Yếu tố dẫn đến quyết định tăng lãi suất tiếp theo của Australia

Thứ Bảy, 17/05/2025

5:54 am(VN)

-

8:54 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Yếu tố dẫn đến quyết định tăng lãi suất tiếp theo của Australia

08/05/2023

Theo tạp chí Financial Review (Australia), giá của 27 dịch vụ tăng cao có thể khiến Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương) tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Các nhà kinh tế cho biết tốc độ tăng trưởng tiền lương có thể đẩy lạm phát giá dịch vụ lập kỷ lục mới, điều này buộc RBA phải tiếp tục tăng lãi suất, trong khi người tiêu dùng đang phải chấp nhận chi trả nhiều hơn cho những bữa ăn ở nhà hàng hay những kỳ nghỉ đắt đỏ.

Sau khi quyết định tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất "gây sốc" cho thị trường vào hôm 2/5 vừa qua, Thống đốc RBA Philip Lowe đã chỉ ra rằng lạm phát giá dịch vụ tăng là một trong những lý do dẫn đến quyết định của hội đồng quản trị RBA trong việc nâng lãi suất lên 3,85%.

Trong khi lạm phát toàn phần trong nước giảm nhờ lạm phát hàng hóa đã hạ nhiệt, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong quý I/2023 cho thấy giá dịch vụ tháng Ba đã tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất trong hai thập kỷ qua.

Trong số những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến gia tăng lạm phát dịch vụ là chi phí cho kỳ nghỉ, chi phí thuê nhà và giá bữa ăn ở nhà hàng đã tăng vọt.

Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang vật lộn trước sự thay đổi lạm phát từ hàng hóa sang dịch vụ, với giá cả đang tăng lên do nhu cầu ổn định và tăng trưởng tiền lương.

Thống đốc Philip Lowe cho biết lạm phát giá dịch vụ đang “dai dẳng một cách khó chịu” ở nhiều quốc gia trên thế giới. Có thể bối cảnh ở Australia khác, nhưng thực tế các quốc gia khác đã cho thấy nguy cơ tăng giá dịch vụ, đặc biệt là có sự tương đồng lớn về động lực lạm phát giữa các quốc gia trong thời gian gần đây”.

Tại Mỹ, lạm phát giá dịch vụ vẫn duy trì ở mức cao và ít có sự thay đổi trong 7 tháng qua, trong khi xuất hiện những lo ngại về áp lực giá ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và Anh.

Bà Cherelle Murphy - nhà kinh tế trưởng của tổ chức dịch vụ đa ngành EY Oceania, một trong số ít các nhà kinh tế dự đoán lãi suất tăng vào hôm 2/5 - nhận định rằng lạm phát dịch vụ có nhiều khả năng sẽ tăng hơn là giảm do lực cầu cơ bản trong nền kinh tế.

Với tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong gần 50 năm (3,5%), bà Murphy cho rằng không có gì ngạc nhiên khi giá dịch vụ đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong hai thập kỷ. Bà cho biết: “Thực tế là (lạm phát dịch vụ) đang trên quỹ đạo đi lên. Điều này phản ánh thực tế rằng vẫn tồn tại áp lực tăng giá vì nền kinh tế đang vận hành ổn định. Điều đó cho thấy mọi người sẵn sàng ra ngoài và chi tiêu. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào mục chi tiêu cho nhà hàng và giải trí trong danh mục các loại hàng hoá và dịch vụ (“rổ” hàng hóa) CPI, thì chúng ta không nhận thấy nền kinh tế đang chững lại."

Lạm phát hàng năm đối với các bữa ăn trong nhà hàng đã lên tới 7% vào tháng Ba vừa qua, tốc độ nhanh nhất kể từ khi áp dụng Thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) vào năm 2000. Theo bà Murphy, điều này phản ánh sự kết hợp giữa nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ và mức lương cao. Bà cho biết thêm: “Các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm một đầu bếp và đội ngũ nhân viên phục vụ. Một trong những cách mà họ có thể tuyển được người là chỉ cần trả thêm một chút tiền thù lao. Yếu tố con người trong các loại hình dịch vụ rất lớn, và do đó, thành phần tiền lương đóng vai trò lớn trong giá cơ bản của một dịch vụ so với một hàng hóa”.

Theo nghiên cứu của RBA, tiền lương chiếm tới 3/4 chi phí đối với các dịch vụ do chính phủ tài trợ như dịch vụ chăm sóc trẻ em, giáo dục và y tế. Chí phí lao động chiếm từ 40- 50% giá của các dịch vụ trên thị trường như làm tóc và các bữa ăn tại nhà hàng.

Giáo sư Richard Holden chuyên về kinh tế tại Đại học New South Wales (UNSW) cho biết ông có thể nhìn ra lạm phát dịch vụ sẽ diễn biến theo cả hai chiều. Giáo sư cho rằng lạm phát dịch vụ có thể tăng tốc do lạm phát tiền lương cao. Ủy ban Công bằng lao động của Australia sẽ đưa ra đánh giá mức lương tối thiểu hàng năm vào tháng 6/2023, trong khi Thủ hiến bang New South Wales mới được bổ nhiệm, ông Chris Minns, tuyên bố sẽ loại bỏ giới hạn tăng trưởng tiền lương 3% trong lĩnh vực công của bang này.

Giáo sư Holden cho biết: “Trước đây tôi đã nghĩ rằng cần phải có mức lãi suất cao hơn ít nhất 100 điểm cơ bản nữa để kịp thời đưa lạm phát trở về mục tiêu."

* Áp lực tiền lương

Theo Cơ quan Thống kê Australia (ABS), trong số 87 mục trong danh mục các loại hàng hoá và dịch vụ đại diện trong CPI, 60 mặt hàng là hàng hóa và 27 mặt hàng là dịch vụ. Hàng hóa chiếm 53% CPI theo tỷ trọng chi tiêu, trong khi dịch vụ chiếm 47% tỷ trọng còn lại.

Theo phân tích của tờ Australian Financial Review, lạm phát đã tăng ở 21 trong số 27 dịch vụ trong danh mục CPI trong 6 tháng qua. Mức tăng mạnh nhất được ghi nhận là chi phí cho các kỳ nghỉ, loại dịch vụ vốn đã tăng mạnh do số lượng các chuyến bay hạn chế kết hợp với nhu cầu đi lại của người dân tăng vọt sau khi Australia mở cửa biên giới quốc tế sau đại dịch.

Theo ABS, chi phí cho các kỳ nghỉ quốc tế đã tăng 38,3% trong một năm qua, trong khi chi phí kỳ nghỉ trong nước tăng 24,8%.

Mức tăng giá mạnh tiếp theo là chi phí giáo dục đại học, tiếp sau là các dịch vụ gia đình như thuê người dọn nhà hoặc làm vườn, đã tăng 9,4%. Lạm phát chi phí đi khám bác sĩ thú y đã tăng lên 8,1% trong tháng 3/2023, trong khi giá dịch vụ giặt khô tăng hơn 7,5%. Lạm phát giá bảo hiểm đã tăng 8,6% do phí bảo hiểm nhà ở và xe cơ giới tăng cao.

Trong 6 tháng qua, lạm phát hàng năm đã tăng mạnh đối với hầu hết các dịch vụ do chính phủ tài trợ, bao gồm dịch vụ y tế và bệnh viện, học phí giáo dục trung học và giá bất động sản. Bà Murphy cho rằng: “Lương trong lĩnh vực công đã đuổi theo sau lương ở lĩnh vực tư nhân trong một thời gian dài. Thậm chí lương lĩnh vực công sẽ còn tăng thêm chút nữa, điều này có nghĩa là chi phí cho y tế và giáo dục đại học sẽ tăng cao hơn”./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn Financial Review

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage