Theo bài phân tích trên trang mạng The Interpreter, Australia ngày 15/1, Việt Nam gần đây đã nổi lên như một trụ cột địa chính trị và có thể nói đã có những bước đi đúng đắn trong việc điều hướng “cuộc chơi quyền lực Mỹ-Trung” ở khu vực Đông Nam Á.
“Thế thăng tiến” của Việt Nam
Trong bối cảnh có sự cạnh tranh toàn cầu để giành quyền kiểm soát các chuỗi cung ứng quan trọng, vai trò của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Để đạt được vị thế quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần các công nghệ tiên tiến từ Mỹ và sự hỗ trợ cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc. Hiện tại, với những diễn tiến mới nhất trong quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam dường như có khả năng tiếp cận cả hai.
Mặc dù có khác biệt về hệ tư tưởng chính trị, song Mỹ đã nhận ra mối liên kết chiến lược với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao như chất bán dẫn. Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden có thể là tín hiệu cho các tập đoàn Mỹ thấy cần khuyến khích đầu tư vào trung tâm công nghệ mới nổi của Việt Nam. Có những tín hiệu lạc quan cho thấy các “gã khổng lồ” công nghệ của Mỹ sẽ gia tăng đầu tư đáng kể vào Việt Nam trong những năm tới.
Trong khi đó, cam kết của Trung Quốc đối với cơ sở hạ tầng của Việt Nam nhân chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Hà Nội tháng 12/2023, đặc biệt thông qua việc nâng cấp tuyến đường sắt Côn Minh-Hải Phòng, phù hợp với các mục tiêu chuyển đổi kinh tế của Việt Nam. Dự án này, một phần của mạng lưới Đường sắt xuyên Á, nhằm mục đích nâng cao vị thế trung tâm sản xuất của Việt Nam. FDI của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng cao, trải rộng trên các lĩnh vực như công nghệ thông tin truyền thông, năng lượng mới, công nghệ xanh và hậu cần thương mại điện tử. Sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, “thỏa thuận tạo thuận lợi cho vận tải xuyên biên giới Tiểu vùng sông Mekong” mở rộng được gia hạn tiếp tục củng cố những khát vọng của Việt Nam hội nhập khu vực.
Cuộc tranh giành quyền kiểm soát các khoáng sản quan trọng dường như càng tiếp sức cho động lực ba bên này. Trong khi Washington coi Việt Nam là đối tác tiềm năng trong lĩnh vực khai thác đất hiếm nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc thì Bắc Kinh lại tìm cách duy trì sự thống trị trong chuỗi giá trị đất hiếm. Các cam kết ngoại giao gần đây cho thấy các cơ hội hợp tác tiềm năng về đất hiếm giữa Trung Quốc và Việt Nam, phục vụ lợi ích chung trong việc cân bằng ảnh hưởng của Mỹ.
Sự thăng tiến của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng phản ánh vai trò đa dạng của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế đang thay đổi. Vị thế hiện tại của Việt Nam chủ yếu là phần mở rộng bổ sung cho chuỗi cung ứng lớn của Trung Quốc, chứ không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp hoặc đối thủ thay thế. Sự tăng trưởng trong xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, cùng với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, vẽ nên bức tranh về một quốc gia gắn bó sâu sắc với thương mại gia công. Năm 2022, trong khi xuất khẩu của Việt Nam chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, xuất khẩu ròng của Việt Nam chỉ chiếm 1% của Trung Quốc, nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong việc trung chuyển hàng hóa chủ yếu từ Trung Quốc sang Mỹ.
Những thách thức
Việt Nam nhiều khả năng vẫn là một bánh răng bổ sung trong mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hẹp khoảng cách giữa các nhà cung cấp và nhà sản xuất thượng nguồn ở Trung Quốc và thị trường tiêu dùng ở phương Tây. Tuy nhiên, vai trò trung gian này đặt ra những thách thức với Việt Nam trong việc chuyển đổi từ một trung tâm xử lý thành một nước đóng vai trò quan trọng với chủ quyền về công nghệ và công nghiệp của riêng mình.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được thúc đẩy đáng kể bởi đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn trong việc tiến lên chuỗi giá trị toàn cầu. Việc thiếu các thương hiệu mạnh trong nước và năng lực công nghệ bản địa là một “điểm nghẽn”.
Tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực này trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và công nghệ, phụ thuộc vào sự ổn định và hòa bình liên tục của khu vực. Tuy nhiên, căng thẳng gia tăng - đặc biệt là ở Eo biển Đài Loan và Biển Đông - cùng với những thách thức nội bộ ở cả Mỹ và Trung Quốc, đang góp phần tạo ra bầu không khí bất ổn ở Đông Nam Á. Sự biến động này có thể đe dọa vị thế chiến lược của Việt Nam. Nếu sự ổn định trong khu vực xấu đi, các công ty nước ngoài (đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam) có thể đánh giá lại hoạt động của mình, thậm chí chuyển địa điểm sản xuất đến nước khác. Diễn biến như vậy có thể khiến Việt Nam dễ bị tổn thương về mặt kinh tế, đặc biệt nếu Hà Nội không phát triển được các công ty công nghệ trong nước mạnh mẽ, tích hợp vào chuỗi cung ứng toàn cầu./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn The Interpreter, vna