Lý do Australia và Ấn Độ đẩy mạnh xây dựng nhiều căn cứ quân sự mới

Thứ Sáu, 16/05/2025

8:47 pm(VN)

-

11:47 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Lý do Australia và Ấn Độ đẩy mạnh xây dựng nhiều căn cứ quân sự mới

17/11/2023

Tháng 5/2022, tàu trinh sát điện tử Type 815 “Hải Vương Tinh” của hải quân Trung Quốc đã tiến gần Trạm liên lạc hải quân Harold E. Holt ở phía Tây Australia - một cơ sở do Australia và Mỹ cùng vận hành. Ở rìa Ấn Độ Dương, trạm này cung cấp hỗ trợ liên lạc cho các tàu ngầm của đồng minh hoạt động trong khu vực.

 

Sự hiện diện của tàu trinh sát điện tử Type 815 cho thấy Trung Quốc sẵn sàng không chỉ nghe lén thông tin liên lạc của đồng minh, mà còn điều hải quân của mình tới các khu vực ở Ấn Độ Dương, nơi trước đây họ hiếm khi mạo hiểm. Điều đó làm dấy lên những lo lắng ở Canberra, gợi nhớ đến những lo ngại ở New Delhi sau khi một tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Thương của Trung Quốc bất ngờ cập cảng Sri Lanka vào năm 2014. Trong những năm tiếp theo, một số tàu khảo sát và thủy văn của Trung Quốc đã xuất hiện trong khu vực này, báo trước việc triển khai thêm nhiều tàu ngầm của Trung Quốc trong tương lai.
        

Những sự vụ như vậy là lời cảnh tỉnh đối với Australia và Ấn Độ về sự cần thiết phải chuẩn bị cho sự hiện diện hàng hải ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Nhận thức đó đã dẫn đến việc cả 2 nước hỗ trợ thu thập tín hiệu phát đáp của hệ thống nhận dạng tự động để theo dõi thận trọng hơn chuyển động của các tàu Trung Quốc. Hiện tại, Australia và Ấn Độ, cùng với Nhật Bản và Mỹ, đã sử dụng dữ liệu thu thập được để nêu bật các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp của Trung Quốc. Một số ý kiến cho rằng một ngày nào đó các nước trên cũng có thể sử dụng cơ sở hạ tầng thu thập dữ liệu để theo dõi các tàu hải cảnh và hải quân của Trung Quốc.
        

Nhưng làm như vậy cũng có nhược điểm. Các tàu chiến mặt nước của Trung Quốc có thể vô hiệu hóa hoặc giả mạo tín hiệu phát đáp của họ. Hơn nữa, các tàu ngầm Trung Quốc với công nghệ tàng hình sẽ không phát ra bất kỳ tín hiệu nào khi chúng ở ngầm dưới biển. Do đó, Australia và Ấn Độ đã tìm những cách khác để giám sát các vùng biển ở Ấn Độ Dương đối với các tàu chiến Trung Quốc và đặc biệt hơn là giám sát các tuyến đường ra đại dương qua quần đảo Indonesia, cụ thể là các Eo biển Malacca, Lombok và Sunda. Điều đó đòi hỏi 2 nước phải dành nguồn lực để xây dựng các căn cứ quân sự mới cũng như triển khai các khí tài quân sự mới trên nhiều hòn đảo ở Ấn Độ Dương.


Thách thức Trung Quốc
        

Mối quan tâm của Trung Quốc đối với Ấn Độ Dương không phải là điều mới mẻ. Các chiến lược gia Trung Quốc đã bình luận về tầm quan trọng của vùng biển này đối với lợi ích thương mại ngày càng mở rộng của Trung Quốc và là cầu nối cho nhu cầu năng lượng và nguyên liệu thô của nước này. Sự quan tâm của Trung Quốc đã trở nên rõ ràng hơn sau khi nước này mở căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti, nằm ở rìa phía Tây Ấn Độ Dương. Thoạt nhìn, căn cứ này có vẻ biệt lập vì căn cứ hải quân gần nhất của Trung Quốc cách đó hàng nghìn km. Tuy nhiên, may mắn thay cho Trung Quốc, các công ty của nước này đã xây dựng và trong nhiều trường hợp hiện đang vận hành quản lý các cảng dân sự trên toàn khu vực. Ví dụ, Ấn Độ từ lâu đã lo lắng rằng Trung Quốc có thể sử dụng các cảng biển để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hải quân của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Trong số các cảng biển thường được nhắc đến nhiều nhất phải kể đến Chittagong ở Bangladesh, Gwadar ở Pakistan, Hambantota ở Sri Lanka và Kyaukpyu ở Myanmar.
        

Có lẽ điều đáng lo ngại hơn đối với các chiến lược gia Ấn Độ là căn cứ hải quân Ngọc Lâm rộng lớn của Trung Quốc tại Vịnh Á Long trên đảo Hải Nam. Mặc dù nằm ở Trung Quốc và chủ yếu được xây dựng cho hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân của nước này, song căn cứ này có thể tiếp đón tất cả các loại tàu chiến, bao gồm cả tàu sân bay và tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân. Không giống như tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Thương đã đến thăm Sri Lanka, 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Thương của căn cứ hải quân này có thể tiến vào Ấn Độ Dương mà không cần nổi lên hoặc có tàu tiếp vận đi kèm, vốn thường tạo điều kiện cho các tàu ngầm di chuyển.
        

Tuy nhiên, tất cả các tàu chiến của Trung Quốc, bao gồm cả tàu ngầm lớp Thương, đều phải đi qua Eo biển Malacca, Lombok hoặc Sunda để đến Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, nếu Australia và Ấn Độ muốn kiểm tra sự hiện diện của hải quân Trung Quốc, thì họ phải có khả năng giám sát cả 3 eo biển này, cả trên và dưới mặt nước - một khả năng không thể thực hiện được nếu không có căn cứ và lực lượng bổ sung ở Ấn Độ Dương.
        

Ấn Độ củng cố pháo đài trên đảo
        

Trước mối lo ngại lâu dài của Ấn Độ về nguy cơ xảy ra xung đột với Trung Quốc, New Delhi từ lâu đã lo lắng về các tàu chiến Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Để giải quyết mối lo ngại đó trên lĩnh vực ngoại giao, Ấn Độ đã theo đuổi chiến lược “Hướng Đông”, thúc đẩy mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Indonesia, Philippines và Việt Nam - những quốc gia kiểm soát các tuyến đường mà tàu chiến Trung Quốc sẽ phải đi qua để đến Ấn Độ Dương. Trong khi đó, về lĩnh vực quân sự, Ấn Độ đã tìm cách xây dựng mới hoặc mở rộng các căn cứ hiện hành trên Quần đảo Andaman và Nicobar.
        

Vào thời điểm xảy ra sự cố tàu ngầm lớp Thương, Ấn Độ chỉ có 4 máy bay tuần tra hàng hải Tu-142M do Liên Xô sản xuất, để bao quát toàn bộ phía Đông Ấn Độ Dương. Chúng hoạt động từ căn cứ không quân Rajali trên bờ biển phía Đông Ấn Độ. Kể từ đó, Ấn Độ đã mua 12 máy bay tuần tra hàng hải P-8I do Mỹ sản xuất, thương vụ này được Mỹ khuyến khích như một cách để tăng cường mối quan hệ an ninh với Ấn Độ. P-8I không chỉ có khả năng giám sát và trinh sát vượt trội mà còn có tốc độ cao hơn và thời gian hoạt động lâu hơn, khiến chúng trở thành nền tảng tác chiến chống tàu ngầm tốt hơn. Ấn Độ cũng thành lập Căn cứ không quân Baaz trên đảo Great Nicobar ở cực Nam Quần đảo Nicobar, chỉ cách Eo biển Malacca 450 km. Ngay từ đầu, Ấn Độ đã có ý định mở rộng đường băng dài 1.069 m tại căn cứ Baaz để chứa các máy bay P-8I. Trong khi đường băng được kéo dài thêm 244 m vào năm 2022, những lo ngại về môi trường đã khiến giai đoạn xây dựng tiếp theo bị chậm tiến độ.
        

Năm 2019, Ấn Độ đã thành lập Căn cứ không quân Kohassa trên đảo Bắc Andaman ở cực Bắc Quần đảo Andaman, gần một tiền đồn tình báo Trung Quốc bị nghi ngờ trên đảo Coco của Myanmar. Một lần nữa, Ấn Độ lại có kế hoạch mở rộng đường băng của căn cứ này để chứa những chiếc P-8I. Tại thời điểm này, chỉ có căn cứ không quân Utkrosh ở Quần đảo Nicobar và Andaman có đường băng đủ dài để phục vụ máy bay mới. Căn cứ Kohassa hiện là nơi đóng quân của phi đội máy bay tuần tra hàng hải tầm ngắn Do-228.
        

Hơn nữa, vào năm 2019, Ấn Độ đã công bố chương trình nâng cấp cơ sở hạ tầng kéo dài 10 năm để triển khai máy bay, tàu chiến và dàn tên lửa chống hạm mới trên khắp Quần đảo Andaman và Nicobar. Một số đơn vị hiện đã được triển khai. Hải quân Ấn Độ đã triển khai một tàu hộ tống mang tên lửa dẫn đường lớp Kora tại Cảng Port Blair và Không quân Ấn Độ đã thiết lập một căn cứ tiền phương cho các máy bay chiến đấu Su-30MKI của họ trên Quần đảo Car Nicobar. Quân đội Ấn Độ cũng đã phóng thử tên lửa chống hạm Brahmos từ quần đảo này. Trong khi đó, New Delhi đã xây dựng một căn cứ mới trên đảo Agaléga thuộc Cộng hòa Mauritius, nơi nước này có thể sẽ vận hành máy bay tuần tra hàng hải P-8I của mình.
        

Australia mở rộng các cảng chiến lược
        

Xa hơn về phía Đông, Australia cũng đã bắt đầu xây dựng các cơ sở quân sự trong và xung quanh Ấn Độ Dương. Điều đó được thúc đẩy bởi nhận thức rằng Trung Quốc ngày càng trở nên “đáng sợ hơn”. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các tàu hải quân Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Australia kể từ những năm 2010, các tranh chấp ngoại giao và thương mại giữa 2 nước vào đầu những năm 2020 cũng như ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng của Australia ở châu Đại Dương đã khiến Canberra phải xem xét lại những gì họ cần để bảo vệ lợi ích của mình, bao gồm cả những khu vực ở Ấn Độ Dương, ở đó có một số hòn đảo và một số trữ lượng năng lượng ngoài khơi lớn nhất của Australia.
        

Cho đến nay, Canberra đã tập trung nỗ lực vào Quần đảo Cocos (Keeling), nơi có bến cảng tốt hơn để chứa các thiết bị hạng nặng so với đảo Christmas, thuộc sở hữu của Australia ở Ấn Độ Dương. Vị trí của Quần đảo Cocos, cách Eo biển Sunda và Lombok khoảng 1.200 km về phía Đông Nam và cách Perth 2.700 km về phía Tây Bắc, khiến chúng trở thành các địa điểm chiến lược. Kết quả là, trong những năm 1990, Australia đã định kỳ cho máy bay tuần tra hàng hải P-3C bay từ quần đảo này. Mỹ thậm chí còn nhanh chóng coi chúng như một giải pháp thay thế cho căn cứ Diego Garcia vào năm 2012, khi Mỹ lo ngại rằng hợp đồng thuê hòn đảo của họ có thể kết thúc vào năm 2036.
        

Trước sự hiện diện ngày càng tăng của các tàu chiến Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Australia, Canberra tuyên bố sẽ nâng cấp sân bay trên Quần đảo Cocos để hỗ trợ các máy bay P-8A của lực lượng không quân Australia vào năm 2016. Tuy nhiên, công tác tại sân bay này đã bị chậm tiến độ do chi phí tăng cao. Australia dường như cam kết hoàn thành kế hoạch xây dựng này vì quần đảo này đã được đề cập cụ thể trong Đánh giá Chiến lược Quốc phòng (DSR) năm 2023. Sân bay này cũng sẽ đóng vai trò là căn cứ hoạt động tiền phương cho 4 máy bay giám sát và tác chiến điện tử MC-55A mới của Australia.
        

Nhưng kế hoạch xây dựng căn cứ đầy tham vọng nhất của Canberra, được phê duyệt đầu năm nay, kêu gọi mở rộng căn cứ hải quân Stirling ở gần Perth. Căn cứ này sẽ trở thành cảng nhà của khoảng 8 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, được trang bị vũ khí thông thường mà nước này tuyên bố sẽ mua như một phần của quan hệ đối tác an ninh AUKUS với Anh và Mỹ vào năm 2021. Công việc đầu tiên sẽ bắt đầu là tái sử dụng một số cơ sở hiện tại của căn cứ trước khi chuyển sang xây dựng những cơ sở mới cần thiết để hỗ trợ các nhà máy điện hạt nhân. Trong khi đó, các tàu ngầm của Mỹ và Anh dự kiến sẽ cập cảng Stirling thường xuyên hơn. Gần đây nhất là tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia của Mỹ, North Carolina, vào tháng 8/2023. Các tàu ngầm tương tự trong tương lai của Australia đóng tại Stirling sẽ có thể đến Eo biển Lombok trong 2,2 ngày với tốc độ trung bình 30 hải lý/giờ và tiếp tục duy trì hoạt động trong nhiều tháng. Để so sánh, hạm đội 6 tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Collins hiện tại của Australia sẽ cần 6,6 ngày (ở độ cực sâu) để đi hết quãng đường đó và chỉ có đủ nhiên liệu cho một chuyến tuần tra kéo dài một tuần.
        

Chia sẻ thông tin
        

Các khoản đầu tư riêng biệt mà Australia và Ấn Độ đã thực hiện và tiếp tục thực hiện vào việc xây dựng các căn cứ quân sự trong và xung quanh Ấn Độ Dương được thúc đẩy bởi mối lo ngại của họ về sự hiện diện hàng hải của Trung Quốc trong khu vực. Sự giống nhau của những mối lo ngại này tạo động lực cho Canberra và New Delhi chia sẻ thông tin mà mỗi nước thu thập được về các tàu hải quân Trung Quốc hoạt động gần 3 eo biển chiến lược của Indonesia và ở Ấn Độ Dương rộng lớn hơn. Sự kết hợp thông tin đó với dữ liệu mà 2 nước đã chia sẻ về các tàu Trung Quốc trong quá trình tham gia Nhóm Bộ tứ có thể cung cấp cho Australia và Ấn Độ một bức tranh thậm chí còn sắc nét hơn về hoạt động hàng hải của Trung Quốc trên khắp Ấn Độ Dương. Sự hợp tác như vậy sẽ đồng thời mang lại lợi ích cho bản thân mỗi nước và đôi bên cùng có lợi.
        

Đi xa hơn một chút, một số người ở Washington có thể hy vọng rằng những dữ liệu hợp nhất đó có thể được chia sẻ với Mỹ, một thành viên khác của Nhóm Bộ tứ. Đó có thể là một bước đi quá xa, ít nhất là trong ngắn hạn. Trong khi Canberra có thể sẵn sàng chia sẻ thông tin tình báo với Washington khi nước này tham gia vào liên minh tình báo Five Eyes - bao gồm Australia, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ - thì Ấn Độ lại ít quan tâm hơn. Suy cho cùng, lý do Ấn Độ tham gia tích cực hơn vào Nhóm Bộ tứ không bao giờ là để lấy lòng Mỹ. Vì vậy, nếu chủ đề về Trung Quốc được đề cập, Ấn Độ có thể sẽ phản ứng nhanh hơn nếu yêu cầu đến từ Australia, một quốc gia có chung lý tưởng. Trong trường hợp này, Washington nên làm theo sự dẫn dắt của Canberra./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn eurasiareview.com, vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage