THỜI BÁO VIỆT - ÚC
Gắn kết - Hội nhập - Phát triển
Hãng tin AFP mới đây có bài viết cho rằng chán nản với mức lương thấp, nhiều người lao động Việt Nam chuyển sang TikTok.
Theo AFP, nguồn cung lao động giá rẻ của Việt Nam đã thu hút một số công ty hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, kỳ vọng về mức lương ngày càng cao không được đáp ứng khiến nhiều người trẻ nhảy sang lĩnh vực kinh doanh đang bùng nổ là Social Commerce (tạm dịch “Thương mại xã hội”), dù là để tăng thu nhập hay để thoát khỏi những công việc bế tắc.
Theo trang Glints, Social Commerce là sự kết hợp giữa thương mại điện tử và mạng xã hội, cho phép người dùng xem và mua hàng trực tiếp thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok...
Trả lời AFP, Vi Thị Anh cho biết, cô đã mất 5 năm làm công việc lương thấp, đơn điệu tại các trung tâm công nghiệp gần thủ đô Hà Nội, như lắp ráp điện thoại di động cho các công ty điện tử toàn cầu trong đó có Samsung. Sau đó, cô phát hiện ra rằng mình có thể kiếm được nhiều tiền hơn từ việc bán các sản phẩm thực phẩm cho hàng nghìn người theo dõi phát trực tiếp trên TikTok. Trên kênh TikTok của Vi Thị Anh, có hơn 350.000 người theo dõi và 15 triệu lượt thích. Một trường hợp khác là anh Lương Quang Đại, xuất thân từ nông thôn và miền núi phía Bắc, anh chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ trở thành người có tầm ảnh hưởng với 420.000 người theo dõi trên mạng. Anh nói với AFP rằng đã kiếm được số tiền gấp 10 lần trước đây nhờ vào việc bán chuối khô, bún và trà trộn được làm ở khu phố của anh khi phát trực tiếp trên TikTok và Facebook.
Trả lời RFA ngày 8/12, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, hiện công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng: “Dưới góc độ xã hội, tôi thấy việc tìm cách nào đó để kiếm việc làm, có thu nhập tốt cũng là điều bình thường. Mỗi người đều có sở trường riêng, cho nên, người ta phải tìm cách phù hợp để phát huy và kiếm thu nhập. Tôi cho rằng sự năng động, thay đổi để theo kịp sự phát triển của xã hội là một ưu điểm và là điều đáng mừng”.
Chuyên gia kinh tế, ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng nhìn nhận tiền lương của công nhân tại Việt Nam hiện nay thấp: “Chẳng hạn, một giao dịch viên trong ngành ngân hàng có mức lương lúc đầu khoảng hơn 5 triệu (gần 250 USD) mỗi tháng. Các công nhân cũng có mức lương như vậy. Chế độ lương ở Việt Nam thấp là gánh nặng với người lao động, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn và giá cả leo thang. Vì vậy, người ta phải tìm cách này, cách khác để vượt qua khó khăn”.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng không có nhiều người nghỉ việc vì lương thấp: “Tôi nghĩ không có nhiều người làm Tiktoker để kiếm thu nhập bù trừ cho thu nhập đã mất, cũng có người vào làm Tiktoker để buôn bán online, nhưng tôi nghĩ không nhiều”.
Một bạn trẻ ở Việt Nam không muốn nêu tên cho biết làm Tiktoker, YouTuber cũng gặp nhiều khó khăn và thu nhập không phải lúc nào cũng ổn định.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, cũng có nhiều vấn đề tiêu cực liên quan đến việc lao động bỏ việc để kiếm tiền trên mạng xã hội: “Có rất nhiều hoạt động không tốt cho xã hội như bán hàng đa cấp, lừa đảo, chụp giật. Đó là một điểm tiêu cực của những ngành kinh doanh mới này. Việt Nam chưa có những quy định, quy chế về mặt pháp luật một cách chặt chẽ, do đó điều này gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Mặt khác, tôi cho rằng việc người ta chạy theo định hướng của đồng tiền cũng là chuyện bình thường”. Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho rằng vì tay nghề và năng lực của nguồn lao động còn thấp, không vững vàng nhưng người ta vẫn phải xoay xở để sống khi không được đào tạo. Đó là một điều đáng lo ngại”.
TikTok là mạng xã hội chuyên đưa các video ngắn và hiện khá phổ biến ở Việt Nam với ước tính khoảng hơn 49 triệu người dùng theo số liệu của DataReportal. Việt Nam nằm trong số 6 quốc gia có nhiều người dùng TikTok nhất trên thế giới./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn AFP, vna
Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved