THỜI BÁO VIỆT - ÚC
Gắn kết - Hội nhập - Phát triển
Theo tờ Nikkei Asia, trong bối cảnh hiện nay, Nhật Bản và Australia nên xem xét lại về việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Tờ báo này cho rằng đã đến lúc xuất-nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch nhường chỗ cho kim loại xanh và các loại khoáng sản quan trọng.
Trong hơn một thập kỷ, Australia là quốc gia tụt hậu so với toàn cầu về hành động vì khí hậu. Nhưng kể từ khi Công đảng Australia (ALP) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2022, Canberra đã có sự chuyển dịch tuyên bố, từ thái độ dè dặt và đôi khi là phủ nhận sang tham vọng về khí hậu.
Trong vòng gần hai năm qua, chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese đã nâng đáng kể mục tiêu giảm phát thải quốc gia vào năm 2030. Cụ thể, Australia đặt mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính 43% so với mức năm 2005, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu trước đó mà liên đảng Tự do-Quốc gia đưa ra là từ 26% - 28%.
Tháng 3/2023, Chính phủ Australia đã thắt chặt hạn chế phát thải đối với các dự án nhiên liệu hóa thạch, thông qua “Cơ chế bảo vệ” - một hệ thống đã được áp dụng từ năm 2016, để thiết lập mức phát thải cơ bản cho các cơ sở công nghiệp lớn.
Canberra đã đặt mục tiêu biến Australia thành một “siêu cường năng lượng tái tạo” xuất khẩu hàng hóa “không carbon” ra thế giới. Ngoài ra, nước này đang theo đuổi nỗ lực chung với các quốc đảo Thái Bình Dương, để tổ chức “Hội nghị Biến đổi Khí hậu” thường niên của Liên hợp quốc (LHQ) vào năm 2026.
Bước thay đổi về chính sách khí hậu của Australia đã được hoan nghênh rộng rãi cả ở trong nước và các nước láng giềng Thái Bình Dương. Tuy nhiên, “tuần trăng mật” này đã kết thúc. Giờ đây, Australia đang phải đối mặt với căng thẳng giữa vị thế hiện tại, là một trong những nhà xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn nhất thế giới, và tham vọng trở thành siêu cường năng lượng tái tạo.
Việc thực hiện tầm nhìn mang tính chuyển đổi của Australia sẽ gặp nhiều thách thức về mặt chính trị và kinh tế. Australia phải đối mặt với áp lực chi phí sinh hoạt trong nước, trong khi nền kinh tế tập trung chủ yếu vào xuất khẩu tài nguyên với giấy phép đã được cấp cho nhiều mỏ than và khí đốt vẫn giành được sự ủng hộ, kèm theo đó là “sức ì” từ các đối tác chiến lược.
Căng thẳng bắt đầu xuất hiện. Thay vì hoan nghênh tham vọng mới của Australia về hành động khí hậu, các chính sách gần đây của nước này đã vấp phải sự “khó chịu” từ Nhật Bản - một trong những đối tác khu vực thân cận nhất của Australia.
Nhật Bản coi năng lượng là vấn đề an ninh quốc gia vì nước này phải nhập khẩu gần 90% năng lượng, chủ yếu ở dạng nhiên liệu hóa thạch. Vai trò của Australia đối với an ninh năng lượng của Nhật Bản là rất quan trọng ,vì Australia cung cấp khoảng 70% nhu cầu than và khoảng 40% khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho nước này.
Khi Australia thắt chặt “Cơ chế bảo vệ” vào tháng 3/2023, các quan chức cấp cao và các nhà đầu tư Nhật Bản đã phản ứng với sự cứng rắn khác thường, cho rằng Australia dường như đang “âm thầm từ bỏ” hoạt động kinh doanh LNG và đang gây ảnh hưởng bất lợi cho danh tiếng của mình như một nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai và là nguồn đầu tư lớn thứ tư của Australia, vì vậy nước này đã nhanh chóng đưa ra những phản ứng trước các bình luận từ phía Nhật Bản.
Các nhà ngoại giao đã bắt tay vào hành động khi việc nâng cấp “Cơ chế bảo vệ” có hiệu lực. Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Australia, Chris Bowen, đã tới Tokyo vào tháng 7/2023 để trấn an các nhà đầu tư Nhật Bản về cam kết của Australia trong việc cung cấp nguồn năng lượng ổn định.
Mặc dù mối lo lắng đã được xoa dịu phần nào, nhưng câu hỏi cơ bản vẫn chưa được giải quyết: Liệu Nhật Bản có thể duy trì an ninh năng lượng khi Australia nhanh chóng tái định vị là quốc gia dẫn đầu về khí hậu hay không? Câu trả lời ngắn gọn là “có”, nhưng điều này sẽ không thể thực hiện được nếu không xem xét lại mối quan hệ kinh tế lâu dài giữa Australia và Nhật Bản.
Nhật Bản cũng sẽ cần phải thay đổi đáng kể cách tiếp cận đối với quá trình chuyển đổi năng lượng của nước này. Bước đầu tiên là Tokyo phải nhận ra rằng: lộ trình khử carbon hiện tại sẽ không mang lại “an ninh năng lượng”. Cách thức mà Nhật Bản tìm kiếm cũng không mang lại con đường rõ ràng để đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Hai điều này có liên quan chặt chẽ với nhau. Nghiên cứu của BloombergNEF cho thấy Nhật Bản phải tăng tốc đáng kể việc sản xuất năng lượng tái tạo trong nước, để đáp ứng các mục tiêu phát thải năm 2030 và 2050. Tổ chức này đã đề xuất một số cải cách nhằm giúp xóa bỏ rào cản cho các nhà phát triển năng lượng tái tạo. Làm như vậy cũng sẽ giúp Nhật Bản giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, vốn dễ bị tổn thương trước những cú sốc địa chính trị và những thay đổi chính sách ngoài tầm kiểm soát của nước này.
Trong khi đó, Australia đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng về việc loại bỏ dần lượng khí thải mà nước này xuất khẩu dưới dạng nhiên liệu hóa thạch. Các kế hoạch hiện tại sẽ làm giảm đi những gì Australia có thể đạt được thông qua kế hoạch cắt giảm khí thải trong nước.
Nếu muốn trở thành một siêu cường về năng lượng tái tạo, Australia phải nhận ra rằng nước này không thể dựa vào mô hình xuất khẩu năng lượng tương tự của những thập kỷ trước, chỉ đơn giản là chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Một lý do chính là việc vận chuyển năng lượng tái tạo trên một khoảng cách địa lý và quy mô lớn dường như không hiệu quả về mặt chi phí, đặc biệt là so với việc sản xuất năng lượng tái tạo tại địa phương.
Thay vào đó, khi đối mặt với sự suy giảm nhanh chóng của nhiên liệu hóa thạch, Australia và Nhật Bản nên tìm cách cơ cấu lại mối quan hệ kinh tế để tập trung vào các ngành công nghiệp mới, trong đó có ba lĩnh vực nổi bật.
Thứ nhất là “kim loại xanh”. Australia chỉ có một lựa chọn duy nhất là sử dụng nguồn năng lượng tái tạo dồi dào để chuyển từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang sản xuất các vật liệu có giá trị gia tăng như thép không carbon. Australia và Nhật Bản phải hợp tác chặt chẽ để đảm bảo việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng phù hợp về mặt chính trị và kinh tế cho cả hai nước.
Thứ hai là khoáng sản quan trọng. Australia có nguồn dự trữ lớn các tài nguyên cần thiết để sản xuất hàng loạt công nghệ năng lượng sạch, bao gồm pin và tấm pin Mặt Trời. Tuy nhiên, việc này sẽ cần những khoản đầu tư đáng kể từ Nhật Bản để đảm bảo các dự án này có thể thành công. Cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc cũng tạo thêm động lực cho các quốc gia có liên kết chiến lược như Australia, Nhật Bản và Mỹ hợp tác cùng nhau để xây dựng chuỗi cung ứng năng lượng sạch. Và trên thực tế, các nước này đã bắt đầu những nỗ lực chung.
Thứ ba là dịch vụ năng lượng sạch. Trong bối cảnh các nền kinh tế khác trên khắp châu Á, bao gồm cả Nhật Bản đang tiến hành quá trình chuyển đổi năng lượng, dự kiến nhu cầu chuyên môn của Australia trong việc khử carbon trên lưới điện sẽ tăng lên đáng kể. Các doanh nghiệp Australia, vốn có kinh nghiệm thực tế trong việc vận hành các lưới điện tập trung vào năng lượng tái tạo, sẽ có điều kiện thuận lợi để giúp Nhật Bản quản lý quá trình chuyển đổi của mình.
Có lẽ Nhật Bản và Australia cũng đã phát hiện ra con đường đạt tới phát thải ròng bằng “0” của họ gắn bó chặt chẽ với nhau. Ngoại giao thận trọng sẽ rất cần thiết trong việc đưa quan hệ đối tác kinh tế sang một giai đoạn mới, tập trung vào các ngành công nghiệp năng lượng sạch và đáp ứng các các mục tiêu của cả hai nước về khí hậu, năng lượng và kinh tế.
Điều này là hoàn toàn khả thi, tuy nhiên cả hai nước phải bắt đầu bằng việc chấp nhận thực tế. Đó là mô hình hiện tại sẽ không giúp họ đạt được những mục tiêu đó./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn Nikkei Asia, vna
Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved