Nga hy vọng gì từ cuộc xung đột Israel-Hamas?

Thứ Bảy, 17/05/2025

6:11 am(VN)

-

9:11 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Nga hy vọng gì từ cuộc xung đột Israel-Hamas?

04/11/2023

Quan hệ giữa Nga và Israel vốn mật thiết, đã trở nên căng thẳng từ khi xung đột giữa Israel và Hamas nổ ra. Các quan chức Nga công khai chỉ trích hành động của Israel tấn công vào dải Gaza và bày tỏ ủng hộ Palestine, nhưng theo giới chuyên gia, Nga vẫn chưa sẵn sàng cắt đứt quan hệ với Israel.
 

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng gọi Tổng thống Nga là “người bạn thân mến” của mình. Ông Netanyahu đã đến thăm Nga hơn 10 lần từ năm 2015. Thế nhưng, theo tạp chí "Time", quan hệ hai bên đã nguội lạnh kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, ngay cả khi Israel vẫn tỏ ra miễn cưỡng và do dự trong việc hỗ trợ Ukraine. Cuộc gặp của Hamas với quan chức Nga ngày 26/10, đã khiến Israel bị ngỡ ngàng, ngay lập tức chỉ trích quyết định của Moskva là hành động “ủng hộ khủng bố” và yêu cầu trục xuất phái đoàn Hamas khỏi Nga. Mối quan hệ giữa hai bên trở nên căng thẳng sau vụ bạo loạn ở sân bay Dagestan ngày 29/10, khi hàng trăm người lao vào sân bay để tìm, đe dọa, tấn công những người Israel trong chuyến bay đến từ Tel Aviv. Israel đã yêu cầu Moskva bảo vệ công dân Israel và người Do Thái ở Nga.
 

Chuyến thăm của Hamas tới Moskva khiến Israel ngày càng lo ngại, cho rằng Nga đang điều chỉnh chính sách đối ngoại để xích lại gần Hamas hơn. Các chiến binh Palestine được cho là đã lách trừng phạt của phương Tây bằng cách chuyển hàng triệu USD qua các sàn giao dịch tiền điện tử của Nga. Phía Ukraine gần đây cũng đã cáo buộc Nga cung cấp vũ khí cho Hamas dù không đưa ra bất cứ bằng chứng nào. 
 

Nga đã có động thái như thế nào sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel? 


Nga đã biện minh cho việc tiếp đón các thành viên của Hamas ở Moskva vì cần phải duy trì quan hệ với cả hai bên và các cuộc họp với Hamas nhằm giải phóng con tin ở Gaza. Tuy nhiên, phía Hamas lại có tường trình khác về nội dung cuộc họp.        


Hãng tin RIA của Nhà nước Nga cho biết “Hamas ca ngợi nỗ lực của Nga trong việc chấm dứt hành động được gọi là 'tội ác của Israel được phương Tây ủng hộ'. Ngay sau cuộc họp, Hamas thông báo đang tìm kiếm 8 con tin được Nga yêu cầu trả tự do “bởi vì chúng tôi coi Nga là bạn thân nhất của mình”, theo như nhận định của Abu Marzouk, một lãnh đạo cấp cao của Hamas.


Nga cũng không lên án, không gọi cuộc tấn công của Hamas là khủng bố, mà thay vào đó quan chức Nga kêu gọi hai bên ngừng bắn và khẳng định ủng hộ đối với Nhà nước Palestine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã chỉ trích các cuộc oanh kích của Israel vào Gaza là “trái với luật pháp quốc tế”. Tổng thống Nga Vladimir Putin so sánh việc Israel bao vây, phong tỏa Gaza, giống như cuộc bao vây Leningrad của Đức quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ hai, (một trong những sự kiện đau thương nhất lịch sử Nga, khiến hàng trăm nghìn thường dân Nga thiệt mạng). Các quan chức khác thì cho rằng đã đến lúc Nga phải xem xét lại quan hệ với Israel. Trên Telegram, nghị sĩ Quốc hội Nga Andrei Gurulev đặt câu hỏi “Ai là đồng minh của Israel? - là Mỹ. Vậy ai là đồng minh của Iran và thế giới Hồi giáo? - là Nga”.


Nga được hưởng lợi gì từ cuộc xung đột ở Israel-Hamas


Theo tạp chí "Time", trong lúc Nga gặp khó khăn tại chiến trường ở Ukraine, các nhà tuyên truyền tại Điện Kremlin hy vọng rằng tình trạng bất ổn ở Trung Đông có thể chuyển hướng sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine và điều này giúp Nga dễ dàng kiểm soát các khu vực ở Ukraine. Mặc dù Mỹ khẳng định có khả năng hỗ trợ cùng lúc cả Israel và Ukraine, song theo trang Axios, Lầu Năm Góc đã quyết định hỗ trợ Israel hàng chục nghìn quả đạn 155mm trong khi số vũ khí này để viện trợ cho Ukraine.


Nhà phân tích Konstantin Pachalyuk, nhà khoa học chính trị Nga, định cư ở Israel, khi trả lời "Deutsche Welle" (DW) cho rằng các nhà tuyên truyền của Điện Kremlin có thể nhân cơ hội này “gây ra hoang mang” trong công luận Nga. Tuyên truyền của Nga muốn chỉ ra rằng “trong khi tất cả mọi người đang cáo buộc Nga xâm lược Ukraine, những gì mà Israel làm còn tồi tệ hơn và Mỹ không làm được gì cả”. Hơn nữa, Nga có lẽ cũng muốn cho thấy mối quan hệ chặt chẽ với thế giới Hồi giáo, mà trên thực tế, Moskva không còn bất cứ ảnh hưởng rõ rệt nào ở Syria, Ai Cập hay Iran. Do đó, Nga muốn thế giới Arab thấy rằng tất cả những người Hồi giáo sống ở Nga đều ủng hộ người Palestine.


Về phía Hamidreza Azizi, theo chuyên gia về quan hệ Iran-Nga tại Viện An ninh và Quốc tế Đức, được "Time" trích dẫn, “Nga đã đưa ra lựa chọn chiến lược đứng về phe nào ở Trung Đông và đó không phải là Israel”. Phản ứng của Nga trước cuộc tấn công của Hamas vào Israel phản ánh mong muốn thắt chặt quan hệ giữa Moskva và Tehran cũng như với các đồng minh của Iran trong khu vực, bao gồm cả Hamas, bởi vì Iran là “kẻ thù không đội trời chung của Israel”, là một trong những nhà cung cấp vũ khí chính trong cuộc chiến xâm lược ở Ukraine.


Vì sao Nga không muốn can thiệp sâu vào cuộc xung đột?


Cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10 đã khiến Nga rơi vào thế khó. Mặc dù Moskva đã nhanh chóng chỉ trích cuộc trả đũa của Israel vào Gaza, nhưng Nga vẫn chưa sẵn sàng cắt đứt quan hệ với Israel. Cuộc xung đột Israel- Hamas chưa có dấu hiệu dịu xuống, theo tạp chí "Time", Nga có lẽ vẫn hy vọng những ủng hộ của Mỹ và đồng minh dành cho Ukraine sẽ ở vị trí thứ yếu.


Vụ bạo loạn tại sân bay Makhachkala ở Dagestan trên thực tế cho thấy là Điện Kremlin đang gặp khó khăn trong việc bảo đảm an ninh của các vùng trong nước và điều này tác động tiêu cực đến sự ổn định về mặt chính trị ở Nga. Do đó Nga cần phải cẩn trọng.


Nếu như Nga tăng cường hỗ trợ Hamas, không chỉ bằng lời nói mà hành động, Nga có thể sẽ phải trả giá bằng việc quan hệ với Israel xấu đi. Nga có lẽ biết ơn Israel vì không hỗ trợ quân sự cho Ukraine, hơn nữa, cả Tel Aviv và Moskva vẫn duy trì liên lạc về các hoạt động quân sự ở Syria. Tuy nhiên, nếu xung đột lan rộng ra ngoài Israel và Gaza thì Nga cũng có thể phải đối mặt với những rủi ro. Theo các nhà phân tích, Nga muốn duy trì hiện diện quân sự ở Syria và không gửi thêm quân đến khu vực này vì như vậy sẽ làm gia tăng áp lực đối với quân đội Nga, vốn đang khó khăn.
Về mặt kinh tế, Nga cũng khó có thể được hưởng lợi từ cuộc xung đột ở châu Âu trừ khi giá dầu tăng. Tuy nhiên, theo "Deutsche Welle", giá dầu hiện đang giảm “vì không quốc gia dầu mỏ nào ở Trung Đông sẵn sàng tham chiến”.


Ngoài ra, theo trang "Deutsche Welle", điều này còn tác động đến lập trường ủng hộ Nga tại Israel, khi một phần ba dân số ở Israel nói tiếng Nga, là những người nhập cư từ Nga hoặc có liên hệ với Nga. Theo nhà nghiên cứu về Trung Đông Ruslan Suleymanov, nhiều người Israel nói tiếng Nga vẫn tỏ ra ủng hộ Nga ngay cả sau chiến tranh Ukraine, “nhưng hiện họ đang ngày càng cảm thấy quan ngại”./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn RFI

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage