THỜI BÁO VIỆT - ÚC
Gắn kết - Hội nhập - Phát triển
Theo tờ Financial Times, các quan chức và giới ngoại giao phương Tây cảnh báo rằng việc ủng hộ cuộc tấn công của Israel vào Gaza đã đầu độc những nỗ lực xây dựng sự đồng thuận với các nước đang phát triển chủ chốt trong việc lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Các quan chức ngoại giao cho rằng phản ứng với cuộc tấn công hôm 7/10 nhằm vào Israel của của nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas và tuyên bố trã đũa của Israel đã làm suy yếu nỗ lực của phương Tây trong nhiều tháng để phác họa Moskva là “kẻ bị ruồng bỏ toàn cầu” vì vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời vạch trần Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh của họ là đạo đức giả.
Trong một loạt các chuyến thăm ngoại giao khẩn cấp, hội nghị trực tuyến và điện đàm, các quan chức phương Tây bị cáo buộc đã không bảo vệ lợi ích của 2,3 triệu người Palestine khi vội vàng lên án cuộc tấn công của Hamas và ủng hộ Israel. Trong những ngày đầu tiên sau cuộc tấn công của Hamas, một số nhà ngoại giao phương Tây bày tỏ lo ngại rằng Mỹ đang trao cho Israel toàn quyền tấn công vào Gaza. Nhiều quan chức cho biết điều đó đã làm xói mòn những nỗ lực kể từ khi Nga xâm lược Ukraine năm 2022 nhằm xây dựng sự đồng thuận với các quốc gia hàng đầu ở Nam Bán cầu - như Ấn Độ, Brazil và Nam Phi - về nhu cầu duy trì một trật tự thế giới dựa trên luật lệ.
Các quan chức phương Tây cho biết phản ứng dữ dội đã củng cố quan điểm bảo thủ ở các nước đang phát triển về cuộc xung đột Israel-Palestine; cảnh báo điều này có thể làm chệch hướng những nỗ lực ngoại giao trong tương lai đối với Ukraine. Một nhà ngoại giao cấp cao của G7 nhận định: “Chúng ta chắc chắn đã thua ở Nam Bán cầu. Mọi nỗ lực chúng ta đã thực hiện với Nam Bán cầu để giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine đã thất bại. . . Hãy quên đi các quy tắc, quên đi trật tự thế giới. Họ sẽ không bao giờ lắng nghe chúng ta nữa”.
Nhiều nước đang phát triển có truyền thống ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của người Palestine, nhìn nó qua lăng kính quyền tự quyết và đấu tranh chống lại sự thống trị toàn cầu của Mỹ, đồng minh ủng hộ quan trọng nhất của Israel. Một số nhà ngoại giao Mỹ lo ngại rằng phản ứng của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã không nhận thức được rằng sự ủng hộ rộng rãi của Mỹ đối với Israel có thể khiến phần lớn Nam Bán cầu xa lánh họ. Ở Trung Đông, nhiều người Arab nhận thấy Mỹ và các cường quốc phương Tây khác chưa bao giờ buộc Israel phải chịu trách nhiệm về cách hành xử của họ với người Palestine, cũng như chưa bao giờ quan tâm đầy đủ đến các cuộc xung đột tàn khốc ở Syria, Yemen và Libya.
Nhà ngoại giao cấp cao của G7 nói thêm: “Những gì chúng ta nói về Ukraine phải áp dụng với Gaza. Nếu không, chúng ta sẽ mất hết uy tín. Brazil, Nam Phi, Indonesia, tại sao họ lại phải tin những gì chúng ta nói về nhân quyền?”.
Chỉ bốn tuần trước cuộc tấn công của Hamas vào Israel, các nhà lãnh đạo Mỹ, EU và các đồng minh phương Tây của họ đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi và kêu gọi các nước đang phát triển lên án các cuộc tấn công của Nga vào dân thường Ukraine nhằm duy trì sự tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Kể từ ngày 7/10, nhiều quan chức nói rằng họ đã nhận được yêu cầu áp dụng lập luận tương tự để lên án cuộc tấn công trả đũa của Israel vào Gaza cũng như quyết định hạn chế nguồn cấp nước, điện và khí đốt cho vùng đất này. Trong những ngày gần đây, Nga đã tìm cách thông qua một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ lên án bạo lực chống lại dân thường trong cuộc xung đột Israel-Palestine mà không đề cập cụ thể đến Hamas. Tuy nhiên, HĐBA đã bác bỏ nghị quyết hôm 16/10.
Một quan chức cấp cao của EU bày tỏ: “Thành thật mà nói, đây là món quà từ thiên đường dành cho Nga. Những gì đang diễn ra thật tai hại... bởi Nga đang lợi dụng cuộc khủng hoảng để tuyên bố rằng ‘Hãy nhìn xem, trật tự thế giới được xây dựng sau Chiến tranh Thế giới thứ hai không còn phù hợp, không hiệu quả trong giải quyết vấn đề của 1 tỷ dân ở Trung Đông hoặc Thế giới Arab”.
Các quốc gia Arab, đặc biệt là Jordan và Ai Cập, đã hối thúc các quan chức phương Tây phải cứng rắn hơn trong việc bảo vệ dân thường ở Gaza. Một quan chức Arab nói: “Nếu bạn coi việc cắt nước, lương thực và điện ở Ukraine là tội ác chiến tranh thì bạn cũng nên nói điều tương tự về Gaza”. Họ cũng ghi nhận sự thay đổi giọng điệu của một số chính phủ phương Tây trong những ngày gần đây. Kể từ ngày 15/10, EU và Anh đã tuyên bố tăng cường vận chuyển hàng cứu trợ tới Gaza.
Trong một dấu hiệu cho thấy nỗ lực phối hợp nhằm duy trì liên lạc với các nước đang phát triển, ngày 17/10, Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết ông đã nói chuyện với những người đồng cấp Brazil, Indonesia, Philippines, Maroc và Saudi Arabia trong những ngày gần đây. Tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến khẩn cấp của các nhà lãnh đạo EU hôm 17/10, một số nhà lãnh đạo đã cảnh báo rằng việc không bảo vệ quyền của người Palestine ở Gaza có thể khiến các quốc gia phương Tây bị cáo buộc là đạo đức giả. Nhiều ý kiến không hài lòng với quyết định của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tới thăm Israel hồi tuần trước mà không có sự ủy quyền từ 27 quốc gia thành viên hoặc một quan điểm chung đã được thống nhất. Ireland, Tây Ban Nha và Luxembourg tỏ ra khó chịu về việc bà von der Leyen không đề cập luật nhân đạo quốc tế khi bà phát biểu ở Tel Aviv.
Cựu Tổng thư ký NATO Jaap de Hoop Scheffer lưu ý: “Điều mà New Delhi, Jakarta và Brasília mong muốn là một quan điểm chung và sự nhất quán về những vấn đề này. Và nếu phương Tây không nhận ra điều đó… có nguy cơ nghiêm trọng là EU, G7 và NATO sẽ không được coi trọng trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu lớn”. Ông Scheffer, hiện là Chủ tịch của Viện Clingendael - tổ chức nghiên cứu của Hà Lan - nói thêm: “Phương Tây không còn nắm quyền kiểm soát nữa và các quốc gia ở Nam Bán cầu đang nhắc nhở chúng ta rằng họ ‘cũng có tiếng nói nhưng bị chúng ta phớt lờ lâu nay”.
Nghị quyết do Nga đề xuất tại HĐBA LHQ chỉ nhận được sự ủng hộ từ 4 quốc gia – Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Mozambique và Gabon – nhưng nhiều nhà ngoại giao phương Tây lo ngại rằng một nghị quyết sửa đổi của Nga có thể giành đủ 9 phiếu cần thiết để được thông qua. Mỹ, Anh hoặc Pháp sau đó có thể phủ quyết đề xuất sửa đổi, và việc đó sẽ mang lại cho Moskva một chiến thắng về mặt tuyên truyền.
Một quan chức ngoại giao cấp cao của phương Tây nói: “Chúng ta phải ngăn chặn Nga, quốc gia hiện được Trung Quốc ủng hộ và đang chủ động sử dụng điều này để chống lại chúng ta. Có thể trong cuộc bỏ phiếu tiếp theo tại ĐHĐ LHQ về việc ủng hộ Ukraine, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều quốc gia bỏ phiếu trắng”.
Đặc biệt, Pháp lo ngại về nguy cơ leo thang xung đột Hamas-Israel. Paris tin rằng Nga không còn đóng vai trò “cường quốc” truyền thống trong việc kiềm chế các đồng minh trong khu vực mà thay vào đó nhìn thấy cơ hội làm tiêu hao tài nguyên của Mỹ và đánh lạc hướng khỏi cuộc xung đột ở Ukraine.
Một ngoại trưởng phương Tây nói: “Nga có lợi ích rất lớn trong việc kéo dài cuộc xung đột này (Israel-Hamas), xét về giá trị đánh lạc hướng... cũng như công cụ (giúp Nga) thay đổi cách diễn giải các sự kiện toàn cầu có liên quan”./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn Financial Times
Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved