Tia hy vọng mới về sự phục hồi kinh tế của Australia

Thứ Tư, 21/05/2025

6:50 pm(VN)

-

9:50 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Tia hy vọng mới về sự phục hồi kinh tế của Australia

10/01/2024

Theo tờ ABC (Australia), trong 10 năm qua, nền kinh tế Australia đã hoạt động không mấy hiệu quả, đặc biệt là giai đoạn 2013-2019 – thời kỳ mà nhà kinh tế hàng đầu của quốc gia châu Đại Dương này, ông Ross Garnaut, mô tả là “khốn khó”. 

Năm 2020-2021, Australia đã trải qua các đợt phong tỏa nghiêm ngặt do đại dịch COVID-19, khiến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế phải đóng cửa trong nhiều tháng. Các biện pháp kích thích của chính phủ đã kịp thời “giải cứu” các doanh nghiệp và nhiều cá nhân, song rõ ràng đó không phải là khoảng thời gian đặc biệt vui vẻ đối với hầu hết mọi người.

Việc chấm dứt các biện pháp phong tỏa và biên giới được mở cửa trở lại vào năm 2022 hứa hẹn mang đến nhiều triển vọng cho Australia. Tuy nhiên, thay vào đó, cuộc xung đột bùng phát ở Ukraine (U-crai-na) làm trầm trọng thêm sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, bắt nguồn từ đại dịch COVID -19, làm ảnh hưởng đến nhu cầu từng được thúc đẩy bởi các gói kích thích, từ đó dẫn đến mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ tại Australia và trên toàn cầu.

Cùng với lạm phát là mức tăng lãi suất lớn nhất trong hơn một thế hệ, sau xu hướng chung là chi phí đi vay giảm kể từ đầu những năm 1990. Tỷ lệ đó tiếp tục tăng trong năm 2023 do những gì từng được coi là lạm phát "tạm thời". Hiện tượng này dường như khó kiềm chế hơn rất nhiều so với dự đoán của nhiều nhà kinh tế, bao gồm cả những nhà kinh tế tại các ngân hàng trung ương lớn.

* Lạm phát và lãi suất dự kiến sẽ giảm

Như vậy, sau một thập kỷ khốn khó đối với người dân Australia trong độ tuổi lao động trung bình, đâu là nguyên nhân khiến họ lạc quan trong năm 2024?

Điều đầu tiên trong số đó là kỳ vọng rằng lạm phát - đạt đỉnh gần 8% hàng năm vào tháng 12/2022 - sẽ tiếp tục quỹ đạo đi xuống. Những con số thống kê gần đây nhất cho thấy giá cả hàng năm tăng ở mức 4,9% tính đến tháng 10/2023. Hầu hết các nhà kinh tế kỳ vọng con số này sẽ giảm xuống 4,5% khi số liệu của tháng 11/2023 được công bố ngày 10/1/2024.

Các nhà kinh tế của Commonwealth Bank of Australia (CBA) hy vọng lạm phát hàng năm thậm chí có thể bắt đầu bằng con số 3 khi số liệu tháng 12/2023 được công bố vào gần cuối tháng 1/2024.

Dự báo đó khiến các nhà giao dịch trên thị trường tài chính tin rằng Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA – ngân hàng trung ương) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024, với hy vọng lạm phát sẽ gần đạt mục tiêu 2-3% của RBA vào thời điểm đó và vẫn duy trì xu hướng giảm rõ ràng. Mặc khác, một số nhà đầu tư và chuyên gia cho rằng đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên có thể diễn ra sớm hơn vào tháng 6/2024.

* Tiền lương sẽ đầy lùi sự tăng giá

Nguyên nhân thứ hai để lạc quan là mức tăng lương đã vượt quá mức tăng giá trong vài quý vừa qua, có nghĩa là những người dân Australia đang đi làm nói chung không còn phải chịu cảnh cắt giảm lương thực tế liên tục.

Ngày 8/1, Bộ trưởng Ngân khố Jim Chalmers cho biết Australia đã chứng kiến mức tăng lương nhanh nhất trong 15 năm qua, và những con số mới này cho thấy những người có lương thấp nhất đang nhận được mức tăng lương lớn nhất.

Những số liệu đó cho thấy trong khi mức tăng trưởng tiền lương nói chung là khoảng 4% trong năm tính đến tháng 9/2023, nhóm người lao động có mức lương thấp nhất được tăng 6,7% và nhóm thứ hai được tăng khoảng 5%. Điều đó phần lớn là do mức lương tối thiểu và lương thưởng tăng mạnh từ ngày 1/7/2023, và những người lao động có thu nhập thấp hơn là những người hưởng lợi nhiều nhất. Ngược lại, nhóm người có thu nhập cao nhất nhận thấy lương của họ tăng khiêm tốn hơn, chỉ khoảng 3,2%.

Ông Jim Chalmers cũng cho biết những nhóm thu nhập thấp hơn có thể được hưởng lợi từ chi phí hỗ trợ sinh hoạt bổ sung trong ngân sách, ngoài việc giảm giá điện, tăng hỗ trợ tiền thuê nhà và các khoản trợ cấp chăm sóc trẻ em lớn hơn đã được thực hiện.

* Thu nhập khả dụng tăng khi thuế giảm             

Nguyên nhân thứ ba để lạc quan là từ ngày 1/7, những người có thu nhập chịu thuế là 200.000 USD/năm sẽ được giảm thuế thu nhập khoảng 9.075 AUD (6.100 USD), từ mức gần 61.000 AUD/năm (41.000 USD/năm) xuống gần 52.000 AUD/năm (35.000 USD/năm). Nói cách khác, đó là mức cắt giảm thuế 15%, và thay vì trả hơn 30% thu nhập chịu thuế cho Sở Thuế vụ của Australia (ATO), họ sẽ chỉ phải trả gần 26%. 

Việc cắt giảm thuế giai đoạn 3 do chính phủ Liên đảng luật hóa và được chính phủ Công đảng duy trì sẽ giúp người lao động có thu nhập thấp được tăng lương 6,5%. Mức thu nhập này nhận được lợi ích tối đa từ việc cắt giảm thuế, nhưng những người có thu nhập từ trung bình đến cao khác sẽ thấy mức lương của họ tăng ít hơn trong nửa cuối năm 2024.             

Kết quả cuối cùng của lạm phát giảm, lãi suất giảm, thuế thu nhập giảm và tiền lương tăng - nếu chúng diễn ra như mong đợi - sẽ là thu nhập khả dụng thực tế tăng mạnh sau gần một thập kỷ trì trệ và 2 năm suy giảm.      

* Rủi ro lạm phát vẫn còn             

Tuy nhiên, vẫn còn những rủi ro. Một là sự gia tăng thu nhập khả dụng này sẽ làm suy yếu nhu cầu cần thiết để giảm lạm phát, do đó giữ giá tăng và lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng HSBC Australia - ông Paul Bloxham - tin rằng điều này có thể xảy ra. Ông nói: “Chúng tôi coi điều này là hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng và lạm phát, vì chúng tôi kỳ vọng người tiêu dùng coi việc giảm thuế là thu nhập bổ sung, vì họ có xu hướng tiêu dùng cận biên cao hơn”.             

Ông Paul Bloxam cho rằng người dân Australia sẽ phải đợi thêm một năm nữa để được giảm lãi suất. Ông cảnh báo: “RBA có thể sẽ trì hoãn cho đến năm 2024 và việc cắt giảm phải đến năm 2025 mới được thực hiện. Trong ngắn hạn, vẫn có nguy cơ RBA sẽ tăng lãi suất trở lại trong những tháng tới”.             

Một yếu tố khác có thể khiến lạm phát gia tăng và trì hoãn việc cắt giảm lãi suất, không chỉ ở Australia mà trên toàn cầu, là nguy cơ xung đột leo thang ở Trung Đông và hạn hán ảnh hưởng đến năng lực vận chuyển của Kênh đào Panama, làm gián đoạn hoạt động vận chuyển, trước đó cũng có nguy cơ tác động tiêu cực tới nguồn cung năng lượng.             

Tuy nhiên, nhà kinh tế toàn cầu cấp cao của Capital Economics là Simon MacAdam tin rằng sự gián đoạn và tăng chi phí vận chuyển sẽ không đủ lớn để thúc đẩy lạm phát một cách có ý nghĩa, đặc biệt là khi nhu cầu hàng hóa suy yếu và năng lực vận chuyển tăng lên. Ông nói: “Ngay cả khi chi phí vận chuyển tăng mạnh vào thời điểm các công ty có khả năng định giá để chuyển chúng sang người tiêu dùng năm 2021, chúng tôi ước tính rằng tác động tổng thể là thúc đẩy lạm phát toàn cầu chỉ 0,3 điểm phần trăm trong giai đoạn 2021-2022. Nếu các nhà đầu tư đang tìm kiếm điều gì đó có thể ngăn chặn tình trạng giảm phát toàn cầu và từ đó cắt giảm lãi suất thì có lẽ họ sẽ phải thất vọng”.              

* Suy thoái vẫn có thể xảy ra             

Ngoài ra còn có những rủi ro địa chính trị ở những nơi khác, với khoảng một nửa dân số thế giới sẽ tham gia bầu cử trong năm 2024, đặc biệt là ở Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Indonesia (In-đô-nê-xi-a) và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Mặc dù cuộc bầu cử Mỹ sẽ diễn ra vào cuối năm 2024, nhưng chiến dịch bầu cử kéo dài trong suốt năm 2024 có thể sẽ tàn khốc và gây bất ổn cho thị trường tài chính, đặc biệt là với nguy cơ kéo dài về việc Chính phủ Mỹ đóng cửa do tranh cãi ngân sách.             

Rủi ro lớn khác là suy thoái kinh tế, khi lãi suất tăng trong 2 năm qua cuối cùng cũng bắt kịp với chi tiêu tiêu dùng, đầu tư kinh doanh và vỡ nợ. Nhà kinh tế trưởng Shane Oliver của Hiệp hội Bảo trợ Tương hỗ Australia (AMP) ước tính rủi ro suy thoái kinh tế ở Australia là khoảng 40%. Đây có lẽ là một nhận định công bằng vì quốc gia này đã rơi vào tình trạng suy thoái bình quân đầu người trong hầu hết năm 2023.             

Nhà kinh tế Shane Oliver nói: “Mặc dù suy thoái kinh tế có rủi ro cao, nhưng nếu nó xảy ra thì cũng sẽ chỉ ở mức độ vừa phải. Hầu hết các quốc gia chưa chứng kiến sự bùng nổ chi tiêu – yếu tố rất cần thiết. Tại Australia, chi tiêu tiêu dùng, đầu tư nhà ở và đầu tư kinh doanh không ở mức quá cao so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)”.             

Dù không phải gánh chịu một cuộc suy thoái kỹ thuật trong năm 2023, song Australia đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tất cả những yếu tố nói trên, theo giới chuyên gia kinh tế, quốc gia lớn nhất châu Đại Dương có thể hy vọng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn và bức tranh kinh tế của Australia sẽ lấy lại được những “gam hồng”./.             

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn ABC, vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage