Israel: Khủng hoảng chiến lược

Thứ Bảy, 17/05/2025

6:26 am(VN)

-

9:26 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Israel: Khủng hoảng chiến lược

24/12/2023

Giáo sư Lawrence Freedman, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Đại học King London, có bài phân tích, nhận định ban đầu về khủng hoảng Israel-Hamas cũng như các nỗ lực ngoại giao làm giảm thiểu tác động lan rộng ra toàn khu vực. Sau đây là nội dung bài viết:


Sau cuộc khủng hoảng do bị tấn công bất ngờ ngày 7/10, Israel hiện phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thứ hai khi chính phủ nước này nỗ lực tìm ra chiến lược để thực hiện mục tiêu đã tuyên bố là đẩy Hamas ra khỏi Gaza và khiến nhóm này không còn khả năng thực hiện thêm hành động tàn bạo trong tương lai. Ngay cả trước khi có những ồn ào xung quanh thảm kịch ở bệnh viện Al Ahli, vấn đề nổi bật là tình hình thảm khốc ở Gaza chứ không phải là an ninh của Israel. Để hiểu làm thế nào thế giới đạt đến điểm này – nhanh đến vậy – chúng ta cần quay lại cách mà chiến lược của Israel đã được thiết lập trước khi đánh giá đầy đủ những hàm ý của chiến lược này.


Chiến tranh trên bộ trong chiến lược của Israel


Khi nhận thức rõ được quy mô của cuộc tấn công kinh hoàng ngày 7/10, đất nước được tuyên bố trong tình trạng chiến tranh. Ngày hôm đó, 300.000 quân dự bị được triệu tập và quân đội bắt đầu được tập trung ở biên giới phía Nam để chuẩn bị cho cuộc tấn công lớn vào Gaza. Điện và nước bị cắt và chiến dịch ném bom được phát động nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng của Hamas từ trên không càng nhiều càng tốt. Chẳng bao lâu sau, người dân Gaza được yêu cầu di chuyển từ phía Bắc xuống phía Nam vùng lãnh thổ này, khi các cơ quan của Liên hợp quốc mô tả cuộc khủng hoảng nhân đạo đang hình thành. Ban đầu thời gian cho phép là 24 giờ, có lẽ phản ánh tính cấp bách của thời điểm này. Khoảng thời gian này không bao giờ là đủ mặc dù nhiều người Palestine di chuyển nhanh nhất có thể từ phía Bắc xuống phía Nam vùng lãnh thổ hoặc tìm kiếm những nơi an toàn, nhưng một số nơi này hóa ra lại là rất không an toàn.


Bởi vì Israel bắt đầu bằng việc nói về tấn công trên bộ nên nước này gần như buộc phải tiến hành một cuộc tấn công. Có giải pháp thay thế - vẫn là huy động và chuẩn bị trong khi nhấn mạnh rằng một cuộc tấn công như vậy chỉ là lựa chọn được xem xét. Đây ít nhiều là tình trạng hiện tại, ngoại trừ việc Chính phủ Israel dường như mất niềm tin không chỉ khi đánh giá cao những thách thức của một chiến dịch trên bộ mà còn cả tình huống phức tạp mà chính phủ gặp phải.


Nói rằng chiến tranh trên bộ sẽ bị trì hoãn vô thời hạn có thể là dự đoán quá xa vời (và thực tế là cuộc tấn công trên bộ đã diễn ra - ND). Các lực lượng vẫn ở đó, sẵn sàng hành động và việc chuẩn bị vẫn tiếp tục, về mặt huấn luyện và giám sát các tuyến đường có thể tấn công. Chính phủ Israel biết rằng họ đối mặt với phản ứng dữ dội từ người dân sau thất bại tình báo khiến cuộc tấn công xảy ra. Nếu hứa có một chiến dịch mang tính quyết định rồi sau đó lùi bước vì không biết thực hiện như thế nào thì sẽ dẫn đến sự tức giận thậm chí còn lớn hơn. Nhưng phản ứng dữ dội có thể còn lớn hơn nếu có thêm người thiệt mạng và uy tín bị lãng phí trong một chiến dịch không đạt được mục tiêu chiến tranh của nó. Đây là lý do vì sao trong quá khứ, dù có giọng điệu hiếu chiến, nhưng Thủ tướng Benjamin Netanyahu luôn cảnh giác với việc cho phép thực hiện những chiến dịch như vậy.


Kể từ khi chiến lược được bắt đầu ngày 7/10, thành phần chính phủ đã thay đổi. Thủ lĩnh phe đối lập Bennie Gantz gia nhập chính phủ và ngồi trong Nội các Chiến tranh, với sự tham gia của 2 đồng nghiệp có ảnh hưởng là Gadi Eizenkot, cựu Tham mưu trưởng IDF, và Ron Dermer, Đại sứ Israel tại Washington từ năm 2013 đến năm 2021. Trong và xung quanh các căng thẳng của chính phủ hiện được đưa tin là về những vấn đề hiển nhiên – phải làm gì với các con tin mà gia đình họ hiện đã thành lập nhóm gây áp lực riêng và phải làm gì trước khả năng xảy ra mặt trận thứ hai ở phía Bắc, với việc Hezbollah đe dọa tham chiến từ Lebanon. Một lựa chọn được cho là đã được cân nhắc và bị bác bỏ đó là ngăn chặn trước mối đe dọa tấn công phủ đầu của Hezbollah bằng cách tấn công trước các cơ sở quân sự của tổ chức này.


Cuộc tấn công trên bộ luôn là viễn cảnh làm nản lòng. Chiến tranh đô thị là khó khăn. Như đã thấy ở Ukraine, những người phòng thủ ngoan cường, ẩn nấp trong đống đổ nát của các thành phố đông dân cư đã bị tàn phá có thể cầm chân lực lượng tấn công trong thời gian dài như thế nào. Chưa tìm ra một ví dụ nào gần đây cho thấy một khu vực đông dân cư phòng thủ hợp lý lại nhanh chóng sụp đổ trước một cuộc tấn công, thậm chí là một cuộc tấn công được thực hiện tương đối tốt. Grozny ở Chechnya, Aleppo ở Syria, Mosul ở Iraq, Bakhmut ở Ukraine đều mất thời gian với việc lực lượng phòng thủ chỉ rời bỏ khi họ và khu vực xung quanh hứng chịu các đợt không kích và pháo kích. Trong trường hợp của các chiến binh Hamas, với số lượng khoảng 30.000 người, có thể vận hành mê cung các đường hầm dưới lòng đất. Người Israel có kinh nghiệm chiến đấu trong những điều kiện này và đã phát triển chiến thuật để đối phó, nhưng có sự đánh đổi giữa cách tiếp cận bài bản, từ từ giải tỏa hàng phòng thủ và thương vong có thể cao nếu vội vàng. Và càng kéo dài thời gian thì áp lực quốc tế yêu cầu dừng lại sẽ càng lớn.


Câu hỏi quan trọng nhất là kết quả đạt được là gì. Giả sử rằng Israel có thể tiến tới Thành phố Gaza, đây nhiều khả năng là mục tiêu của một cuộc tấn công lớn, thì sao? Israel có thể phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng quân sự của Hamas, nhưng khó có thể loại bỏ hoàn toàn vai trò lãnh đạo chính trị của tổ chức này. Các chỉ huy quân sự có thể ở lại để lãnh đạo cuộc kháng chiến, và một số người trong số họ được cho là đã bị tiêu diệt, nhưng nhiều nhân vật chính trị hiện ở chỗ khác. Israel không thể thành lập chính phủ mới vì việc Israel thành lập chính phủ sẽ làm chính phủ này không có tính hợp pháp. Và chưa thấy phân tích nào cho thấy Israel muốn chiếm đóng lâu dài.


Mối đe dọa Hezbollah phải được xem xét nghiêm túc. Người ta nghi ngờ rằng lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah thực sự muốn một cuộc chiến tranh, vì ảnh hưởng đến Lebanon, nơi lực lượng này bị đổ lỗi rộng rãi cho nhiều vấn đề gần đây của đất nước, nhưng nếu giao tranh dữ dội phát triển bên trong Gaza thì Hassan Nasrallah sẽ chịu áp lực rất lớn phải hành động. Hezbollah có đội quân đáng kể, mặc dù không phải là đội quân có thể tồn tại lâu nếu vượt biên giới vào Israel. Nhưng kho vũ khí rocket của lực lượng này rất đáng gờm - đáng gờm hơn nhiều so với của Hamas. Nếu họ phối hợp tấn công với Hamas thì sẽ gây áp lực lên hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel.


Khi Hamas mở đầu cuộc tấn công ngày 7/10 bằng một đợt bắn phá dữ dội, hệ thống Vòm Sắt đã không thể giải quyết mọi thứ dù chưa bao giờ bị áp đảo hoàn toàn. Các cuộc tấn công này đã gây ra thiệt hại và thương vong, nhưng được giảm thiểu nhờ sự kết hợp giữa phòng không và nơi trú ẩn. Các đợt bắn phá này gây ít thiệt hại hơn nhiều so với các chiến binh Hamas xâm nhập vào Israel. Hiện tại, sau khi được bổ sung, Vòm Sắt có khả năng đối phó với một cuộc tấn công riêng rẽ của Hezbollah dù tên lửa của Hezbollah có tính chính xác và sát thương cao hơn. Họ vẫn gây ra vấn đề mà nếu không có thì tốt hơn cho Israel.


Cuộc khủng hoảng ở Gaza


Liên quan đến tất cả những điều này là một cuộc khủng hoảng nhân đạo vô cùng nghiêm trọng. Hamas sử dụng Gaza làm căn cứ để tấn công Israel. Lực lượng này không tách biệt năng lực quân sự của mình khỏi xã hội dân sự, do đó chúng khó bị phát hiện và khi bị phát hiện thì chỉ có thể tấn công chúng với việc chấp nhận gây nguy hiểm cho dân thường. Israel không thể làm gì để hạ bệ Hamas với tư cách là một thực thể quân sự - bao vây, không kích, tấn công trên bộ - mà không ảnh hưởng đến dân thường ở Gaza, những người vốn đã sống rất khốn khổ. Ưu tiên của Hamas là các dự án quân sự-chính trị. Đây là lý do tại sao Hamas bị Ai Cập cũng như Israel bao vây (Hamas là chi nhánh Palestine của Tổ chức Anh em Hồi giáo, lực lượng đã sắp xếp chính phủ Ai Cập trong một thời gian ngắn cho đến khi bị lật đổ bởi cuộc đảo chính quân sự do Tổng thống đương nhiệm Abdel Fattah El-Sisi lãnh đạo).


Các nhà phê bình Israel cho rằng toàn bộ tình hình là lỗi lịch sử, vì điều đó, dân thường Gaza không nên phải chịu đựng thêm nữa, và vì vậy, cách giải quyết tốt nhất của Israel là giảm bớt hoàn cảnh khó khăn cho dân thường Gaza và tìm cách tốt hơn để cùng tồn tại. Chính phủ Israel lập luận rằng việc cùng tồn tại là không thể chừng nào Hamas còn nắm quyền, và do đó nhu cầu của Israel về an ninh có nghĩa là họ phải thực hiện các hành động cần thiết, dù điều này làm tăng thêm nỗi đau cho Gaza.


Những người thông cảm với thế khó của Israel nhưng lo lắng với biện pháp của nước này đã khuyên rằng Israel có quyền tự vệ, nhưng phải tự vệ với mức tổn hại tối thiểu cho dân thường. Điều đó như chúng ta thấy, nói dễ hơn làm. Để chắc chắn chỉ bắn trúng đúng mục tiêu, ngay cả với cả những cuộc tấn công chính xác, cần có thông tin tình báo hạng nhất và như đã thấy qua những gì diễn ra ngày 7/10, kiến thức địa phương của Israel về tình hình các vấn đề bên trong Gaza là không tốt như trước đây. Cho dù thông tin tình báo chi tiết do Israel đưa ra để chứng minh tội ác của Lực lượng Thánh chiến Hồi giáo trong việc phá hủy bệnh viện có xoa dịu được phần nào sự lên án đối với cách thức tiến hành của Israel hay không, thì cảm giác hỗn loạn và thảm họa đang gia tăng ở Gaza cũng tạo ra áp lực phải chấm dứt việc bao vây và không kích. Vì phản ứng dữ dội trước cảnh tượng trong bệnh viện, Tổng thống Mỹ Biden phải hoãn chuyến đi dự kiến tới Jordan, ít nhất là cho đến sau 3 ngày quốc tang các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công bệnh viện.


Trước đó, điểm khởi đầu ngoại giao quốc tế không phải là đối phó với Hamas hay thậm chí là các con tin mà là chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ngày 16/10, đã viết trên mạng X: “Hôm nay, theo yêu cầu của chúng tôi, Mỹ và Israel đã đồng ý xây dựng kế hoạch cho phép viện trợ nhân đạo từ các quốc gia và tổ chức đa phương tài trợ đến được với dân thường ở Gaza, bao gồm cả khả năng tạo ra các khu vực giúp dân thường tránh khỏi nguy hiểm”.


Như từ ngữ đã nói, đây là sáng kiến của Mỹ chứ không phải của Israel. Hoạt động ngoại giao để đạt được điều này là rất quan trọng, vì điều đó ông Blinken xứng đáng được ghi nhận, với việc cả Ai Cập và Jordan đều phải tin rằng mục đích của Israel không phải là đẩy người Palestine ra khỏi Gaza với hy vọng rằng họ sẽ đi nơi khác và họ sẽ chỉ cho phép người dân ra đi nếu hỗ trợ nhân đạo có thể vào được.


Các bước đi ngoại giao tiếp theo 


Khi đến Israel, Tổng thống Biden dường như quyết tâm ép Israel hướng tới chiến lược tốt hơn. Sau các cuộc tấn công của Hamas, ông đã đưa ra tuyên bố đoàn kết mạnh mẽ và điều động các tàu chiến vào vị trí như một lời cảnh báo Iran không nên can dự. Tất cả điều này được Israel đánh giá cao. Đây là cách tiếp cận điển hình của Biden - ủng hộ kiên định kèm theo rất nhiều câu hỏi hóc búa. Biden nói rõ rằng ông cảnh giác với xâm lược trên bộ và lo lắng về tổn thất sinh mạng nặng nề của người Palestine. Kinh nghiệm của bản thân với các cuộc chiến Iraq và Afghanistan khiến Biden hoài nghi khi bất kỳ vị tướng nào tuyên bố rằng có thể giải quyết xung đột lâu dài bằng cách loại bỏ kẻ thù. Các tướng lĩnh Mỹ đã và đang gặp gỡ những người đồng cấp Israel để đánh giá tính thực tế của các kế hoạch.


Trong khi Biden đặt Mỹ ở trung tâm của nỗ lực ngoại giao mới. Đây là điều mà Tổng thống Obama muốn tránh. Ông không thích Mỹ vướng vào các vấn đề của Trung Đông, ở đó mọi nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề này dường như chỉ làm cho vấn đề khác trở nên tồi tệ hơn và cần phải vun đắp quan hệ với các chế độ đáng ngờ. Tuy nhiên, khu vực này vẫn tiếp tục lôi Mỹ quay trở lại do những hậu quả toàn cầu của tình trạng hỗn loạn ngày càng gia tăng, từ giá dầu cao đến khả năng xảy ra chiến tranh với Iran.


Và Mỹ vẫn là cường quốc có vị trí tốt nhất để dàn xếp nỗ lực nhằm làm giảm leo thang cuộc khủng hoảng này. Dù có lỗi gì thì ông Biden cũng có tài ngoại giao, thể hiện qua khả năng duy trì liên minh ủng hộ Ukraine. Mỹ là quốc gia duy nhất có quan hệ với các nước chủ chốt trong khu vực, ngoài Iran và Hezbollah. Nhưng để nói chuyện với các nhà lãnh đạo Arập theo cách mang tính xây dựng, ông có thể phải giữ khoảng cách hơn nữa với các chiến thuật hiện tại của Israel và ông cần một kế hoạch khả thi để sắp xếp các cuộc đối thoại của mình.


Thiếu tất cả những điều này là Nga. Điều đáng chú ý là trước cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, thật khó để ngăn cản Tổng thống Putin tham gia bất kỳ sáng kiến quốc tế nào. Putin có quan hệ tốt đẹp với Netanyahu, người không đưa ra nhiều sự hỗ trợ cho Ukraine. Nga nghiêng về phía Hamas nhiều hơn, vì suy cho cùng, Iran hiện đã trở thành nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho Nga và việc tấn công Israel có thể là một cách để tấn công Mỹ (về phần mình, Tổng thống Zelensky đã nhanh chóng lên án các cuộc tấn công của Hamas, có thể với quan điểm của Quốc hội Mỹ cũng như Israel). Trước đây, Nga có lẽ đã hợp tác với Mỹ để đưa ra một nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhất trí. Nhưng Putin quá bị phân tâm bởi cuộc chiến của chính mình và thiếu năng lực cũng như mạng lưới cho một sáng kiến chính trị nghiêm túc của riêng mình. Chỉ có Biden mới có vị thế để nhận được sự nhượng bộ từ Israel.


Không mấy lạc quan, chúng ta có thể mô tả những bước đi đầu tiên nếu muốn đi theo con đường ngoại giao. Từ Israel, một lệnh ngừng bắn, dù chỉ là tạm thời, nhằm cho phép giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và bắt đầu tìm cách quản lý cuộc khủng hoảng trong thời gian ngắn. Israel cũng có những vấn đề riêng với hàng trăm nghìn người phải di dời khỏi khu vực biên giới với Gaza và Lebanon, vẫn xảy ra một số cuộc tấn công bằng rocket và mức độ huy động quân sự rất tốn kém và khó duy trì. Chừng nào rocket còn tiếp tục bay tới và các con tin tiếp tục bị bắt giữ, ông Netanyahu khó có thể tuyên bố ngừng bắn.


Thách thức thực sự là tìm ra công thức chính trị được thống nhất cho Gaza mà ít nhất làm giảm vai trò chính trị và quân sự của Hamas. Khả năng duy nhất có thể thấy trong trung hạn là khả năng liên quan đến Chính quyền Palestine (PA), vì đây rõ ràng là chính quyền thay thế cho Hamas, nhưng điều này đòi hỏi phải nâng cao vị thế của họ ở Bờ Tây. Điều này là vì mong muốn có điều gì đó tốt hơn. Cho đến nay, thành tựu chính của Mahmoud Abbas, Chủ tịch PA, là sự tồn tại của ông, về mặt khác thì ông chỉ gắn liền với tham nhũng và kém hiệu quả. Với các cuộc bạo loạn ở Bờ Tây, vị thế của ông càng bị tổn hại. Do đó, PA không thể tự mình đối phó mà được bổ trợ bởi Cơ quan Cứu trợ và Việc làm Liên hợp quốc (UNRWA), cơ quan hiện đang cung cấp nhiều dịch vụ cơ bản trong dải đất này và một nhóm liên lạc của các quốc gia Arập quan trọng có quan hệ với Israel, nhất thiết phải bao gồm cả Ai Cập và Qatar, những nước có khả năng nhất trong việc làm trung gian với Hamas (một số lãnh đạo Hamas sống ở Qatar).


Đây là hướng đi trái ngược với hướng Chính phủ Israel hiện tại muốn đi. Như một phần của cáo trạng tập hợp chống lại chính phủ là tuyên bố rằng Netanyahu thích Hamas hơn PA bởi vì tổ chức này có chung quan điểm với ông là bác bỏ giải pháp hai nhà nước. Netanyahu giờ đây có rất ít sự lựa chọn ngoài việc đi theo một tiến trình ngoại giao nhằm khám phá các lựa chọn miễn là ông có thể tuyên bố rằng kết quả chưa được định đoạt trước, nhưng dù sao đi nữa, thời gian ông ở vị trí cao nhất trên chính trường Israel không còn nhiều. Không cần nhiều người đào thoát để thế đa số nhỏ nhoi của ông trong quốc hội biến mất ngay cả trước khi có bầu cử.


Nếu Tổng thống Mỹ Biden không thể tạo ra tiến bộ chính trị nào, cuộc chiến có thể tiếp tục diễn ra như dự kiến với việc quân đội Israel tiến vào Gaza với số lượng lớn, tìm cách áp đặt giải pháp của riêng mình lên vùng lãnh thổ này. Nhưng thật khó để thấy điều đó sẽ đưa đến một tình thế khác biệt đáng kể đến mức nào so với ngoại giao tăng cường. Vì Gaza sẽ không bao giờ được điều hành bởi một chính trị gia thân Israel, nên bây giờ cần bắt đầu nghĩ xem ai khác có thể mang lại sự ổn định cho vùng lãnh thổ này./.
 

Thoibaovietuc.com/Nguồn vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage