Theo trang mạng “The Interpreter” ngày 1/2, nhiều nhà quan sát cho rằng có khả năng Triều Tiên đang lên kế hoạch và chuẩn bị phát động chiến tranh trong năm nay. Trên thực tế, Bình Nhưỡng đã gây ra nhiều ồn ào trong vài tháng qua. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng bình luận cho rằng cần xem xét nghiêm túc ý tưởng về một cuộc tấn công sắp xảy ra mà Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (CHDCND Triều Tiên) phát động là một bài báo ngày 11/1/2024 trên trang 38 North của hai chuyên gia về Triều Tiên - cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ Robert L. Carlin và Giáo sư Siegfried S. Hecker tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury. Hai tác giả này viết: "Chúng tôi tin rằng giống như ông nội hồi năm 1950, Kim Jong-un đã đưa ra một quyết định chiến lược là tham chiến".
Có một vấn đề ở đây: Phân tích của Carlin và Hecker - nền tảng của nỗi lo sợ chiến tranh - là không thuyết phục.
Lập luận của họ dựa trên 3 điểm:
Thứ nhất, Triều Tiên đã từ bỏ mục tiêu trước đó là cải thiện quan hệ với Mỹ kể từ sau "sự mất mặt đau thương" của Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh thất bại Mỹ-Triều tại Hà Nội năm 2019 với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thứ hai, Bình Nhưỡng tin rằng ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ đang suy giảm so với sức mạnh của Trung Quốc và Nga.
Và thứ ba, chính phủ CHDCND Triều Tiên gần đây đã đưa ra những tuyên bố chính thức thể hiện sự sẵn sàng tiến hành chiến tranh chống lại Hàn Quốc.
Hai chuyên gia Carlin và Hecker nói rằng Kim Jong-un đã chọn "giải pháp quân sự" vì "không còn lựa chọn nào tốt" – nhưng họ không giải thích rõ xem Kim Jong-un đang cố gắng giải quyết vấn đề gì, cũng như quyết định chiến tranh sẽ giải quyết vấn đề đó như thế nào.
Ngoài ra, phân tích của Carlin và Hecker phù hợp với một kết luận hợp lý hơn: rằng kể từ năm 2019, chính phủ của Kim Jong-un đã thay đổi nỗ lực của mình, tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài để theo đuổi các mục tiêu kinh tế và an ninh ngoài việc đạt được các thỏa thuận với Mỹ và Hàn Quốc, và hướng tới mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với Khối Trung Quốc/Nga. Kết luận đó hàm ý căng thẳng tiếp tục trên Bán đảo Triều Tiên, nhưng không phải là Chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai.
Kim Jong-un đã có bài phát biểu dài trước cơ quan lập pháp CHDCND Triều Tiên trong tháng 1/2024, trong đó ông trình bày chi tiết về mối quan hệ với Hàn Quốc. Ông cho biết Triều Tiên sẽ không còn nỗ lực hướng tới thống nhất và từ đó mô tả miền Nam (Hàn Quốc) là "kẻ thù chính không thể thay đổi" thay vì "có quan hệ họ hàng". Ông kêu gọi sửa đổi Hiến pháp CHDCND Triều Tiên để loại bỏ những câu dài dòng ngụ ý rằng miền Bắc và miền Nam là một phần của cùng một đất nước và gọi người Hàn Quốc là "đồng bào".
Như một số nhà phân tích đã chỉ ra, việc coi người Hàn Quốc là kẻ thù thay vì anh em có thể làm giảm những đấu tranh tư tưởng và tâm lý, và đi kèm với đó là quyết định tham chiến. Tuy nhiên, cần nhớ rằng trong nhiều thập kỷ cho đến nay, chính sách chính thức của Bình Nhưỡng về việc tìm cách thống nhất đã không ngăn được chính phủ CHDCND Triều Tiên đưa ra lời đe dọa bạo lực hàng loạt đối với người Hàn Quốc (ví dụ, đe dọa biến Seoul thành "biển lửa").
Hơn nữa, trong cùng một bài phát biểu, Kim Jong-un nói rõ rằng ông không có ý định bắt đầu một cuộc chiến. Ông nói: "Chúng ta sẽ không bao giờ đơn phương phát động chiến tranh nếu kẻ thù không khiêu khích chúng ta, không có lý do gì để lựa chọn chiến tranh, và do đó, không có ý định đơn phương tiến hành chiến tranh".
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói rằng sự thay đổi chính sách về thống nhất đất nước là phản ứng trước sự "leo thang" thái độ thù địch từ các đối thủ của Triều Tiên. Ông đặc biệt trích dẫn cuộc thảo luận của Hàn Quốc về khả năng "sụp đổ" của nhà nước Triều Tiên, "những nhận xét của chính quyền Mỹ về 'sự kết thúc của chế độ chúng tôi'", các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, sự tăng cường hợp tác 3 bên Mỹ-Hàn-Nhật... Bên cạnh đó, Hàn Quốc tuyên bố đang xây dựng năng lực để tiêu diệt Kim Jong-un và các quan chức hàng đầu khác của Triều Tiên. Hành vi có vẻ hiếu chiến của Bình Nhưỡng một phần là phản ứng với điều đó.
Dư luận không cần phải dựa vào những tuyên bố của Kim Jong-un. Ông sẽ không gửi kho đạn dược và tên lửa tới Nga nếu ông dự định tiến hành một cuộc chiến trên Bán đảo trong tương lai gần.
Một lý do thậm chí còn mạnh mẽ hơn để nghi ngờ luận điểm của Carlin và Hecker là lực lượng tổng hợp của Mỹ và Hàn Quốc mang lại cho họ ưu thế quân sự vượt trội so với CHDCND Triều Tiên ở cả cấp độ thông thường và hạt nhân.
Năm 2024 sẽ chứng kiến các cuộc bầu cử quan trọng ở cả Mỹ và Hàn Quốc. Việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng là điều có thể xảy ra. Bình Nhưỡng có thể hy vọng rằng một cú sốc mạnh sẽ buộc Washington quay trở lại đàm phán, sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ, chẳng hạn như dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế, nhằm giảm bớt số lượng các điểm nóng toàn cầu. Do đó, việc Kim Jong-un ra lệnh thực hiện hành động quân sự như một phương tiện để đạt được đòn bẩy chính trị có thể là hợp lý – nhưng chỉ khi ông tin rằng Seoul và Washington sẽ hiểu cuộc tấn công này là có giới hạn và bị cô lập.
Điều này dẫn đến một quan sát quan trọng: có khả năng phần lớn độ tin cậy của luận điểm Carlin-Hecker dựa trên giả định được phổ biến rộng rãi nhưng vẫn còn đáng nghi vấn rằng việc ra quyết định của Kim Jong-un là "thất thường" và do đó không nhất thiết phải cho là có ý nghĩa.
Kim Jong-un cần ngăn chặn kẻ thù của mình, điều này giải thích cho việc Triều Tiên tăng cường quân sự và thử nghiệm tên lửa. Ông lo ngại sự tiêm nhiễm chính trị từ Hàn Quốc (vào Triều Tiên), điều này có thể đã thúc đẩy ông thực hiện chính sách không thống nhất trên thực tế. Tuy nhiên, việc phát động một cuộc chiến tranh tổng lực sẽ không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào của Kim Jong-un./.