THỜI BÁO VIỆT - ÚC
Gắn kết - Hội nhập - Phát triển
Theo The Australian Financial Review, đối với Australia, nếu năm 2022 có “điểm nhấn” là tình trạng chi tiêu quá mức sau đại dịch COVID-19, năm 2023 “nổi bật” với lạm phát và lãi suất tăng cao thì năm 2024 có lẽ sẽ được định hình bởi quãng thời gian để cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.
Báo cáo hàng quý về kinh tế Australia đã được công bố hồi đầu tháng 12 vừa qua, cho thấy sự chậm lại rõ rệt vào cuối năm. Các khoản trả nợ thế chấp tăng vọt cùng với làn sóng các khoản vay có lãi suất cố định sắp hết hạn, chi phí sinh hoạt tăng, tiền lương thực tế giảm và thuế cao hơn do khung giá leo thang…, tất cả đã kết hợp lại để cản trở ngân sách và tiêu dùng của các hộ gia đình.
Trên thực tế, nền kinh tế chỉ tăng trưởng 2,1% trong năm tài chính tính đến ngày 30/9, với tốc độ tăng trưởng hàng quý chậm lại chỉ còn 0,2%. Có thể nói, nền kinh tế “đang đi lùi” và hầu như không có sự cải thiện vào những tháng cuối năm. Dữ liệu thẻ khách hàng của ngân hàng ANZ cho thấy chi tiêu của hộ gia đình đối với quần áo, đồ trang sức, hàng tiêu dùng… giảm 6-13% trong 2 tuần đầu tiên của tháng 12/2023 so với cùng kỳ năm 2022.
Theo chuyên gia kinh tế cấp cao Pat Bustamante của ngân hàng St George, dù tiêu dùng trên thực tế giảm nhưng các hộ gia đình, vốn đang phải chịu áp lực nặng nề, hiện chi tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được. Ông nói: “Các hộ gia đình đã chi nhiều hơn 1,4 tỷ AUD (958 triệu USD) so với thu nhập mà họ tạo ra trong quý III/2023. Đây là lần đầu tiên điều này xảy ra kể từ quý III/2008”.
Để bù đắp sự thiếu hụt đó, người dân đang rút tiền tiết kiệm. Từ mức đỉnh điểm là 237 tỷ AUD của quý III/2022, số tiền tiết kiệm sau đại dịch hiện ở mức khoảng 180 tỷ AUD. Dữ liệu ngân hàng cho thấy phần lớn lượng tiền mặt dư thừa được nắm giữ bởi các hộ gia đình lớn tuổi và giàu có hơn, và sẽ không đóng vai trò như một “tấm đệm” cho những người nắm giữ thế chấp trẻ tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lãi suất cao. Chuyên gia Bustamante cho biết, việc cạn kiệt tiền mặt dự trữ cũng không đủ để đáp ứng khoảng cách thu nhập-chi tiêu, và nhiều hộ gia đình đã rơi vào cảnh nợ nần.
* Tâm lý hoang mang
Có một câu hỏi lớn được đặt ra đối với người dân Australia hiện nay là tình trạng trì trệ kinh tế sẽ kéo dài bao lâu? Nhà kinh tế cấp cao của ngân hàng ANZ Adelaide Timbrell dự báo tình trạng này sẽ kéo dài ít nhất trong 6 tháng tới. Bà nói: “Nửa đầu năm, nền kinh tế sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi lãi suất cao hơn, lạm phát và tình trạng chuyển nhóm thuế”. Chuyển nhóm thuế là tình huống mà lạm phát đẩy thu nhập vào khung thuế cao hơn, kết quả là tăng thuế thu nhập nhưng không tăng sức mua thực.
Trong khi đó, chuyên gia Bustamante cho rằng người dân không thể tiếp tục vay mượn để chi tiêu, và khi Giáng Sinh kết thúc, những tác động của việc Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA – ngân hàng trung ương) tăng lãi suất chính thức từ 0,1% lên 4,35%, với mức tăng nhanh nhất trong một thế hệ, sẽ trở nên mạnh mẽ.
Ở mức 4,35%, số tiền trả hàng tháng cho khoản vay thế chấp 500.000 AUD trong 25 năm sẽ tăng thêm 1.210 AUD kể từ tháng 5/2022 nếu được thông qua hoàn toàn. Đối với các khoản vay thế chấp 750.000 AUD và 1 triệu AUD, số tiền tăng thêm sẽ lần lượt là 1.815 AUD và 2.420 AUD.
Bước sang năm mới, rất ít hộ gia đình ở Australia được bảo vệ trước sự bùng nổ của các khoản thế chấp có lãi suất cố định, cực thấp. Theo dự báo kinh tế mới nhất của RBA, tăng trưởng thu nhập khả dụng thực tế hàng năm của các hộ gia đình được dự báo sẽ duy trì ở mức âm cho đến ít nhất là ngày 30/6, và mặc dù tăng trưởng tiền lương thực tế hàng năm được cho là sẽ chuyển sang mức dương, song lạm phát ở mức 3,9% và tiền lương ở mức 4% có nghĩa khoảng cách là không đáng kể.
Cũng có khả năng, ít nhất là theo ngân hàng trung ương, lãi suất có thể tăng trở lại trong năm mới nếu lạm phát vẫn ở mức cao. Dù RBA giữ nguyên lãi suất tiền mặt ở mức 4,35% tại cuộc họp hội đồng quản trị cuối cùng vào năm 2023, biên bản cuộc họp ngày 5/12 tái khẳng định rằng một đợt tăng lãi suất khác có thể là cần thiết để kiềm chế lạm phát.
Biên bản có đoạn: “Các thành viên nhất trí rằng việc có cần thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ để đảm bảo lạm phát trở lại mục tiêu trong một khung thời gian hợp lý hay không sẽ phụ thuộc vào việc dữ liệu sắp tới phản ánh sự thay đổi triển vọng kinh tế như thế nào và đánh giá rủi ro ngày càng tăng”. Tóm lại, theo chuyên gia Bustamante, “các hộ gia đình phải tiếp tục điều chỉnh”.
* Những yếu tố định hình nền kinh tế
Tuy nhiên, nhìn sang nửa cuối năm, vẫn có lý do để hy vọng. Ngoại trừ một bước ngoặt chính trị lớn, việc cắt giảm thuế giai đoạn 3 – cắt giảm thuế cho tất cả những người có thu nhập trên 40.000 AUD – sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7. Họ sẽ bãi bỏ khung 37% áp dụng cho thu nhập từ 120.000 AUD đến 180.000 AUD và áp dụng tỷ lệ 30% cho tất cả thu nhập từ 45.000 AUD đến 200.000 AUD, bao gồm 95% người lao động.
Trong cuộc họp báo cuối cùng năm 2023, Bộ trưởng Tài chính Australia Jim Chalmers đảm bảo rằng tác động lạm phát của việc cắt giảm thuế đó đã được đưa vào dự báo của Kho bạc cũng như RBA, và sẽ không tạo ra bất kỳ điều gì bất ngờ. Theo Bộ trưởng, lạm phát chung sẽ giảm thêm xuống 3,5% vào cuối năm nay, ngay trên mức mục tiêu 2%-3% của RBA. Trong khi đó, tăng trưởng tiền lương hàng năm cũng sẽ ở mức vừa phải, mặc dù với tốc độ chậm hơn lạm phát ở mức 3,7%, làm tăng mức lương thực tế trong nửa cuối năm 2024.
Nhà kinh tế Timbrell cho biết, khi lạm phát trong nước tiếp tục giảm, thậm chí có thể còn có cơ hội để nới lỏng tài chính hơn nữa. Bộ trưởng Chalmers và Thủ tướng Anthony Albanese cho biết, họ đang tích cực xem xét hỗ trợ chi phí sinh hoạt nhiều hơn, có thể sẽ nhắm vào các hộ gia đình gặp khó khăn đặc biệt. Việc giảm lãi suất cũng có thể được thực hiện nếu thị trường tài chính phát đi tín hiệu tích cực. Hầu hết các nhà kinh tế, bao gồm cả những người trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), dự đoán RBA sẽ không tiếp tục nâng lãi suất và động thái tiếp theo sẽ là giảm lãi suất.
Các nhà đầu tư đang hy vọng lần cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng Tám và lần cắt giảm lãi suất thứ hai vào tháng 12, đưa lãi suất tiền mặt qua đêm từ 4,35% xuống 3,75%, giúp giảm hàng nghìn đô la tiền trả nợ thế chấp hàng năm.
* Phần còn lại của thế giới
Kỳ vọng của thị trường đối với kinh tế Australia được củng cố nhờ kinh nghiệm của các nền kinh tế tiên tiến khác. Khi làn sóng lạm phát “càn quét” toàn cầu vào nửa cuối năm 2022, Australia đã tụt lại khoảng 6 tháng. Nếu sự chậm lại đó vẫn diễn ra thì quỹ đạo lạm phát của phần còn lại của thế giới sẽ mang lại sự thoải mái. Lạm phát hàng năm ở Mỹ đã giảm xuống 3,1% trong tháng 11/2023, giảm từ mức đỉnh 9% hồi tháng 7/2022. Tại Anh, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng năm là 3,9%, giảm so với mức đỉnh 11,1%.
Thị trường phục hồi trước kỳ nghỉ Giáng Sinh sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có một động thái ôn hòa cho thấy việc tăng lãi suất trên thị trường đã được thực hiện xong và dự báo về sơ đồ của Fed cho thấy sẽ có tới 3 lần cắt giảm vào năm 2024.
Tình hình ở các nước phát triển cũng tương tự. Tuy nhiên, Australia lại là nước tụt hậu trong số 15 nền kinh tế tiên tiến hàng đầu trong việc giảm lạm phát. Câu hỏi dành cho RBA là liệu điều này chỉ là sự chậm trễ hay có một vấn đề cơ cấu lớn hơn đang diễn ra?
Tờ The Economist đưa tin hồi tháng 11/2023 rằng Australia có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong số 10 nền kinh tế tiên tiến lớn, nguyên nhân là do tiền lương. Việc tiền lương tăng trưởng mạnh mẽ nhưng năng suất không tăng sẽ chỉ khiến nhiệm vụ đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu của RBA trở nên khó khăn hơn. RBA cảnh báo năng suất cần tăng khoảng 0,5-1% mỗi năm để ngăn tốc độ tăng lương hiện tại dẫn đến lạm phát cao và có khả năng khiến lãi suất tăng thêm.
Trung Quốc cũng tác động đến triển vọng kinh tế Australia. Vào đầu năm 2023, triển vọng của đối tác thương mại lớn nhất của Australia là khá lạc quan. Tuy nhiên, những kỳ vọng đã bị thực tế “đè bẹp”: Sự phục hồi không thành công, niềm tin bị ảnh hưởng, tình trạng giảm phát diễn ra và những người trẻ tuổi phải vật lộn để tìm việc làm. Trong khi đó, lĩnh vực cơ sở hạ tầng từng bùng nổ của nước này - vốn là động lực tăng trưởng trong nhiều năm - đang suy yếu.
Đến nay, Australia đã có thể đi theo một con đường hẹp hướng tới một cuộc “hạ cánh mềm” - mục tiêu đưa lạm phát giảm mà không khiến người dân mất việc và nền kinh tế rơi vào suy thoái. Nếu lạm phát trở nên nghiêm trọng hơn dự kiến, RBA có thể buộc phải tăng lãi suất hơn nữa, đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Ngược lại, nếu ngân hàng đã thắt chặt quá mức và nền kinh tế chậm lại nhanh hơn dự kiến thì kết quả cũng có thể tương tự.
Trong cả hai trường hợp, nửa cuối năm 2024 có thể không mang lại sự nhẹ nhõm mà nhiều người đang hy vọng. Điều đáng mừng duy nhất là ít nhất vẫn còn những hy vọng cho năm 2025, khi vận may có thể thay đổi một lần nữa./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn The Australian Financial Review, vna
Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved