Thách thức và cơ hội của kinh tế Việt Nam nhìn từ số liệu thống kê quý 3/2023

Thứ Hai, 19/05/2025

7:16 pm(VN)

-

10:16 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Thách thức và cơ hội của kinh tế Việt Nam nhìn từ số liệu thống kê quý 3/2023

03/10/2023

Theo phân tích của truyền thông quốc tế, số liệu vừa được Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố cho thấy tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý 3/2023 cao hơn quý trước, nhưng không đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay do nhu cầu xuất khẩu yếu dù đã nới lỏng chính sách tiền tệ, Tuy nhiên, số liệu cũng phát đi những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.
 

Ngày 29/9, Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết GDP trong quý 3 dự kiến sẽ tăng 5,33% so với cùng kỳ năm ngoái và nhiều hơn mức tăng 4,05% trong quý 2. Nhu cầu toàn cầu sụt giảm đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Tháng 8/2023, một trong những tập đoàn sản xuất giày lớn nhất Việt Nam cho các thương hiệu như Nike, Adidas và Reebok đã công bố cắt giảm việc làm lần thứ ba trong năm 2023.


Bloomberg chỉ ra những con số quan trọng khác từ Tổng cục Thống kê, gồm: Lạm phát tháng 9/2023 tăng mạnh ở mức 3,66% so với cùng kỳ năm 2022, tăng so với mức 2,96% trong tháng 8/2023 và là tốc độ lạm phát tăng cao nhất trong 7 tháng qua. Xuất khẩu trong tháng 9/2023 tăng 4,6% trong khi nhập khẩu tăng 2,6% dù suy thoái kéo dài. Một trong những thách thức là nhu cầu tín dụng yếu, khiến Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục kêu gọi thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cắt giảm lãi suất 4 lần trong năm 2023 và khó có thể cắt giảm thêm nữa.


Theo Capital Economics, thời kỳ tồi tệ nhất đối với nền kinh tế Việt Nam đã qua nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn bị ảnh hưởng bởi các tiêu chuẩn trước đây. Tuy nhiên, khi lạm phát đang trở thành mối lo ngại ngày càng lớn, nhiều khả năng ngân hàng nhà nước sẽ không cắt giảm thêm lãi suất.
Việc Ngân hàng nhà nước cắt giảm lãi suất cùng với nhu cầu toàn cầu suy yếu đã dẫn đến tình trạng dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Theo SSI Research, trong tuần qua, ngân hàng nhà nước Việt Nam đã phát hành tới 70 nghìn tỷ đồng (2,87 tỷ USD) tín phiếu kỳ hạn 28 ngày để hấp thụ thanh khoản và ổn định tỷ giá. Trong năm nay, tiền Đồng đã mất giá khoảng 3% so với USD.


Thách thức lớn với mục tiêu tăng trưởng cả năm


Được biết đến như một trung tâm sản xuất công nghiệp, Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong cả năm nay, giảm so với mức 8,02% của năm ngoái, nhưng hầu hết các nhà kinh tế đều dự đoán mục tiêu này sẽ không đạt được.


Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc điều hành công ty may mặc Dony Garment, nói với Nikkei rằng tình hình hiện tại vẫn “tiêu cực” khi các nhà xuất khẩu phải đối mặt với nhiều thách thức do nhu cầu ở các thị trường truyền thống như châu Âu và Mỹ sụt giảm: “Nhiều công ty may mặc đang đứng trước nguy cơ đóng cửa vàocuối năm 2023 nếu không tìm được khách hàng mới. Công ty Dony Garment đang tìm kiếm những khách hàng mới từ Trung Đông và Đông Nam Á để giúp công ty duy trì hoạt động”.


Một lãnh đạo ngành thép bi quan: “Chúng tôi không mong đợi nhu cầu sẽ phục hồi trong năm 2023”. Trong khi đó, một lãnh đạo ngành bất động sản cho hay: “Chúng tôi đã thoát khỏi giai đoạn tồi tệ nhất trong mùa Hè này nhờ lãi suất cho vay thế chấp giảm”.


Bà Trần Thị Hà My, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty cổ phần Rồng Việt, nói với AFP rằng: “Việt Nam sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng kinh tế năm 2023 từ 4,5-4,7%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính phủ đặt ra. Tăng trưởng trong quý 4/2023 dự kiến sẽ ở mức khoảng 6%, chủ yếu nhờ sản xuất công nghiệp và xuất khẩu phục hồi”.


Ngày 27/9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay ở mức 4,7%, trong khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong tháng này đã cắt giảm dự báo tăng trưởng xuống 5,8% từ mức 6,5%. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng này, Việt Nam vẫn là quốc gia phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á.


Ngân hàng nhà nước Việt Nam trong nửa đầu năm đã cắt giảm lãi suất 4 lần để thúc đẩy tăng trưởng nhưng nhu cầu trên toàn cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu chính như điện tử, dệt may và giày dép yếu đã khiến các công ty không thể mở rộng sản xuất.


Xu hướng tích cực


Theo Reuters, những con số tăng trưởng mới nhất cho thấy nền kinh tế “đang trong xu hướng tích cực”. Trong tháng 9, sản xuất công nghiệp tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu tăng 4,6%. Báo cáo cho biết doanh số bán lẻ tăng 7,5% và giá tiêu dùng tăng 3,66%.


Bloomberg cũng cho rằng xuất khẩu tăng trưởng trở lại trong tháng 9 (chấm dứt 6 tháng sụt giảm) là tín hiệu tích cực. Một tín hiệu tích cực nữa là tiền Đồng tăng 0,2% lên mức 24.345 đổi 1USD vào ngày 29/9. Cuộc khảo sát của các nhà quản lý mua hàng cho thấy lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong tháng 8, lần đầu tiên sau 6 tháng, theo đó, cho thấy thêm chỉ dấu về việc phục hồi nhu cầu. Bloomberg nhận định: “Những con số này làm dấy lên hy vọng rằng tăng trưởng có thể cao hơn nữa trong bối cảnh có những chỉ dấu đầu tiên về sự ổn định phục hồi của Trung Quốc”.


Bloomberg chỉ ra những con số quan trọng của tháng 9 như tỷ lệ lạm phát, xuất khẩu, nhập khẩu… và dẫn lời ông Ruchir Desai, nhà đồng quản lý quỹ tại AFC Asia Frontier Fund, cho hay: “Những con số này cho thấy tăng trưởng đang ổn định ở tất cả các lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu quan trọng.Tuy nhiên, để đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn còn phụ thuộc vào sự phục hồi xuất khẩu và các biện pháp của chính phủ nhằm củng cố niềm tin về chi tiêu cơ sở hạ tầng và các chính sách liên quan đến lĩnh vực bất động sản”.


Theo Bloomberg, không thể dựa vào tăng trưởng trong một quý để kết luận rằng nền kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi suy thoái. Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings dự đoán nền kinh tế Việt Nam chỉ phục hồi hoàn toàn khi nhu cầu toàn cầu tăng và khi Việt Nam dần giải quyết được các thách thức trong nước.


Theo Nikkei, tăng trưởng kinh tế trong quý 3/2023 được thúc đẩy nhờ lĩnh vực dịch vụ, chủ yếu là ngành bán lẻ và du lịch. Ước tính, lĩnh vực dịch vụ chiếm khoảng 40% GDP của Việt Nam. Du khách quay trở lại các điểm đến nổi tiếng như Đà Nẵng. Số lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam trong tháng 7 và 8/2023 đạt 2,25 triệu người, vượt ngưỡng 1,27 triệu người trong quý 3/2022. Ông Phạm Anh, chuyên gia kinh tế độc lập, chỉ ra rằng động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam là xuất khẩu và dịch vụ: “Cần phải điều chỉnh chính sách thị thực để có thể thu hút nhiều du khách quốc tế như từ Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ”.


Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nói với AFP: “Môi trường bên ngoài suy giảm, Trung Quốc phục hồi chậm chạp, điều này đã cản trở hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu, theo đó, làm giảm hoạt động sản xuất công nghiệp ở Việt Nam. Nền kinh tế vẫn đủ sức chống chịu và dự kiến sẽ phục hồi trong thời gian tới nhờ tiêu dùng nội địa mạnh mẽ do lạm phát ở mức vừa phải, đầu tư công tăng và thương mại phục hồi”./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn Tổng hợp

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage