THỜI BÁO VIỆT - ÚC
Gắn kết - Hội nhập - Phát triển
Theo đài RFI, lượng khách du lịch nước ngoài đã trở lại Việt Nam nhiều hơn, nhưng vẫn chưa được như trước đại dịch COVID-19. Năm 2023, Việt Nam đã đón hơn 12,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt mục tiêu đề ra, nhưng con số này chỉ tương đương khoảng 69% so với năm 2019.
Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Mỹ và Nhật Bản là những thị trường có lượng du khách đến Việt Nam nhiều nhất, song ngày càng có thêm nhiều du khách đến từ các quốc gia mới khác.
Việt Nam là điểm đến được người Ấn Độ tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong năm 2023, tiếp theo là Goa (Ấn Độ), Bali (Indonesia), Sri Lanka và Thái Lan. Đối với nhiều người Ấn Độ, Việt Nam vẫn là một điểm chưa được khám phá trong khi chi phí du lịch đến Việt Nam thấp hơn từ 10-15% so với nhiều nước Đông Nam Á khác. Điểm này đặc biệt hấp dẫn giới trẻ Ấn Độ từ 25-35 tuổi, vì cùng với ngân sách như vậy, họ nhận được dịch vụ tốt hơn ở Việt Nam. Rất nhiều blogger Ấn Độ quảng bá cho du lịch Việt Nam, coi Việt Nam là điểm đến thân thiện với chi phí phải chăng. Du khách cao tuổi Ấn Độ thì bị thu hút bởi các di tích lịch sử, đền chùa ở Việt Nam.
Cần đa dạng hóa dịch vụ và sản phẩm du lịch
Trên nhiều trang Facebook cộng đồng Pháp ngữ trao đổi về du lịch Việt Nam, rất nhiều người ấn tượng về phong cảnh đa dạng của Việt Nam. Các tỉnh miền núi phía Bắc thu hút sự chú ý đặc biệt của khách phương Tây vì họ có sở thích khám phá, đi bộ đường dài. Các chuyến “phượt” bằng xe máy cũng thu hút du khách trẻ nước ngoài, đặc biệt là nhờ hệ thống đường xá ngày càng được mở rộng, thuận tiện hơn.
Dù hoạt động du lịch đang dần được khôi phục, nhưng nhìn chung ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam ngày 15/11/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”, thiếu liên kết chặt chẽ giữa các ngành, sản phẩm du lịch thiếu sáng tạo, đặc sắc và thường bị sao chép, chắp vá giữa các địa phương hay doanh nghiệp, thiếu sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức chuyên nghiệp.
Nhiều thành phố, đặc biệt là Hà Nội, đã tập trung nâng cao giá trị kiến trúc, văn hóa địa phương khi cho trùng tu những công trình kiến trúc cổ thời Pháp thuộc, tạo điểm nhấn bất ngờ. Nhiều tour du lịch đêm cũng được tổ chức, như tour Hoàng Thành Thăng Long, di tích Hỏa Lò. Đến năm 2025, các thành phố lớn sẽ phấn đấu có ít nhất một mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Điều đáng tiếc là văn hóa bảo tàng vẫn chưa được phát triển ở Việt Nam, trong khi hầu hết các tòa nhà bảo tàng đều là những công trình kiến trúc có giá trị cao. Một số bảo tàng như Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh còn thiếu chuyên nghiệp trong cách tổ chức, sơ sài, không nâng được giá trị của các tác phẩm được trưng bày.
Bảo vệ môi trường cũng là một vấn đề được du khách nước ngoài đề cao và đòi hỏi ngành du lịch Việt Nam thích ứng. Ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế năm 2024, tăng 5-6 triệu khách so với năm 2023. Để thu hút thêm du khách, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất chính phủ miễn thị thực ngắn hạn cho khách từ thị trường lớn, tiềm năng như Trung Quốc, Ấn Độ và mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho khách từ các nước có trình độ phát triển cao, chi tiêu nhiều như Australia, Canada, Mỹ và các nước còn lại trong Liên minh châu Âu (EU) và đây cũng là kiến nghị của Phòng Thương mại châu Âu. Ngoài ra, việc cấp thị thực từ 3-5 năm cũng được đề nghị thí điểm để thu hút khách phân khúc cao cấp hoặc đã nghỉ hưu.
Thế nhưng, để phục vụ được lượng khách như vậy, ngành du lịch Việt Nam cần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, vì theo nhận định của Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Lê Phúc, hiện nguồn nhân lực ngành du lịch của Việt Nam “thiếu trình độ chuyên môn, thiếu tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế”. So với các nước trong khu vực, lao động du lịch Việt Nam còn hạn chế về kỹ năng mềm, khả năng ngoại ngữ, kinh nghiệm, năng suất lao động và tính chuyên nghiệp. Trong khi đó, việc đào tạo chỉ tập trung một số ngành nghề, dẫn đến phát triển thiếu bền vững. Ngành du lịch Việt Nam, cũng như thế giới, vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau những năm bị hạn chế vì đại dịch COVID-19, nhưng với tinh thần điều chỉnh thiếu sót, cũng như những tham vọng và kế hoạch liên tục được đưa ra, có thể kỳ vọng du lịch Việt Nam bứt phá trong năm 2024./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn RFI, vna
Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved