscovitch, một học giả về quy định và quản trị toàn cầu tại trường Đại học quốc gia Australia.


Yếu tố giảm nhẹ


Triển vọng của các lệnh cấm công nghệ tiếp theo của Trung Quốc cũng phải được đo lường dựa trên một số yếu tố giảm nhẹ.


Đầu tiên là không giống như nhiều đồng minh của Canberra, nền kinh tế Australia và Trung Quốc có tính bổ sung cao cho nhau. Với vị thế của Trung Quốc là điểm đến xuất khẩu sinh lợi nhất của Australia và có rất ít công ty lớn của Australia cạnh tranh với Trung Quốc để giành thị phần trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến, những lo ngại về an ninh sẽ không bị tăng lên bởi một động cơ kinh tế cơ bản.


Một vấn đề nữa là trong một số lĩnh vực công nghệ tiên tiến, quy mô thống trị thị trường của Trung Quốc đồng nghĩa với việc việc tránh né công nghệ Trung Quốc là điều đặc biệt khó khăn. Trong trường hợp công nghệ xanh, vấn đề này còn phức tạp hơn do khung thời gian đặc biệt ngắn mà Canberra đã tự đặt ra để cắt giảm đáng kể lượng khí thải carbon của Australia, có nghĩa là việc thành lập ngành công nghiệp trong nước hoặc các nguồn cung thay thế khác để đáp ứng sự thiếu hụt có thể là không khả thi.


Rủi ro bảo mật và phần thưởng kinh tế


Ngoài những yếu tố trên, còn có những yếu tố rủi ro khác cho mối quan hệ Australia-Trung Quốc trong năm 2024.


Đối với Bắc Kinh, một quyết định bất lợi của Australia đối với nỗ lực của Trung Quốc nhằm trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chưa kể đến một quyết định tích cực đối với nỗ lực của Đài Loan, sẽ tác động đến quỹ đạo của mối quan hệ. Đối với Canberra, việc thắt chặt luật an ninh quốc gia của Trung Quốc làm tăng nguy cơ Bắc Kinh bắt giữ thêm công dân Australia, điều này có thể khơi lại “vết thương cũ”. Do sự cạnh tranh chiến lược giữa Australia và Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương không hề giảm bớt, Canberra cũng sẽ cảnh giác với bất kỳ động thái nào của Trung Quốc hướng tới việc thiết lập một cơ sở quân sự ở một quốc đảo Thái Bình Dương.


Bên ngoài khu vực, nếu Trung Quốc hành động để “cứu” Nga khỏi thất bại ở Ukraine, hoặc sự cạnh tranh Mỹ-Trung ở Trung Đông làm gia tăng lo ngại về an ninh năng lượng, Canberra gần như chắc chắn sẽ đứng về phía đồng minh lâu dài của mình.


Tuy nhiên, vẫn có chỗ cho sự lạc quan hạn chế. Những diễn biến nói trên sau sự cố sóng siêu âm là minh chứng cho khả năng ngày càng tăng của mối quan hệ Canberra-Bắc Kinh trong việc vượt qua những “cơn bão” ngoại giao. Lợi ích thương mại sinh lợi cũng có thể đóng vai trò là lực cản mạnh mẽ - xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc đã đạt mức cao lịch sử vào tháng 3/2023 và cộng đồng doanh nghiệp Australia một lần nữa đang hướng tới Trung Quốc với sự nhiệt tình mới, mặc dù tỉnh táo hơn. Dân số nói tiếng Trung Quốc đông đảo ở Australia và sự gia tăng được dự đoán về lượng khách du lịch và sinh viên Trung Quốc có thể chứng kiến mối quan hệ nhân dân được tăng cường hơn nữa.


Có lẽ nguyên nhân lớn hơn cho sự lạc quan là sự nhạy bén trong chính sách đối ngoại và sự khéo léo trong ngoại giao của Chính quyền Albanese - mặc dù không phải không bị chỉ trích nhưng đã vượt quá mong đợi. Những dấu hiệu cho thấy Australia chuẩn bị khôi phục một phần vai trò trung gian hòa giải Washington-Bắc Kinh có thể hữu ích - mặc dù những gì xảy ra trong và giữa các thủ đô đó có thể sẽ tiếp tục tác động sâu sắc đến quan hệ Australia-Trung Quốc./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn The Diplomat, vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage