Giải mã sự hiểu biết hạn hẹp của Australia về Trung Quốc

Thứ Ba, 20/05/2025

11:39 pm(VN)

-

2:39 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Giải mã sự hiểu biết hạn hẹp của Australia về Trung Quốc

03/05/2023

Trang mạng “eastasiaforum.org” ngày 1/5 đăng bài viết của tác giả Elena Collinson – nhà quản lý, phân tích nghiên cứu tại Viện Quan hệ Australia-Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS) – cho rằng việc Australia không hiểu rõ Trung Quốc là do lỗi của chính nước này. Nội dung bài viết như sau:

 

Báo cáo năm 2023 của Học viện Nhân văn Australia về năng lực kiến thức của các trường đại học Australia liên quan đến Trung Quốc đã cho thấy rõ mối quan hệ căng thẳng Australia-Trung Quốc đang lan rộng đến mức nào trong đời sống quốc gia.

 

Ít nhất là từ năm 2017, luận điệu của các nhà lãnh đạo chính trị Australia và các nhà bình luận truyền thông nổi tiếng đã nêu rõ rằng Australia phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu đối với an ninh và thịnh vượng của mình từ một Trung Quốc đang trỗi dậy và quyết đoán hơn. Các cuộc thăm dò dư luận hiện nay liên tục cho thấy quan điểm ngày càng tiêu cực về Trung Quốc. Tác động rõ ràng nhất của sự đổ vỡ mối quan hệ này là việc Bắc Kinh “đóng băng” các liên hệ chính trị cấp cao và áp đặt thuế quan đối với các mặt hàng xuất khẩu chính của Australia, cho dù các biện pháp được coi là mang tính trừng phạt đó cuối cùng đã phản tác dụng. Trung Quốc đang nới lỏng các hạn chế (đối với Australia), trong khi chính phủ của Thủ tướng Australia Anthony Albanese cũng không còn gay gắt chỉ trích Trung Quốc như chính phủ tiền nhiệm. Tuy nhiên, có rất ít hy vọng thực tế rằng mối quan hệ song phương có thể tiến xa hơn trong thời gian gần và trung hạn.

 

Hiện giờ, người ta đã hiểu rõ cuộc tranh luận của Australia về Trung Quốc đang ảnh hưởng như thế nào đến các lựa chọn được đưa ra bởi — và được cung cấp cho — những người Australia trẻ tuổi về việc nghiên cứu Trung Quốc tại các trường đại học ở Australia. Tóm lại, báo cáo cho thấy một sự thay đổi rõ ràng từ việc nghiên cứu ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa và bản sắc sang tập trung nhiều vào quan hệ quốc tế và an ninh.

 

Sự suy giảm dần những hiểu biết về châu Á, cùng với làn sóng ngày càng gia tăng của câu chuyện về mối đe dọa từ Trung Quốc, là mối quan tâm sâu sắc đối với Australia - quốc gia vẫn luôn muốn xác định mình thuộc về châu Á. Như cựu Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Australia Peter Varghese và chuyên gia nghiên cứu ngôn ngữ Joseph Lo Bianco đã lập luận, “có những bằng chứng cho chúng ta thấy sự hiểu biết về châu Á đang trượt dốc vào thời điểm tồi tệ nhất, đó là khi khu vực đang thay đổi, các mối quan hệ chiến lược đang tái liên kết và các mô hình kinh tế đang thay đổi”.

 

Việc bỏ ngang hoạt động giảng dạy các ngôn ngữ châu Á không phải là một hiện tượng mới. Và Australia dường như thường xuyên phát hiện ra nước này thiếu hụt tri thức về châu Á. Vào những năm 1960, việc Vương quốc Anh rời khỏi Đông Nam Á và việc xác định lại vai trò của Mỹ trong khu vực đã buộc cả hai phe chính trị phải chấp nhận vị trí của Australia ở châu Á hơn bao giờ hết. Cựu Bộ trưởng Giáo dục Malcolm Fraser đã kêu gọi nghiên cứu châu Á nhiều hơn trong các trường học ở Australia.           

 

Cũng trong khoảng thời gian đó, cựu Bộ trưởng Nội vụ Peter Nixon đã liên tục nhấn mạnh rằng “giờ là lúc chúng ta đặt cuộc chiến hoa hồng và các sự kiện cổ đại tương tự ở châu Âu vào những ngày đã qua”. Theo Nixon, người Ausgtralia cần phải “vứt bỏ” tiếng Latin, tiếng Hy Lạp và tiếng Pháp để bắt đầu học tiếng Nhật, tiếng Trung và tiếng Mã Lai.          

 

Vào những năm 1980, báo cáo của Ingleson về châu Á trong Giáo dục Đại học Australia (1989) đã tạo động lực để người Australia tiếp thu những từ điển xa lạ với cách xử lý đầy đủ nhất. Báo cáo đưa ra những tuyên bố ấn tượng nhất về những thay đổi đã diễn ra ở Australia kể từ những năm 1970, nói rằng Australia được liên kết với châu Á thông qua địa chính trị, thương mại, đầu tư và nhập cư “theo cách khác với bất kỳ quốc gia nào khác”. Vì điều này, nếu người Australia muốn “quản lý tương lai của họ như một phần của khu vực châu Á”, Australia sẽ cần phải có kiến thức rộng rãi về các ngôn ngữ và văn hóa châu Á.Tuy nhiên, khẳng định lớn nhất trong báo cáo Ingleson - mà dẫn đến các đề xuất thay đổi căn bản trong cấu trúc khóa học khoa học xã hội và nhân văn của các trường đại học - là việc giảng dạy về châu Á nên được coi một phần của chương trình giảng dạy “Australia hóa”.

 

Chính phủ của cựu Thủ tướng Bob Hawke đã chú ý đến các khuyến nghị và bắt buộc dạy một ngôn ngữ châu Á ở các trường tiểu học và trung học. Chính phủ của các cựu Thủ tướng Kevin Rudd và Julia Gillard đã thêm chương mới nhất vào câu chuyện này. Chính phủ Rudd đã giới thiệu một chương trình tài trợ cho các nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ châu Á ở trường trung học và tăng gấp đôi số học sinh ra trường thông thạo tiếng Trung, Indonesia, Nhật hoặc Hàn vào năm 2020. Chính phủ Gillard đã vạch ra một mục tiêu chính sách mà mọi học sinh ở Australia đều được cung cấp cơ hội học một ngôn ngữ châu Á - đặc biệt là tiếng Hoa, tiếng Nhật, tiếng Indonesia hoặc tiếng Hindi - và nghiên cứu văn hóa châu Á.Chính phủ Albanese cũng đã nhấn mạnh tính cấp bách của việc Australia thiếu chuyên gia về châu Á.           

 

Xét cho cùng, Ngoại trưởng Penny Wong rất nghiêm túc trong việc thể hiện “bản sắc đầy đủ” của Australia đối với Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Bà Wong cũng đã siêng năng ghi lại các thông điệp bằng tiếng Indonesia để nhấn mạnh sự gần gũi hơn trong cách tiếp cận của chính phủ mới đối với các nước láng giềng trong khu vực. Ví dụ đó giờ đây cần được chuyển sang một chương trình quốc gia bền vững về xóa mù chữ châu Á và thậm chí có thể là “tái tạo năng lượng” cho Viện Australia-châu Á, từng được đặt tại Đại học New South Wales. Người sáng lập Viện - cựu đại sứ Australia tại Trung Quốc Stephen FitzGerald – cho biết Viện đã tìm cách tổ chức “các cuộc đối thoại cấp cao với châu Á để ươm mầm ý tưởng và xây dựng mối quan hệ”, đồng thời là “phương tiện để các nhà lãnh đạo Australia và châu Á đưa ra quan điểm của họ và tranh luận về tương lai châu Á của chúng ta”. Các trường đại học cũng cần củng cố lại mối liên hệ giữa giảng dạy ngôn ngữ, dịch thuật và xã hội.           

 

Australia không thể tiếp tục định hình chính sách tương lai đối với Trung Quốc chỉ dựa vào lời khuyên của các cơ quan an ninh quốc gia. Sẽ thật điên rồ nếu cho rằng các quốc gia không bao giờ thay đổi - Trung Quốc cũng sẽ thay đổi, có lẽ theo những cách không thể đoán trước. Câu hỏi đặt ra là liệu Australia có giữ hình ảnh của Trung Quốc cho đến hiện tại hay bắt đầu học cách thích nghi và linh hoạt hơn trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn eastasiaforum.org

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage