Hạ viện Mỹ vẫn trong cảnh "rắn mất đầu"

Thứ Sáu, 16/05/2025

4:40 am(VN)

-

7:40 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

 Hạ viện Mỹ vẫn trong cảnh "rắn mất đầu"

24/10/2023

Theo Tân Hoa xã, ngày 18/10, Hạ viện Mỹ đã tổ chức vòng bỏ phiếu thứ hai cho cuộc bầu cử chủ tịch. Jim Jordan, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, nghị sĩ bảo thủ cánh hữu được đảng Cộng hòa đề cử trước đó, vẫn không giành được đủ số phiếu để đắc cử, và Hạ viện tiếp tục rơi vào tình trạng hỗn loạn “rắn mất đầu”.


Giới phân tích cho rằng có nhiều yếu tố dẫn đến sự chia rẽ nghiêm trọng trong đảng Cộng hòa và việc Jordan phải đối mặt với những trở ngại lớn. Tiếp theo, dự kiến Hạ viện sẽ phải trải qua nhiều vòng bỏ phiếu mới có thể bầu ra Chủ tịch Hạ viện. Nhưng hiện tại, có vẻ như dù Jordan có giữ chức Chủ tịch Hạ viện hay không, thì Washington vẫn không tránh được việc bị rơi vào tình trạng hỗn loạn.


Bế tắc kéo dài


Ngày 18/10, Hạ viện Mỹ đã tổ chức vòng bỏ phiếu thứ hai cho cuộc bầu cử chủ tịch. Tổng cộng 221 nghị sĩ đảng Cộng hòa đã có mặt ngày hôm đó. Trong số này, 199 người ủng hộ Jordan và 22 người còn lại bỏ phiếu cho Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Steve Scalise và cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ bị bãi nhiệm Kevin McCarthy.


Giống như vòng bỏ phiếu đầu tiên, 212 nghị sĩ đảng Dân chủ có mặt đã nhất trí bỏ phiếu cho Lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries. Sau vòng bỏ phiếu thứ hai, vẫn không có ai giành được quá bán số phiếu cần thiết để được bầu làm Chủ tịch Hạ viện, và Hạ viện lại một lần nữa phải tạm ngừng các cuộc họp.


Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên được tổ chức một ngày trước đó, tổng cộng 220 nghị sĩ đảng Cộng hòa đã có mặt, trong đó có 200 người ủng hộ Jordan. Có thể thấy sau hai vòng bỏ phiếu, số phiếu bầu của Jordan không hề tăng mà còn giảm. Một số nhà bình luận cho rằng lần thất bại thứ hai này làm dấy lên hoài nghi rằng liệu vị nghị sĩ đảng Cộng hòa của bang Ohio này còn có cơ hội hay không.


Tuy nhiên, Jordan không hề tỏ ý định chùn bước. Ông cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực đối thoại với các đồng nghiệp. Điều đáng nói là những người có tiếng nói trong đảng Cộng hòa như McCarthy dường như đang tạm thời đoàn kết để ủng hộ Jordan.


Điêu Đại Minh, Phó Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết: “Kết quả bỏ phiếu phản ánh tình trạng rời rạc trong đảng Cộng hòa và khó khăn trong việc gắn kết nội bộ đảng”. Nhìn chung, số phiếu bầu của Jordan thay đổi không nhiều.


Tính đến thời điểm này, ghế Chủ tịch Hạ viện – vị trí quan trọng thứ 3 – đã bị bỏ trống hơn hai tuần. Ngày 3/10, Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết bãi nhiệm chủ tịch, và McCarthy trở thành Chủ tịch Hạ viện đương nhiệm đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị bỏ phiếu bãi nhiệm.


Ngày 11/10, các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã tổ chức cuộc bỏ phiếu nội bộ đầu tiên để đề cử ứng cử viên cho chức Chủ tịch Hạ viện. Kết quả là Jordan kém Scalise 14 phiếu. Tuy nhiên, sau 1 ngày vận động, Scalise không giành được đủ sự ủng hộ trong đảng và tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua tranh chức Chủ tịch Hạ viện. Có thông tin cho rằng Scalise rút lui phần lớn là do những người ủng hộ Jordan từ chối hỗ trợ, và điều này khiến một số nghị sĩ đảng Cộng hòa khó chịu.


Ngày 13/10, các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu nội bộ khác, đề cử Jordan làm ứng cử viên Chủ tịch Hạ viện của đảng.


Nhiều trở ngại


Jim Jordan, 59 tuổi, là thành viên sáng lập “Nhóm tự do” hết sức bảo thủ. Ủy ban Tư pháp do ông lãnh đạo đang tham gia cuộc điều tra luận tội của Hạ viện nhằm vào Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden.


Qua 2 vòng bầu cử, có thể thấy Jordan có người ủng hộ, nhưng cũng có không ít người phản đối.


Một mặt, trong cuộc bầu cử Chủ tịch Hạ viện được tổ chức vào tháng 1/2023, một số nghị sĩ phe bảo thủ cực đoan phản đối McCarthy đã đề cử Jordan cho chiếc ghế chủ tịch. Ngoài ra, với tư cách là đồng minh quan trọng, Jordan còn nhận được sự ủng hộ của cựu Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Tuy nhiên, một số nhà bình luận cho rằng Jordan vẫn chưa có đủ điều kiện thuận lợi để giành được chiếc ghế Chủ tịch Hạ viện. Điều này cho thấy tầm ảnh hưởng của Trump còn hạn chế.


Mặt khác, Jordan phải đối mặt với những trở ngại tương đối lớn. Thứ nhất, có sự chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ đảng Cộng hòa. Giống như đảng Dân chủ, nội bộ đảng Cộng hòa cũng có các phe phái khác nhau. Đảng Dân chủ chú trọng hơn đến các nội dung như bản sắc chính trị và những bất đồng nội bộ thường được cân bằng thông qua việc dung hòa các lợi ích. Trong khi đó, đảng Cộng hòa quan tâm nhiều hơn đến các ý tưởng và khó đạt được thỏa hiệp thông qua việc dung hòa các lợi ích.


Điêu Đại Minh nói: “Hệ sinh thái đặc biệt trong đảng Cộng hòa đã dẫn đến sự chia rẽ lớn hơn”. Trên thực tế, việc chọn ứng cử viên Chủ tịch Hạ viện chỉ là một trong những vấn đề tồn tại bất đồng của đảng Cộng hòa; còn có những bất đồng khác như chi tiêu của chính phủ liên bang. Việc McCarthy bị bãi nhiễm đầu tháng 10/2023 một phần do xung đột ngày càng gay gắt giữa ông với phe bảo thủ trong đảng Cộng hòa về dự luật ngân sách của chính phủ.


Thứ hai, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ mỗi bên chiếm một nửa Hạ viện. Sau cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ năm 2023, đảng Cộng hòa nắm giữ 221 ghế tại Hạ viện, chỉ nhiều hơn đảng Dân chủ 9 ghế. Chỉ cần một số nghị sĩ đảng Cộng hòa "trở mặt", ứng cử viên Chủ tịch Hạ viện của đảng sẽ không thể có đủ số phiếu để giành chiến thắng. Ví dụ, hồi tháng 1/2023, trải qua 15 vòng bỏ phiếu, McCarthy đã được bầu làm Chủ tịch Hạ viện sau khi đạt được mục tiêu trao đổi lợi ích sau cuộc tranh luận căng thẳng trong đảng. Khi đó, McCarthy cũng cam kết sẽ hạ thấp “ngưỡng” bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện. Điều này làm suy yếu tính ổn định của chiếc ghế Chủ tịch Hạ viện.


Gần đây, tại Quốc hội Mỹ, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tiếp tục tranh đấu về vấn đề chi tiêu của chính phủ liên bang cho năm tài chính mới, làm nổi rõ những bất đồng lớn giữa hai đảng về các vấn đề như cắt giảm chi tiêu liên bang, cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine và tăng cường kiểm soát biên giới, đồng thời khiến các cuộc đấu đá trong nội bộ đảng Cộng hòa tiếp tục leo thang.


Thứ ba, Điêu Đại Minh nhận thấy điểm yếu của Jordan – ngoài tầm ảnh hưởng kém – là Jordan gần như chưa bao giờ một tay lên kế hoạch và thúc đẩy dự luật nào kể từ khi trở thành Hạ nghị sĩ vào năm 2007. Liệu ông có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong vai trò Chủ tịch Hạ viện hay không?


Ngoài ra, Jordan được coi là nhân vật gây chia rẽ, và điều này đã trở thành trở ngại lớn khác cho nỗ lực giành phiếu bầu của ông. Nhiều người cho rằng Jordan quá cực đoan cho vị trí “nhân vật quan trọng thứ 3” của  nước Mỹ, và những thủ đoạn cứng rắn được các đồng minh của ông áp dụng để giành phiếu bầu cũng gây ra sự bất mãn. Vào thời điểm phe ôn hòa và phe bảo thủ trong đảng Cộng hòa ngày càng bị chia rẽ, một số người thuộc phe ôn hòa cho biết họ sẽ không ủng hộ Jordan.


Rơi vào tình trạng hỗn loạn


Một số nhà bình luận cho rằng việc bầu Chủ tịch Hạ viện trước đây chủ yếu mang tính hình thức nhưng hiện đã biến thành cuộc đại chiến, thậm chí là cuộc đấu đá nội bộ gay gắt với kết quả khó lường.


Nói về xu hướng bầu cử, Điêu Đại Minh nhận thấy Jordan phải đối mặt với trở ngại lớn trong nội bộ đảng Cộng hòa và khó có thể đột phá trong thời gian ngắn. Ông nói: “Đối mặt với hàng chục người phản đối trong đảng, Jordan khó mà làm tốt công tác vận động trong thời gian ngắn”. Điêu Đại Minh cũng cho rằng tình hình hiện tại chưa đến mức khiến Jordan có ý định lùi bước và dự báo ông vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực. Vì McCarthy từng trải qua 15 vòng bỏ phiếu mới được bầu làm Chủ tịch Hạ viện, nên khả năng sẽ có nhiều vòng bỏ phiếu tiếp theo. Theo Điêu Đại Minh, ý chí của Jordan cũng là một trong những yếu tố then chốt. Và việc Jordan có lùi bước hay không có thể còn phụ thuộc vào xu hướng phiếu bầu của phe đối lập. Điêu Đại Minh nói: “Nếu Jordan rút lui, thì một ứng cử viên mới có thể xuất hiện. Tuy nhiên, liệu người đó có thể giành được và đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hạ viện hay không vẫn là điều còn phải chờ xem”. Có tin đồn Chủ tịch Hạ viện tạm thời Patrick McHenry có thể sẽ thử sức, nhưng nhiều khả năng ông còn bị phản đối nhiều hơn cả Jordan. 


Cũng có quan điểm cho rằng nếu Jordan nhất quyết giữ vững quan điểm của mình và không chịu nhượng bộ, thì điều này có thể làm trầm trọng thêm sự bất mãn của một số nghị sĩ đảng Cộng hòa. Theo quan điểm của Điêu Đại Minh, đảng Cộng hòa hiện tương đối thận trọng. Khác với tốc độ chóng mặt của 15 vòng bỏ phiếu trong vòng 5 ngày khi McCarthy được bầu làm Chủ tịch Hạ viện hồi đầu năm, đảng Cộng hòa dường như đang từng bước thăm dò tình hình.


Điêu Đại Minh cũng cho rằng đảng Cộng hòa có lý do để đẩy nhanh việc bầu Chủ tịch Hạ viện, vì việc ghế Chủ tịch Hạ viện bị bỏ trống liên quan đến các vấn đề đối nội và đối ngoại của Mỹ. Việc khó bầu ra Chủ tịch Hạ viện có thể khiến đảng Cộng hòa phải trả giá về mặt chính trị.


Về các vấn đề đối nội, Hạ viện sẽ không thể thúc đẩy chương trình nghị sự lập pháp cho đến khi chính thức bầu được chủ tịch mới, và các nghị sĩ cần phải thông qua dự luật phân bổ ngân sách của chính phủ liên bang trước trung tuần tháng 11 để tránh việc chính phủ một lần nữa bị đóng cửa.


Về mặt ngoại giao, Chính quyền Biden đang đẩy mạnh kế hoạch viện trợ quân sự cho Ukraine và Israel, nhưng kế hoạch này cần được Quốc hội thông qua. Điều này sẽ khó được xúc tiến trong bối cảnh không có Chủ tịch Hạ viện. Khi đó, trách nhiệm có thể được đẩy sang đảng Cộng hòa. Ví dụ, những người theo đạo Tin lành ở Mỹ có thể tức giận với đảng Cộng hòa. Điêu Đại Minh nói: “Nếu việc lựa chọn ứng cử viên Chủ tịch Hạ viện bị trì hoãn, thì đảng Cộng hòa sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng”. Cùng với việc đảng Cộng hòa bộc lộ tình trạng mất thăng bằng, đánh giá của công chúng đối với đảng có thể trở nên tiêu cực, dẫn đến tỷ lệ ủng hộ đảng bị suy giảm.


Cùng với việc cuộc chiến giành ghế Chủ tịch vẫn tiếp tục, sự bất mãn, căng thẳng, thất vọng và mệt mỏi của các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện cũng gia tăng và họ càng nỗ lực tìm lối thoát. Điêu Đại Minh cho rằng trong ngắn hạn, tình hình có thể diễn biến theo hai hướng. Thứ nhất, sẽ xuất hiện những lời kêu gọi trao thêm quyền lực cho Chủ tịch tạm thời của Hạ viện, và điều này có thể giúp thúc đẩy một số tiến trình trình lập pháp khẩn cấp và tránh tình trạng Hạ viện tiếp tục bị tê liệt. Tuy nhiên, liệu đảng Cộng hòa có đạt được sự đồng thuận về vấn đề này hay không vẫn còn là một ẩn số. Thứ hai là làm suy yếu quyền lực của Chủ tịch Hạ viện và quay trở lại mô hình Hạ viện do các ủy ban quản lý, song điều này chắc chắn sẽ dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc hơn trong Quốc hội Mỹ.


Trong trung hạn và dài hạn, Điêu Đại Minh cho rằng bất kể Jordan có giữ chức Chủ tịch Hạ viện hay không, thì Washington cũng không tránh được việc rơi vào tình trạng hỗn loạn. Ông nói: “Nếu không có Chủ tịch Hạ viện, thì chính phủ liên bang có khả năng bị đóng cửa. Nhưng nếu Jordan, một người bảo thủ, trở thành Chủ tịch Hạ viện, thì chính phủ liên bang càng có khả năng bị đóng cửa”.


Điêu Đại Minh cũng chỉ ra rằng nếu Jordan được bầu làm Chủ tịch Hạ viện, thì điều đó rất có thể sẽ tác động lớn đến chính sách ngoại giao của Mỹ. Ông nói: “Mặc dù hai người nhìn chung có cùng định hướng, nhưng so với Biden, sự ủng hộ của Jordan dành cho Israel lại cực đoan hơn”. Điêu Đại Minh dự đoán nếu Jordan được bầu làm Chủ tịch Hạ viện, thì Hạ viện sẽ phân bổ nguồn lực hạn chế để viện trợ cho Israel, chứ không phải Ukraine. “Điều này sẽ thu hẹp không gian của Biden trong việc điều chỉnh chính sách khi tình hình thay đổi”./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage