Thỏa thuận thương mại song phương Australia-EU: "Mối tình" dang dở 

Thứ Sáu, 16/05/2025

8:50 am(VN)

-

11:50 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Thỏa thuận thương mại song phương Australia-EU: "Mối tình" dang dở 

03/11/2023

Tạp chí La Tribune của Pháp mới đây cho biết, mặc dù đã đạt được “một số tiến bộ rất tích cực”, nhưng các cuộc đàm phán giữa Liên minh châu Âu (EU) và Australia đã không thể dẫn đến một hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết trong tuần này. Theo phía Australia, có thể sẽ “mất thêm vài năm để nối lại cuộc đàm phán” giữa hai bên.

* Vì sao đàm phán bế tắc?

EU và Australia khó có thể tìm được tiếng nói chung về một số điều khoản để đi đến ký kết FTA ngay lập tức. Bộ trưởng Nông nghiệp Australia Murray Watt cho biết các nhà đàm phán EU đã không thay đổi quan điểm trong vòng đàm phán mới nhất, được tổ chức bên lề cuộc họp Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Osaka, Nhật Bản.

Phát biểu trên kênh truyền hình ABC của Australia ngày 30/10, quan chức này cho biết: “Thật không may, chúng tôi đã không đạt được động thái mong muốn từ phía EU. Các cuộc đàm phán khó có thể tiếp tục với nhiệm kỳ của Quốc hội hiện tại” (Bầu cử Hội đồng EU sẽ diễn ra năm 2024). Do đó, đàm phán nhiều khả năng sẽ phải chờ đến năm 2025 mới có thể nối lại.

EU đã từng rất lạc quan về khả năng ký kết một thỏa thuận thương mại song phương với Australia, tại hội nghị G7 ở Osaka. Tuy nhiên, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Australia đã đưa ra các yêu sách về nông nghiệp không phản ánh đúng nội dung các cuộc đàm phán gần đây. Mặc dù vậy, EU vẫn “sẵn sàng tiếp tục đàm phán”. Cuối tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Pháp Olivier Becht đã hoan nghênh việc hai bên đạt được “một số tiến bộ rất tích cực”, mang lại hy vọng nhanh chóng đạt được một thỏa thuận.

EU và Australia đã tiến hành đàm phán FTA từ năm 2018. Trên thực tế, hai bên đã rất nỗ lực để thống nhất mở cửa thị trường châu Âu cho Australia xuất khẩu thịt cừu, thịt bò và đường. Nhưng các vấn đề trở nên phức tạp hơn khi hai bên đề cập tới các sản phẩm nông nghiệp của châu Âu và tên gọi xuất xứ sản phẩm được châu Âu bảo hộ, ví dụ như pho mát, rượu vang và thịt các loại… Australia muốn xuất khẩu pho mát sữa cừu (roquefort), pho mát hỗn hợp (feta) và giăm bông Parma sang thị trường châu Âu, nhưng không được EU chấp nhận. Trong khi đó, EU đã gửi Australia một danh sách gồm hơn 400 sản phẩm liên quan đến các lãnh thổ mà khối này mong muốn bảo hộ. Theo quan điểm của EC, việc sử dụng danh từ “roquefort” nên được dành cho pho mát sữa cừu được sản xuất quanh ngôi làng cùng tên ở Pháp.

Tương tự, chỉ những nhà sản xuất Hà Lan mới có thể khẳng định cái tên “gouda” - một loại pho mát được sản xuất tại Hà Lan. Tuy nhiên, yêu cầu này đã không được các nhà đàm phán Australia nhượng bộ. Theo Bộ trưởng Watt, sau Thế chiến thứ hai, Australia đã chứng kiến một làn sóng nhập cư mạnh mẽ từ châu Âu. Các nhà sản xuất đã mang sản phẩm từ nước bản xứ về và sau đó sản xuất chúng tại Australia. Quan chức này tuyên bố nếu “Australia không thể đạt được một thỏa thuận tốt thì tốt hơn hết là không nên đạt được một thỏa thuận nào”.

* Những lợi ích sâu xa của FTA EU- Australia

Xét về ý nghĩa sâu xa hơn, EU có vẻ muốn thông qua một thỏa thuận ký với Australia để đạt quyền tiếp cận tốt hơn đối với các nguồn khoáng sản chiến lược vốn rất phong phú của nước này, từ đó giảm sự phụ thuộc vào Nga và Trung Quốc về các thành phần quan trọng cho phép sản xuất tua-bin gió và pin ô tô điện.

Theo quan điểm của Bộ trưởng Becht, điều phù hợp là châu Âu có thể phân bổ cho Australia một số hạn ngạch vào thị trường chung, cũng như thị trường Pháp, mà không áp dụng thuế (hải quan) trong chừng mực thị trường có thể hấp thụ được. Trên thực tế, Pháp rất muốn đạt được một thỏa thuận với Australia bởi đây là “nơi sản xuất các khoáng sản quan trọng” và mang lại “lợi ích công nghiệp” cho các doanh nghiệp châu Âu.

Về phần mình, Chính phủ Anh đã chính thức ký thỏa thuận gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào giữa tháng 7/2023. Vương quốc Anh là quốc gia đầu tiên ở châu Âu tham gia CPTPP, một hiệp định gồm 12 quốc gia có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 12.000 tỷ bảng Anh (14.580 tỷ USD). Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Kemi Badenoch nhấn mạnh thỏa thuận mới sẽ mang lại thêm hàng tỷ bảng cho các doanh nghiệp Anh.

Đáng chú ý, với sự tham gia của New Zealand, Australia, Canada và Nhật Bản, CPTPP là FTA quan trọng nhất trong khu vực. Vào năm 2021, Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập vào hiệp định này, nhưng chưa nhận được sự phản hồi tích cực của một số quốc gia thành viên./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn La Tribune

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage