Tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác an ninh Australia-Hàn Quốc

Thứ Sáu, 16/05/2025

2:15 pm(VN)

-

5:15 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác an ninh Australia-Hàn Quốc

04/11/2023

Theo bài viết trên trang mạng của Viện Quan hệ quốc tế Australia ngày 30/10 của tác giả William T. Tow - Giáo sư danh dự tại Trường Coral Bell về các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc gia Australia, Australia và Hàn Quốc chia sẻ nhiều lợi ích về an ninh, không chỉ giới hạn ở việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Những tiến triển tích cực gần đây trong quan hệ song phương hai nước cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác an ninh khu vực giữa Australia–Hàn Quốc ngày càng lớn.
          

Mặc dù có lẽ kém nổi bật hơn so với mối quan hệ an ninh lâu năm giữa Australia-Nhật Bản trong vài thập kỷ qua, nhưng “cặp đôi” Australia-Hàn Quốc vẫn mang những nét riêng biệt. Các mối quan hệ ngoại giao tăng cường, nhiều cuộc tập trận quân sự chung hơn nhằm nâng cao năng lực tương tác giữa các lực lượng quân đội hai bên và hoạt động tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng trở thành nền tảng cho xu hướng hợp tác Australia–Hàn Quốc. Việc thúc đẩy các hoạt động tương tác như vậy là điều buộc phải làm đối với các cường quốc dân chủ tầm trung như Australia và Hàn Quốc trong tận dụng hợp tác chiến lược và nguồn lực quốc phòng nhằm tối đa hóa khả năng đáp ứng lợi ích an ninh khu vực chung giữa hai nước.
          

Những lợi ích an ninh khu vực chung
          

Tại Diễn đàn Tương lai Australia-Hàn Quốc được tổ chức tại Canberra vào tháng 9/2023, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Australia Tim Watt đã đưa ra lộ trình về chính sách đối ngoại và những lợi ích an ninh chung giữa Australia và Hàn Quốc, bao gồm việc: duy trì trật tự toàn cầu và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dựa trên luật lệ, trong đó chủ quyền được các quốc gia tôn trọng; thúc đẩy thương mại tự do trên toàn khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và quốc tế; cam kết tăng cường ổn định ở khu vực Nam Thái Bình Dương. 
          

Cụ thể hơn, thỏa thuận Đối tác chiến lược mà hai nước ký kết vào tháng 12/2021 trong chuyến thăm Australia của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhấn mạnh giá trị dân chủ chung giữa hai nước, nhu cầu bảo vệ các tuyến đường biển và khu vực hàng hải, tính cấp thiết của việc hợp tác trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, biến đổi khí hậu; và sự ủng hộ khá tương đồng giữa hai nước đối với các thể chế và hợp tác đa phương hiệu quả cũng như quan hệ liên minh song phương của mỗi nước với Mỹ. Hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên cũng được các bên xác định là mục tiêu chính trong thỏa thuận hợp tác song phương. Thỏa thuận trên là bước tiến tiếp theo sau nền tảng ngoại giao an ninh bền vững giữa Australia và Hàn Quốc trước đó, bao gồm Bản ghi nhớ (MOU) về Hợp tác phát triển giữa Australia và Hàn Quốc (2009), Kế hoạch hợp tác quốc phòng và an ninh Australia-Hàn Quốc (2015), và sự ra đời của cơ chế thường niên “2+2” giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước (2017).
          

Việc Tổng thống Yoon Suk-yeol của Đảng Quyền lực Quốc dân đắc cử vào tháng 5/2022 đã củng cố quyết tâm của Hàn Quốc trở thành một bên tham gia quan trọng trong địa chính trị khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol đã công bố Chiến lược vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, hòa bình và thịnh vượng (KIPS) vào tháng 12/2022, Sách Trắng Quốc phòng mới vào tháng 2/2023 và Chiến lược An ninh Quốc gia vào tháng 6/2023. Tất cả các văn kiện này đã báo trước một điều rằng Hàn Quốc sẽ vươn lên để khẳng định mình như một “quốc gia chủ chốt trên toàn cầu”.
          

Minh họa cho xu hướng này là tuyên bố của Chính phủ Yoon về vị thế địa chính trị khu vực cao hơn của Hàn Quốc với Chính sách Hướng Nam mới (NSP). Được nâng cấp từ phiên bản của năm 2017, NSP thể hiện sự ủng hộ rõ hơn của Hàn Quốc đối với Đối thoại An ninh bốn bên (Quad). Chính sách này cũng đánh dấu việc Hàn Quốc đã giảm bớt sự “cảm thông” bấy lâu nay trước sự “nhạy cảm” của Trung Quốc về Nhóm Bộ tứ và thể hiện sẵn sàng hơn trong hỗ trợ, phối hợp chính sách an ninh song phương tích cực hơn với đối thủ trong lịch sử của mình là Nhật Bản.
          

Theo quan điểm của Australia, NSP của Hàn Quốc mang tính phân định rõ ràng hơn, khẳng định sự nhất quán cao hơn trong chính sách chiến lược và đối ngoại của Hàn Quốc mà cả Australia và Hàn Quốc có thể áp dụng trong triển khai các giải pháp bền vững nhằm giải quyết thách thức của khu vực. NSP cũng báo hiệu “Australia trở lại với tư cách là một nhân tố có ảnh hưởng và có vai trò quan trọng trong tư duy chiến lược của Hàn Quốc” sau một thập kỷ gián đoạn – quãng thời gian mà sự chú ý chiến lược của Seoul chủ yếu (nếu không muốn nói là duy nhất) tập trung vào việc đối phó và giảm bớt căng thẳng giữa Hàn Quốc với Triều Tiên. Seoul hiểu rằng Australia và Hàn Quốc cùng chia sẻ nhiều lợi ích chung. KIPS nhấn mạnh rằng Chính phủ Yoon sẽ tìm cách kết hợp các sáng kiến song phương mới được nâng cấp giữa Hàn Quốc-Australia với các cơ chế tiểu đa phương khác nhằm “duy trì trật tự khu vực và tập trung vào ‘tương tác trực tiếp' với các đồng minh truyền thống của Mỹ trong khu vực như Australia và Nhật Bản”.
          

Hàn Quốc và Australia hiện đang theo đuổi những lợi ích và mục tiêu chung trong nhiều lĩnh vực chính sách khác nhau. Hai bên đã triển khai các cuộc tham vấn “2+2” giữa các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao hai nước kể từ năm 2013, đồng thời tiếp tục mở rộng một loạt các cuộc thảo luận chiến lược song phương khác. Tuy nhiên, MOU về các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và đánh giá mà hai bên đã ký kết vào năm 2019 vẫn chưa triển khai ở mức độ thực sự khả thi. Các dự án công nghiệp quốc phòng riêng lẻ đang được triển khai với việc công ty Hanwha của Hàn Quốc đã đạt được hợp đồng với Australia để sản xuất pháo dã chiến và lựu pháo ở gần khu vực Geelong (bang Victoria) để phục vụ cho Lực lượng Quốc phòng Australia. Trong khi đó, Australia cũng đã cung cấp một số máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm (AEW&C) cho Hải quân Hàn Quốc. Trong khi hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa hai nước vẫn còn bị đứt quãng, khả năng tăng cường hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này vẫn đầy hứa hẹn.
          

Vượt qua những trở ngại
          

Các nhà hoạch định chính sách của cả Australia và Hàn Quốc vẫn phải vượt qua những thách thức nếu muốn mối quan hệ an ninh song phương của họ trở nên hiệu quả và toàn diện hơn. Trước tiên, hai bên cần dung hòa một cách đầy đủ về mặt địa lý hơn. Hàn Quốc đã bắt đầu các động thái theo hướng như vậy, trong đó có việc phát động chiến dịch can dự về chính trị với các quốc đảo Nam Thái Bình Dương. Tuy nhiên, có thể hiểu được rằng mối bận tâm nhất của Seoul là mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên và ý định của Trung Quốc nhằm phá hoại liên minh Mỹ-Hàn. Australia chia sẻ những lo ngại với Hàn Quốc về tình trạng bất ổn ở các quốc gia đảo Nam Thái Bình Dương. Trong khi cả Hàn Quốc và Australia đều quan ngại trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc thì Seoul lại thoải mái hơn Canberra khi cùng tồn tại với một Bắc Kinh ngày càng hùng mạnh hơn. Hơn nữa, trong khi Chính phủ Yoon đã có những bước tiến đáng kể trong hàn gắn mối quan hệ căng thẳng tồn tại trong lịch sử với Nhật Bản, có rất ít dấu hiệu đảm bảo rằng chính phủ sau này ở Hàn Quốc sẽ có thể hoặc có xu hướng duy trì hay phát triển động lực này. Ngược lại, Australia tiếp tục coi Nhật Bản là đối tác an ninh chủ chốt ngoài Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
          

Việc Donald Trump hay một chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy khác đắc cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024 cũng có thể làm sâu sắc thêm mối quan hệ an ninh Australia-Hàn Quốc. Di sản trong mối quan hệ của Tổng thống Trump với Hàn Quốc không phải là một điều tốt đẹp do vấn đề chia sẻ gánh nặng quốc phòng và nỗ lực của Tổng thống Trump trong việc “ve vãn” nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chi phối cách tiếp cận của Chính quyền Trump đối với bán đảo Triều Tiên. Sự trở lại của chính sách đối ngoại dân túy mạnh mẽ hơn ở Mỹ có thể sẽ thúc đẩy Hàn Quốc xem xét phát triển năng lực hạt nhân trong nước. Điều này sẽ mâu thuẫn với lập trường ủng hộ chính thức và lâu dài của Australia đối với việc kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân, bất chấp Australia có thỏa thuận AUKUS với Mỹ và Anh trong phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
          

Nhìn chung, mối quan hệ an ninh Australia-Hàn Quốc gần đây đã thu hút được sự chú ý nhiều hơn ở cả hai nước. Những lợi ích tiềm tàng trong mối quan hệ này đối với cả Australia và Hàn Quốc ngày càng được ghi nhận rõ ràng. Tuy nhiên, để phát huy một cách đầy đủ lợi ích trong mối quan hệ an ninh song phương này, các nhà hoạch định chính sách của cả Australia và Hàn Quốc đều không thể cho phép họ tự mãn để từ đó “làm mờ nhạt đi” những nỗ lực chung của hai bên trong phát triển mối quan hệ hợp tác này./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage