Quan hệ đối tác chiến lược Philippines - Australia trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung

Thứ Tư, 21/05/2025

12:06 am(VN)

-

3:06 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Quan hệ đối tác chiến lược Philippines - Australia trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung

10/07/2023

Trang mạng internationalaffairs.org.au mới đây đăng bài viết của tác giả Andrea Chloe Wong - từng là chuyên gia nghiên cứu đối ngoại cấp cao tại Viện Đối ngoại của Bộ Ngoại giao Philippines - cho rằng việc Philippines và Australia thúc đẩy quan hệ sâu sắc hơn đang phản chiếu những căng thẳng tiềm ẩn giữa Mỹ và Trung Quốc.

 

Với tư cách là các đối tác tự nhiên, Canberra và Manila có nhiều cơ hội phát triển quan hệ trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế và chính trị. Nội dung bài viết như sau:


Trong chuyến thăm Philippines hồi tháng 5/2023, Ngoại trưởng Australia Penny Wong đã tìm cách “thúc đẩy việc nâng cấp mối quan hệ hai nước từ quan hệ đối tác toàn diện lên thành đối tác chiến lược”. Quan hệ đối tác chiến lược nhằm mục đích đưa mối quan hệ hai nước lên một tầm cao mới, vượt lên trên cả tình bạn nhưng chưa đạt đến việc hình thành mối quan hệ ràng buộc về mặt pháp lý như một liên minh quân sự.


Thông báo của Ngoại trưởng Wong về quan hệ đối tác chiến lược chủ yếu là nhằm tìm cách tăng cường hợp tác an ninh. Bản ghi nhớ (MOU) năm 1995 giữa hai nước về các hoạt động hợp tác quốc phòng đã đưa ra định hướng chính sách, điều phối và giám sát các sáng kiến an ninh khác nhau, trong đó đáng chú ý là việc đào tạo các thành viên của Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) tại các cơ sở của Lực lượng Phòng vệ Australia (ADF). Kể từ đó, bản ghi nhớ đã mở đường cho Hiệp ước về quy chế các lực lượng (SOFA) năm 2007, cung cấp những đảm bảo pháp lý cho các lực lượng Australia tiến hành các cuộc tập trận chung chống khủng bố ở Philippines. Bản ghi nhớ cũng nêu rõ ADF tư vấn cho AFP về hậu cần và chính sách mua sắm. Trên cơ sở các thỏa thuận này, Ngoại trưởng Wong đã trình bày các sáng kiến hợp tác hàng hải mới của Australia với Philippines, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines nhằm nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải và bảo vệ biển.


Cả hai nước được cho là sẽ được hưởng lợi từ mối quan hệ đối tác chiến lược. Ngoài việc được hỗ trợ quân sự nhiều hơn và xây dựng năng lực, Philippines có thể tiếp tục dựa vào Australia để thúc đẩy tự do hàng hải, đồng thời lên án hành vi vi phạm luật pháp của Trung Quốc ở Biển Hoa Nam (Biển Đông). Trong khi đó, việc Australia tán thành nâng cấp quan hệ với Philippines đã củng cố chương trình nghị sự ngoại giao của cường quốc bậc trung nhằm thúc đẩy các giá trị chuẩn mực và các lợi ích an ninh rộng lớn. Nó cũng tạo cơ hội để Australia tăng cường thương mại với Philippines, đồng thời đa dạng hóa và mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường, đặc biệt là sau lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc năm 2020. Quan hệ đối tác này cũng hoàn toàn phù hợp với sáng kiến khu vực của Australia nhằm phát triển Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được ký năm 2021, nhấn mạnh giá trị dành cho các nước láng giềng châu Á, ngoài việc tập trung vào các nước láng giềng Thái Bình Dương, vốn từ lâu đã là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Australia.


Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Philippines và Australia diễn ra vào thời điểm rất thích hợp: sự hiếu chiến ngày càng tăng của Trung Quốc và ảnh hưởng mới của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Đối với Manila, các hoạt động hàng hải bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Tây Philippines và các ranh giới biển liên quan như được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) đặt ra mối đe dọa đối với chủ quyền lãnh thổ của Philippines. Đối với Canberra, các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc đối với hàng hóa của Australia và các hành động được cho là can thiệp vào chính trị nội bộ của nước này càng củng cố suy nghĩ rằng cần phải có một biện pháp đẩy lùi một cách có tính toán và mang tính tập thể để hạn chế khả năng Trung Quốc làm suy yếu lợi ích quốc gia và khu vực một cách cưỡng chế và ngấm ngầm.


Trong khi đó, Mỹ đang tìm cách duy trì vai trò lãnh đạo trong khu vực, hướng tới việc duy trì các tiêu chuẩn pháp lý và quy tắc quản trị quốc tế. Để làm như vậy, Mỹ đang đặt sức mạnh ngoại giao và quân sự đằng sau các đối tác trong khu vực, trong đó Philippines và Australia là những nước không thể thiếu trong hệ thống mạng lưới liên minh nêu bật sự hội tụ của các lợi ích an ninh. 


Tuy nhiên, Trung Quốc đã coi sự hợp tác như vậy là một phần của chương trình nghị sự địa chính trị lớn hơn do Mỹ dẫn đầu nhằm hạn chế sức mạnh của Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo “chớ hình thành bè phái chống Trung Quốc”, đồng thời nhắc nhở các nước láng giềng trong khu vực “thấy rõ lợi ích của chính họ… và rằng họ không nên để mình bị biến thành công cụ của Mỹ trong chiến lược chống Trung Quốc”.   


Những nhận thức như vậy càng được củng cố bởi các sáng kiến an ninh do Mỹ dẫn đầu với Philippines và Australia. Việc Washington mở rộng Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) với Philippines và Thỏa thuận mua bán tàu ngầm với Australia theo hiệp ước an ninh ba bên AUKUS (cùng với Anh) gây ra những nghi ngờ như vậy. Chính phủ Trung Quốc còn nghi ngờ rằng 4 địa điểm EDCA mới ở Philippines và các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của Australia có thể sẽ được sử dụng để ngăn chặn các cuộc tấn công có thể có của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan hoặc ngăn chặn khả năng đối đầu quân sự ở Biển Đông.


Do những thỏa thuận an ninh này với Mỹ, quan hệ đối tác chiến lược của Philippines và Australia có thể càng làm tăng sự ngờ vực trong mối quan hệ của họ với Trung Quốc. Điều này rất có thể xảy ra đối với Philippines dưới thời Ferdinand Marcos Jr. khi ông tiếp tục đi chệch khỏi chính sách nhân nhượng của chính quyền tiền nhiệm đối với chính phủ Trung Quốc. Mối quan hệ đối tác của Australia với Philippines cũng có khả năng làm tăng thêm sự phẫn nộ của Trung Quốc đối với Australia trong bối cảnh cả hai bên đang tìm cách ổn định quan hệ kinh tế.


Việc nâng cao quan hệ đối tác giữa Philippines và Australia có ý nghĩa chiến lược dựa trên sự hội tụ các lợi ích quốc gia cũng như những điểm chung trong các liên kết an ninh và chính sách quốc phòng của họ. Mặc dù sự hợp tác lâu dài của họ đủ mạnh để đứng vững một cách độc lập, song cả hai bên sẽ phải xem xét những bất ổn của sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược mạnh mẽ hơn nữa./.     

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn internationalaffairs.org.au

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage