Nhìn lại năm 2022 đại dịch Covid-19 tại Australia

Thứ Bảy, 17/05/2025

11:00 pm(VN)

-

2:00 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Nhìn lại năm 2022 đại dịch Covid-19 tại Australia

30/12/2022

 

Theo trang mạng abc.net.au, năm 2022, Australia ghi nhận hơn 10 triệu ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là còn bao nhiêu ca mắc COVID-19 nữa chưa được thống kê?

 

Kể từ ngày 1/1/2022, hơn 10 triệu ca mắc COVID-19 đã được chẩn đoán và báo cáo thông qua xét nghiệm PCR hoặc RAT. Đó là một con số đáng kinh ngạc nếu so với tổng số ca mắc COVID-19 ở Australia năm 2020 hoặc 2021, nhưng con số này có vẻ như vẫn chưa phản ánh đúng thực tế. Giáo sư James McCaw - một trong những người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Viện Doherty - cho biết: “Còn rất nhiều trường hợp mắc COVID-19 không được thống kê mỗi ngày. Chúng ta cần phải biết chính xác số ca mắc COVID-19 trên thực tế để từ đó tìm ra biện pháp đối phó với đại dịch vào năm 2023”.

 

Trong khi đó, Freya Shearer - làm việc với các nhóm của Đại học Melbourne và Viện Doherty để đưa ra các mô hình và đánh giá liên tục về đại dịch - nói: “Chúng tôi đã mất khả năng xác định chính xác số ca mắc COVID-19 từ tháng 12/2021, khi biến thể Omicron xuất hiện”. Đó là hệ quả trực tiếp của sự thay đổi trong chiến lược được các chính quyền áp dụng vào khoảng thời gian đó, khiến về cơ bản việc truy vết tập trung chấm dứt. Tiến sĩ Shearer nêu rõ: “Năm 2020, chúng tôi đã tích cực cố gắng tìm ra tất cả các trường hợp mắc COVID-19 và tất cả các chuỗi lây truyền, bao gồm cả truy vết ngược, nghĩa là bắt đầu từ một trường hợp dương tính và truy ngược lại để tìm hiểu nơi họ nhiễm virus, sử dụng trình tự bộ gen để tìm kiếm các chuỗi lây truyền chưa biết. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia đều làm như vậy”.

 

Yếu tố quan trọng

 

Australia có nhiều hệ thống giám sát tốt, giúp xác định rõ khía cạnh lây truyền bệnh có tác động lớn nhất đến sức khỏe cộng đồng, bao gồm tỷ lệ mắc bệnh nghiêm trọng, năng lực của hệ thống y tế và các biến thể mới nổi đáng lo ngại. Giáo sư McCaw cho rằng việc xác định chính xác các ca bệnh sẽ giúp cải thiện độ chính xác của các dự báo, giúp chính phủ, bệnh viện và công chúng hiểu rõ hơn khi nào các đỉnh dịch sắp đến và mức độ nghiêm trọng của chúng. Ông nhấn mạnh: “Trong một thế giới nơi mọi người được tự đưa ra quyết định về các biện pháp phòng ngừa COVID-19, điều đó sẽ giúp người dân xác định những việc cần làm dựa trên mức độ chấp nhận rủi ro cá nhân của họ. Nếu bạn muốn đưa ra dự báo chính xác về mức độ tiến triển của đường cong ca bệnh, bạn cũng muốn hiểu rõ về số lượng người dễ bị nhiễm virus. Thật khó nếu bạn không biết có bao nhiêu người có khả năng miễn dịch đối với các bệnh nhiễm trùng gần đây”.

 

Trong khi đó, Tiến sĩ Shearer cho rằng việc biết chính xác số ca mắc COVID-19 cũng sẽ giúp ích khi ứng phó với các đợt cao điểm, chẳng hạn như quyết định xem có nên khởi động chiến dịch tăng cường tiêm vaccine hay tăng cường các quy định đeo khẩu trang hay không. Bà nói: “Hiện tại, do không xác định được chính xác các ca mắc COVID-19 nên bất kỳ sự can thiệp y tế công cộng nào cũng đều trở nên khó khăn”.

 

Theo Tiến sĩ Michael Lydeamore, làm việc tại Đại học Monash, mặc dù các dự báo về COVID-19 đã trở nên mờ nhạt trong năm nay, nhưng tầm quan trọng của chúng có thể nhanh chóng tăng lên nếu một biến thể mới nguy hiểm hơn xuất hiện. Ông nói: “Với mức độ lây truyền nhiều như hiện tại, bạn sẽ không bao giờ xác định được 100% trường hợp mắc COVID-19 mỗi ngày, nhưng bạn sẽ nhận được tỷ lệ gần như hoàn hảo nếu toàn bộ dân số thực hiện xét nghiệm PCR hằng ngày. Tất nhiên, thực hiện điều này vừa khó khăn, vừa tốn kém”.

 

Có thể làm gì?

 

Hiện tại, có một số lỗ hổng trong cách Australia tiến hành giám sát dịch bệnh. Biến thể mới thường không gây ra triệu chứng, do đó người dân không làm xét nghiệm. Số người xét nghiệm dương tính và báo cáo với chính phủ cũng rất thấp. Vì vậy, có những phương pháp giám sát khác cung cấp cho chúng ta một số thông tin. Một trong số đó là các cuộc khảo sát tỷ lệ mắc bệnh huyết thanh hằng quý do Trung tâm Nghiên cứu và Giám sát Tiêm chủng Quốc gia thực hiện. Cuộc khảo sát này kiểm tra các mẫu máu để tìm kháng thể COVID-19, cho phép các nhà nghiên cứu ước tính số người mới bị nhiễm bệnh cũng như tỷ lệ các dấu hiệu miễn dịch cho thấy khả năng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm trong tương lai. Những điều này không giúp bạn trực tiếp tính toán xác định trường hợp, nhưng chúng đặt giới hạn cho những gì có thể xảy ra và chúng cung cấp cho các nhà nghiên cứu thông tin về số lượng người dễ bị mắc COVID-19 tại thời điểm khảo sát. Giáo sư McCaw nhận định rằng những cuộc khảo sát này “cực kỳ có giá trị” vì “chúng là bằng chứng thực nghiệm trực tiếp”. Công cụ giám sát khác được sử dụng ở nhiều nơi trên cả nước là xét nghiệm nước thải. Các mẫu nước thải thường xuyên được lấy và xét nghiệm trong các phòng thí nghiệm để phát hiện các mảnh virus. Thử nghiệm đó rất hữu ích trong bối cảnh ở Australia có rất ít virus, vì đó thường là dấu hiệu sớm cho thấy một đợt bùng phát mới đã bắt đầu. Giáo sư McCaw cho biết việc lấy mẫu nước thải có thể hữu ích hơn trong tương lai nếu các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực làm việc cùng nhau để phát triển phương pháp này. Ông nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng có rất nhiều triển vọng trong dài hạn - trong vòng 5-10 năm tới - giám sát nước thải là một lĩnh vực rất thú vị có thể cung cấp cho chúng ta các công cụ phân tích định lượng tuyệt vời về tất cả các loại mầm bệnh”.

 

Chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese đã cam kết thành lập một trung tâm kiểm soát dịch bệnh, lưu ý rằng Australia là quốc gia duy nhất thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) không có trung tâm này. Đây sẽ là một cơ quan điều phối quốc gia về quản lý dịch bệnh, và chính phủ đang tham khảo ý kiến của các chuyên gia về cách thức hoạt động của cơ quan này. Giáo sư McCaw nói: “Với tất cả những thành công của chúng tôi, [đại dịch] cũng bộc lộ một số thách thức xung quanh việc thiếu một hệ thống điều phối đầy đủ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) là một sự phát triển tuyệt vời đối với Australia. Mặc dù chúng tôi chưa có đầy đủ thông tin chi tiết, nhưng chính phủ đã cho biết một trong những trọng tâm đầu tiên sẽ là giám sát. Đại dịch đã làm thay đổi rất nhiều cách thức hoạt động của y tế công cộng ở Australia”./. 

 

Thoibaovietuc.com tổng hợp/Nguồn Thông tấn xã Việt Nam

Link nguồn: https://vnanet.vn/

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage