Tác động từ chính sách an ninh khí đốt tự nhiên của Australia tới khu vực 

Thứ Bảy, 17/05/2025

12:16 pm(VN)

-

3:16 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Tác động từ chính sách an ninh khí đốt tự nhiên của Australia tới khu vực 

21/07/2023

Theo trang mạng Diễn đàn Đông Á, ngày 30/3/2023, Bộ trưởng Tài nguyên Australia Madeleine King đã công bố những cải cách sâu rộng đối với Cơ chế An ninh Khí đốt Nội địa Australia (ADGSM). Lần đầu tiên được triển khai vào tháng 7/2017, ADGSM cho phép Bộ trưởng điều chỉnh hoạt động xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để đối phó với tình trạng thiếu hụt trong nước. Chính sách sửa đổi đã trao quyền cho chính phủ đưa ra quyết định kích hoạt ADGSM hàng quý, thay vì can thiệp hàng năm trước đó.

 

Mặc dù các cải cách nhằm đạt được sự cân bằng mong manh giữa việc duy trì nguồn cung trong nước và bảo vệ danh tiếng toàn cầu của Australia với tư cách là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy, nhưng nó cũng có thể gây lo ngại cho những người mua LNG quốc tế. Australia đã xuất khẩu 78,5 triệu tấn LNG vào năm 2021, chiếm 1/5 thương mại LNG toàn cầu. Các quốc gia có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi những thay đổi này là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc - 3 nhà nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới, chiếm lần lượt 21,3%, 20% và 12,6% thương mại LNG toàn cầu năm 2021.

 

Nhật Bản phụ thuộc vào Australia để cung cấp 40% lượng tiêu thụ LNG và đặc biệt cảnh giác với khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng. Thời hạn mua sắm bị rút ngắn theo ADGSM mới được sửa đổi, cùng với sự không chắc chắn xung quanh khả năng thích ứng của ngành LNG Australia với những thay đổi của thị trường toàn cầu, đã làm dấy lên lo ngại về sự ổn định của an ninh năng lượng Nhật Bản. Các biện pháp can thiệp cung cấp khí đốt nội địa hàng quý của Australia có thể đặt ra thách thức cho các nhà nhập khẩu LNG của Nhật Bản trong việc giảm thiểu sự thiếu hụt tiềm ẩn vì họ sẽ cần quản lý các thay đổi trong 90 ngày, thay vì một năm.

 

Những lo ngại này phát sinh trong bối cảnh rộng lớn hơn của bức tranh năng lượng toàn cầu đang thay đổi. Mặc dù khí đốt tự nhiên được nhiều người coi là nhiên liệu chuyển tiếp, nhưng tính linh hoạt của nó trong sản xuất điện là rất quan trọng, ít nhất là cho đến khi lưới điện được trang bị các tùy chọn lưu trữ tốt hơn để cân bằng sự gián đoạn của các nguồn năng lượng tái tạo. Khí đốt tự nhiên cũng tạo ra lượng khí thải thấp hơn so với than đá, khiến nó trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với các quốc gia cam kết khử carbon.             

 

Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra đã tạo ra sự phức tạp hơn nữa cho phương trình. Để đối phó với lệnh trừng phạt, Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu. Lượng khí đốt mà Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu từ Nga vào tháng 3/2023 thấp hơn 74% so với cùng kỳ năm 2021. Châu Âu đã chuyển trọng tâm từ khí đốt được trung chuyển qua đường ống của Nga sang LNG, khiến nhu cầu toàn cầu tăng đột biến. Giá LNG tăng vọt lên mức cao chưa từng có, tác động đến các thị trường trên toàn thế giới, trước khi quay trở lại mức trước khủng hoảng. Giá trung bình hàng tháng của LNG châu Á đã tăng đáng kể, từ 27,8 USD trên một triệu đơn vị nhiệt của Anh (BTU) hồi tháng 2/2022 lên mức cao nhất lịch sử là 54 USD trên một triệu BTU vào tháng 8/2022.

 

Giá LNG giao ngay tăng vọt lên mức cao đáng kinh ngạc là 70,5 USD trên một triệu BTU vào tháng 8/2022 do châu Âu nhanh chóng nhận hết các lô hàng có sẵn do lo ngại khả năng mất tất cả các nguồn cung cấp đường ống của Nga. Tuy nhiên, giá LNG châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm do nhu cầu yếu từ các nhà nhập khẩu hàng đầu trong khu vực và do hàng tồn kho vẫn ở mức cao.   

 

Đối với những người mua LNG như Nhật Bản, việc đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt ổn định và giá cả phải chăng đã trở thành một nhiệm vụ khó khăn khi đối mặt với sự hỗn loạn của thị trường như vậy. Để bảo vệ an ninh năng lượng của mình, Nhật Bản tiếp tục quan tâm đến Sakhalin, dự án khí đốt tự nhiên của Nga, mặc dù đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước này. Một hợp đồng dài hạn cho dự án Sakhalin có thể cung cấp LNG mà Nhật Bản yêu cầu khẩn cấp với giá thấp hơn giá thị trường. 

 

Giá LNG tăng cũng đã tác động trực tiếp đến thị trường nội địa của Australia - nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới. Tháng 12/2022, chính phủ Australia đã áp dụng mức trần giá tạm thời đối với than trong nước ở mức 125 AUD/tấn (84,74 USD/tấn) và khí đốt tự nhiên ở mức 12 AUD/gigajoule (8,13 USD/gigajoule) để giảm bớt gánh nặng tài chính cho người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho các nhà bán lẻ dự kiến sẽ giảm dần kể từ khi thực hiện chính sách trần giá. Tình trạng này dẫn đến việc sửa đổi ADGSM.             

 

Mặc dù ADGSM cho phép Australia đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng của chính mình, đồng thời bảo vệ phúc lợi của người tiêu dùng, nhưng nó cũng có thể dẫn đến lượng khí thải cao hơn, làm chậm quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch ở những nơi khác. Nếu không được tiếp cận với LNG của Australia, ở trình độ công nghệ hiện tại, Nhật Bản và các nền kinh tế lớn khác của châu Á có thể sẽ phải đốt nhiều than hơn. Mùa Hè năm 2022, Nhật Bản đã dựa vào các nhà máy nhiệt điện than cũ để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng. Nhu cầu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc giảm 0,7% trong năm 2022, lần giảm đầu tiên kể từ năm 1982, trong khi tiêu thụ than tăng 4,3% trong cùng kỳ. Sự gia tăng tiêu thụ than này cản trở các nỗ lực giảm phát thải toàn cầu và làm trầm trọng thêm các mối lo ngại về môi trường.             

 

Tác động lan tỏa của chính sách an ninh khí đốt tự nhiên của Australia nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết những thách thức nhiều mặt của quá trình chuyển đổi năng lượng, an ninh năng lượng và chính trị quốc tế. Các cải cách ADGSM của Australia đóng vai trò như một lời nhắc nhở rõ ràng về tính liên kết của các thị trường năng lượng toàn cầu và nhu cầu ra quyết định thận trọng và sáng suốt trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Khi bối cảnh năng lượng toàn cầu phát triển, các nhà hoạch định chính sách phải chú ý đến các hiệu ứng dây chuyền do các quyết định của họ gây ra./. 

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn TTXVN

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage