ASEAN học được gì từ Australia về cách đối phó với Trung Quốc?

Thứ Bảy, 17/05/2025

4:41 am(VN)

-

7:41 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

ASEAN học được gì từ Australia về cách đối phó với Trung Quốc?

22/11/2023

Nhà lãnh đạo Australia đã tái thiết lập mối quan hệ với Trung Quốc bằng “biện pháp cân bằng kép”, và nếu sáng suốt, Philippines, Malaysia và Việt Nam sẽ học theo.


Sau cuộc gặp rất được mong đợi với Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) đã ca ngợi “xuất phát điểm mới” trong quan hệ song phương sau nhiều năm căng thẳng leo thang và cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng. Nhà lãnh đạo Trung Quốc bày tỏ: “Mối quan hệ Trung Quốc-Australia đã bắt đầu đường lối cải thiện và phát triển đúng đắn. Tôi rất vui mừng khi thấy điều đó”. Ông bày tỏ hy vọng chân thành rằng hai nước có thể trở thành “đối tác tin cậy” bằng cách tập trung vào các lĩnh vực cả hai bên đều quan tâm bao gồm biến đổi khí hậu và an ninh khu vực.

 

Khi đứng cạnh người đồng cấp Trung Quốc, Albanese nhận xét: “Không nghi ngờ gì nữa, tiến bộ mà chúng tôi đạt được trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian qua là rất tích cực. Thương mại đang diễn ra tự do hơn vì lợi ích của cả hai quốc gia”. Năm 2023, thương mại song phương đã đạt trên 300 tỷ USD, mức cao chưa từng có trong lịch sử. Để tạo điều kiện cho việc “làm tan băng” quan hệ song phương, Bắc Kinh đã dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt đối với Australia, đồng thời trước đó họ cũng trả tự do cho nhà báo gốc Hoa mang quốc tịch Australia, Thành Lôi (Cheng Lei), bị giam giữ vào năm 2020 vì những cáo buộc mà Canberra tin rằng mang động cơ chính trị.


Tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tuyên bố: “Australia là đồng minh đầu tiên của Mỹ có sự thay đổi rõ rệt trong thái độ đối với Trung Quốc sau cuộc xung đột gay gắt kể từ khi Mỹ xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược số 1”. Thời báo cũng bổ sung thêm rằng “Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và thậm chí cả các đồng minh của Mỹ ở châu Âu nên nghĩ đến bản thân mình trước những thăng trầm trong mối quan hệ Trung Quốc-Australia”, gợi ý rằng chính sách của Thủ tướng Albanese có thể đóng vai trò là “hình mẫu” cho các đồng minh khác của Mỹ trong khu vực.


Chuyến thăm thành công của Albanese chứng tỏ tầm quan trọng của việc tham gia chủ động để tránh những căng thẳng không cần thiết cũng như khả năng răn đe hiệu quả, với việc Canberra dự kiến sẽ tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ và các đối tác cùng chí hướng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hiện tại, rõ ràng chiến lược của Australia đối với Trung Quốc rất phù hợp cho các quốc gia Đông Nam Á như Philippines, quốc gia hiện phải đối mặt với căng thẳng leo thang với Trung Quốc về một loạt vấn đề địa chính trị, bao gồm các tranh chấp lãnh thổ gay gắt ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).


Khởi động lại chiến lược
 

Cách đây không lâu, Trung Quốc đã loại Australia khỏi vị trí “phó cảnh sát trưởng” của Mỹ tại châu Á. Sau một thập kỷ duy trì mối quan hệ nồng ấm với Trung Quốc, phần lớn là di sản từ chính sách đối ngoại thân thiện của cựu Thủ tướng Kevin Rudd đối với Bắc Kinh, Australia bắt đầu xem xét lại mối quan hệ với Bắc Kinh vào giữa những năm 2010. Mặc dù Chính quyền Malcolm Turnbull hoan nghênh “mối quan hệ bền chặt và mang tính xây dựng với Trung Quốc”, nhưng họ đã sớm bắt đầu trấn áp các hoạt động gây ảnh hưởng xấu của Bắc Kinh. Kết quả là một cuộc đàn áp các chính trị gia thân Bắc Kinh đã xảy ra, đáng chú ý nhất là trường hợp Thượng nghị sĩ Công đảng Sam Dastyari bị bãi nhiệm ở Canberra, và điều luật mới nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc cũng như các khoản đầu tư chiến lược của nước này vào Australia.


Nhưng dưới thời Chính quyền bảo thủ Scott Morrison, quan hệ Australia-Trung Quốc đã đi xuống trầm trọng. Thay vì thiết lập các rào chắn trong mối quan hệ song phương, Canberra bắt đầu tăng cường hợp tác quân sự với các đối tác trong Đối thoại An ninh bốn bên (Bộ tứ), trong đó đáng chú ý nhất là việc nước này từ bỏ thỏa thuận tàu ngầm trị giá hàng tỷ USD với Pháp để chuyển sang xây dựng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ liên minh AUKUS (Australia-Anh-Mỹ).


Điều quan trọng là Australia đã cấm Trung Quốc đầu tư công nghệ cao vào cơ sở hạ tầng quan trọng, trong đó đáng chú ý nhất là việc gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia triển khai 5G. Đồng thời, trong thời gian đại dịch COVID-19 đạt đỉnh, Canberra đã kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch, động thái có thể dẫn đến việc kêu gọi Trung Quốc phải bồi thường, hành động khiến Bắc Kinh thất vọng. Để trả đũa, Trung Quốc đã tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Australia gồm lúa mạch, rượu vang, và than đá, đồng thời đóng băng ngoại giao trên thực tế đối với quan hệ song phương.


Sau khi đắc cử, Thủ tướng thuộc Công đảng Anthony Albanese đã tái khởi động chính sách. Điều này không quá khác biệt với cách mà Tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ Joe Biden tiếp cận chính sách đối kháng Trung Quốc của người tiền nhiệm đảng Cộng Hòa Donald Trump. Một mặt, Chính quyền Albanese báo hiệu sẽ duy trì chính sách bằng cách nhấn mạnh cam kết của mình với Bộ tứ cũng như tối đa hóa tiềm năng của AUKUS. Như Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong đã nói rõ, Canberra “thực sự đã” chọn một phe giữa hai siêu cường, và liên minh quân sự chặt chẽ với Mỹ hiện nhận được “sự ủng hộ sâu sắc từ cả hai đảng”. Ngoài ra, Chính quyền Albanese cũng tăng cường hợp tác an ninh với các nước Đông Nam Á có cùng chí hướng, trong đó đáng chú ý nhất là Việt Nam và Philippines, hai quốc gia cũng đang tranh chấp tài nguyên và đảo ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) với Bắc Kinh. Tuy nhiên, Chính quyền Albanese cũng bày tỏ cam kết giảm căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc.


Những bài học địa chính trị


Trong chuyến thăm Bắc Kinh, Albanese đã nói rằng việc có một biện pháp “cân bằng kép” không phải là điều không thể. Đặc biệt, ông còn cho biết mình đã học theo lời khuyên của cựu Thủ tướng Australia John Howard, người từng viết về các thỏa thuận của mình với Trung Quốc như sau: “Tôi đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) rằng điều chúng ta phải cố gắng thực hiện là tập trung vào những lĩnh vực mà hai bên đều nhất trí thay vì để những lĩnh vực đang có sự bất đồng ý kiến ám ảnh”. Lời khuyên của John Howard dành cho những người kế nhiệm là rất rõ ràng: “Hợp tác khi có thể, phản đối khi chúng ta buộc phải làm vậy”.

 

Trong chuyến đi Bắc Kinh kéo dài 4 ngày của mình, Thủ tướng Albanese đã tập trung thiết lập hàng rào bảo vệ trong quan hệ song phương thông qua việc nới lỏng một số lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc, và điều này được dự kiến sẽ lập tức khiến thương mại song phương tăng thêm 6 tỷ USD. Ông trấn an Trung Quốc rằng Australia phản đối việc phân tách kinh tế, đồng thời kiềm chế chỉ trích công khai Trung Quốc mà ủng hộ việc nhẹ nhàng nêu ra các lĩnh vực bất đồng, trong đó có vấn đề nhân quyền. Cùng lúc, Albanese không đưa ra bất kỳ sự nhượng bộ nào về liên minh AUKUS, làm sâu sắc thêm mối quan hệ quốc phòng với Ấn Độ trong khuôn khổ Bộ tứ cũng như mở rộng hợp tác an ninh hàng hải với Việt Nam và Philippines.
 

Không có dấu hiệu nào cho thấy Australia muốn quay lại “những ngày tốt đẹp xưa” từ thời cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd, người có khả năng nói tiếng Quan thoại đồng thời coi Australia và Trung Quốc là một phần của “cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương” nói chung. Chính sách của Australia đối với Trung Quốc đặc biệt phù hợp với các quốc gia Đông Nam Á như Philippines, quốc gia gần đây có mối quan hệ ở mức thấp nhất với Bắc Kinh. Trong năm vừa qua, Manila đã mở rộng hợp tác an ninh với Mỹ đồng thời xem xét lại và hủy bỏ một số khoản đầu tư cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đã hứa hẹn nhưng chưa thực hiện. Trong khi đó, Philippines đã chủ động đẩy lùi sự hiện diện ngày càng rộng của Trung Quốc tại các vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền, và rộng hơn là tại biển Nam Trung Hoa.
 

Biện pháp cân bằng kép thành công của Albanese cho thấy tầm quan trọng của việc tham gia chủ động cùng với niềm tin chiến lược. Bất chấp việc hàng nhập khẩu của Australia bị Trung Quốc áp đặt các lệnh trừng phạt, thương mại của Canberra với Bắc Kinh vẫn tăng lên 300 tỷ USD vào năm 2022. Cho đến nay, dường như Bắc Kinh sẽ không sớm áp dụng bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Manila. Hơn nữa, không giống Australia, Philippines có tranh chấp lãnh thổ trực tiếp với Trung Quốc, do đó họ không thể không tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đồng minh hùng mạnh hơn như Mỹ bởi sự bất cân xứng rõ rệt trong tương quan sức mạnh quân sự của họ so với Trung Quốc. Nhưng điều quan trọng đối với Manila là điều chỉnh hợp tác quốc phòng với Mỹ, đặc biệt là về mức độ mà họ cho phép các lực lượng của Mỹ tiếp cận các căn cứ của Philippines nằm gần sườn phía Nam Đài Loan theo hiệp ước Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) mở rộng, nếu có.
 

Chính quyền Albanese đã chỉ ra rằng việc một quốc gia giữ vững lập trường của mình đủ lâu có thể khiến Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận trạng thái cân bằng mới trong quan hệ song phương. Philippines và các quốc gia khác ở Đông Nam Á có thể lấy cảm hứng ngoại giao từ sự can dự chủ động và tinh tế của Australia đối với Trung Quốc để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, đồng thời vạch ra đường lối cứng rắn đối với các lợi ích cốt lõi đang tranh chấp. Người ta cho rằng đây là sự cân bằng mà nhiều nước trong khu vực cần đạt được để ngăn chặn những xung đột thảm khốc xảy ra./.              
 
Thoibaovietuc.com/Nguồn Asia Times, vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage