Nhức nhối vấn đề nợ công ngày càng tăng của nước đang phát triển

Thứ Sáu, 16/05/2025

6:11 pm(VN)

-

9:11 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Nhức nhối vấn đề nợ công ngày càng tăng của nước đang phát triển

22/11/2023

Trang mạng ICWA vừa đăng bài phân tích của nghiên cứu viên Avni Sablok với tiêu đề “Nợ ngày càng tăng của các nước đang phát triển: Mối quan tâm và cách tiếp cận”.

Tháng 7/2023, Liên hợp quốc (LHQ) đã đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về việc nợ công toàn cầu đạt mức cao nhất mọi thời đại là 92.000 tỷ USD vào năm 2022, tăng gấp 5 lần so với mức 17.000 tỷ USD năm 2000. Điều này cho thấy xu hướng gia tăng của nợ công trên toàn thế giới trong thập kỷ qua. Ở các nước đang phát triển, nợ công đã tăng với tốc độ nhanh hơn so với các nước phát triển, chiếm gần 30% nợ công toàn cầu. Nợ công ngày càng tăng là chủ đề thảo luận tại nhiều diễn đàn đa phương khác nhau, bao gồm cả Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Vấn đề nổi cộm và cấp bách này đòi hỏi một sự tiếp cận mới, cùng các giải pháp hiệu quả.

* Vì sao nợ công toàn cầu liên tục tăng?

Khi các phương pháp đánh thuế không thể tạo ra doanh thu cần thiết để tài trợ hoặc đầu tư vào các chương trình phát triển, chính phủ các nước đang phát triển đã lựa chọn dựa vào nguồn vay quốc tế. Họ vay tiền từ thị trường vốn tư nhân, các tổ chức tài chính quốc tế và các nước giàu có khác để tài trợ cho chi tiêu, bao gồm cả việc đầu tư vào phúc lợi của người dân. Tuy nhiên, số nợ công lớn cùng với chi phí đi vay ngày càng tăng, trong khi tăng trưởng kinh tế chậm và tiền tệ mất giá đã cản trở sự phát triển và làm ảnh hưởng đến khả năng của các nhà hoạch định chính sách trong việc đầu tư vào phúc lợi và nhu cầu phát triển cho một tương lai bền vững. Nợ công cũng làm giảm khả năng của các chính phủ trong việc ứng phó với những thách thức mới, chẳng hạn như giải quyết đại dịch COVID-19 và thiên tai.

Hơn nữa, việc vay nợ khiến các nước đang phát triển phải trả lãi suất cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Ví dụ, ước tính các nước châu Phi trung bình vay với lãi suất cao gấp bốn lần so với Mỹ và thậm chí cao hơn tám lần so với Đức. Do đó, như Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã nhấn mạnh: “Một số những quốc gia nghèo nhất thế giới buộc phải lựa chọn giữa việc trả nợ hoặc phục vụ người dân của họ”.

Theo LHQ, khoảng 3,3 tỷ người định cư ở các quốc gia chi trả lãi vay nhiều hơn cho giáo dục hoặc y tế. Ngoài ra, nợ công ở các nước đang phát triển đã tăng với tốc độ nhanh hơn so với các nước phát triển với thị phần gần 30% tổng nợ toàn cầu. Tính toán cho thấy số lượng các quốc gia phải đối mặt với mức nợ cao chỉ tăng từ từ 22 quốc gia vào năm 2011 lên 59 quốc gia vào năm 2022, chủ yếu bao gồm các nền kinh tế có thu nhập thấp và mới nổi từ châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh. Nhu cầu tài chính ngày càng tăng do đại dịch COVID-19, chi phí sinh hoạt và biến đổi khí hậu đã đẩy nợ công đến mức cực độ. Ngoài ra, khả năng tiếp cận tài chính của các nước đang phát triển trở nên không đầy đủ và tốn kém hơn do cơ cấu tài chính quốc tế không bình đẳng.

Theo truyền thống, các nước đang phát triển coi Ngân hàng Phát triển Đa phương (MDB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Mỹ là những người cho vay cuối cùng. Trong tình hình bất ổn địa chính trị hiện nay, một số nước đang phát triển chọn các khoản vay khẩn cấp do Trung Quốc cung cấp để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng đắt đỏ. Trong một khoảng thời gian, Trung Quốc bắt đầu cung cấp nhiều khoản vay khẩn cấp hơn cho các quốc gia có tầm quan trọng về địa chính trị, vị trí chiến lược hoặc điều kiện tự nhiên, cũng như sở hữu nguồn tài nguyên phong phú như Zambia và Sri Lanka. Các nước đang phát triển này bắt đầu vỡ nợ vì không thể trả lãi cho các khoản vay tài trợ cho việc xây dựng cảng, mỏ và nhà máy điện.

* Quản lý nợ thông qua tái cơ cấu

Nhiều quốc gia, như Zambia và Ghana, lựa chọn tái cơ cấu nợ như một giải pháp để quản lý nợ công ngày càng tăng. Trong đại dịch COVID-19, Zambia là quốc gia đầu tiên vỡ nợ với khoản nợ chính phủ ước tính gần 17,3 tỷ USD. Sau các cuộc đàm phán kéo dài, Zambia đạt được thỏa thuận với ủy ban chủ nợ chính thức về xử lý nợ vào năm 2023 để cơ cấu lại khoản nợ 6,3 tỷ USD từ nước ngoài, bao gồm cả Trung Quốc - chủ nợ lớn nhất của nước này và các thành viên của Câu lạc bộ Paris - gồm các quốc gia chủ nợ thuộc G20.

Một trường hợp khác là Ghana, tổng nợ của nước này đã đạt đến mức không bền vững do chi tiêu quá mức trong thời kỳ bùng phát dịch bệnh COVID-19 và tác động xung đột Nga-Ukraine, giữa bối cảnh nguồn thu trong nước thấp. Theo Bộ trưởng Tài chính Ghana, đến cuối năm 2022, việc trả nợ đã tiêu tốn hơn một nửa tổng doanh thu của chính phủ và lên tới 70% doanh thu thuế. Phân tích nợ bền vững của IMF cho biết, trong thời kỳ đại dịch, nợ công của Ghana tăng từ 63% GDP trong năm 2019 lên 88,1% GDP vào cuối năm 2022.

Trong cả hai trường hợp, việc chậm hoàn tất thỏa thuận cơ cấu lại nợ và huy động nguồn thu trong nước thấp đã đẩy nợ công đến mức không bền vững và đe dọa khả năng thu hồi nợ. Hơn nữa, vẫn còn phải xem liệu cả Zambia và Ghana có thể đạt được mức tăng trưởng kinh tế đủ để trả nợ trong thời gian tái cơ cấu được đưa ra hay họ sẽ tìm kiếm thêm khoản giảm nợ từ các chủ nợ và trái chủ khác.

* Vai trò của Ấn Độ và G20

Nghiên cứu trường hợp của Zambia và Ghana chỉ ra rằng nợ có thể quản lý được ở một mức độ nhất định và có thể được cơ cấu lại, nhưng đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện kết hợp biện pháp tái cơ cấu nợ, củng cố tài khóa và các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tạo tác động lâu dài đến việc giảm tỷ lệ nợ. Ngoài ra, cần phải cải cách Ngân hàng Phát triển Đa phương (MDB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để điều chỉnh các thực thể này phù hợp với thực tế hiện tại và xây dựng năng lực giải quyết các thách thức mới như đại dịch COVID-19, các vấn đề mới nổi, xung đột địa chính trị làm gián đoạn chuỗi cung ứng năng lượng và dẫn đến tỷ lệ lạm phát biến động.

Điều này cho thấy rằng để giải quyết nợ công, cần phải có những nỗ lực cả trong nước và quốc tế, vì nhiều quốc gia đang phát triển tiếp tục chuyển sang thị trường tài chính toàn cầu để giúp đáp ứng nhu cầu tài trợ khổng lồ, bao gồm cả tài trợ cho Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Về vấn đề này, Ấn Độ là một trong những quốc gia tiên phong đã thể hiện cam kết đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc hỗ trợ nỗ lực phục hồi sau cuộc khủng hoảng nợ của Sri Lanka. Tháng 1/2023, Ấn Độ đã trở thành quốc gia đầu tiên trao thư hỗ trợ tài chính và tái cơ cấu nợ của Sri Lanka cho Quỹ Tiền tệ (IMF).

Điều này khác biệt với cách thức mà Trung Quốc thực hiện. Cường quốc lớn thứ hai thế giới đáp lại yêu cầu tái cơ cấu của Sri Lanka trong năm 2014 và 2019 bằng cách đưa ra các khoản vay mới. Ngay cả trong cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây, Trung Quốc ban đầu phản ứng bằng cách phớt lờ yêu cầu hỗ trợ 4 tỷ USD của Sri Lanka. Sau khi các quốc gia khác, chẳng hạn như Ấn Độ, đồng ý tái cơ cấu nợ, Trung Quốc chỉ đưa ra lệnh tạm hoãn nơk trong vòng hai năm đối với Sri Lanka cùng với việc từ chối tham gia các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ tập thể.

Trong một trường hợp khác, tháng 8/2023, Gabon trở thành quốc gia đầu tiên ở lục địa châu Phi đồng ý với một “hoán đổi nợ lấy thiên nhiên” trị giá 500 triệu USD do Tập đoàn Tài chính Phát triển của Chính phủ Mỹ (DFC) bảo lãnh. Thông qua việc hoán đổi, tiền dành cho bảo tồn biển được giữ lại và một phần nhỏ khoản nợ sẽ được tái cấp vốn, từ đó hỗ trợ động thái hướng tới tái cơ cấu nợ cho một tương lai bền vững.

Với vị trí là Chủ tịch luân phiên G20 nhiệm kỳ 2023, Ấn Độ đã nỗ lực tập trung vào nhu cầu cấp thiết nhằm giải quyết một cách hiệu quả lỗ hổng nợ ở các nước đang phát triển. Tuyên bố New Delhi của G20 nhắc lại sự cần thiết của các chính sách tiền tệ, tài chính và cơ cấu được hiệu chỉnh tốt, hướng tới thúc đẩy tăng trưởng, giảm bất bình đẳng và duy trì ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô.

Tuyên bố đề cập đến việc xử lý nợ đối với Zambia, Ghana, Ethiopia và Sri Lanka trong bối cảnh cần gia tăng quản lý các lỗ hổng toàn cầu. Tuyên bố kêu gọi đẩy mạnh thực hiện cơ chế chung xử lý nợ của G20, một sáng kiến của các nước thành viên G20 và Câu lạc bộ Paris nhằm phối hợp và hợp tác xử lý nợ cho các nước thu nhập thấp. Tuyên bố New Delhi cũng kêu gọi cải cách MDB tăng cường huy động tài chính và tập trung vào nhu cầu phát triển của các nước thu nhập thấp và trung bình.

Có thể thấy rằng nhiệm vụ của Chủ tịch G20 sắp tới là Brazil sẽ rất khó khăn. Nước này cần tiếp tục chương trình nghị sự mà Ấn Độ đã đưa ra và thành công để giải quyết triệt để hơn nữa vấn đề nợ công. Điều này đòi hỏi cả nỗ lực của từng nước chịu nợ cũng như sự hỗ trợ của quốc tế. Vì vậy, sự phục hồi nhanh chóng đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện kết hợp tái cơ cấu nợ, củng cố tài chính và chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế với tác động lâu dài trong việc giảm tỷ lệ nợ./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn ICWA, vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage