Vì sao căng thẳng khí đốt bùng lên ở Australia?

Thứ Bảy, 17/05/2025

11:05 pm(VN)

-

2:05 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Vì sao căng thẳng khí đốt bùng lên ở Australia?

08/05/2023

Theo tạp chí Financial Review (Australia), một số nhà sản xuất khí đốt lớn ở bờ biển phía Đông Australia dường như đang phản đối chính phủ liên bang khi họ không có ý định đưa ra cam kết cung cấp khí đốt trước thời hạn chót vào ngày 8/5 vì cho rằng các quy tắc kiểm soát giá mà Chính phủ Australia đề xuất là không phù hợp.

Theo một số nguồn tin trong ngành, ít nhất ba nhà sản xuất khí đốt lớn thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ quy tắc ứng xử bắt buộc với lĩnh vực khí đốt (Gas Code) đang trong giai đoạn tham vấn, không có ý định thực hiện cam kết cung cấp khí đốt ở một mức giá nhất định trước thời hạn vào ngày 8/5 do Chính phủ Australia đưa ra. Trong khi đó, ít nhất một công ty khí đốt khác đang lo ngại trước việc chính phủ liên bang sẽ tiến hành gây sức ép lớn hơn. Công ty này đang tìm cách gia hạn thêm thời gian trong bối cảnh gặp khó khăn trong việc biến lời hứa về nguồn cung trước đây thành một bản cam kết mang tính ràng buộc - một văn bản có thể khiến họ có nguy cơ bị kiện ra tòa và bị phạt nặng nếu không tuân thủ nghiêm túc.

Sự chần chừ của các nhà cung cấp khí đốt có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa ngành công nghiệp khí đốt với Chính phủ Công đảng, sau khi Chính phủ đã áp giá trần khí đốt tạm thời ở mức 12 AUD (8,4 USD)/gigajoule (GJ) vào tháng 12/2022 và đang đề xuất quy tắc kiểm soát giá- động thái bị các nhà sản xuất khí đốt phản đối gay gắt nhưng được Hiệp hội những người sử dụng năng lượng Australia (EUAA) hoan nghênh.

Bộ quy tắc kiểm soát giá trên là động thái mới nhất tác động ảnh hưởng đến các nhà sản xuất khí đốt, sau hàng loạt các động thái như thông qua luật mới về giới hạn lượng khí thải nhà kính (được gọi là cải cách "Cơ chế Bảo vệ"), điều chỉnh luật về thỏa thuận với người lao động và phán quyết của tòa án trong việc yêu cầu các công ty phải tham vấn nhiều hơn với cộng đồng người bản địa trước khi tiến hành các dự án ngoài khơi. Ngoài ra, còn có những thay đổi về Thuế cho thuê tài nguyên dầu mỏ - có khả năng sẽ được đưa vào trong Ngân sách liên bang sắp tới, điều sẽ kích hoạt tăng thuế đối với lợi nhuận của các nhà sản xuất khí đốt lớn.

Các biện pháp kiểm soát giá khí đốt ở khu vực bờ biển phía Đông đã được nới lỏng khi có nhiều biểu hiện cho thấy nếu áp dụng các quy định theo dự thảo bản đầu sẽ làm “đóng băng” các hoạt động đầu tư vào các dự án phát triển khí đốt mới, trong khi Cơ quan Quản lý cạnh tranh Australia cho rằng cần gia tăng thêm nguồn cung để tránh tình trạng thiếu hụt. Những thay đổi này loại bỏ công thức “định giá cộng thêm chi phí” nhằm điều chỉnh giá bán buôn và dỡ bỏ quy trình trọng tài giải quyết tranh chấp - hai yếu tố gây khó khăn nhất cho các nhà sản xuất.

* Mối quan tâm của các đối tác châu Á

Các đối tác châu Á chủ chốt của Australia như tập đoàn Mitsui và Inpex của Nhật Bản, cũng như đại diện của Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đã bày tỏ lo ngại rằng chính sách này có thể gây rủi ro về an ninh năng lượng đối với họ do tác động đến hoạt động xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Australia.

Các nhà sản xuất khí đốt lớn của Australia mà Bộ quy tắc kiểm soát giá nhắm đến là ba nhà sản xuất LNG của Queensland (bao gồm liên doanh APLNG của Origin Energy, QCLNG và GLNG của Shell), Arrow Energy, cũng như các nhà cung cấp lớn cho thị trường nội địa khác như Woodside Energy, Esso Australia và Santos.

Các nhà sản xuất khí đốt nhỏ hơn và những nhà sản xuất chỉ cung cấp khí đốt cho thị trường nội địa Australia sẽ được miễn trừ khỏi nhiều quy tắc, song họ vẫn cần phải nộp đơn xin miễn trừ và đơn này có hiệu lực trong vòng 12 tháng.

Theo thời hạn, quá trình tham vấn xây dựng dự thảo Bộ quy tắc kiểm soát giá sẽ kết thúc vào ngày 12/5 tới, nhưng chính phủ liên bang đã yêu cầu các nhà sản xuất lớn đưa ra cam kết trước về khối lượng khí đốt mà họ sẽ cung cấp cho thị trường trong nước và mức giá cụ thể, từ đó quá trình tham vấn có điều kiện xem xét trước khi hoàn tất dự thảo.

Nhà phân tích năng lượng Saul Kavonic tại ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng các nhà cung cấp khí đốt lớn của Australia sẽ đưa ra đầy đủ cam kết đúng hạn vào ngày 8/5 để chính sách kiểm soát giá của Chính phủ Australia phát huy hiệu quả, đồng thời cho rằng các nhà sản xuất sẽ “rất thận trọng” khi tự nguyện chấp thuận đối với bất kỳ thứ gì quan trọng nào.

 * Nguy cơ thất bại?

Ông Saul Kavonic cho biết: “Chúng tôi nghi ngờ rằng sẽ ít có khả năng các nhà sản xuất khí đốt lớn nhất trí. Vì vậy, sau bốn lần nỗ lực điều chỉnh thị trường khí đốt sau nhiều tháng, Australia có thể sẽ sớm phải lên một kế hoạch khác vì kế hoạch lần này có thể cũng sẽ thất bại”.

Tuy nhiên, một nguồn tin trong ngành khí đốt cho rằng mặc dù việc các nhà cung cấp đưa ra cam kết đầy đủ sẽ giúp Chính phủ Australia dễ dàng củng cố Bộ quy tắc ứng xử hơn, nhưng đây không phải là một yêu cầu tuyệt đối. Theo nguồn tin này, việc các công ty có thực hiện các cam kết cung cấp khí đốt trong nước hay không sẽ phụ thuộc vào nghĩa vụ xuất khẩu LNG cho các khách hàng của họ ở nước ngoài.

Ông Kavonic cho rằng vì các nhà xuất khẩu LNG của Queensland đã tự nguyện cam kết cung cấp thêm khí đốt thông qua một thỏa thuận với chính phủ liên bang để đảm bảo nguồn cung trong nước không bị thiếu hụt, yêu cầu cam kết lần này dường như là một nỗ lực để củng cố thêm tính khả thi của thỏa thuận trước đó.

Ông Josh Stabler, Giám đốc quản lý tại công ty tư vấn thị trường năng lượng EnergyEdge, cho biết, xét ở góc nhìn rộng hơn, Bộ quy tắc chứa đựng những mục tiêu chính sách mâu thuẫn nhau, cụ thể là vừa kiềm chế ảnh hưởng quốc tế của thị trường khí đốt trong nước, nhưng lại duy trì khuyến khích đầu tư vào phát triển khí đốt tại đây. Ông Stabler nhấn mạnh: “Các chính sách này làm gia tăng áp lực khiến đứt gãy các mỗi liên kết quốc tế đối với việc định giá thị trường khí đốt trong nước, đồng thời làm giảm động lực đầu tư”.

Ông Stabler cho rằng dự thảo Bộ quy tắc chỉ đề cập đến tất cả "cây gậy" nhưng lại "không có củ cà rốt", trong khi nhấn mạnh sẽ áp đặt các mức phạt nặng đối với bất kỳ hành vi vi phạm quy tắc định giá nào.

Giám đốc của EnergyEdge dự tính, với cách tính mức phạt là 30% doanh thu trong thời gian vi phạm, hình phạt đối với Australia Pacific LNG - nhà cung cấp khí đốt lớn nhất phía Tây Australia - sẽ là 1,785 tỷ AUD tính trên doanh thu năm 2022. Theo ông, đây rõ ràng là một hình phạt lớn đến mức “không ai dám vi phạm”./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn Financial Review

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage