Dư luận về kết quả chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam

Thứ Sáu, 16/05/2025

8:44 pm(VN)

-

11:44 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Dư luận về kết quả chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam

16/12/2023

Dư luận trong nước, khu vực và quốc tế đặc biệt quan tâm nội dung Tuyên bố chung mà Việt Nam và Trung Quốc vừa công bố nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội, trong đó chú ý đến không chỉ ngôn từ được hai bên sử dụng để truyền tải thông điệp về mối quan hệ song phương, mà cả những lĩnh vực hợp tác được lãnh đạo hai nước đặc biệt nhấn mạnh trong tuyên bố chung.


Tuyên bố chung được truyền thông Việt Nam đăng tải nêu rõ “hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại”. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương thuộc Đại học Canberra (Australia), trong tuyên bố của phía Việt Nam, “Cộng đồng chia sẻ tương lai” có bổ ngữ dài phía sau “có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hoà bình và tiến bộ của nhân loại”. Bổ ngữ này là một chỉ dấu quan trọng để thấy những điều Việt Nam muốn có từ mối quan hệ: Việt Nam chính là bên chủ động làm cho bản chất quan hệ  thay đổi so với quan hệ “cộng đồng” của Trung Quốc với các nước khác, và quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc cũng khác quan hệ với các cường quốc khác.


HK01.com (Hong Kong) gọi việc hai nước bổ sung thêm khái niệm “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” vào “mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung” cho thấy quan hệ song phương đã đạt được bước tiến đột phá. Về việc liệu quan hệ Trung-Việt có thực sự được nâng cấp hay không, trao đổi với trang Liên hợp buổi sáng (Hong Kong), Giáo sư Quỳnh Hoàng Thu thuộc Đại học Chính trị Đài Loan cho rằng: “Ở cấp độ này, việc tăng cường quan hệ giữa hai nước có ý nghĩa thực chất, nhưng chỉ giới hạn ở việc ổn định mối quan hệ và không có ý nghĩa hình thành liên minh. Việt Nam không muốn đạt được liên minh này vì sẽ ảnh hưởng đến vị thế của mình trong ASEAN và việc phát triển quan hệ với các nước lớn phương Tây khác”.


AP dẫn lời chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) có chung nhận định: “Đây là một hành động phòng ngừa tế nhị, đặc biệt sau khi nâng cấp quan hệ với Mỹ và Nhật Bản gần đây”. Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng thuộc Quỹ Giáo dụ Thế hệ Đài Loan (trụ sở tại Đài Bắc) cũng đồng tình: “Cần lưu ý rằng, việc xây dựng cộng đồng này được hai nước tuyên bố sẽ ‘phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế’. Việc thêm một đoạn chi tiết như vậy rõ ràng có chủ đích và khá khéo léo, cho thấy rằng Việt Nam sẽ tôn trọng và bám sát vào các nguyên tắc nêu trên trong quá trình xây dựng cộng đồng với Trung Quốc. Nói cách khác, Việt Nam vẫn nỗ lực tối đa để duy trì quan hệ ổn định với nước láng giềng lớn hơn, song song với đảm bảo không gian sinh tồn với các nguyên tắc và giá trị đan xen”.


Theo Reuters, vấn đề Biển Đông được đề cập trong Tuyên bố chung, khi các nhà lãnh đạo hai nước cho biết “hai bên đã đi sâu, trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về các vấn đề trên biển, nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực”. VOA bình luận, việc thể hiện sự đoàn kết với Trung Quốc, dù có những bất đồng trên biển, là ví dụ mới nhất về cách Hà Nội cân bằng một cách thận trọng mối quan hệ với các nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó nổi bật là Bắc Kinh và Washington. Việt Nam được xem là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong sự căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khi các doanh nghiệp chuyển hàng tỷ USD đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam để đảm bảo chuỗi cung ứng.


Thời báo Hoàn cầu bản tiếng Anh dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, khi Trung Quốc và Việt Nam hợp tác chặt chẽ với nhau để xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai, điều đó sẽ tự động giúp hai bên thoát khỏi chiếc bẫy đối đầu, đồng thời sẽ chia sẻ những lợi thế và cơ hội độc đáo, đặc biệt để thúc đẩy sự phát triển chung. CCTV (Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc) dẫn lời ông Tập Cận Bình nói: “Đây là chuyến công du nước ngoài cuối cùng trong năm nay của tôi…”. Điều đó thể hiện đầy đủ vị thế đặc biệt của quan hệ Trung-Việt trong bố cục ngoại giao của Trung Quốc.

 

Trong chuyến đi của ông Tập Cận Bình, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 36 thoả thuận, trong đó đáng chú ý là kế hoạch phát triển các tuyến đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc, hay trong lĩnh vực viễn thông. Lĩnh vực an ninh - quốc phòng có  tới 4 văn bản, tập trung vào phòng chống tội phạm, hợp tác trên biển và lĩnh vực tư pháp./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage