Khả năng răn đe của Mỹ đang thất bại ở Biển Đông?

Thứ Bảy, 17/05/2025

12:01 pm(VN)

-

3:01 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Khả năng răn đe của Mỹ đang thất bại ở Biển Đông?

04/04/2024

Theo trang forbes.com (Mỹ), Mỹ và nhiều đồng minh của Mỹ có thể phải đối mặt với những hậu quả thảm khốc nếu căng thẳng tại Biển Đông gia tăng vì có tới 40% thương mại của Nhật Bản và 90% thương mại của Hàn Quốc đi qua vùng biển này.


Lợi ích kinh tế trong tranh chấp Biển Đông không chỉ là chức năng vận chuyển thương mại của khu vực này. Biển Đông còn có tiềm năng năng lượng lớn. Thật không may, tiềm năng này có thể gây cản trở việc triển khai năng lượng tái tạo của các nước Đông Nam Á. Việt Nam và Philippines có tiềm năng năng lượng gió ngoài khơi rất lớn, với 160 GW có thể khai thác ở bờ biển Việt Nam và 178 GW ở Philippines. Các nguồn năng lượng hydrocarbon truyền thống cũng rất dồi dào. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ ước tính khu vực Biển Đông chứa hơn 40.000 tỷ feet khối (1.132 tỷ m3) khí hóa lỏng (LNG) và 3,5 tỷ thùng dầu thô. Tiềm năng này sẽ không được khai thác nếu Trung Quốc tiếp tục hành xử hung hăng ở Biển Đông.


Washington cũng góp mặt trong tranh chấp này. Mỹ đã tìm cách duy trì tính toàn vẹn của phán quyết Tòa trọng tài thường trực quốc tế (năm 2016), trong đó có việc thực hiện các hoạt động tự do hàng hải thường xuyên và nỗ lực tăng cường quan hệ với Việt Nam. Tuy nhiên, Mỹ không thể đơn thân thực hiện điều đó vì đang phải vất lộn với các cam kết toàn cầu. Thực tế là năng lực phòng thủ của Mỹ trên toàn thế giới đang suy giảm. Khả năng triển khai và sửa chữa tàu hải quân của Mỹ còn hạn chế. Điều này chỉ càng củng cố thêm nhận định trên.


May mắn thay, những diễn biến gần đây trong khu vực mang lại những chỉ dấu đầy hy vọng, trong đó có thỏa thuận giữa Philippines-Việt Nam về hợp tác hàng hải và mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang ấm dần lên trong thời gian gần đây.


Diễn biến sau rất quan trọng vì Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm 46,49% công suất đóng tàu toàn cầu nhờ các nhà sản xuất hải quân hàng đầu trong khu vực. Nếu không có những diễn biến tích cực này, các bên như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cuối cùng sẽ quy phục trước sức ép của Trung Quốc. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có khả năng sản xuất máy bay để phòng thủ trong khu vực nhờ các công ty như Korea Aerospace Industries và Subaru Corporation đang lớn mạnh để đáp ứng mối đe dọa từ Trung Quốc.


Ngay cả khi các bên này hợp tác với nhau, năng lực hải quân và không quân của Bắc Kinh sẽ lấn át năng lực của các nước láng giềng. Tăng cường khai thác  chung là cách duy nhất để khắc phục điều này và  Mỹ cần sử dụng quyền lực tập hợp để đảm bảo cho các mối quan hệ quốc phòng này. Đặc biệt cần phải tập trung vào việc tối đa hóa sản xuất chung và khả năng tương tác. Trung Quốc gây hấn nhờ sức mạnh và quy mô kinh tế; do đó, bất cứ thứ gì làm giảm thiểu sức mạnh của Trung Quốc đều phải được cân nhắc. Mỹ cần đi đầu trong việc củng cố an ninh ở Biển Đông trước khi xảy ra sự gián đoạn có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ và toàn cầu cũng như gây tổn hại cho các đồng minh của Mỹ./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn vnanet.vn

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage