Sự khác biệt trong chính sách phát triển các khoáng sản quan trọng của Australia và Canada 

Thứ Tư, 21/05/2025

10:02 pm(VN)

-

1:02 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Sự khác biệt trong chính sách phát triển các khoáng sản quan trọng của Australia và Canada 

30/10/2023

Phó Giáo sư Ian Satchwell thuộc Viện Khoáng sản Bền vững, Đại học Queensland (Australia) mới đây có bài viết về cách tiếp cận toàn cầu của Australia và Canada đối với các khoáng sản quan trọng. Theo bài viết, Canada và Australia là những nhân tố chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu về các khoáng sản quan trọng. Đây là hai quốc gia hàng đầu về tiếp nhận đầu tư và cung cấp đầu tư vào khoáng sản, có vị thế lý tưởng để tận dụng các khoáng sản quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, thúc đẩy đổi mới và xây dựng khả năng an ninh.

 

Hai quốc gia đều đã đưa ra những chiến lược khoáng sản quan trọng trong thời gian gần đây. Canada và Australia ký kết các thỏa thuận song phương và với các quốc gia có cùng quan điểm, bao gồm Mỹ, Liện minh châu Âu (EU) và Anh, để hợp tác phát triển chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng. Chiến lược của Australia được công bố vào tháng 6/2023 ở hầu hết các khía cạnh đều có điểm giống với chiến lược của Canada, công bố vào tháng 12/2022.

Cả hai bên đều áp dụng cách tiếp cận chuỗi cung ứng, nhưng chiến lược của Australia chỉ tập trung việc cung cấp các "yếu tố thượng nguồn" như thăm dò, khoan và khai thác. Trong khi liên quan đến "yếu tố hạ nguồn" như công đoạn xử lý, mới chỉ có các cuộc thảo luận mang tính định hướng. Ngược lại, Canada có cái nhìn toàn cầu về các yếu tố thượng nguồn và hạ nguồn của chuỗi cung ứng, đồng thời xem xét xuyên suốt vai trò của Canada. Canada muốn phát triển chuỗi cung ứng từ trong nước để kết nối với các nền kinh tế thân thiện nhưng cũng hỗ trợ chuỗi cung ứng bền vững có nguồn gốc từ các quốc gia khác. Chiến lược của Canada phù hợp với quan điểm lâu dài về ngành khai thác mỏ bao gồm hoạt động trong nước cũng như của các công ty Canada ở nước ngoài.

 

Cơ sở dữ liệu của S&P Global tiết lộ rằng Canada đứng đầu thế giới về đầu tư thăm dò tất cả các khoáng sản và 57% khoản đầu tư đó vào năm 2022 (7,9 tỷ AUD) được chi bên ngoài Canada. Điều này mang lại cho Canada ảnh hưởng rất lớn đến việc phát hiện và phát triển các khoáng sản quan trọng trên toàn thế giới. Kế hoạch khai thác khoáng sản và kim loại năm 2019 của Canada thừa nhận điều này bằng cách xác định "lãnh đạo toàn cầu" là một trong sáu định hướng chiến lược. Đồng thời cả kế hoạch này và chiến lược khoáng sản quan trọng năm 2022 đều nhấn mạnh việc khai thác của Canada là sự phát triển bền vững hàng đầu về khoáng sản ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phát triển.

 

Mặc dù là nhà đầu tư thăm dò lớn thứ hai toàn cầu, Australia vẫn có cách tiếp cận hướng nội. Điều này trái ngược với xu hướng toàn cầu của ngành khoáng sản Australia, nơi có các khoản đầu tư lớn và hoạt động rộng khắp trên mọi lục địa. Trong số 1.151 công ty thăm dò và khai thác mỏ của Australia được S&P Global xác định, có 856 công ty hoạt động tại Australia và 428 công ty hoạt động ở các nơi khác trên thế giới và một số công ty hoạt động ở cả trong và ngoài nước. Vào năm 2022, hơn 1/3 trong tổng ngân sách thăm dò trị giá 4,7 tỷ AUD được chi bên ngoài Australia. Các công ty này vận hành 2.861 dự án trên khắp thế giới: 1.953 dự án ở Australia và 908 dự án ở nước ngoài. Trong số các dự án này, 444 dự án của 282 công ty có khoáng sản quan trọng là mặt hàng chính và 241 dự án đặt trụ sở tại Australia và 203 dự án bên ngoài Australia.

Trữ lượng khoáng sản quan trọng được xác định bởi các hoạt động này cho đến nay trị giá 1.815 tỷ AUD, trong đó 949 tỷ AUD ở Australia và 866 tỷ AUD ở bên ngoài Australia. Tính đến tháng 10/2023, chi phí vốn trong các dự án khoáng sản quan trọng do Australia điều hành đạt tổng cộng 32 tỷ AUD ở Australia và 45 tỷ AUD ở các quốc gia khác.

Với tỷ trọng lớn như vậy trong các khoáng sản quan trọng, Australia cần đa dạng hóa từ trọng tâm trong nước và áp dụng chiến lược chuỗi cung ứng toàn cầu thực sự đối với các khoáng sản quan trọng. Một trong những mục tiêu của chiến lược là "tạo ra chuỗi cung ứng đa dạng, linh hoạt và bền vững thông qua quan hệ đối tác quốc tế mạnh mẽ và an toàn" và kết quả trong đầu tư khoáng sản quan trọng của Australia góp phần thúc đẩy sự hợp tác lớn hơn, bao gồm cả thượng nguồn ở các quốc gia sản xuất khoáng sản khác.

Sự tập trung hướng nội của Canberra có thể khiến Australia bỏ lỡ các cơ hội thúc đẩy đầu tư, chuyên môn và công nghệ trên toàn cầu. Giống như Canada, Australia có trách nhiệm giúp các nước đang phát triển áp dụng các khuôn khổ bền vững vào việc sản xuất các khoáng sản quan trọng. Ngành công nghiệp Australia còn gây nhiều "thất vọng" do chính phủ chưa nhìn nhận tầm quan trọng và hỗ trợ ngành phát triển trên phạm vi toàn cầu. Quan điểm hạn hẹp này không phải mới mà vẫn tồn tại dưới các chính phủ kế nhiệm của Australia. Cho đến những năm gần đây thậm chí còn không có thông tin cụ thể về hồ sơ đầu tư toàn cầu của Australia trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả khai thác mỏ. 

 

Trên thực tế, Australia từ lâu đã sử dụng chương trình viện trợ để âm thầm hỗ trợ các nước đang phát triển xây dựng năng lực thu hút đầu tư khoáng sản và quản lý hoạt động thăm dò và phát triển một cách có trách nhiệm. Australia gần đây đã cung cấp tài chính cho các quốc gia ASEAN để xem xét kế hoạch hành động hợp tác khoáng sản và Cao ủy Australia tại Ghana đã triệu tập một hội nghị an ninh mỏ vào tháng 9/2023 để giúp các hoạt động khai thác mỏ ở Tây Phi đối phó các mối đe dọa mới. Australia đã cam kết hợp tác với các quốc gia cung cấp khác ở các khu vực như châu Phi theo quan hệ đối tác an ninh khoáng sản do Mỹ dẫn đầu (Australia tham gia năm 2022).

Dựa trên cơ sở đó, Australia nên có cái nhìn toàn cầu về đầu tư khoáng sản. Nước này có thể đầu tư vào việc cung cấp các khoáng sản quan trọng cho các quốc gia có cùng chí hướng trong khi vẫn hỗ trợ sự phát triển bền vững của các khoáng sản này ở các nền kinh tế mới nổi.

Bất chấp sự hạn chế của Australia, có nhiều điều cần khuyến nghị trong cả chiến lược của Australia và Canada. Cả hai chiến lược cần: nhấn mạnh vai trò của mỗi nền kinh tế trong việc tạo ra chuỗi cung ứng toàn cầu đa dạng và mạnh mẽ hơn; ưu tiên phát triển các khu vực phía Bắc, nơi có nhiều khoáng sản quan trọng; thừa nhận sự cần thiết phải xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm mở ra cơ hội phát triển khoáng sản, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa; thừa nhận rằng sự tham gia của người dân bản địa; cần có lực lượng lao động có tay nghề với số lượng lớn và đa dạng hơn để hỗ trợ tăng trưởng; đưa ra các khuôn khổ môi trường, xã hội và quản trị cần thiết để phát triển các khoáng sản quan trọng.

Để tăng thêm những thế mạnh này, Australia nên hỗ trợ việc phát hiện và phát triển các mỏ khoáng sản quan trọng của các công ty Australia ở các khu vực trên thế giới. Điều này sẽ nuôi dưỡng chuỗi cung ứng toàn cầu giữa các nền kinh tế nhà cung cấp, trung gian và khách hàng, đồng thời đóng góp lớn hơn nhiều cho quá trình chuyển đổi và an ninh năng lượng toàn cầu so với cách tiếp cận thượng nguồn hạn hẹp tập trung trong nước./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn TTXVN

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage