Dư luận phản đối việc bắt buộc lắp camera hành trình cho xe gắn máy

Thứ Bảy, 17/05/2025

1:54 am(VN)

-

4:54 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Dư luận phản đối việc bắt buộc lắp camera hành trình cho xe gắn máy

01/12/2023

Quốc hội Việt Nam ngày 24/11 đã thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó có đề xuất xe máy bắt buộc phải lắp camera hành trình và lắp thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh người lái xe.

 

Theo quy định hiện hành (Nghị định 47/2022), xe ô tô kinh doanh vận tải bắt buộc phải lắp camera hành trình mới được cấp phù hiệu, biển hiệu lưu thông. Tất cả dữ liệu được truyền về cơ quan chức năng thuộc Bộ Giao thông Vận tải để phục vụ công tác quản lý nhà nước.


Dư luận cho rằng, việc quy định lắp thiết bị giám sát hành trình đối với xe máy có thể giúp cho việc quản lý về mặt nhà nước, nhưng không phù hợp với thực tế, bởi Việt Nam có hơn 73 triệu xe máy đang lưu hành. Ngoài ra, quy định này còn vi phạm luật về nhân quyền.


Luật sư Nguyễn Văn Miếng, hiện đang ở Mỹ, cho rằng số tiền đầu tư để lắp camera sẽ rất lớn, liệu có mục đích là bán camera? Chắc chắn có ai đó đứng đằng sau đầu cơ số camera này. Chỉ nên khuyến khích người sử dụng xe ô tô gắn camera vì quyền lợi của họ, không nên ép buộc. Nếu họ thấy quyền lợi của họ được bảo đảm, họ sẽ tự lắp. Ép buộc sẽ sinh ra nhiều thứ, kể cả tiêu cực. Xét về mặt nhân quyền, việc ép buộc người dân gắn camera vào xe gắn máy là vi phạm quyền tự do đi lại của người dân.


Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền khẳng định, không có nước nào trên thế giới quy định xe máy phải lắp camera hành trình, nếu yêu cầu xe gắn máy phải lắp thiết bị giám sát hành trình thì phải có đề án nghiên cứu, đánh giá tác động một cách đầy đủ. Ông Nguyễn Văn Quang ở TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng việc “bắt buộc” lắp camera hành trình cho xe gắn máy là vi phạm pháp luật về quyền riêng tư. Tài sản của chủ phương tiện do họ toàn quyền định đoạt, không ai có quyền ép buộc họ phải lắp thêm thiết bị ngoài tiêu chuẩn thiết kế ban đầu.


Sau khi dư luận phản đối đề xuất bắt buộc xe gắn máy phải gắn camera hành trình, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an giải thích trên truyền thông rằng, người dân đang hiểu sai cụm từ “xe máy chuyên dụng”. “Xe máy chuyên dụng” được nhắc đến trong dự thảo là xe máy thi công; xe máy thực hiện chức năng, công dụng đặc biệt.


Tuy nhiên, Điểm c Khoản 1 Điều 33 của dự thảo luật yêu cầu cả xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe; dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.


Theo Khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, xe cơ giới bao gồm cả xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy, kể cả xe máy điện và các loại xe tương tự.


Một người dân ở Hà Nội khẳng định việc Bộ Công an đề xuất xe máy bắt buộc phải lắp camera hành trình và thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh người lái xe là có “nhóm lợi ích” đằng sau, vì ai sẽ nhập khẩu camera và ai sẽ cấp phép cho camera “đạt chất lượng?”.


Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 26/7/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý cần đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, lợi ích nhân dân lên trên hết; phải chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm trong việc xây dựng các quy định pháp luật. Đồng thời yêu cầu đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các bộ, cơ quan trong việc trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác thể chế ở các cơ quan soạn thảo, góp ý, thẩm định, thẩm tra.
 

Việc “không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ cài cắm vào quá trình xây dựng luật” cũng từng được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc đến khi phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn rfa, vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage