THỜI BÁO VIỆT - ÚC
Gắn kết - Hội nhập - Phát triển
Theo tờ Australian Financial Review (AFR), các nhà kinh tế Australia đã hối thúc Bộ trưởng Tài chính Jim Chalmers cải cách hệ thống thuế sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy sự sụt giảm nghiêm trọng nhất về mức sống của các hộ gia đình Australia, so với các quốc gia phát triển trong vài năm gần đây.
Dữ liệu mới do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố chỉ ra rằng thu nhập khả dụng được điều chỉnh theo lạm phát ở Australia đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 6/2019 do lạm phát tăng cao, các khoản trả nợ thế chấp phình to và thuế thu nhập cao đang “bào mòn” ngân sách của các hộ gia đình.
Theo phân tích của AFR, trong 12 tháng tính đến tháng 6/2023, thu nhập hộ gia đình ở Australia đã giảm 5,1%, mức giảm mạnh nhất được ghi nhận trong số các thành viên OECD.
Dữ liệu trên cũng làm nổi bật thách thức chính trị mà Chính phủ của Thủ tướng Althony Albanese đang phải đối mặt khi các cuộc thăm dò dư luận liên tục cho thấy chi phí sinh hoạt tăng nhanh đã trở thành vấn đề quan trọng nhất đối với các cử tri.
Trong cuộc chất vấn tại Thượng viện hôm 9/11, phe đối lập đã chỉ trích Công đảng về các số liệu trên, đổ lỗi cho chính phủ không quan tâm tới mức sống của người dân đang sụt giảm.
Phát ngôn viên của Bộ trưởng Tài chính Chalmers cho biết: “Lãi suất và lạm phát cao hơn đang gây áp lực lên người dân và đó là lý do tại sao ưu tiên số một của chính phủ là cần phải giải quyết lạm phát và chi phí sinh hoạt”. Vị quan chức này tiết lộ Chính phủ đang triển khai gói hỗ trợ chi phí sinh hoạt trị giá 23 tỷ AUD (14,71 tỷ USD) nhằm giảm bớt áp lực cho người dân, đồng thời giúp hạ nhiệt lạm phát. Theo người phát ngôn, Cơ quan Thống kê Australia (ABS) đã khẳng định rằng nếu không có kế hoạch hỗ trợ chi phí sinh hoạt, lạm phát sẽ cao hơn 0,5 điểm phần trăm.
Người phát ngôn tài chính của đảng Tự do đối lập, bà Jane Hume, phàn nàn: “Với dự báo cho thấy lạm phát sẽ cao hơn trong quãng thời gian dài hơn, lãi suất tăng và tiền lương thực tế giảm, rõ ràng người dân Australia đang phải trả giá cho việc Công đảng thiếu kế hoạch trong cuộc khủng hoảng này”.
Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thu nhập khả dụng ở Australia đã tăng lên do Chính phủ tiền nhiệm do Thủ tướng Scott Morrison lãnh đạo đã tung ra gói kích thích trị giá 429 tỷ AUD. Các chuyên gia nhận định các hộ gia đình đã nhận được sự hỗ trợ quá nhiều cho những tổn thất do dịch COVID-19 gây ra.
Theo các nhà kinh tế tại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), các biện pháp kích thích quá mức có nghĩa là các hộ gia đình Australia đã tích lũy được khoản tiền dự phòng lớn hơn nhiều so với các hộ gia đình ở các quốc gia phát triển khác. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận thấy các khoản dự phòng này gần như đã cạn kiệt trong một năm qua.
Sự sụt giảm thu nhập thực tế trong năm qua ở Australia đi ngược lại với mức sống chung của các quốc gia thành viên OECD, nơi thu nhập đã tăng 2,6%. Cụ thể Mỹ ghi nhận mức tăng thu nhập khả dụng là 3,5% trong năm qua sau khi chứng kiến mức giảm mạnh 12,4% từ “đỉnh” đến “đáy” do các khoản hỗ trợ trong đại dịch đã bị rút lại trong năm 2021 và 2022.
* Thuế là một nguyên nhân
Bảy quý giảm liên tiếp có nghĩa là thu nhập thực tế của các hộ gia đình Australia hiện chỉ cao hơn 18% so với năm 2007.
Trong khi lạm phát toàn phần ở Australia thấp hơn mức trung bình trong OECD, tiền lương danh nghĩa cũng tăng với tốc độ chậm hơn nhiều so với nhiều nền kinh tế phát triển khác, bao gồm Anh, Canada, Khu vực đồng euro (Eurozone) và Mỹ.
Nhà kinh tế trưởng Carlos Cacho của Tập đoàn tư vấn đầu tư Jarden cho biết dữ liệu của OECD cho thấy các hộ gia đình Australia đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều yếu tố dẫn đến kết quả tồi tệ hơn về mặt vật chất so với các quốc gia khác. Các yếu tố đó bao gồm tốc độ tăng dân số nhanh hơn, lạm phát liên tục tăng cao và khu vực hộ gia đình bị chi phối bởi một bộ phận những người đi vay với mức lãi suất linh hoạt.
Ông Cacho cho rằng một yếu tố chắc chắn góp phần vào hậu quả trên là tình huống “chuyển nhóm thuế” - lạm phát đẩy thu nhập vào một khung thuế cao hơn dẫn đến tăng thuế thu nhập nhưng không tăng sức mua thực. Ông nhấn mạnh sự kết hợp giữa tăng trưởng tổng thu nhập danh nghĩa và việc không lập chỉ mục các khung thuế có nghĩa là mức thuế phải nộp tăng cao hơn các quốc gia khác trên toàn cầu.
Australia nằm trong nhóm 21 quốc gia OECD không lập chỉ mục khung thuế theo lạm phát. 17 quốc gia còn lại trong OECD tự động điều chỉnh khung thuế của mình để bù đắp cho mức lạm phát cao hơn.
Bởi vì các khung thuế không được điều chỉnh theo lạm phát, nên việc tăng lương danh nghĩa sẽ dẫn đến tăng thuế trung bình, vì phần lớn tiền lương của người lao động được đẩy vào khung thuế cao nhất áp dụng cho họ. Các nhà kinh tế gọi tình huống này là “chuyển nhóm thuế”. Kết quả là, 16,2% thu nhập hộ gia đình đã bị chuyển sang thuế thu nhập trong 3 tháng, tính đến tháng 6/2023 theo năm tài chính.
Tiến sĩ kinh tế Pradeep Philip - đối tác chính của công ty tài chính Deloitte Access Economics - cho biết sự sụt giảm thu nhập thực tế cho thấy tầm quan trọng của việc cải tổ cơ bản hệ thống thuế. Theo Tiến sĩ Philip, việc phụ thuộc quá nhiều vào thuế thu nhập cá nhân là điều cần phải thay đổi đáng kể và quan trọng là cần “chuyển tiếp mức thuế này sang các nguồn khác”.
Các hộ gia đình khó có thể nhận được sự hỗ trợ cho đến ngày 1/7/2024, thời điểm đợt cắt giảm thuế giai đoạn 3 bắt đầu có hiệu lực và trả lại một số khoản chênh lệch cho các hộ gia đình.
Đợt hỗ trợ trên sẽ bãi bỏ các khung 32,5% và 37%, đưa ra mức thuế suất 30% duy nhất cho những người có thu nhập từ 45.000-200.000 AUD/năm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần có sự thay đổi mang tính căn bản hơn.
* “Nỗi đau” lãi suất
Ông Dan Andrews, Giám đốc nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế E61, cho biết Australia nên chuyển gánh nặng thuế từ cá nhân sang các lĩnh vực ít nhạy cảm hơn như đất đai hoặc tiêu dùng, chẳng hạn như thông qua việc tăng thuế hàng hóa và dịch vụ hoặc (GST).
Ông Andrews cho biết mức thuế thu nhập cá nhân cao là yếu tố cản trở lớn đối với những người có thu nhập thứ cấp (những người có thu nhập ít hơn 50% thu nhập của cả gia đình). Đây là những người phải đối mặt với mức thuế suất cận biên chặt chẽ nếu họ làm việc nhiều giờ hơn, đồng thời họ có thể không được hưởng trợ cấp thuế gia đình hoặc các khoản hỗ trợ thanh toán khác. Ông dẫn chứng một ví dụ phổ biến ở các quốc gia trên thế giới là tình huống thuế thực sự “bóp méo” nguồn cung lao động lại xảy ra đối với một người kiếm tiền thứ hai trong một gia đình có 2 người lớn. Ví dụ, khi một người vợ đi làm trở lại, gia đình này sẽ mất đi những lợi ích khác, vì thế việc đi làm trở lại này không còn ý nghĩa gì nữa.
Một yếu tố khác kéo lùi thu nhập của hộ gia đình là sự tồn tại của các khoản thế chấp có lãi suất thay đổi, khiến các hộ gia đình dễ bị tác động trước những thay đổi về lãi suất. Ông Cacho phân tích: “Việc tăng lãi suất tác động đến các hộ gia đình ở Australia nhanh hơn và mạnh hơn so với nhiều quốc gia khác. Na Uy và Thụy Điển là hai quốc gia tiếp theo sau Australia có mức tăng trưởng thu nhập khả dụng thực tế yếu nhất, đồng thời cũng đang chứng kiến lực cản đáng kể từ các khoản thanh toán lãi vay”.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA - ngân hàng trung ương), tỷ lệ dư nợ thế chấp với lãi suất thay đổi ở Australia cao hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào khác, trừ Na Uy.
Theo công ty nghiên cứu RateCity, với lãi suất mới 4,35%, một hộ gia đình có khoản vay 500.000 AUD sẽ phải trả thêm 1.210 AUD/tháng cho khoản trả nợ thế chấp của họ so với thời điểm tháng 5/2022 - tương đương tăng 59%.
Tiến sĩ Philip cho biết tốc độ tăng trưởng dân số 2,2% của Australia đã giải thích về mức sụt giảm 1/3 thu nhập bình quân đầu người. Ông nói: “Vấn đề không phải là tăng trưởng dân số, bởi vì có rất nhiều lợi ích từ tăng trưởng dân số và Australia rõ ràng là quốc gia hưởng lợi từ sự tăng trưởng này”.
Theo Tiến sĩ Philip, giải pháp thực sự là phát triển kinh tế để đáp ứng sự tăng trưởng về dân số cao đó bởi vì khi đó Australia mới tạo ra một chu kỳ phát triển mới. Ông cho rằng Australia cần dân số đông hơn vì là quốc gia đang thiếu hụt lao động có kỹ năng. Australia cần cải cách để nâng cao nguồn cung nhân lực và năng lực tăng trưởng của nền kinh tế./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn AFR
Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved