Bài phân tích: Australia có nên thận trọng trong việc nối lại quan hệ thương mại với Trung Quốc?

Thứ Sáu, 16/05/2025

8:08 pm(VN)

-

11:08 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Bài phân tích: Australia có nên thận trọng trong việc nối lại quan hệ thương mại với Trung Quốc?

27/04/2023

Theo trang mạng abc.net.au, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia nhưng cũng là một mối đe dọa quân sự ngày càng tăng. Vì vậy, khi nước này đột ngột cấm các sản phẩm nông nghiệp hoặc xâm phạm an ninh của Australia, điều đó sẽ gây ra hậu quả lớn. Australia biết gì về nền kinh tế Trung Quốc, hệ thống sản xuất lương thực và lịch sử của nó? Liệu Australia có nên thận trọng hơn trong việc nối lại quan hệ thương mại với quốc gia này?

 

Trung Quốc là một quốc gia có hơn 1,4 tỷ dân. Trong 50 năm qua, Trung Quốc đã thoát khỏi đói nghèo, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, và trọng tâm của chính phủ trung ương là cải thiện an ninh lương thực. Hiện giờ, tham vọng của Trung Quốc đang ngày càng lớn, cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn chính trị. Trung Quốc chi hơn 2.000 tỷ USD cho nông nghiệp trong vòng 5-10 năm tới để hồi sinh các vùng nông thôn và biến Trung Quốc thành một "cường quốc nông nghiệp".


*Mối đe dọa an ninh

 

Đã có những cảnh báo về việc Trung Quốc mở rộng quân sự ra một số khu vực, và Australia đang điều chỉnh chi tiêu quốc phòng để giải quyết mối đe dọa đó. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Weihuan Zhou từ Trường Luật Thương mại Tư nhân tại Đại học New South Wales và là một chuyên gia thương mại quốc tế nói với abc.net.au rằng việc quản lý rủi ro an ninh đồng thời với cải thiện mối quan hệ thương mại luôn là một công việc phức tạp. Ông tin rằng Chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese đã ổn định mối quan hệ bằng cách quản lý cẩn thận những bất đồng về giá trị và an ninh, đồng thời can dự với Trung Quốc trước khi hành động hoặc đưa ra thông báo. Theo Tiến sĩ Zhou, "điều đó cho thấy cả hai bên đã tìm ra cách để loại bỏ căng thẳng và xây dựng lại thói quen hợp tác".

 

Ngoại trưởng Australia Penny Wong gần đây đã tuyên bố rằng bà không muốn bất kỳ quốc gia nào thống trị hoặc bị thống trị trong khu vực, và bà muốn giữ nguyên hiện trạng. Tiến sĩ Zhou cho rằng Trung Quốc cũng muốn điều tương tự, vì vậy, các lệnh cấm thương mại còn lại đối với rượu, thịt, lúa mạch và than đá (của Australia) cuối cùng sẽ được dỡ bỏ. Ông nói: “Rượu vang Australia sẽ quay trở lại thị trường Trung Quốc vì chất lượng sản phẩm của Australia và khả năng cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc. Tôi khá lạc quan về tương lai".

 

Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu và nông dân Australia nghĩ gì về con đường phía trước? Phó Giáo sư Ben Lyons, người làm việc tại Đại học Nam Queensland (Australia) và đã có 18 năm sống và làm việc ở Trung Quốc, cho biết phần lớn chính sách nông nghiệp của Trung Quốc là tái khẳng định vị thế của mình trên toàn cầu. Vị Phó Giáo sư này nói: “Trung Quốc đang dang rộng đôi cánh của mình, nhưng họ cần nhiều nguồn lực hơn để duy trì đà tăng trưởng kinh tế đó”, đồng thời cho rằng Bắc Kinh sẽ cần nhiều lương thực, cơ sở hạ tầng, quặng sắt và năng lượng hơn để duy trì sự sung túc của tầng lớp trung lưu đang phát triển. Ông nói thêm: "Đây là phong trào thoát nghèo lớn nhất từ trước đến nay, vì vậy, để duy trì động lực và tăng trưởng kinh tế đó, Trung Quốc cần các nguồn lực, và đó là nơi họ đang vận dụng sức mạnh chiến lược của mình".     

         

*Mua tài sản ở Australia  

 

Trong một vài năm qua, các tập đoàn nhà nước Trung Quốc đã mua bất động sản ở Australia và hình thành tuyến xuất khẩu trực tiếp liên kết trở lại Trung Quốc. Trong khi hầu hết các khoản đầu tư đã đi vào khai thác, họ đã mua một số loại thịt bò, sữa và di truyền thuần chủng tốt nhất của Australia. Dòng đầu tư đã chậm lại trong những năm gần đây khi các mối quan hệ trở nên xấu đi, giảm 70% theo số liệu do KPMG - một trong những công ty kiểm toán lớn nhất thế giới - và Đại học Sydney đưa ra năm 2022.

 

Australia có khoảng 400 triệu ha đất nông nghiệp và khoảng 14% thuộc sở hữu nước ngoài. Trung Quốc đứng thứ tư trong danh sách các quốc gia có tài sản ở Australia với chỉ 2,2%, ít hơn nhiều so với Hà Lan, Mỹ và Anh. Tuy nhiên, Trung Quốc đứng đầu danh sách các quốc gia thuê đất và cơ sở hạ tầng ở Australia, còn Australia chỉ đứng sau Mỹ về điểm đến đầu tư của Trung Quốc.  

     

Tiến sĩ Wei Li, học giả của Đại học Sydney, cho biết Trung Quốc đang mất đất canh tác hiệu quả và điều đó đã thúc đẩy chiến lược đầu tư của nước này ra nước ngoài. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã báo cáo vào năm 2019 về áp lực đối với sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gia tăng do canh tác quá mức, chăn thả gia súc quá mức, đô thị hóa và phá rừng. Thay vào đó, Trung Quốc đang tìm nguồn cung ứng các mặt hàng số lượng lớn như đậu nành, ngũ cốc và bông từ Brazil và Mỹ, nhưng lại tìm đến Australia để có được thực phẩm có giá trị cao hơn, sạch, xanh và tốt cho sức khỏe. Tiến sĩ Wei Li nói: “Điều đó nhằm đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu và thượng lưu khó tính trong một không gian thích hợp, có tính giá trị và chất lượng cao”.  

     

*Liên kết với các công ty nhà nước

 

Chính phủ liên bang rất quan tâm đến đầu tư nước ngoài ở Australia. Một lý do khiến quan hệ của Australia với Trung Quốc trở nên xấu đi là do chính phủ Australia đã cấm “gã khổng lồ” công nghệ Huawei thuộc sở hữu của Trung Quốc tham gia triển khai cơ sở hạ tầng di động 5G ở “xứ sở Chuột túi” vì lo ngại an ninh quốc gia. Mặc dù vậy, Tiến sĩ Wei Li cho biết bà không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy những người mua trang trại hoặc doanh nghiệp nông nghiệp Trung Quốc được nhà nước Trung Quốc liên kết hoặc hỗ trợ trực tiếp. Bà nói: “Các doanh nhân Trung Quốc mà tôi gặp dường như quan tâm đến lối sống nông thôn và thường xuất thân từ nông dân và bị ấn tượng bởi lối sống đó”, vì vậy, bà không nghĩ rằng Chính phủ Trung Quốc thúc đẩy đầu tư hoặc các doanh nhân mua trang trại để thực hiện một số động cơ chính trị nào.       

 

Tuy nhiên, ông Lyons không đồng ý với điều đó. Ông cho rằng việc thận trọng với đầu tư của Trung Quốc là điều khôn ngoan. Ông nói: “Có mối liên hệ rất chặt chẽ trong một số khoản đầu tư này của Trung Quốc với chính quyền trung ương”.        

 

*Sữa - “Dòng sông vàng”  

 

Ngành sữa của Australia có mối quan hệ lâu dài và thịnh vượng với Trung Quốc. Australia xuất khẩu trung bình khoảng 80.000 con bò sữa mỗi năm sang Trung Quốc và Nhật Bản, và hoạt động thương mại này trị giá hơn 250 triệu AUD (165,18 triệu USD). Gia súc Australia đã giúp xây dựng ngành công nghiệp sữa khổng lồ của Trung Quốc. Trung Quốc hiện sản xuất lượng sữa nhiều gấp 4 lần Australia và một số trang trại của nước này rất lớn, với đàn bò lên tới 15.000 con. Tất cả sữa sẽ cung cấp cho thị trường nội địa và có vẻ như người Trung Quốc không có tham vọng cạnh tranh với Australia trên thị trường xuất khẩu.       

 

Nhà phân tích John Droppett của tập đoàn Dairy Australia cho rằng Trung Quốc đang thiếu đồng cỏ cho gia súc và chi phí sản xuất quá cao để cạnh tranh với Australia. Ông nói: “Cần rất nhiều thức ăn và tốn rất nhiều tiền để sản xuất sữa. Sản xuất sữa bột dành cho trẻ sơ sinh cũng là một thế mạnh khác của ngành sữa Australia. Nỗi lo sợ về sức khỏe ở Trung Quốc, do cái chết của một số trẻ em uống sữa bột Trung Quốc, đã dẫn đến doanh số kỷ lục của sữa bột Australia, vốn nổi tiếng về an toàn thực phẩm.  

     

*Một mũi tên trúng hai đích   

 

Một lĩnh vực mà Australia bị ảnh hưởng nặng nề là ngành công nghiệp rượu vang. Các mức thuế khổng lồ do Trung Quốc áp đặt vào tháng 3/2021 gần như đóng cửa hoàn toàn mảng giao dịch trị giá 1,2 tỷ AUD. Những người trồng nho ở các vùng sản xuất số lượng lớn ở Australia đã bán phá giá hàng tấn nho không thể bán được do sự sụp đổ của thị trường Trung Quốc tạo ra một lượng lớn rượu vang. Giá rượu vang đỏ đã giảm xuống chỉ còn 200 USD/tấn đối với một số loại, thấp hơn chi phí sản xuất. Những mức thuế đó được đưa ra để trả đũa việc Australia kêu gọi điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Rượu vang bang New South Wales Mark Bourne cho biết việc quay trở lại Trung Quốc sẽ là một công việc lớn. Ông Bourne nói: “Sẽ khó quay trở lại giao dịch trị giá 1,2 tỷ AUD chỉ sau một đêm và quay trở lại hoạt động kinh doanh như bình thường”.       

Ngay cả khi thuế quan được dỡ bỏ, ông cho rằng ngành công nghiệp này nên tập trung vào việc chuyển giao kiến thức và xuất khẩu chuyên môn của Australia thay vì sản phẩm thực tế. Điều đó có thể liên quan đến việc hợp tác với Trung Quốc trong các dự án nghiên cứu hoặc chia sẻ các mô hình bền vững và công nghệ nông nghiệp của Australia, và ông gọi mô hình thương mại mới là "Wine Plus".     

 

Theo ông Bourne, dù theo cách nào đi nữa, việc quay trở lại Trung Quốc có thể sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều đối với ngành rượu vang và thông điệp dành cho tất cả các nhà xuất khẩu là “hãy thận trọng hơn và phân tán rủi ro của bạn”./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn Abc

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage