Theo Reuters, các nhà phân tích của Trung Quốc và châu Á cho rằng việc Trung Quốc và Mỹ nối lại đối thoại quân sự có thể giúp giảm bớt căng thẳng phần nào, nhưng những khác biệt cơ bản về vấn đề Đài Loan và Biển Đông vẫn là những nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến xung đột.
Về Đài Loan, nơi quân đội Trung Quốc ngày càng gây áp lực thông qua các cuộc tập trận quân sự ngay trước cuộc bầu cử quan trọng vào tháng 1/2024 ở hòn đảo này, một số nhà phân tích cho rằng mặc dù Trung Quốc có thể sẽ tránh những hoạt động mang tính khiêu khích gay gắt trước cuộc bầu cử tổng thống và Viện lập pháp Đài Loan, nhưng có thể sẽ vẫn tiếp tục các cuộc tập trận quân sự kiểu “vùng xám” quanh hòn đảo này nhằm thể hiện ưu thế quốc phòng của Bắc Kinh cũng như để phục vụ việc huấn luyện chiến đấu.
Trung Quốc và Philippines cũng tăng cường tuyên bố bảo vệ các yêu sách lãnh thổ của họ ở Biển Đông sau một số cuộc đối đầu trên biển, bất chấp cả hai đều kêu gọi đối thoại để giải quyết căng thẳng trên tuyến đường thủy chiến lược đó. Giáo sư Ngô Tâm Bá (Wu Xinbo), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, nhận định: “Mỹ đã thúc đẩy Philippines thực hiện nhiều cử chỉ khiêu khích hơn, dẫn đến căng thẳng gia tăng. Liệu Mỹ sẽ không kiềm chế Philippines? Tình hình ở Biển Đông chắc chắn đã đạt đến đỉnh điểm và rất nguy hiểm”.
Collin Koh - chuyên gia về an ninh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore - bình luận: “Rõ ràng là tình hình sẽ khá căng thẳng từ nay đến khi Đài Loan tổ chức bầu cử. Mỹ chắc chắn sẽ phải giữ đúng cam kết của mình với Đài Loan, nên chúng ta có thể sẽ chứng kiến Trung Quốc và Mỹ có thêm những bất đồng về các hoạt động quân sự tương ứng của họ. Cũng có rất nhiều khả năng là họ lo ngại về việc làm sao có thể kiểm soát được sự leo thang, vì vậy có thể họ sẽ không đình chỉ các cuộc đối thoại quân sự đó".
*Theo Viện Nghiên cứu Liên quân Hoàng gia Anh RUSI, một loạt sự cố gần đây ở Biển Đông liên quan đến Mỹ, Trung Quốc và Philippines cho thấy nguy cơ leo thang, mặc dù một cuộc xung đột quy mô lớn hơn khó có thể xảy ra trong thời gian ngắn.
Cho đến nay, các hành động của Trung Quốc đang nghiêng về hướng sử dụng vũ lực trực tiếp, sử dụng các tàu cảnh sát biển và tàu đánh cá “dân quân” trong khi vẫn giữ các tàu quân sự của mình ở vòng ngoài. Bất chấp tất cả những lời hoa mỹ, tình trạng tranh chấp hiện tại sẽ vẫn diễn ra, với việc các nước ở Biển Đông khó có thể từ bỏ các yêu sách lãnh thổ của mình hoặc cùng nhau đối đầu với Trung Quốc nói chung vì sợ bị trả thù riêng lẻ. Trung Quốc cũng khó có khả năng ngừng quấy rối các quốc gia này, mặc dù Bắc Kinh sẽ duy trì tình hình dưới ngưỡng xung đột vũ trang để tiếp tục thống trị trên toàn khu vực.
Mặc dù những sự cố ở Biển Đông sẽ khiến Washington không hài lòng, nhưng chúng dường như là một cái giá nhỏ phải trả để đáp ứng những tham vọng lớn hơn của Mỹ, đó là giữ cho Biển Đông mở cửa cho thương mại quốc tế, tránh các hoạt động dẫn đến xung đột vũ trang và bảo vệ quyền tự chủ của Đài Loan.
Mối quan hệ có thể trở nên căng thẳng hơn giữa Mỹ và Trung Quốc nếu một sự cố dẫn đến thương vong từ một quốc gia là bên thứ ba. Một kịch bản đau lòng hơn là sự tính toán sai lầm giữa Mỹ hoặc một trong những đồng minh của họ với Trung Quốc. Trong ngắn hạn, những chiến thắng mang tính chiến thuật này của Trung Quốc sẽ ít ảnh hưởng đến các mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ. Tuy nhiên, về cơ bản, Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng hạm đội hải quân của mình, hiện lớn nhất thế giới về số lượng thân tàu nhưng vẫn tiếp tục xếp sau Mỹ về số lượng tàu sân bay và tàu khu trục, vốn cung cấp hỏa lực thực sự cho bất kỳ hạm đội nào./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn Reuters, vna