Theo đài Sputnik, thống kê của Google tại Ấn Độ mới đây cho biết, Việt Nam là điểm đến du lịch được tìm kiếm nhiều nhất trên nền tảng này trong năm 2023, vượt qua cả Bali (Indonesia), Sri Lanka, Thái Lan và một số quốc gia khác. Tại sao Việt Nam lại hấp dẫn du khách Ấn Độ đến vậy?
Việt Nam là lựa chọn hàng đầu của du khách Ấn Độ
Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn với dân số hơn 1,4 tỷ người. Mỗi năm có khoảng 25 triệu người ra nước ngoài và dự kiến tăng lên 50 triệu trong thời gian tới. Ấn Độ cũng là thị trường khách ưa chuộng hình thức du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, trao thưởng cho nhân viên cuối năm). Ngoài nguyên nhân tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ phát triển mạnh, thu nhập tăng lên và ngày càng nhiều người Ấn Độ sẵn sàng chi mạnh tay cho du lịch.
Thống kê trên công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy, lượng tìm kiếm về nhu cầu du lịch Việt Nam từ thị trường Ấn Độ tăng gấp 30 lần so với cùng kỳ năm 2022. Bà Hoàng Phương, Giám đốc Marketing & Sale Joymark Travel JSC chia sẻ: “Theo tôi, ưu điểm lớn nhất của du lịch đến Việt Nam so với trong khu vực là giá thành dịch vụ rẻ hơn từ 10 - 15% nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.
Hãng hàng không Vietjet Air mở hàng loạt đường bay thẳng với Ấn Độ cũng kích cầu du lịch”. Cũng theo đại diện công ty trên, Việt Nam còn có những công trình, văn hóa Chăm Pa, Sa Huỳnh có sự ảnh hưởng và giao lưu với nền văn hóa Ấn Độ cổ xưa, do đó dễ có sự giao thoa để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng cho dòng khách này. Bà Hoàng Phương phân tích: “Tuy nhiên, các đoàn khách Ấn Độ hầu hết mua vé từ các phòng vé tại Ấn Độ với lý do giá vé rẻ hơn hẳn so với các phòng vé tại Việt Nam.
Khách Ấn Độ sang Việt Nam có thể chia làm hai phân khúc: bình dân và cao cấp. Với phân khúc bình dân, họ thường chọn tour giá rẻ hoặc ghép để tối ưu chi phí. Với phân khúc cao cấp, họ chọn all inclusive, dịch vụ 5 sao, thậm chí còn mang theo cả đầu bếp riêng vì lý do tôn giáo”.
Dữ liệu của Agoda cho thấy, từ tháng 1/2019 đến giữa tháng 5/2023, riêng lượt tìm kiếm khách sạn và chuyến bay đến Việt Nam của khách Ấn Độ tăng 390%. Hiện nay, Việt Nam nằm trong top 5 điểm đến của du khách Ấn Độ. Anh Quốc Hiếu, một hướng dẫn viên du lịch lâu năm chia sẻ: “Theo tôi, giá cả dịch vụ rẻ là yếu tố quan trọng nhất. Những lợi ích từ chính phủ như miễn visa hay hoàn thuế cũng rất thu hút. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các công ty lữ hành tại Việt Nam luôn cạnh tranh để đưa ra mức giá rẻ nhất để thu hút nhiều khách nhất có thể. Điều này đúng với nhu cầu của du khách Ấn Độ”.
Một lý do nữa khiến Việt Nam trở thành “hot spot” vì đây là một điểm đến không quá xa Ấn Độ và vẫn nằm trong khu vực ASEAN. Khách từ hầu hết các vùng của nước này chỉ mất khoảng 4 - 5 giờ cho chuyến bay đến đây.
Số lượng chưa đi đôi với chất lượng
Mặc dù ghi nhận tăng trưởng bùng nổ ở nhóm khách Ấn Độ, nhưng vẫn còn những “hạt sạn” đối với nhóm khách này. Bà Hoàng Phương phân tích: “Một đặc điểm của nhóm khách Ấn Độ thường chỉ ăn ở các nhà hàng Ấn Độ, ít hoặc không ăn các nhà hàng Việt Nam. Riêng với du khách Ấn Độ sử dụng dịch vụ tàu Hạ Long 5 sao, chúng tôi có bổ sung menu phù hợp với nhu cầu của khách”.
Anh Quốc Hiếu chia sẻ, tới 85-90% du khách Ấn Độ thường không đúng giờ. Điều này ảnh hưởng nhiều tới việc tối ưu hóa thời gian trong chương trình. Anh Quốc Hiếu nói: “Bên cạnh đó, vốn tiếng Anh của khách thường không đủ tốt để giao tiếp, đa phần chỉ dừng ở mức giao tiếp đơn giản. Thường xuyên thay đổi địa điểm, lịch trình, chương trình theo sở thích. Nếu phát sinh đặc biệt liên quan đến tài chính như tiền tip hoặc tiền overtime thì khách Ấn sẽ tìm cách ‘né’ mặc dù đã ghi rõ trong chương trình của đoàn”.
Cũng theo anh Quốc Hiếu, khách Ấn Độ không thích nghe về lịch sử, văn hóa Việt Nam mà đa phần chỉ thích chụp ảnh check in tại những địa điểm nổi tiếng như phố đường tàu, Hang Múa, Hạ Long, Bà Nà Hills…Anh chỉ ra: “Thường xuyên sử dụng các nhà hàng Ấn Độ thay vì chọn nhà hàng Việt Nam. Điều này có thể lý giải lý do về văn hóa và tôn giáo. Tuy nhiên, đa phần nhà hàng Ấn Độ có chủ là Ấn Độ nên nguồn thu sẽ không chảy về ngân sách Việt Nam mà về ngân sách nước bạn”.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá, sau Trung Quốc, Ấn Độ đang là thị trường mục tiêu của nhiều ngành du lịch trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là một trong hai quốc gia tỷ dân, với một số thành phố như Mumbai, Delhi, Kolkata... người dân đều có mức thu nhập cao. Anh Quốc Hiếu nhấn mạnh: “Điều quan trọng là chúng ta, với tư cách là người cung cấp dịch vụ, ngoài đáp ứng nhu cầu của khách thì chúng ta cũng cần cân bằng, hài hòa lợi ích của các đối tượng khác liên quan tới chủ thể này. Khi các bên đều hài lòng và có lợi thì tất cả đều phát triển”.
Để tận dụng tốt lợi thế của nhóm du khách nói trên, ngành du lịch Việt Nam cần nghiên cứu thị trường rất kỹ về các phân khúc; hiểu biết về văn hóa và phong tục của Ấn Độ để thiết kế những sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách./.