Ý nghĩa của cuộc tập trận hải quân ASEAN và hàm ý đối với Australia

Thứ Sáu, 16/05/2025

6:46 am(VN)

-

9:46 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Ý nghĩa của cuộc tập trận hải quân ASEAN và hàm ý đối với Australia

21/09/2023

Theo trang mạng theinterpreter, các thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bắt đầu các cuộc tập trận quân sự chung, có tên chính thức là cuộc tập trận “Đoàn kết ASEAN-Natuna” (ASEX 01- Natuna), xung quanh đảo Batam ở phía Đông Eo biển Malacca. Diễn ra từ ngày 18-23/9, cuộc tập trận chủ yếu diễn ra trên biển có sự tham gia của hải quân, lục quân và không quân trong khu vực.

 

ASEX 01- Natuna tập trung vào an ninh hàng hải, ứng phó thảm họa và các hoạt động cứu hộ hơn là tập trận chiến đấu. Với tư cách là một khối, ASEAN trước đây đã tiến hành các cuộc tập trận chung với các nước khác, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc, nhưng đây là lần đầu tiên các cuộc tập trận như vậy sẽ chỉ dành cho các nước thành viên ASEAN.
          

Được công bố tại Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng ASEAN lần thứ 20 ở Bali hồi đầu tháng 6 năm nay, cuộc tập trận ban đầu được lên kế hoạch ở khu vực phía Nam Biển Hoa Nam (Biển Đông) – khu vực có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia chồng lấn với “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc – nhưng sau đó đã được chuyển đến vùng biển quần đảo của Indonesia, phía Nam Biển Natuna. Các báo cáo cho thấy điều này là do sự nhạy cảm xung quanh các tuyên bố chủ quyền đang tranh chấp giữa một số nước ASEAN và Trung Quốc. Trong khi đó, một số người cho rằng sự thay đổi được thực hiện theo yêu cầu của Campuchia. Quân đội Indonesia đã phủ nhận đây là kết quả của áp lực từ bên ngoài, nói rằng sự thay đổi được thực hiện vì địa điểm mới phù hợp hơn với tính chất phi chiến đấu của cuộc tập trận, với ưu tiên “dành cho các khu vực dễ xảy ra thảm họa thiên tai”.
          

Trong khi một số nhà phân tích coi việc thay đổi địa điểm là một cơ hội bị bỏ lỡ để ASEAN thách thức “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc, thì cuộc tập trận vẫn được hiểu là thể hiện sự đoàn kết tại thời điểm ASEAN được cho là đang trì trệ trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục quyết đoán. Khi thông báo về cuộc tập trận, Đô đốc Yudo Margono - Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Quốc gia Indonesia - đã tuyên bố rằng “Đó là về vai trò trung tâm của ASEAN”. Đây là quan điểm được nhiều chuyên gia chia sẻ, những người coi cuộc tập trận này là để “tăng cường củng cố khái niệm của ASEAN về tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” bằng cách tập trung vào các vấn đề hàng hải như “chống cướp biển, tai nạn hàng hải, ô nhiễm và tìm kiếm cứu nạn”.
          

Có lẽ đáng chú ý nhất là việc các nước Đông Nam Á chọn các cuộc tập trận hàng hải chung làm nền tảng để tái khẳng định một cách rõ ràng vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời cũng là dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của các vấn đề an ninh hàng hải ở khu vực này.
          

Giống như nhiều quốc gia, vai trò trung tâm của ASEAN là trụ cột trong cam kết của Australia với khu vực, tầm quan trọng của vai trò này được thể hiện trong các tài liệu quan trọng của Australia như Chính sách phát triển quốc tế, Sách trắng về chính sách đối ngoại hay Đánh giá chiến lược quốc phòng. Tất cả những chính sách này đều phác thảo theo những cách khác nhau tại sao và bằng cách nào an ninh của Australia lại gắn liền với an ninh của Đông Nam Á. Quan điểm này được củng cố thông qua các bài phát biểu cấp cao, trong đó Thủ tướng Anthony Albanese, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles và Ngoại trưởng Penny Wong đều nhấn mạnh nhu cầu định hình một tương lai chung cùng với khu vực này.
          

Nếu những cam kết này trở thành hiện thực, Australia cần lắng nghe và giúp giải quyết các ưu tiên trong khu vực. Việc Canberra không tham gia cuộc tập trận ASEX 01- Natuna không có nghĩa là nước này không thể đóng góp vào mục tiêu chung là tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN thông qua an ninh hàng hải. Để đạt được mục tiêu đó, Australia có thể và nên làm những việc gì?
          

Ghi nhận mối quan tâm và lợi ích chung của môi trường hàng hải ổn định, một báo cáo gần đây - được đưa ra sau khi tham vấn với 45 chuyên gia từ khắp khu vực - đã tìm hiểu cách Australia và Đông Nam Á có thể phát triển một chương trình nghị sự chung về an ninh hàng hải. Báo cáo này phác thảo một tầm nhìn trong đó Australia “tập hợp tất cả các yếu tố của nghệ thuật lãnh đạo để đáp ứng những thách thức an ninh hàng hải mà Đông Nam Á đang phải đối mặt” và đưa ra một số biện pháp để hiện thực hóa điều này.
          

Các biện pháp bao gồm việc tận dụng kinh nghiệm và danh tiếng của Australia với tư cách là nhà cung cấp các chương trình xây dựng năng lực quân sự hàng hải bằng cách mở rộng đào tạo cho cả quan chức dân sự và chính phủ ở các nước Đông Nam Á, đồng thời thông qua việc mở rộng các chương trình đào tạo tiếng Anh để vượt qua các rào cản về ngôn ngữ và mở đường cho sự hợp tác sâu sắc hơn giữa các cơ quan quốc phòng. Các chương trình học bổng toàn phần của chính phủ Australia cũng như Chương trình Học bổng Quốc phòng bậc Thạc sỹ Australia- ASEAN đều là những cơ chế có thể được mở rộng và sử dụng không chỉ cho đào tạo kỹ thuật và kiến thức tác chiến mà còn để phát triển tư duy chiến lược.
 

Australia cũng có vị trí thuận lợi để hỗ trợ nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải trong khu vực (MDA) thông qua việc tăng cường chia sẻ thông tin và phân tích tổng hợp để cho phép các nước phản ứng nhanh hơn trước các sự cố và đặt ra các ưu tiên trong khu vực. Điều này có thể đạt được thông qua việc xây dựng dựa trên các thỏa thuận hiện có, bao gồm cả với Trung tâm Tổng hợp Thông tin khu vực ở Singapore. Kinh nghiệm của Australia trong việc hỗ trợ MDA, an ninh hàng hải và phát triển cơ sở hạ tầng trên khắp Thái Bình Dương mang lại những bài học quý giá.
          

Chính phủ Australia cũng có thể hợp tác với các đối tác Đông Nam Á để thành lập Cơ quan liên lạc riêng rẽ (SPOC) hoặc cơ quan chủ trì nhằm đảm bảo an ninh hàng hải ở mỗi quốc gia có khả năng truyền tải thông tin ở cấp quốc gia. Các SPOC có thể là một giải pháp tiết kiệm chi phí để phổ biến và chia sẻ thông tin, thảo luận về các thách thức và phát triển các đề xuất, đồng thời có thể được triển khai mà không gặp nhiều trở ngại về hành chính, pháp lý hoặc ngoại giao.
          

Cuối cùng, Australia có thể áp dụng cách tiếp cận mang tính thế hệ lâu dài đối với các vấn đề an ninh hàng hải và hỗ trợ sự tham gia của giới trẻ như một cách sử dụng ngoại giao mềm để đào tạo thế hệ lãnh đạo ASEAN và Australia tiếp theo, thúc đẩy hợp tác và phát triển các chiến lược an ninh đổi mới. Sự thành công của Chương trình lãnh đạo mới nổi Australia-ASEAN khi quy tụ được cả các doanh nghiệp xã hội từ Australia và các quốc gia thành viên ASEAN nên tiếp tục được nhân rộng - và có thể tập trung vào cả lĩnh vực an ninh hàng hải.
          

Có nhiều điều để nói về giá trị của việc Australia tham gia các cuộc tập trận chung với các đối tác trong khu vực, nhưng đôi khi những lựa chọn ít hào nhoáng hơn cũng có thể mang lại hiệu quả tương đương. Bất kể Australia có được mời tham gia các cuộc tập trận chung trong tương lai với ASEAN hay không, nước này nên tiếp tục thực hiện cách tiếp cận rộng rãi để tăng cường an ninh hàng hải khu vực. Nếu Australia và Đông Nam Á muốn phát triển một chương trình nghị sự chung về an ninh hàng hải, thì cuộc tập trận chung đầu tiên chỉ dành cho các nước thành viên của khối và những nỗ lực của chính Canberra sẽ được coi là “hai mặt của cùng một đồng tiền”./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn theinterpreter

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage