2024: Một năm nhiều khó khăn đang chờ đợi thế giới

Thứ Bảy, 17/05/2025

5:28 am(VN)

-

8:28 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

2024: Một năm nhiều khó khăn đang chờ đợi thế giới

11/01/2024

Trong bài viết trên báo The Straits Times, tác giả nhận định vai trò của deepfake (deepfake là kỹ thuật sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để tạo ra video, hình ảnh hoặc âm thanh giả mạo một cách rất chân thực) trong năm diễn ra nhiều cuộc bầu cử trên thế giới, căng thẳng thương mại dai dẳng và hậu quả lâu dài của cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông có thể sẽ định hình bức tranh toàn cầu năm 2024. Nội dung bài viết như sau:


Những ngày này hơn một năm trước, mọi người cảm thấy nhẹ nhõm vì thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19 đã qua đi. Du lịch đã quay trở lại. Các hoạt động kỷ niệm Lễ Giáng sinh và Năm mới diễn ra mà không bị hạn chế về quy mô tụ tập, mọi người cảm thấy thoải mái vì việc đeo khẩu trang đã không còn là bắt buộc ở hầu hết các nơi. Mọi thứ đã thay đổi.


Gần đây, số ca mắc COVID-19 tại Singapore tăng mạnh, người dân được khuyến cáo đeo khẩu trang ở nơi công cộng và một số người đang tự hỏi liệu có nên tổ chức các cuộc tụ họp hay không. Người ta hi vọng rằng việc số ca mắc COVID-19 gia tăng chỉ là tạm thời và sẽ biến mất trong năm 2024.


Tuy nhiên, cảm giác bất an bao trùm những tuần cuối cùng của năm 2023 có thể sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2024 – trong những lĩnh vực vượt ra ngoài vấn đề y tế. Gần đây hơn, các chuyên gia kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Singapore năm 2024 từ mức 2,5% xuống còn 2,3% do nguy cơ suy thoái toàn cầu. Theo tác giả bài viết, có ba diễn biến toàn cầu cần đặc biệt theo dõi vì khả năng tạo ra những rạn nứt trong xã hội.


Mối nguy hiểm của deepfake


Một vấn đề mà các nhà quan sát lo ngại là sự trỗi dậy của AI tạo sinh và khả năng bị lạm dụng để đánh lừa mọi người, đặc biệt là các cử tri đi bỏ phiếu. Các video deepfake – cảnh quay những con người thực sự được sửa đổi hoặc được tạo ra để khiến có vẻ như họ đã nói hoặc làm điều gì đó mà họ không hề làm – giờ đây đang trở nên phổ biến. Điều này đặc biệt đáng lo ngại vì video ngắn trên các nền tảng truyền thông xã hội, thường được lan truyền qua điện thoại thông minh, ngày càng trở thành nguồn thông tin quan trọng đối với nhiều người.


Vào tháng 10/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia đã nêu quan ngại rằng những thông tin như vậy có thể được sử dụng để đánh lừa cử tri và ảnh hưởng đến việc tiến hành cuộc bầu cử vào tháng 2/2024 của nước này. Mới đây, tờ Financial Times đưa tin rằng trước khi diễn ra cuộc bầu cử ở Bangladesh vào tháng 1, một số cơ quan truyền thông và những người có ảnh hưởng đã quảng bá thông tin sai lệch do AI tạo sinh tạo ra bằng công cụ có sẵn do các công ty khởi nghiệp cung cấp. Ấn Độ và Mỹ cũng sẽ tổ chức bầu cử trong năm 2024, và công nghệ giúp tạo ra, chỉnh sửa và phổ biến deepfake đã trở nên rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn.


Các chính phủ đang kêu gọi – và trong một số trường hợp đang hợp tác với – các nền tảng truyền thông xã hội để cảnh báo và quản lý hiện tượng này. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ khó khăn. Bà Sabhanaz Rashid Diya, người sáng lập Viện công nghệ toàn cầu phi lợi nhuận, đánh giá mối đe dọa lớn hơn chính nội dung AI tạo sinh tạo ra là khả năng các chính trị gia và những người khác có thể sử dụng deepfake để làm mất đi tính xác thực của những thông tin gây bất lợi. Theo bà, thật dễ dàng để một chính trị gia tuyên bố rằng “đây là deepfake” và gieo cảm giác lẫn lộn.


Thách thức là khi deepfake trở nên ngày càng phổ biến, một số người có thể tự hỏi liệu ngay cả những hình ảnh video thực mà họ xem có đáng tin cậy hay không, đặc biệt là nếu nó đề cập đến những chủ đề gây tranh cãi. Khi việc phân biệt đúng sai trở nên khó khăn hơn nhiều, mối nguy hiểm thực sự là tất cả thông tin đều bị mất uy tín – kể cả sự thật. Và niềm tin vào chính quyền và các chuyên gia – bao gồm các cơ quan công quyền, các nhà lãnh đạo và các nhà quan sát khách quan – đều có thể bị hoài nghi.


Những căng thẳng thương mại


Lòng tin ngày càng giảm sút giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới trong bối cảnh căng thẳng thương mại cũng là mối lo ngại lớn đang dần hiện hữu. Mặc dù cả Mỹ và Trung Quốc cũng như Liên minh châu Âu (EU) đều nhất trí rằng phải quản lý những căng thẳng như vậy, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy những bất đồng sâu sắc giữa họ sẽ sớm được giải quyết.


Về mặt tích cực, tại hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên ở Bắc Kinh vào tháng 12/2023, Trung Quốc và EU đã nhất trí cần cân bằng hơn quan hệ thương mại giữa hai bên. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU cho biết châu Âu sẽ không khoan dung “sự cạnh tranh không công bằng” từ Trung Quốc. Về phần mình, Bắc Kinh cho biết họ mong đợi EU thận trọng khi đưa ra các chính sách thương mại “hạn chế”.


Gần đây, quan chức số 2 của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã tự hỏi liệu sự phân tách trong thương mại toàn cầu có dẫn đến Chiến tranh Lạnh lần thứ hai hay không. Trong bài giảng ở Colombia, Tiến sỹ Gita Gopinath lưu ý rằng những lo ngại về an ninh quốc gia đang định hình chính sách kinh tế, với việc Mỹ kêu gọi chuyển sản xuất sang các nước bạn bè thân thiện, EU kêu gọi giảm thiểu rủi ro và Trung Quốc kêu gọi tự lực.


Bà cho rằng: “Trong khi đó, hệ thống dựa trên luật lệ toàn cầu không phải được xây dựng để giải quyết xung đột thương mại dựa trên an ninh quốc gia. Vì vậy, các quốc gia đang cạnh tranh chiến lược bằng các nguyên tắc vô định hình và không có một trọng tài hiệu quả. Các chính sách của họ mang lại lợi ích khi cố gắng giảm thiểu rủi ro cho các chuỗi cung ứng và tăng cường an ninh quốc gia. Tuy nhiên, nếu không được quản lý một cách hợp lý, phí tổn có thể dễ dàng lấn át những lợi ích này, và có khả năng đảo ngược gần 3 thập kỷ hòa bình, hội nhập và tăng trưởng giúp hàng tỷ người thoát khỏi đói nghèo”.


Mặt khác, bà trích dẫn việc một số quốc gia có mối quan hệ tốt với cả Mỹ và Trung Quốc đã được lợi như thế nào từ sự rạn nứt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ví dụ, các nhà sản xuất điện tử lớn đã và đang chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, do thuế quan Mỹ áp đối với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam nhập hầu hết đầu vào từ Trung Quốc trong khi phần lớn xuất khẩu lại sang Mỹ. Tương tự, Mexico đã vượt Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang Mỹ năm 2023, nhưng nhiều nhà sản xuất mở nhà máy ở Mexico lại là những công ty Trung Quốc nhắm vào thị trường Mỹ.


Mặc dù vậy, những sự chuyển hướng như vậy đồng nghĩa với việc kéo dài các chuỗi cung ứng, tăng chi phí đối với hàng hóa và thời gian vận chuyển. Và nhìn chung, sự phân tách thương mại vẫn sẽ dẫn đến những tổn thất toàn cầu về lâu dài.


Hậu quả lâu dài của cuộc xung đột Trung Đông


Trong khi deepfake và AI tạo sinh có khả năng gây mất niềm tin, và căng thẳng thương mại gây áp lực lên chi phí, những diễn biến ở khu vực Trung Đông có khả năng vừa làm tăng thêm sự mất niềm tin vừa đẩy chi phí lên cao. Việc Israel tiếp tục tấn công quân sự vào Gaza sau cuộc tấn công khủng bố của Hamas vào ngày 7/10/2023 khiến khoảng 1.200 người Israel thiệt mạng đã gây ra sự chia rẽ trên khắp thế giới – từ các trường đại học ở Mỹ cho đến những cuộc biểu tình và chống biểu tình ở các thành phố lớn. Hơn 20.000 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel, với 85% dân số Gaza hiện phải di tản.


Vào tháng 12/2023, nhà sáng lập Eurasia Group Ian Bremmer lưu ý rằng mặc dù Mỹ gây áp lực buộc Israel phải giảm thiểu thương vong dân thường khi nước này cố gắng tiêu diệt Hamas, nhưng hầu hết thế giới đều coi những động thái này là quá ít và quá muộn. Ông cho rằng: “Chính phủ Mỹ hiện tự nhận thấy mình gần như đơn độc trong việc hỗ trợ cuộc chiến tranh đang tiếp diễn này. Thật sốc khi phải nói rằng Mỹ ngày nay bị cô lập trong vấn đề này trên toàn cầu giống như Vladimir Putin khi xâm lược Ukraine cách đây 2 năm”. Một cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc mới đây đã chứng kiến 153 quốc gia ủng hộ kêu gọi ngừng bắn nhân đạo, chỉ có 10 phiếu chống, trong đó có Mỹ và Israel.


Trong khi đó, lực lượng dân quân Houthi ở Yemen đang nhắm mục tiêu vào các tàu ngoài khơi bờ biển nước này và ở Biển Đỏ nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc chiến ở Gaza. Ngày 15/12, hai hãng vận chuyển container lớn – Maersk and Hapag-Lloyd – cho biết họ đã tạm dừng hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ sau các vụ va chạm vào các tàu khác trên tuyến đường biển này thời gian gần đây. Có nguy cơ thực sự là xung đột sẽ lan rộng, với việc các nhóm chiến binh khác trong khu vực sẽ bị lôi kéo vào.


Các cơ quan an ninh cũng nêu lên quan ngại rằng những cá nhân bị cực đoan hóa bởi cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza, cũng như những luận điệu về nó, có thể được thúc đẩy để âm mưu và tiến hành tấn công khủng bố trên khắp thế giới. Kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, lưu lượng truy cập các website cực đoan trong khu vực đã tăng lên, và các chuyên gia an ninh lưu ý sự gia tăng luận điệu chống Singapore ở trên mạng.


Nếu năm 2024 thực sự trở thành một năm được đánh dấu bởi sự rạn nứt và phân tách trên toàn cầu, thì những xu hướng này cũng sẽ ảnh hưởng đến Singapore. Là một nền kinh tế mở kết nối với thế giới, phụ thuộc vào thế giới bên ngoài đối với thịnh vượng của chính mình, Singapore dễ bị tổn thương trước những cú sốc cũng như những biến động và ảnh hưởng địa chính trị khu vực và thế giới./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn The Straits Times,, vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage