Năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại ASEAN-Australia. Đầu tháng 3/2024, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia được tổ chức tại Melbourne, Australia, nhằm kỷ niệm sự kiện này.
Mặc dù các nước Đông Nam Á và Australia gần nhau về vị trí địa lý, có quan hệ kinh tế thương mại sâu sắc và quan hệ đối thoại lâu dài, hợp tác giữa 2 bên không thể coi là thuận buồm xuôi gió, nhất là khi đề cập đến các vấn đề chính trị nội bộ, “quan niệm giá trị dân chủ”, hoạt động quân sự... Ngày 9/3, giáo sư Ray Steinwall của Học viện luật và tư pháp thuộc Đại học New South Wales, Australia, bình luận trên tờ New Straits Times có uy tín của Malaysia: "Australia phải tìm hiểu về ASEAN nhiều hơn thông qua việc tôn trọng các quan niệm giá trị văn hóa của khu vực... Bạn không thể tách rời kinh tế với văn hóa, đặc biệt là ở châu Á".
Nhiều nhà phân tích coi hội nghị cấp cao đặc biệt lần này là cơ hội quan trọng để Australia điều chỉnh quan hệ với ASEAN. Phát biểu bế mạc hội nghị cấp cao đặc biệt này vào ngày 6/3, Thủ tướng Australia Anthony Albanese khẳng định: “Đông Nam Á là khu vực có vai trò quan trọng đối với vận mệnh của Australia hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới... Đây là lý do tại sao chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), đồng thời nỗ lực bảo đảm hòa bình và ổn định khu vực”. Hội nghị cấp cao đặc biệt tập trung vào các chương trình nghị sự như thương mại, ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng sạch và an ninh hàng hải…
Tuy nhiên, bên cạnh việc ủng hộ hợp tác khu vực, Australia và một số nước ASEAN cũng thể hiện xu hướng bài xích nhất định. Trao đổi với trang mạng ww.thepaper.cn, Chu Sĩ Tân, Chủ nhiệm Phòng Ngoại giao láng giềng, Trung tâm Chính sách ngoại giao, Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thượng Hải, nói: “Xu hướng đáng chú ý nhất tại hội nghị cấp cao đặc biệt lần này là Philippines lợi dụng hội nghị để gây chuyện ở Nam Hải (Biển Đông), làm leo thang căng thẳng ở vùng biển này, tìm cách phá hoại môi trường an ninh khu vực và chia rẽ mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN. Ngoài ra, Philippines và Australia cùng thổi phồng vấn đề Nam Hải và đã không đạt được mục đích”.
Australia tăng cường đầu tư vào Đông Nam Á
Tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia diễn ra từ ngày 4-6/3, các nước ASEAN và Australia đã đạt được 2 văn kiện là Tuyên bố Melbourne và Tuyên bố tầm nhìn của các lãnh đạo ASEAN-Australia. Đánh giá các kết quả liên quan, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết Tuyên bố Melbourne bao gồm phương hướng hợp tác trong các lĩnh vực như chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, trong khi Tuyên bố tầm nhìn của các lãnh đạo ASEAN-Australia là tầm nhìn do lãnh đạo các nước có liên quan đề xuất trong bối cảnh những thách thức về địa chính trị, chiến lược và kinh tế đang không ngừng thay đổi.
Bà Retno đặc biệt đề cập đến việc Australia công bố văn kiện chiến lược kinh tế của Đông Nam Á vào năm 2023, do Nicholas Moore, Đặc phái viên của Chính phủ Australia đối với Đông Nam Á và là doanh nhân nổi tiếng, biên soạn. Văn kiện nêu rõ Australia cần có hướng đi mới, tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư với Đông Nam Á, bởi Đông Nam Á là khu vực có tiềm năng rất lớn, có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao, có sự gần gũi về địa lý và tính bổ sung về kinh tế và giúp Australia đa dạng hóa kinh tế.
Bà Retno cho biết: “Để thực hiện chiến lược mới dựa trên văn kiện do Moore biên soạn, Australia đã thành lập Trung tâm ASEAN-Australia. Đây cũng là sự ủng hộ đối với Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Australia đã cung cấp 55 học bổng thạc sĩ và 55 học bổng nghiên cứu sinh cho các nước ASEAN và Timor-Leste, đồng thời thành lập Trung tâm khởi nghiệp Australia tại 4 thành phố của ASEAN”.
Sebastian Strangio, phóng viên chuyên theo dõi Đông Nam Á thuộc tạp chí Diplomat, bình luận rằng mặc dù Australia và một số nước ASEAN vẫn có mâu thuẫn về các vấn đề cụ thể như vấn đề Myanmar, vấn đề Palestine, vấn đề Nam Hải…, Canberra đã gửi thành công tín hiệu về các cam kết mạnh mẽ của mình với ASEAN thông qua Tuyên bố Melbourne và hội nghị cấp cao. Ví dụ như quỹ đầu tư trị giá 2 tỷ AUD nhằm thúc đẩy sự phát triển thương mại và đầu tư của Đông Nam Á.
Văn phòng Thủ tướng Australia cho biết Quỹ đầu tư Đông Nam Á sẽ cung cấp các khoản vay, bảo lãnh, mua cổ phần và bảo hiểm cho các dự án thúc đẩy thương mại và đầu tư của Australia ở Đông Nam Á, đặc biệt là hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực. Trước đó, tại Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN được tổ chức ở Washington năm 2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất với các nước ASEAN khoản viện trợ trị giá 150 triệu USD liên quan đến năng lượng sạch, giáo dục, an ninh hàng hải, y tế và phòng chống dịch bệnh.
Sebastian Strangio cho rằng các nước Đông Nam Á và Australia có những khác biệt rất lớn về ngôn ngữ, văn hóa, bối cảnh lịch sử và chế độ chính trị, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia đã đạt được thành công nhất định trong việc thu hẹp những khác biệt này.
Theo Thomas Daniel, chuyên gia phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Malaysia (ISIS), thách thức tiếp theo của Australia là duy trì cục diện hợp tác sâu rộng với Đông Nam Á về tài chính, ngoại giao và chính trị. Thách thức mà ASEAN phải đối mặt là có mong muốn chính trị đủ lớn để đáp ứng yêu cầu của các đối tác hợp tác như Australia.
Ngoài ASEAN, Australia cũng đang tăng cường liên hệ với các nước Đông Nam Á. Ngày 8/3, Việt Nam, vốn đang thúc đẩy chiến lược “ngoại giao cây tre”, đã nâng cấp quan hệ song phương với Australia lên tầm đối tác chiến lược toàn diện. Điều này có nghĩa là Australia ngang hàng với Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Mỹ trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam. Chu Sĩ Tân cho rằng: “Việc Australia và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cho thấy trước đây Canberra chưa thực sự quan tâm đến Việt Nam. Bởi Australia đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với toàn bộ ASEAN từ tháng 9/2021".
Theo thông tin của Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Anthony Albanese và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ ký kết 12 văn kiện hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp, ngân hàng và tài chính vào ngày 8/3. Tuyên bố chung của hai nước cho biết: “Đối thoại cấp Bộ trưởng thường niên về năng lượng và khoáng sản sẽ thúc đẩy hợp tác của chúng ta trong lĩnh vực năng lượng và tài nguyên, bao gồm chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng”.
Theo Chu Sĩ Tân, việc Australia và Việt Nam tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản quan trọng đáng để tiếp tục quan tâm. Giữa Australia và một số nước Đông Nam Á tồn tại quan hệ cạnh tranh ở mức độ nhất định trong vấn đề khai thác và xuất khẩu các khoáng sản quan trọng, hơn nữa thương mại với Trung Quốc là vấn đề mà các bên đều cần chú ý. Vì vậy, Trung Quốc sẽ hết sức chú ý và có thể thúc đẩy hợp tác 3 bên Trung Quốc-Australia-Việt Nam, đặc biệt là hợp tác Trung-Việt, để hình thành hệ thống chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng cùng có lợi và cùng thắng trong lĩnh vực khoáng sản quan trọng và có nhiều đóng góp hơn cho vấn đề ổn định thị trường khoáng sản quan trọng trên toàn cầu.
Khó có thể thổi phồng vấn đề Nam Hải
Theo Thời báo Hoàn cầu, trong ngày đầu tiên của Hội nghị cấp cao đặc biệt Ngoại trưởng Australia Penny Wong tuyên bố rằng Canberra sẽ cung cấp 64 triệu AUD cho quỹ hợp tác hàng hải. Ngoài ra, Australia còn cung cấp 222,5 triệu AUD để hỗ trợ các nước thuộc lưu vực sông Mekong tăng cường phát triển về mọi mặt. Penny Wong không nêu rõ khoản viện trợ này sẽ được rót cho những nước nào, nhưng hoan nghênh nỗ lực của Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Philippines trong việc phân định ranh giới trên biển. Tại Diễn đàn hợp tác hàng hải được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia vào ngày 4/3, bà Wong nói rằng “Sinh kế và thương mại của các nước trong khu vực phụ thuộc vào đại dương và sông ngòi, bao gồm cả các tuyến đường hàng hải tự do và cởi mở ở Nam Hải. Các vấn đề liên quan đến Nam Hải, eo biển Đài Loan, tiểu vùng sông Mekong, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tác động đến tất cả chúng ta”.
Việc Penny Wong nhắc đến các cụm từ như Nam Hải, ranh giới trên biển dường như có ẩn ý sâu xa. Tuy nhiên, bà không đích danh cáo buộc bất kỳ nước nào. Truyền thông Australia cho biết Anthony Albanese né tránh các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Ngày 4/3, Anthony Albanese nhấn mạnh với người đồng cấp Malaysia Anwar Ibrahim đang ở thăm Australia rằng trọng tâm của hội nghị cấp cao đặc biệt là thúc đẩy việc làm và an ninh kinh tế. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho rằng nội dung của hội nghị cấp cao đặc biệt có đề cập đến Trung Quốc là vì Trung Quốc là một phần của cục diện toàn cầu chứ không phải là bản thân hội nghị có liên quan đến Trung Quốc.
Tuy nhiên, Albanese vẫn đề cập đến vấn đề Nam Hải tại hội nghị cấp cao đặc biệt. Theo CCTV News, ngày 5/3, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đã có trao đổi nghiêm túc với Bộ Ngoại giao Philippines về việc tàu Philippines xâm nhập trái phép vào Nhân Ái Tiêu (bãi Cỏ Mây) và bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ. Albanese cũng đề cập đến vụ việc này trong bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo các nước Đông Nam Á, miêu tả vụ việc này là hành vi gây mất an ninh và phá hoại ổn định, lo ngại rủi ro do phán đoán sai lầm có thể khiến tình hình leo thang.
Chu Sĩ Tân phân tích rằng động thái đáng chú ý nhất tại hội nghị cấp cao đặc biệt lần này là việc Philippines tận dụng cơ hội để gây chuyện. Tuy nhiên, việc Australia và Philippines thổi phồng vấn đề Nam Hải không giành được thành công như mong đợi. Tuyên bố Melbourne được đưa ra sau hội nghị cấp cao đặc biệt lần này vẫn duy trì chính sách ngoại giao trung lập, cân bằng của ASEAN, nhấn mạnh hợp tác Australia ASEAN nên có lợi cho lợi ích chung của cả 2 bên và hợp tác khu vực.
Tổng thống Philippines Marcos Jr. nhiều lần sử dụng luận điệu “bảo vệ chủ quyền” để nâng cao trọng lượng và tiếng nói của mình, nhưng điều này chưa đạt được nhận thức chung của các nước Đông Nam Á. Trả lời phỏng vấn truyền thông địa phương, Penny Wong cũng thừa nhận rằng các nhà lãnh đạo ASEAN có quan điểm khác nhau về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Ví dụ, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nhấn mạnh tại hội nghị cấp cao đặc biệt rằng Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất của Malaysia và nước này không có vấn đề gì với Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi là một quốc gia độc lập, hoàn toàn độc lập, chúng tôi không muốn nghe mệnh lệnh từ bất kỳ nước lớn nào. Vì vậy, một mặt, chúng tôi vẫn là người bạn quan trọng của Mỹ, châu Âu và Australia. Mặt khác, họ cũng không nên ngăn cản chúng tôi duy trì quan hệ hữu nghị với một trong những nước láng giềng quan trọng nhất của mình là Trung Quốc. Nếu họ có vấn đề với Trung Quốc, thì không nên áp đặt lên chúng tôi. Chúng tôi không có vấn đề gì với Trung Quốc".
Trong các văn kiện có liên quan như Tuyên bố Melbourne, các nước ASEAN và Australia không đề cập đến phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài về Nam Hải, cũng không nêu đích danh Trung Quốc. Tuyên bố Melbourne chỉ đề cập đến việc kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Nam Hải thông qua các trình tự pháp lý và ngoại giao dựa theo luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 6/3, có phóng viên đã đặt câu hỏi về các nội dung liên quan trong tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết tình hình Nam Hải hiện nay nhìn chung ổn định. Lập trường của Trung Quốc về vấn đề Nam Hải là nhất quán và rất rõ ràng. Trung Quốc sẽ tiếp tục kiểm soát ổn thỏa những bất đồng với các nước liên quan thông qua đối thoại và tham vấn, thực hiện toàn diện và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) với các nước ASEAN, tích cực thúc đẩy đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), cùng bảo vệ hòa bình, ổn định ở Nam Hải.
Điều đáng chú ý là trong chuyến thăm Australia, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố Singapore hoan nghênh chuyến thăm của tàu ngầm hạt nhân Australia sau khi nước này sở hữu tàu ngầm động cơ năng lượng hạt nhân. Theo thỏa thuận an ninh (Quan hệ đối tác an ninh 3 bên giữa Mỹ, Anh và Australia - AUKUS), kể từ năm 2027, Mỹ và Anh sẽ có một số lượng nhỏ tàu ngầm hạt nhân được triển khai tại căn cứ hải quân HMAS Stirling ở thành phố Perth, phía Tây Australia. Australia sẽ mua 3 tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ vào đầu những năm 2030 và có thể mua thêm 2 chiếc nữa.
AUKUS từng gây ra bất mãn và lo lắng mạnh mẽ cho các nước ASEAN như Indonesia… vì có liên quan đến tàu ngầm hạt nhân. Đối với các nhà phân tích, tuyên bố mới nhất của Lý Hiển Long cho thấy vai trò của Singapore với tư cách là "điểm tiếp cận quân sự" của Mỹ và Australia. Singapore có lập trường cởi mở với AUKUS hơn so với các nước ASEAN khác. Đồng thời, Lý Hiển Long cũng cho biết các nước ASEAN và Trung Quốc có lập trường chung trong việc thúc đẩy tiến trình đàm phán COC. Một số nhà phân tích lo ngại động thái của Singapore cho phép tàu ngầm hạt nhân Australia ghé thăm có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Chu Sĩ Tân nhận định: “Mặc dù chiến lược đối ngoại của Singapore thận trọng và khách quan nhưng vẫn rất nghiêng về phía Mỹ. Mức độ hợp tác của Singapore với Mỹ, đặc biệt là hợp tác an ninh chiến lược, sâu rộng hơn, vượt xa mức độ hợp tác giữa Trung Quốc và Singapore trong lĩnh vực này. Về vấn đề này, Trung Quốc cũng duy trì sự hiểu biết và nỗ lực tăng cường hợp tác an ninh với Singapore, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về chiến lược giữa 2 bên”.
Bất đồng và thỏa hiệp giữa Australia và các nước ASEAN còn được thể hiện ở các nội dung khác. Trong Tuyên bố Melbourne, các nước liên quan kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức và lâu dài ở Dải Gaza của Palestine, đồng thời phóng thích các con tin do Hamas bắt giữ, lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự.
Nhiều quốc gia đang nỗ lực thúc đẩy lệnh ngừng bắn Palestine-Israel trong tháng nhịn ăn Ramadan của người Hồi giáo. Đây cũng là sự nhận thức chung của các nước ASEAN và Australia. Tuy nhiên, một mặt các nước ASEAN như Malaysia và Indonesia ủng hộ kiên định sự nghiệp của người Palestine, mặt khác cũng có các nước như Singapore tương đối thận trọng hơn khi quan ngại rằng việc đưa các cụm từ như "nạn đói ở Dải Gaza do Israel gây ra"… vào tuyên bố chung sẽ khiến Israel tức giận, nên đã từ chối sử dụng những cụm từ này.
Quân đội Myanmar vẫn không được mời tham dự hội nghị cấp cao đặc biệt do không thực hiện “Đồng thuận 5 điểm” của ASEAN về xung đột ở Myanmar. Trong Tuyên bố Melbourne, lãnh đạo các nước lên án mạnh mẽ các hành vi bạo lực liên tiếp ở Myanmar, kêu gọi hỗ trợ nhân đạo hiệu quả và đối thoại quốc gia toàn diện, tái khẳng định sự ủng hộ đối với "Đồng thuận 5 điểm" của ASEAN. Các nước như Indonesia, Malaysia luôn có thái độ cứng rắn hơn với quân đội Myanmar, trong khi các nước như Thái Lan, Campuchia lại ôn hòa hơn. Sự khác biệt này đã kéo dài từ năm 2021 đến Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia năm 2024./.