S&P lạc quan về kinh tế Việt Nam trong trung hạn

Thứ Ba, 20/05/2025

2:24 am(VN)

-

5:24 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

S&P lạc quan về kinh tế Việt Nam trong trung hạn

09/10/2023

Trang spglobal.com của hãng phân tích thị trường toàn cầu S&P (S&P Global Market Intelligence, trụ sở tại Mỹ) ngày 5/10 đăng bài đưa ra những chỉ dấu cho thấy trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường mới nổi tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực châu Á.


Những động lực tăng trưởng


Theo S&P, trong trung hạn, một số động lực tăng trưởng chủ đạo sẽ tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam bao gồm:


Thứ nhất, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ chi phí nhân công sản xuất tương đối thấp so với các tỉnh ven biển của Trung Quốc.


Thứ hai, Việt Nam có lực lượng lao động khá dồi dào và được đào tạo tốt so với nhiều đối thủ khác trong khu vực Đông Nam Á, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất hấp dẫn đối với các tập đoàn đa quốc gia.


Thứ ba, chi tiêu vốn dự kiến sẽ tăng cao khi các tập đoàn đa quốc gia tiếp tục đầu tư mạnh vào Việt Nam và Việt Nam cũng đẩy mạnh chi tiêu cho hạ tầng trong nước. Dự kiến, lĩnh vực hạ tầng sẽ được đầu tư mạnh khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao trong thập kỷ tới. Tình trạng thiếu điện nghiêm trọng trong năm 2023 cho thấy cần phải khẩn trương phát triển hạ tầng điện mới và đây là ưu tiên chính sách kinh tế quan trọng.


Thứ tư, Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung do Mỹ áp mức thuế cao hơn đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc.


Thứ năm, xu hướng “các tập đoàn đa quốc gia đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất để giảm thiểu rủi ro do nguồn cung gián đoạn và các sự kiện địa chính trị” ngày càng trở nên cấp bách. Việt Nam là một trong những điểm đến ưa thích của các doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản lựa chọn chuyển dịch sản xuất sang khu vực ASEAN.


Triển vọng kinh tế


Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu tăng trưởng chững lại do nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm giảm, đặc biệt là Mỹ và EU. Điều này đã tác động đến xuất khẩu của Việt Nam.


Bất chấp những trở ngại trong ngắn hạn đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, xét về triển vọng trung hạn, Việt Nam có nhiều động lực tăng trưởng tích cực, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Điều này dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP và GDP bình quân đầu người của Việt Nam. Từ năm 2024-2026, nền kinh tế của Việt Nam có triển vọng tăng trưởng nhanh.


Với dự báo tăng trưởng kinh tế cao trong thập kỷ tới, tổng GDP của Việt Nam sẽ tăng từ 410 tỷ USD trong năm 2022 lên 500 tỷ USD vào năm 2025 và tăng lên 750 tỷ USD vào năm 2030. Điều này đồng nghĩa với việc GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, từ 4.150 USD/năm trong năm 2022 lên 5.000 USD/năm vào năm 2025 và 7.300 USD/năm vào năm 2030, từ đó sẽ giúp mở rộng quy mô thị trường tiêu dùng nội địa của Việt Nam.


Vai trò của Việt Nam với tư cách là trung tâm sản xuất chi phí thấp cũng sẽ tiếp tục  được nâng cao khi các ngành công nghiệp chủ lực hiện nay tăng trưởng hơn nữa, nhất là ngành dệt may và điện tử; các ngành công nghiệp mới như ô tô và hóa dầu cũng trên đà phát triển.


Đối với nhiều tập đoàn đa quốc gia trên thế giới, các điểm yếu trong chuỗi cung ứng đã lộ rõ khi hoạt động sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc và một số trung tâm sản xuất lớn khác trên toàn cầu trong thời gian phong tỏa vì dịch bệnh COVID-19 bị gián đoạn kéo dài. Điều này sẽ thúc đẩy việc định hình lại chuỗi cung ứng sản xuất trong trung hạn khi các tập đoàn tìm cách giảm thiểu rủi ro do gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại và công nghệ Mỹ-Trung vẫn đang gay gắt, ASEAN sẽ là khu vực được hưởng lợi lớn từ sự thay đổi trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, trong đó Việt Nam được kỳ vọng sẽ là một trong những nước hưởng lợi chính./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn spglobal.com

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage