Hợp tác năng lượng Australia-Nhật Bản: Kịch bản đôi bên cùng có lợi

Thứ Ba, 20/05/2025

2:38 am(VN)

-

5:38 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Hợp tác năng lượng Australia-Nhật Bản: Kịch bản đôi bên cùng có lợi

10/10/2023

Theo thời báo The Australian Financial Review (AFR), Australia và Nhật Bản mới đây đã cam kết tăng cường hơn nữa hợp tác về an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu. Là một quốc gia phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn năng lượng nhập khẩu, không khó để lý giải vì sao Chính phủ Nhật Bản rất quan tâm đến an ninh năng lượng.

 

Trong các cuộc đàm phán cấp cao gần đây, Canberra đã liên tục trấn an Tokyo rằng nguồn cung khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Australia trong tương lai sẽ không bị đe dọa bởi các chính sách năng lượng xanh của nước này.

Tại cuộc đàm phán giữa Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura với ba bộ trưởng đồng cấp của Australia ở thành phố Melbourne (bang Victoria) ngày 8/10, ông Nishimura đã nhấn mạnh rằng Australia cần phải tạo ra một “môi trường đầu tư ổn định”. Đáp lại, Bộ trưởng Thương mại Australia Don Farrell, Bộ trưởng Năng lượng Chris Bowen và Bộ trưởng Tài nguyên Madeleine King đã chia sẻ về các quy định giảm phát thải của chính phủ Công đảng (Australia) đối với các dự án phát triển LNG trong tương lai và giải thích về cơ chế tự vệ để đảm bảo nguồn cung khí đốt nội địa. Trước đó, ông Nishimura đã nêu quan ngại rằng các quy định mới của Canberra sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của Nhật Bản vào lĩnh vực khí đốt của Australia.

Tuy nhiên, trong cuộc hội đàm ngày 8/10, ông Nishimura đã không nhắc lại những lo ngại đó, mà cho biết, ông “tin tưởng vào một kịch bản đôi bên cùng có lợi” khi hai nước đàm phán về sự ổn định của nguồn cung LNG trong tương lai, cũng như hoạt động đầu tư vào đất hiếm, khoáng sản quan trọng và năng lượng tái tạo trong thời gian tới.

Bộ trưởng Tài nguyên Madeleine King chia sẻ các cuộc đàm phán đã đề cập đến “nhiều hạng mục”. Bà nêu rõ: “Trọng tâm mối quan hệ của chúng tôi là hiểu rằng an ninh năng lượng của Nhật Bản phần lớn phụ thuộc vào nguồn năng lượng mà Australia có thể cung cấp cho họ, và điều đó đã được xây dựng dựa trên nhiều thập kỷ đầu tư”.

Trước đó, khi được AFR hỏi về việc liệu Bộ trưởng Nishimura có còn lo ngại về cơ chế tự vệ về khí đốt của Australia hay không, ông Nishimura đã khéo léo liên kết khoản đầu tư trong tương lai của Nhật Bản vào ngành năng lượng khí hydro, amoniac và các khoáng sản quan trọng của Australia với vấn đề này, bằng cách nhấn mạnh hai lần tầm quan trọng của môi trường đầu tư ổn định.

Ông nêu rõ: “Những dự án này được hỗ trợ bởi một môi trường đầu tư ổn định. Hiện tại, cả hai nước đang thảo luận về cơ chế tự vệ, chủ yếu đối với LNG. Tôi tin rằng điều này cũng sẽ dẫn tới mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, dựa trên sự tin cậy giữa hai nước. Tôi hy vọng nhiều dự án sẽ được hiện thực hóa trong môi trường đầu tư ổn định”.

Các nguồn tin chính phủ cho biết, Australia sẽ tiếp tục tham vấn Nhật Bản về cơ chế tự vệ, nhưng đã nói rõ rằng các quy định mới được thực hiện hồi tháng Bảy vừa qua là không thể thương lượng. Ngoài ra, Canberra cũng đã từ chối yêu cầu của Nhật Bản loại trừ dự án mỏ khí đốt Barossa trị giá 5,8 tỷ USD của công ty Santos ở Biển Timor khỏi chính sách.            

Theo một dự thảo tuyên bố cấp bộ trưởng được đưa ra sau khi bốn nhà chức trách gặp nhau trong khuôn khổ Đối thoại kinh tế cấp bộ trưởng Nhật Bản-Australia lần thứ 5 hôm 8/10, các bộ trưởng đã thảo luận về cơ chế tự vệ và đồng ý cùng nhau tiến lên phía trước. Tuy nhiên, tuyên bố không tiết lộ thêm thông tin chi tiết về các cuộc đàm phán đó.            

Tuyên bố cho biết, cuộc họp này - được tổ chức hàng năm nhưng không phải lúc nào cũng có sự tham dự của cả ba bộ trưởng Australia nói trên, đã nhất trí hướng tới một “mối quan hệ đối tác nâng cao” về an ninh năng lượng, chuyển đổi và biến đổi khí hậu. Tuyên bố cũng lặp lại sự đảm bảo của Australia về cam kết tiếp tục là nhà cung cấp tài nguyên và năng lượng đáng tin cậy cho Nhật Bản, áp dụng cho các mặt hàng năng lượng, như than, LNG, khí hydro và amoniac, đồng thời cũng lưu ý tầm quan trọng của LNG cùng với công nghệ tái tạo và lưu trữ năng lượng trong quá trình chuyển đổi năng lượng.            

Bà King cho biết, đã có một “cuộc thảo luận chi tiết” về quan hệ đối tác trong lĩnh vực khoáng sản quan trọng và đất hiếm giữa các nhà lãnh đạo Australia và Nhật Bản. Trước đó, ông Nishimura cũng đã đến thăm nhà máy và cảng hydro hóa lỏng của công ty Kawasaki Heavy Industries tại tỉnh Hastings ở bang Victoria, nơi khí hydro hóa lỏng được vận chuyển đến Nhật Bản.            

Trong một bài phát biểu sau cuộc họp, Bộ trưởng Bowen cho hay ông mong muốn Australia sẽ trở thành đối tác được lựa chọn trong việc giúp Nhật Bản hiện thực hóa tầm nhìn của mình về một nền kinh tế sử dụng nhiên liệu hydro. Ông lưu ý đến chương trình Hydrogen Headstart, trị giá 2 tỷ USD và 38 triệu USD, để tạo ra chương trình đảm bảo nguồn gốc nhằm xác thực các dự án.            

Trong bài phát biểu tại hội nghị thường niên của Ủy ban Hợp tác Kinh doanh Australia-Nhật Bản tổ chức ở thành phố Melbourne ngày 8/10, Bộ trưởng Thương mại Don Farrell đã có động thái giảm lo ngại cho phía Nhật Bản bằng cách mới khoảng 300 giám đốc điều hành cấp cao của Nhật Bản tới Australia để tham dự hội nghị tuần này. Bộ trưởng Farrell nêu rõ: “Nền kinh tế Australia được thúc đẩy nhờ xuất khẩu thực phẩm và năng lượng, điều này khiến chúng tôi trở thành đối tác thương mại tự nhiên với Nhật Bản. Và chúng tôi sẽ tiếp tục là đối tác an ninh năng lượng đáng tin cậy nhất”.            

Đề cập đến các cuộc gặp gần đây với ông Bowen, Bộ trưởng Nishimura nói: “Chúng tôi đã có những cuộc gặp tốt đẹp và chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ”. Trước đó, ông cho biết cả hai chính phủ sẽ thúc đẩy hợp tác giữa Australia và Nhật Bản trong cả khu vực công lẫn khu vực tư ở Thái Bình Dương, đồng thời nhấn mạnh mong muốn đầu tư vào năng lượng hydro, amoniac và các khoáng sản quan trọng khác.            

Ông Nishimura cho biết, đầu tư của Nhật Bản vào các khoáng sản quan trọng tại Australia đang tăng lên, thể hiện qua khoản đầu tư bổ sung của công ty thương mại Nhật Bản Sojitz và Tập đoàn Dầu khí và Kim loại Quốc gia Nhật Bản - một cơ quan thuộc chính phủ Nhật Bản – vào công ty Lynas của Australia hồi tháng Ba.     

 

Tháng trước, từ Canada, ông Nishimura đã ký một thỏa thuận trợ cấp cho các công ty Nhật Bản để phát triển các nguồn nguyên liệu mới như niken hoặc lithium cần thiết để sản xuất pin xe điện. Bộ trưởng Nishimura nhấn mạnh tác động mà những rủi ro địa chính trị, chẳng hạn như cuộc xung đột Nga-Ukraine và căng thẳng Mỹ-Trung, đang gây ra ở khu vực Thái Bình Dương dưới hình thức giá năng lượng và lương thực cao hơn. An ninh năng lượng là mối quan tâm hàng đầu đối với đất nước Nhật Bản vốn nghèo tài nguyên.            

Ông Nishimura nói điều quan trọng là Australia, Nhật Bản, New Zealand và Mỹ phải hợp tác cùng nhau trong khu vực. Ông nêu rõ: “Cố Thủ tướng Shinzo Abe, một chính trị gia mà tôi vô cùng kính trọng, đã đề xuất tầm nhìn về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Theo đó, Nhật Bản và Australia chia sẻ các giá trị về dân chủ và nhân quyền, đồng thời hợp tác chặt chẽ hơn với nhau”.            

Dữ liệu của Chính phủ Australia cho hay Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai của nước này, với kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều trị giá 147,1 tỷ USD vào năm 2022. Xuất khẩu của Australia sang Nhật Bản tăng mạnh trong 2 năm qua nhờ nhập khẩu dầu thô và than của Tokyo từ Nga giảm./.            

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn AFR

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage