Điều Putin và Kim Jong Un mong muốn trong quan hệ Nga-Triều

Thứ Sáu, 16/05/2025

3:28 am(VN)

-

6:28 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Điều Putin và Kim Jong Un mong muốn trong quan hệ Nga-Triều

21/09/2023

Cuộc gặp gần đây giữa Tổng thống Nga Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho thấy mối quan hệ Nga - Triều giờ đây mang tính giao dịch như thế nào.


Sau hơn 3 năm tự cô lập gắt gao trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã mạo hiểm bước ra ngoài biên giới đất nước hôm 12/9. Kim Jong Un tới vùng Viễn Đông của Nga bằng tàu hỏa bọc thép để gặp Vladimir Putin. Đây là cuộc gặp đầu tiên của Kim Jong Un với một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ năm 2019. Đóng vai trò chủ nhà trong cuộc gặp thượng đỉnh lần này, Tổng thống Nga tạo ra một hình ảnh về hoạt động ngoại giao diễn ra tương đối bình thường trong bối cảnh chính ông cũng bị cô lập về mặt ngoại giao, khi mà Putin đã không tham dự các hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS) gần đây.


Putin chào Kim Jong Un một cách thân mật bằng tiếng Nga, thể hiện sự thân quen với nhà lãnh đạo Triều Tiên, người mà ông gặp lần đầu vào năm 2019. Về phần mình, Kim Jong Un bày tỏ kiên định ủng hộ “cuộc đấu tranh thiêng liêng” của Nga chống lại Ukraine. Mặc dù cả hai đều muốn thể hiện sự đoàn kết chống lại trật tự toàn cầu do phương Tây thống trị, nhưng điểm tương đồng trong quan điểm chiến lược của họ thực ra bắt nguồn từ lý lẽ mang tính giao dịch hơn, được thúc đẩy bởi hoàn cảnh khó khăn của cả hai nhà lãnh đạo. Nói một cách đơn giản, hai nhà lãnh đạo đều có nhiều thứ để mang lại cho đối tác.


Kim Jong Un và Putin luôn giữ bí mật về những gì họ thực sự mong đợi ở nhau. Không giống như các cuộc gặp thượng đỉnh thông thường, cả hai đã lựa chọn không đưa ra bất kỳ tuyên bố chung nào gợi ý về điều họ có thể đã thảo luận hoặc nhất trí. Tuy nhiên, hình ảnh về cuộc gặp lần này cùng với các hoạt động can dự ngoại giao cấp cao khác gần đây giữa hai nước đã công khai hơn nhiều.


Trước chuyến đi của Kim Jong Un, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, cùng với các quan chức quốc phòng cấp cao khác có liên quan đến việc mua sắm vũ khí, đã tham quan một phòng triển lãm vũ khí của Triều Tiên ở Bình Nhưỡng. Việc Triều Tiên vẫn phải chịu lệnh cấm vận vũ khí toàn diện do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hậu thuẫn mà Nga từ lâu ủng hộ dường như không gây nhiều trở ngại.


Việc lựa chọn địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh Kim-Putin cũng không kém phần phô trương. Hai nhà lãnh đạo đã lựa chọn gặp nhau tại Sân bay vũ trụ Vostochny tương đối mới của Nga. Sân bay vũ trụ này nằm ở phía Đông của Nga, được thiết kế để giảm sự phụ thuộc của Moskva vào Sân bay vũ trụ Baikonur của Kazakhstan. Truyền thông nhà nước Nga đưa tin Putin nói rằng quyết định gặp mặt tại đây là sự thừa nhận “mối quan tâm lớn đến công nghệ tên lửa” của Kim Jong Un, đồng thời lưu ý về nỗ lực thúc đẩy “phát triển không gian” của nhà lãnh đạo Triều Tiên, giải thích rằng “đó là lý do tại sao chúng tôi đến Sân bay vũ trụ Vostochny”. Quả thực, Triều Tiên đang cố gắng phát triển một chương trình không gian hoàn thiện, nhưng hai lần phóng vệ tinh thất bại trong năm nay cho thấy nước này vẫn còn dư địa để phát triển. Sự hỗ trợ của Nga về công nghệ phóng vào không gian có thể giúp ích rất nhiều cho Triều Tiên thực hiện tham vọng hiện đại hóa quân sự, trong đó có việc phát triển các vệ tinh trinh sát quân sự.


Thế nhưng Bình Nhưỡng còn tìm kiếm những lợi ích khác từ việc ủng hộ hết mình cho lợi ích của Nga. Sau cuộc gặp với Putin, tàu bọc thép của Kim Jong Un tiếp tục đi tới Komsomolsk-on-Amur, tại đây ông đến thăm một nhà máy sản xuất máy bay chiến đấu Su-35 và Su-57 - những hệ thống tiên tiến hơn nhiều so với các hệ thống máy bay lỗi thời hiện tại của Không quân Nhân dân Triều Tiên. Dù không mua máy bay chiến đấu mới, Triều Tiên vẫn có thể hưởng lợi từ nguồn cung cấp phụ tùng và linh kiện ổn định để củng cố phi đội máy bay quân sự có nguồn gốc từ Liên Xô hiện có, cải thiện đáng kể năng lực không chiến và độ tin cậy của chúng.


Kim Jong Un cũng có thể sẽ tìm cách tiếp cận các nguyên liệu thô và vật liệu tổng hợp từ các nhà cung cấp của Nga để có thể xúc tiến các chương trình tên lửa nội địa. Triều Tiên lâu nay vẫn dựa vào mạng lưới tội phạm có tổ chức để tìm nguồn nguyên liệu như sợi Kevlar và sợi aramid từ Nga để sử dụng trong tên lửa tiên tiến của nước này. Việc Nga tích cực tạo điều kiện thuận lợi để chuyển giao các vật liệu này - dù vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc - sẽ giúp Bình Nhưỡng thực hiện các tham vọng quân sự. Triều Tiên cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ kỹ thuật bí mật. Việc Putin coi thường các quy tắc và chuẩn mực quốc tế có thể khiến các hình thức hợp tác kỹ thuật giữa hai nước mà trước đây không thể tưởng tượng được ngày càng trở nên khả thi.


Ngoài trang thiết bị quân sự, Kim Jong Un còn tìm kiếm từ Putin viện trợ lương thực, điều có thể giải quyết những thách thức nghiêm trọng về dinh dưỡng đang gia tăng ở Triều Tiên do đại dịch COVID-19. Sự hỗ trợ như vậy sẽ không vi phạm các lệnh trừng phạt, nhưng vẫn giúp Kim Jong Un giải quyết tình trạng thiếu lương thực mà ông đã công khai thừa nhận trong những năm gần đây ngay cả khi ông tiếp tục “vung tay quá trán” cho việc hiện đại hóa vũ khí hạt nhân. Chỉ bị ngăn cách bởi biên giới trên đất liền và trên biển, Triều Tiên và Nga có thể tiến hành chuyển giao quy mô lớn một cách dễ dàng.


Nga cũng có thể hỗ trợ ngoại giao cho các mục tiêu của Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã được hưởng lợi đáng kể từ sự che chở của Nga và Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Kể từ khi hoạt động ngoại giao Mỹ-Triều thất bại hoàn toàn vào năm 2019, cả Bắc Kinh và Moskva đều tỏ rõ thái độ bác bỏ mọi biện pháp trừng phạt mới, thậm chí cả chỉ trích chính thức tại Liên hợp quốc - khác xa với việc họ chấp nhận các biện pháp trừng phạt trên diện rộng, theo khu vực trong năm 2016 và 2017. Năm 2022, cả hai quốc gia đều không sẵn sàng ủng hộ tuyên bố cấp cao lên án việc Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo tầm xuyên lục địa.


Trong khi đó, mối quan tâm của Moskva trong cuộc gặp có thể là kho đạn pháo và đạn rocket tương thích ngược với các bệ phóng thời Liên Xô được các lực lượng vũ trang Nga sử dụng. Các nguồn tin tình báo Mỹ, được New York Times trích dẫn hồi tháng 9/2022, cho rằng những vụ chuyển giao như vậy đã diễn ra, nhưng nhận định này có thể là quá sớm. Thay vào đó, hoạt động ngoại giao song phương gần đây giữa Triều Tiên với Nga dường như được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao như vậy. Một người phát ngôn Nhà Trắng cho biết các hoạt động này đã được “tích cực thúc đẩy” sau chuyến thăm của Shoigu.


Bất chấp những nỗ lực nhằm thể hiện một mặt trận tư tưởng chung tại cuộc gặp thượng đỉnh, Putin và Kim Jong Un có thể chưa sẵn sàng nhượng bộ hoàn toàn trước yêu cầu của đối phương. Đơn cử, Triều Tiên có thể tìm cách tiếp cận công nghệ phóng vũ khí hạt nhân nhạy cảm của Hải quân Nga, điều mà Moskva khó có thể cho đi mà không nhận lại gì để đánh đổi. Tương tự, Nga có thể tìm cách mua các tên lửa tiên tiến hơn của Triều Tiên để có thể sử dụng ở Ukraine, nhưng Kim Jong Un có thể muốn giữ những tên lửa này để đảm bảo năng lực phòng thủ và răn đe quốc gia của mình.


Mặc dù cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo sẽ thúc đẩy thảo luận về một trục độc tài mới ở Đông Bắc Á, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy sự gia tăng gần đây trong mối quan hệ này dựa trên nền tảng sâu sắc hơn lợi ích chiến lược trước mắt của mỗi quốc gia. Moskva có thể tìm cách sửa đổi trật tự toàn cầu theo hướng có lợi cho mình, nhưng việc lôi kéo Bình Nhưỡng làm đối tác trong nỗ lực đó sẽ chỉ có tác dụng hạn chế.


Trong khi đó, Triều Tiên đã có ý định xây dựng quan hệ sâu sắc hơn với Nga ngay từ trước đại dịch COVID-19 và trước khi Nga tấn công Ukraine. Thời điểm Kim Jong Un gặp Putin lần đầu tiên ở vùng Viễn Đông của Nga vào năm 2019 là ngay sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều gần đây nhất thất bại. Cuối năm 2019, Kim Jong Un ám chỉ rằng ông sẽ đi theo hướng mới trong cách tiếp cận chiến lược. Có vẻ như mối quan hệ tốt hơn với Nga là một phần trong hướng đi mới này. Các động lực địa chính trị hiện tại, bao gồm cả sự cô lập của Nga và việc Moskva sẵn sàng thể hiện các chuẩn mực toàn cầu hơn, đã mang đến cho Bình Nhưỡng một cơ hội to lớn.


Mặc dù có nhiều điều đáng chú ý về chuyến thăm của Kim Jong Un, nhưng điều đặc biệt đáng chú ý là ông đã chọn Nga thay vì Trung Quốc trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên kể từ năm 2019. Năm 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã lựa chọn gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi chuyển sang hướng ngoại giao cấp cao với Hàn Quốc và Mỹ. Theo thông tin từ phía Trung Quốc, tại cuộc gặp lần đầu tiên, Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của “trao đổi cấp cao” giữa hai nước và cho biết ông “sẵn sàng giữ liên lạc thường xuyên với đồng chí Chủ tịch”.


Tuy nhiên, lựa chọn của Kim Jong Un không phản ánh sự rạn nứt lớn giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng: Ông và Tập Cận Bình đã trao đổi thư từ trong thời kỳ đại dịch, và một quan chức cấp cao của Trung Quốc đã tham dự một cuộc duyệt binh ở Triều Tiên gần đây. Tuy nhiên, điều đó có thể cho thấy Kim Jong Un đánh giá rằng ông sẽ tìm được một người bảo trợ sẵn sàng trợ giúp hơn, ít nhất là trong ngắn hạn, ở Putin ngày càng tuyệt vọng chứ không phải ở Tập Cận Bình. Trong khi Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đều ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Putin thì chỉ Bình Nhưỡng tỏ ra sẵn sàng cung cấp đạn dược trên quy mô lớn.


Sự ủng hộ của Triều Tiên cho chiến dịch của Nga chống lại Ukraine có thể sẽ không thay đổi được cục diện trên chiến trường. Khó có thể cho rằng sự thiếu hụt vũ khí thông thường là yếu tố cản trở Nga chiến thắng nhanh chóng. Tác động quan trọng nhất trong ngắn hạn của việc Bình Nhưỡng cung cấp đạn dược có thể là Nga sẽ có khả năng bổ sung và duy trì kho vũ khí của riêng mình trong trường hợp xảy ra xung đột với NATO trong tương lai.


Đối với Mỹ, viễn cảnh mối quan hệ Kim-Putin gần gũi hơn là tin xấu nhưng không phải là ngày tận thế. Ngay cả khi ít quan tâm đến nhau, Putin và Kim Jong Un cũng đều sẽ tiếp tục đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với lợi ích của Mỹ.


Có lẽ không có hệ quả nào của mối quan hệ này quan trọng hơn những tác động của nó đối với cách tiếp cận ngoại giao “giữ nguyên trạng” trong việc Triều Tiên tiếp tục sở hữu vũ khí hạt nhân. Sự hỗ trợ công khai và trắng trợn của Nga dành cho Triều Tiên ngay cả khi Liên hợp quốc đang áp đặt chế độ trừng phạt sẽ khiến mục tiêu phi hạt nhân hóa – vốn dĩ đã viển vông trong ngắn hạn – trở nên bất khả thi.


Vì lẽ đó, Mỹ cần suy nghĩ lại một cách nghiêm túc nhất về cách tiếp cận đối với Triều Tiên trong nhiều thập kỷ. Mặc dù triển vọng ngoại giao hiện nay có vẻ mờ mịt, Washington nên nhớ rằng gần như chính cách tiếp cận mang tính giao dịch chèo lái quan hệ của Triều Tiên với các cường quốc đã từng khiến Kim Jong Un lên tàu tới Hà Nội để gặp cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.


Sẽ khó có thể khuyến khích Kim Jong Un rời xa Moskva, nhưng Washington nên sẵn sàng sử dụng mọi công cụ ngoại giao để cho Bình Nhưỡng một lý do để ít nhất cân nhắc khả năng viện tới ngoại giao một lần nữa. Năm 2022, Kim Jong Un phàn nàn rằng mặc dù Mỹ đã kêu gọi tổ chức các cuộc đàm phán mở và tuyên bố không có thái độ thù địch với Bình Nhưỡng, nhưng hành vi của Chính quyền Biden - đặc biệt là nhiều bước đi họ thực hiện để trấn an Hàn Quốc - đã khiến Triều Tiên “không có lý do gì” để tin vào điều đó.


Washington cũng nên nhớ lại rằng điều mà Kim Jong Un tìm kiếm khi tới Việt Nam là một thỏa thuận trong đó các biện pháp trừng phạt sẽ được nới lỏng đối với nền kinh tế Triều Tiên, đổi lại ông sẽ đưa ra những nhượng bộ ở mức hạn chế về hạt nhân. Việc đưa ra triển vọng giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt - với điều khoản đảo ngược để ngăn chặn Triều Tiên không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân - có thể tiếp tục có giá trị. Tuy nhiên, nếu Washington không hành động sớm, thì Kim Jong Un có thể ngày càng không muốn thông qua đàm phán để tìm kiếm cách thức giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt. Điều này đặc biệt rõ ràng trong bối cảnh Nga sẵn sàng hành động.


Cuối cùng, Mỹ và các đồng minh tiếp tục quan tâm đến việc giảm nguy cơ Triều Tiên sử dụng kho vũ khí hạt nhân có năng lực ngày càng cao trong một cuộc khủng hoảng hoặc xung đột. Việc chỉ ra cho Kim Jong Un thấy rằng tiền đề của một cuộc đàm phán trong tương lai có thể tập trung vào việc giảm thiểu hoặc kiềm chế rủi ro hạt nhân có lẽ sẽ mang lại cho Triều Tiên lý do để thử tìm đến các biện pháp ngoại giao./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn Foreign Policy

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage