Vào tháng 11/2023, Lực lượng chuyên trách “Đội tàu Chiến lược” đã công bố một báo cáo cho biết Australia cần phát triển một “đội tàu chiến lược” và nhân lực hàng hải, đồng thời lưu ý rằng hiện chỉ có 15 tàu có trọng tải trên 2.000 tấn mang cờ Australia. Lực lượng chuyên trách trực thuộc Bộ Cơ sở hạ tầng nước này cho biết với số lượng tàu quá ít, “trong một cuộc khủng hoảng, chúng ta sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc tiếp cận và kiểm soát các tài sản hàng hải”.
Tuy nhiên, nếu mục đích của “đội tàu chiến lược” là cung cấp năng lực hàng hải trong thời kỳ khủng hoảng, Australia cần phải suy tính xa hơn về việc liệu một con tàu mang cờ Australia hay nước ngoài. Ví dụ, năng lực hàng hải rộng lớn và ngày càng tăng của Ấn Độ có thể cung cấp cho Australia vận chuyển thay thế trong một cuộc khủng hoảng, cả khi “đội tàu chiến lược” của Australia thành hình và sau khi thành lập, để bổ sung cho hạm đội.
Báo cáo nêu rõ rằng 3 “mục tiêu chiến lược chính” của đội tàu được đề xuất bao gồm ứng phó với sự kiện gián đoạn, hỗ trợ các ngành sản xuất có chủ quyền và hỗ trợ Lực lượng Phòng vệ Australia (ADF). Theo lực lượng chuyên trách này, “nếu không có đội tàu và thủy thủ đoàn bền vững mang cờ Australia, khả năng chính phủ tiếp cận một “đội tàu chiến lược” trong những lúc cần thiết sẽ gần như không thể”.
Trong khi lực lượng chuyên trách vạch ra một “đội tàu chiến lược” với 12 tàu bổ sung là ưu tiên hàng đầu, cuối cùng lực lượng này dự kiến sẽ tăng lên từ 30-50 tàu thuộc sở hữu tư nhân nhưng mang cờ Australia. Họ đề xuất một loạt các sáng kiến tài chính và cơ hội đào tạo cho các thủy thủ Australia để đạt được mục tiêu này. Lực lượng chuyên trách cũng cho biết việc thiết lập chính sách thuận lợi hơn sẽ hồi sinh ngành vận tải biển của Australia trong thời bình, sau đó có thể được sử dụng trong thời kỳ khủng hoảng.
Ý tưởng này dựa vào khả năng của Chính phủ Australia trong việc trưng dụng các tài sản của “đội tàu chiến lược” khi cần thiết - điều mà hiện tại nước này không thể thực hiện được ngoài thời chiến. Các thỏa thuận trưng dụng sẽ đạt được thông qua các hợp đồng quy định rõ năng lực vận chuyển tại những thời điểm và địa điểm nhất định, cũng như thông qua luật pháp, với các thỏa thuận đền bù tương ứng.
Nhưng “đội tàu chiến lược” này không nhất thiết phải mang cờ Australia. Thật vậy, lực lượng chuyên trách đã khuyến nghị (và chính phủ đã đồng ý về mặt nguyên tắc) rằng nên theo đuổi các cơ hội hợp tác với các quốc gia và công ty nước ngoài khác để đảm bảo tăng cường năng lực và bổ sung cho “đội tàu chiến lược”. Các nhà hoạch định chính sách Australia nên ưu tiên Ấn Độ làm đối tác.
Nói một cách đơn giản, ngành hàng hải của Ấn Độ đang bùng nổ. Theo Cơ quan Xúc tiến và Tạo thuận lợi Đầu tư Quốc gia Ấn Độ (Invest India), tính đến năm 2023, có 1.526 tàu mang cờ Ấn Độ, và Ấn Độ là quốc gia có năng lực hàng hải lớn thứ 16 thế giới. Chiến lược “Tầm nhìn Hàng hải Ấn Độ đến năm 2030” của New Delhi đặt ra khuôn khổ để nước này tiếp tục mở rộng lĩnh vực hàng hải.
Trong những năm gần đây, quan điểm chiến lược của Australia và Ấn Độ phần lớn đã có sự tương đồng. Phản ánh sự liên kết chiến lược này, mối quan hệ song phương đã được nâng cấp lên “đối tác chiến lược toàn diện” vào năm 2020, đối thoại 2+2 (quốc phòng và ngoại giao) hiện được tổ chức ở cấp bộ trưởng, một thỏa thuận tương hỗ hậu cần đã được ký kết vào năm 2021 và các cuộc tập trận quốc phòng thường xuyên đã được tổ chức. Hợp tác Australia-Ấn Độ nên mở rộng sang hỗ trợ “đội tàu chiến lược” của Australia.
Theo Bản “Đánh giá chiến lược quốc phòng 2023” (DSR), Australia là một quốc gia quan trọng ở Ấn Độ Dương và phải tiếp tục mở rộng quan hệ, hợp tác thực chất với các cường quốc chủ chốt, trong đó có Ấn Độ. Ở cấp độ chính trị, Australia và Ấn Độ mong muốn tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh sâu sắc, và “đội tàu chiến lược” là một cơ hội chín muồi.
Để đạt được điều này, Australia nên ký hợp đồng với các nhà khai thác vận tải biển Ấn Độ để bổ sung cho “đội tàu chiến lược” với các tàu mang cờ Ấn Độ. Các thỏa thuận hợp đồng có thể được thực hiện yêu cầu tàu phải có mặt tại các địa điểm và khung thời gian cụ thể sau khi thông báo. Chính phủ Ấn Độ sẽ cần phải hỗ trợ các thỏa thuận như vậy. Một thỏa thuận tương tự đã góp phần nâng cao năng lực hải vận chiến lược của NATO, đảm bảo cho các tàu vận chuyển theo yêu cầu. Mặc dù Chính phủ Australia có thể không trưng dụng các tàu của Ấn Độ một cách hợp pháp, nhưng những người thuê tàu dồi dào tài chính và phí kích hoạt hợp đồng sẽ đảm bảo nguồn cung cấp tàu trong mọi thảm họa toàn cầu, trừ những thảm họa toàn cầu nghiêm trọng nhất.
Tàu thuyền Ấn Độ không cần phải đi qua các điểm nghẽn hàng hải hoặc vùng biển tranh chấp để đến Australia. Trong một cuộc xung đột liên quan đến Trung Quốc, Biển Hoa Nam (Biển Đông) có lẽ sẽ không thể tiếp cận được. Hơn nữa, khi một nửa lưu lượng container của thế giới đi qua Ấn Độ Dương và khoảng 40% sản lượng dầu ngoài khơi của thế giới xuất phát từ vùng biển rộng lớn này, các tàu của Ấn Độ được bố trí duy nhất để cung cấp cho Australia trong trường hợp khủng hoảng.
Các hợp đồng với ngành vận tải biển Ấn Độ sẽ đáp ứng nhiều yêu cầu liên quan đến một “đội tàu chiến lược”. Mặc dù phát triển ngành vận tải biển nội địa Australia bền vững và sôi động là một chiến lược đúng đắn nhưng chi phí rất lớn và không nên bỏ qua các đối tác quốc tế của Australia. Ngành vận tải biển đang hiện đại hóa nhanh chóng và quy mô lớn của Ấn Độ là một đối tác quan trọng tiềm năng, có thể củng cố khả năng phục hồi các yêu cầu vận chuyển của Australia trong thời kỳ khủng hoảng./.