Động lực để Trung Quốc “phá băng” trong quan hệ thương mại với Australia

Thứ Ba, 20/05/2025

1:52 am(VN)

-

4:52 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Động lực để Trung Quốc “phá băng” trong quan hệ thương mại với Australia

23/10/2023

Theo báo The Sydney Morning Herald, Trung Quốc đang lần lượt nới lỏng các biện pháp thuế quan áp dụng với hàng hóa của Australia – một động thái cho thấy sự “tan băng” trong quan hệ thương mại giữa hai nước.

 

Đầu tiên là than đá, sau đó là lúa mạch, và gần đây nhất (ngày 22/10), rượu vang đã trở thành mặt hàng xuất khẩu mới nhất của Australia được Trung Quốc đồng ý xem xét lại thuế quan. Hiện giờ, chỉ còn tôm hùm là mặt hàng hai nước cần giải quyết. 

 

* “Cành ô liu” đã được chìa ra           

 

Trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc - Australia “tan băng”, đặc biệt là với tin tức “nóng hổi” ngày 22/10 rằng Canberra và Bắc Kinh đạt được thỏa thuận có thể chấm dứt thuế quan hơn 200% mà Trung Quốc đã áp dụng với rượu vang xuất khẩu của Australia, các nhà sản xuất rượu vang tại quốc gia châu Đại Dương kỳ vọng tình trạng dư thừa rượu shiraz và merlot, trị giá 1 tỷ USD, sẽ sớm được giải quyết.

Vào năm 2020, Bắc Kinh bất ngờ tuyên bố áp thuế 220% đối với mặt hàng rượu vang của Australia nhập khẩu vào nước này. Đây được xem là như một phần của loạt lệnh trừng phạt thương mại trị giá 20 tỷ USD khi quan hệ giữa hai nước xấu đi.           

Nhưng các hạn chế đã dần được dỡ bỏ, bao gồm cả việc Bắc Kinh chấm dứt thuế quan 80,5% đối với lúa mạch của Australia hồi tháng Tám vừa qua. Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết kể từ khi thuế quan đối với lúa mạch của Australia được dỡ bỏ, Canberra đã nỗ lực chấm dứt tranh chấp rượu vang giữa Australia và Trung Quốc trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).            

Theo thỏa thuận được ký kết ngày 22/10, Trung Quốc sẽ tiến hành xem xét “nhanh chóng” về thuế quan đối với rượu vang của Australia, dự kiến kéo dài 5 tháng. Tranh chấp giữa hai quốc gia đã đệ trình lên ban trọng tài của WTO sẽ được đình chỉ, trong khi chờ kết luận đánh giá. Nếu thuế quan không được dỡ bỏ sau khi kết thúc quá trình xem xét, Australia sẽ tiếp tục các hoạt động của mình tại WTO. Tuy nhiên, Thủ tướng Albanese nhấn mạnh thỏa thuận vừa ký kết với Trung Quốc không mang tính hình thức, mà “đó là vì lợi ích của cả Australia và Trung Quốc, và thực sự là vì cả lợi ích của thế giới”. Ông nói: “Đôi bên cùng có lợi, người Australia sẽ xuất khẩu được mặt hàng thế mạnh của mình, trong khi người Trung Quốc sẽ được thưởng thức sản phẩm tuyệt vời này”.           

Ông Peter Dillon, trưởng nhóm sản xuất rượu vang tại công ty Handpicked Wines trên Bán đảo Mornington, phía Đông Nam bang Victoria (Australia), tỏ ra lạc quan một cách thận trọng về tin tức sáng 22/10. Ông nói: “Dù sao thì đó rõ ràng là một tin đáng mừng. Trước khi Trung Quốc áp thuế quan đối với rượu vang của Australia, 40% doanh số bán của Handpicked Wines đến từ Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Australia”.            

Ông Dillon cho biết, trong số 100 nhà sản xuất rượu vang trên Bán đảo Mornington, khoảng một nửa trong số họ đã xuất khẩu sang Trung Quốc trước khi thuế quan 220% được áp đặt. Thời gian qua, các nhà sản xuất rượu vang trong khu vực nay lâm vào tình cảnh rất khó khăn, khi phải vật lộn với tình trạng dư nguồn cung rượu vang đỏ, đặc biệt là rượu thương mại và các loại rượu “đỏ đậm” như shiraz, cabernet sauvignon và merlot. Chính vì vậy, việc xuất khẩu được nối lại sẽ tạo ra sự thúc đẩy đáng kể cho hoạt động kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp vào thời điểm ngành công nghiệp rượu vang Australia đã trải qua một những năm tháng khó khăn và các nhà sản xuất đang cố gắng mở rộng thị trường.          

Ông Dillon đánh giá: “Thỏa thuận ngày 22/10 có khả năng mang lại sự thay đổi tích cực rất lớn cho hoạt động kinh doanh rượu vang của chúng tôi. Khả năng giao thương với Trung Quốc sẽ là động lực lớn cho năng lực xuất khẩu của các nhà sản xuất”.            

Theo báo cáo mới nhất của công ty kiểm toán KPMG về ngành rượu vang Australia, vào tháng 6/2022, lượng tồn kho rượu vang là gần 2,3 tỷ lít, một con số cao kỷ lục trong 15 năm. Thị trường xuất khẩu – trị giá 1,3 tỷ USD vào thời kỳ đỉnh cao năm 2019 – đã giảm xuống còn 8,1 triệu USD trong 12 tháng tính đến tháng 6/2023. Phân tích của Công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia Rabobank cho rằng sẽ phải mất ít nhất hai năm ngành rượu vang của Australia mới giải quyết hết được tình trạng dư cung hiện tại, tương đương 2,8 tỷ chai.           

Ông Tim Ford, Giám đốc điều hành của Treasure Wines Estates – công ty sở hữu thương hiệu rượu vang nổi tiếng Penfolds – đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận ngày 22/10. Ông khẳng định thỏa thuận này “mở ra con đường phía trước” để phát triển tại thị trường Trung Quốc. Ông nói: “Việc Trung Quốc xem xét lại thuế quan sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng Trung Quốc và ngành công nghiệp rượu vang Australia. Chúng tôi hy vọng sẽ có một kỷ nguyên mới tốt đẹp”.            

* Động lực để Trung Quốc “phá băng” quan hệ với Australia

Kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế nhập khẩu than của Australia hồi tháng 3/2023, các cuộc đàm phán giữa giới chức hai nước đã diễn ra nhanh chóng. Theo nghiên cứu của chuyên gia Roland Rajah thuộc Viện Lowy, hầu hết các sản phẩm của Australia bị Trung Quốc trừng phạt đều tìm được thị trường khác, giúp bù đắp gần như toàn bộ tổn thất của họ.

Các biện pháp trừng phạt thương mại thực sự có rất ít tác động kinh tế. Sau thông báo ngày 22/10, các nhà sản xuất rượu vang của Australia có thể mong đợi sẽ sớm lấp đầy các cửa hàng ở Bắc Kinh với hàng lít rượu Shiraz đậm đà. Và ngành khai thác tôm hùm cũng không còn xa nữa. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, ngay cả khi bị hạn chế thương mại trong hai năm qua, một lượng lớn tôm hùm của Australia vẫn “xâm nhập” vào Trung Quốc thông qua thị trường Hong Kong (Trung Quốc), nơi lượng nhập khẩu tôm hùm Australia đột ngột tăng 2.000% chỉ trong một quý của năm 2021. 

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Bất chấp căng thẳng thương mại chưa được “gỡ rối”, kim ngạch thương mại song phương đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục gần 300 tỷ USD, chủ yếu nhờ quặng sắt.  

Vậy đâu là động lực để Trung Quốc quyết định “phá băng” quan hệ với Australia? Nếu xem xét kỹ vấn đề, có thể thấy rằng một trong những mong muốn lớn của Trung Quốc vào thời điểm hiện tại, đó là tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - một khối thương mại khổng lồ gồm hàng chục quốc gia, và nếu Trung Quốc muốn gia nhập khối này thì cần phải nhận được sự đồng ý của mỗi thành viên.           

Và với những diễn biến tích cực nói trên, dường như lúc này cánh cửa gia nhập CPTPP với Trung Quốc đã hé mở./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn SMH, vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage