Yếu tố giúp thúc đẩy hợp tác Australia-Đông Nam Á

Thứ Bảy, 17/05/2025

6:39 am(VN)

-

9:39 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Yếu tố giúp thúc đẩy hợp tác Australia-Đông Nam Á

26/01/2024

Trang mạng The Strategist ngày 24/1 đăng bài viết của tác giả Hạnh Nguyễn - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, Trường Coral Bell về các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương, Đại học Quốc gia Australia và là nghiên cứu viên tại Hội đồng Yokosuka về Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương – cho rằng ngoại giao địa phương và vùng lãnh thổ có thể giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác Australia-Đông Nam Á. Nội dung bài viết như sau:
        

Ngoại giao từng là đặc quyền của chính phủ các nước, được đảm nhiệm bởi một nhóm nhỏ các nhà lãnh đạo, quan chức, nhà ngoại giao và quân đội. Sự tăng tốc của toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau kể từ những năm 1970 đã dẫn đến sự xuất hiện của các vấn đề mới, liên kết với nhau ngoài các vấn đề an ninh và quân sự cũng như các kênh mới kết nối các quốc gia, chẳng hạn như các mối quan hệ không chính thức giữa giới tinh hoa chính phủ và phi chính phủ. Thông thường, những mối liên hệ mới này đã bị các nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao quốc gia bỏ qua, hoặc có lẽ bị hiểu lầm và đánh giá thấp.
        

Ngoại giao quốc tế không còn là lĩnh vực dành riêng cho các nhà lãnh đạo quốc gia. Ngoại giao địa phương, trong đó đề cập đến các hoạt động can dự có sự tham gia của các chủ thể và thể chế địa phương, mang đến cho Australia nhiều cơ hội mới để gắn kết với Đông Nam Á.
        

Ngoại giao địa phương là một công cụ hiệu quả để các chủ thể địa phương nắm bắt những cơ hội mới và giải quyết các vấn đề cụ thể có ảnh hưởng đến một khu vực bầu cử hạn chế. Cơ hội kinh tế thường thúc đẩy những sáng kiến này, với sự khuyến khích mạnh mẽ ở cấp địa phương và bang. Các nhà lãnh đạo địa phương có thể tận dụng nó một cách nhanh chóng bằng cách xác định các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực bầu cử của họ, mang lại lợi ích vật chất cho người dân địa phương và giành được sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ hơn ở địa phương.
        

Các bang và vùng lãnh thổ của Australia đã nhận thức được lợi ích của việc liên kết kinh tế chặt chẽ hơn với Đông Nam Á và hiện nay một số bang đang xây dựng các sáng kiến với các đối tác này.
 

Tháng 9/2020, bang Tây Australia đã công bố chiến lược gắn kết với châu Á. Chiến lược này được thực hiện thông qua các biện pháp như ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu của Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục và trao đổi văn hóa.
        

Năm 2023, chính quyền bang New South Wales và chính quyền thủ đô Jakarta đã gia hạn Biên bản ghi nhớ về hợp tác, đặc biệt chú trọng vào kinh doanh nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống, công nghệ, du lịch và giáo dục.
        

Chính quyền Vùng Lãnh thổ phía Bắc (NT) của Australia và chính quyền tỉnh Tây Nusa Tenggara của Indonesia cũng đã ký Biên bản ghi nhớ vào tháng 7/2023 để thiết lập một thỏa thuận tỉnh kết nghĩa, thúc đẩy các cơ hội giáo dục và du lịch, đồng thời khuyến khích chia sẻ kiến thức và kỹ năng trong các ngành dịch vụ tương ứng của họ. NT cũng đã ký Biên bản ghi nhớ với bang Kerala của Ấn Độ vào tháng 10/2023.
        

Ngoại giao địa phương cũng đặt ra nhiều thách thức. Trong các hệ thống liên bang, do nguyên tắc chia sẻ quyền lực - ở Australia là sự phân chia quyền lực giữa 3 cấp chính quyền - chính quyền địa phương có một mức độ tự chủ và độc lập nhất định trong việc khởi xướng và thực hiện các chính sách phù hợp với nhu cầu của địa phương. Tuy nhiên, quyền tự chủ này không nhất thiết phải mở rộng sang ngoại giao quốc tế và nó có thể dẫn đến việc thực thi chính sách đối ngoại đầy mâu thuẫn.
        

Khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, các thống đốc bang, thị trưởng và doanh nhân Mỹ đã vào cuộc để lấp đầy khoảng trống thông qua các sáng kiến riêng, chẳng hạn như Liên minh khí hậu và các thị trưởng phụ trách vấn đề khí hậu của Mỹ.
        

Việc có quá nhiều chủ thể địa phương theo đuổi các sáng kiến ngoại giao cũng có thể gây ra các vấn đề về phối hợp, cạnh tranh nội bộ giữa các thực thể địa phương và sự phân tán các chiến lược quốc gia, đặc biệt khi các chủ thể quốc gia và địa phương đang cạnh tranh để thu hút cùng một đối tác nước ngoài. Ví dụ, những nỗ lực của bang Tây Australia và bang Victoria trong việc tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc đã làm dấy lên một số lo ngại về các vấn đề phối hợp khi những nỗ lực này diễn ra trong bối cảnh Australia có thái độ dè dặt đối với BRI.
        

Việc thiếu sự phối hợp giữa cấp bang và cấp địa phương có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với quốc phòng và an ninh quốc gia khi các tác nhân nước ngoài lợi dụng những cam kết ở cấp địa phương này để chia rẽ nội bộ và làm suy yếu các chính sách quốc gia. Các MOU của bang Victoria với Trung Quốc – bao gồm cả MOU về BRI – đã bị giám sát chặt chẽ khi quan hệ Australia-Trung Quốc xấu đi.
        

Chính quyền bang và vùng lãnh thổ dự kiến sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ với các thực thể địa phương ở Đông Nam Á. Một báo cáo gần đây của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) dự đoán Đông Nam Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu đến năm 2040 và hơn thế nữa. Australia sẽ được hưởng lợi từ sự năng động kinh tế của Đông Nam Á về nhiều mặt, với tư cách là nhà cung cấp hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ chất lượng cũng như là nhà đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chuyển đổi năng lượng xanh.
        

Báo cáo của DFAT thúc đẩy cách tiếp cận toàn chính phủ nhằm tăng cường sự tham gia kinh tế của Australia với khu vực. Chiến lược này nhấn mạnh tầm quan trọng của chính phủ liên bang và vùng lãnh thổ Australia nhằm tăng cường mối liên kết với Đông Nam Á. Năm 2022, Hội đồng Bộ trưởng về Thương mại và Đầu tư Australia được thành lập để thúc đẩy các cơ hội thương mại và đầu tư với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hội đồng bao gồm các bộ trưởng thương mại từ tất cả các bang và vùng lãnh thổ và đã có cuộc họp đầu tiên vào năm 2023 để sắp xếp các ưu tiên thương mại và đầu tư.
        

Chính quyền bang, vùng lãnh thổ và liên bang Australia nên tiếp tục hỗ trợ các sáng kiến ngoại giao địa phương với Đông Nam Á.
        

Ưu tiên của khu vực, giống như ưu tiên của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, vẫn là phát triển kinh tế, đặc biệt khi biến đổi khí hậu và căng thẳng địa chính trị đã khiến các nhà lãnh đạo khu vực nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của sự phát triển kiên cường và toàn diện. 
        

Chính quyền bang và vùng lãnh thổ của Australia nên tập trung vào các dự án phù hợp với tầm nhìn này, chẳng hạn như xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng, hỗ trợ chuyển đổi năng lượng và nâng cao kỹ năng và kiến thức. Sự giám sát và điều phối của chính phủ liên bang cần tiếp tục đảm bảo rằng tất cả các dự án đều phù hợp với chiến lược gắn kết với khu vực và lợi ích an ninh quốc gia của Australia, nhưng những khuyến khích mạnh mẽ của địa phương đối với các nhà lãnh đạo tiểu bang và lãnh thổ có thể mang lại kết quả nhanh chóng./.        

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn vnanet.vn

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage