Đằng sau việc Australia thận trọng cài đặt lại quan hệ với Trung Quốc

Thứ Sáu, 16/05/2025

6:25 am(VN)

-

9:25 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Đằng sau việc Australia thận trọng cài đặt lại quan hệ với Trung Quốc

08/11/2023

Ngày 5/11, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngoài mục tiêu kinh tế, đây là dịp để Australia duy trì thế cân bằng tế nhị trong chính sách đối ngoại hiện nay: Củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ nhưng vẫn khẳng định vị thế cường quốc khu vực độc lập, đồng thời ổn định quan hệ với đối tác kinh tế hàng đầu Trung Quốc.
        

Sau 7 năm căng thẳng, lần đầu tiên từ năm 2016, một thủ tướng Australia đến thăm Bắc Kinh, theo đó gửi đi nhiều tín hiệu cho thấy mối quan hệ Trung Quốc-Australia đang trên lộ trình hòa giải.
 

Bắc Kinh đã lần lượt thông báo dỡ bỏ các lệnh cấm, hay các mức thuế quan cao đối với nhiều mặt hàng nhập từ Australia, như than đá, đại mạch và sắp tới đây là rượu vang. Những biện pháp trừng phạt đó đã gây thiệt hại đến 12 tỷ Euro cho nền kinh tế Australia. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng trả tự do cho nhà báo 2 quốc tịch Australia/Trung Quốc, bà Cheng Lei, người bị Bắc Kinh bắt giam từ nhiều năm qua với cáo buộc hoạt động gián điệp.
        

Về phía Australia, Thủ tướng Anthony Albanese tuyên bố từ bỏ việc hủy quyền chuyển nhượng quản lý 99 năm đối với cảng Darwin, vốn đã cấp cho doanh nghiệp Trung Quốc Landbridge vào năm 2015. Khu cảng này nằm ở cực Bắc của Australia, nơi Mỹ cứ 6 tháng/lần lại cho luân chuyển 2.500 lính thủy quân lục chiến. Theo lãnh đạo Australia, việc chuyển nhượng này giờ đây không còn gây ra bất kỳ rủi ro nào.
        

Tuy nhiên, trả lời nhật báo “Le Figaro”, Rory Medcalf, Giám đốc Đại học An ninh Quốc gia thuộc Trường Chính sách công, lưu ý rằng hòa giải chưa hẳn là bình thường hóa quan hệ, bởi “trong bối cảnh an ninh vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện nay, lòng tin vào Trung Quốc là không còn nữa. Thủ tướng Australia chỉ tìm kiếm một sự ổn định”.
        

Ông Yun Jiang, thành viên Viện Các vấn đề Trung Quốc của Australia, trên tờ “The Guardian” cho rằng niềm tin song phương bị xói mòn là do hai nước xem xét các vấn đề qua lăng kính an ninh quốc gia. Trung Quốc thời Tập Cận Bình xem an ninh quốc gia là ưu tiên hàng đầu, trên cả tăng trưởng kinh tế. Bắc Kinh giám sát chặt chẽ những cá nhân và doanh nghiệp có liên hệ với nước ngoài như một phần trong nỗ lực ngăn chặn hoạt động gián điệp và ảnh hưởng từ “các thế lực thù địch bên ngoài”.
        

Australia khó có thể thuyết phục giới lãnh đạo Trung Quốc hạ thấp tầm quan trọng của an ninh quốc gia, hoặc giảm nhẹ các nỗ lực chống gián điệp, bởi theo nhận xét của ông Rory Medcalf với tờ “Le Figaro”, chính quyền Thủ tướng Albanese tỏ ra không khoan nhượng trong nhiều hồ sơ nóng, như cấm Huawei tham gia phát triển mạng 5G, giữ nguyên đạo luật về can thiệp nước ngoài, và nhất là kiên quyết bảo vệ liên minh AUKUS, một vấn đề gây bất an cho Bắc Kinh.
        

Nhân chuyến công du này, Thủ tướng Australia cũng sẽ bày tỏ các mối quan ngại về nhiều vấn đề khác: Nguy cơ xung đột tại Eo biển Đài Loan, các vi phạm nhân quyền tại Tân Cương hay Hong Kong. Nhưng ông Rory Medcalf nhấn mạnh những chủ đề này sẽ được đề cập một cách kín đáo, không chỉ trích công khai, trừ phi đó là những tuyên bố tập thể, như những gì Liên minh Five Eyes (Mỹ, Anh, Australia, Canada, và New Zealand) đã làm gần đây khi đưa ra báo động “một cuộc tấn công chưa từng có  vào quyền sở hữu trí tuệ Trung Quốc tiến hành nhắm”.
        

Không ngừng nỗ lực hâm nóng quan hệ với Trung Quốc, nhưng Australia vẫn tích cực tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của cường quốc châu Á ở Nam Thái Bình Dương khi khẳng định mình là một “đối tác đáng tôn trọng, biết lắng nghe, nhưng không nhất thiết phải đi theo chiến lược của Mỹ”. Chuyến thăm Washington hồi tuần qua của Thủ tướng Australia còn nhằm mục tiêu thúc đẩy nhanh dự án liên minh AUKUS, thuyết phục các nghị sĩ Mỹ vẫn còn do dự trong việc chuyển giao 5 tàu ngầm lớp Virginia cho Australia, dự trù khởi động vào năm 2035.
        

Trong chiến lược này, Australia có thể trông cậy vào đồng minh Nhật Bản. Một thỏa thuận quốc phòng đã được ký kết với Tokyo, thành viên của Nhóm Bộ tứ. Ông Rory Medcalf đánh giá Australia và Nhật Bản là một cặp đôi rất hiệu quả để “dung hòa” các lập trường của Mỹ trong khu vực: Từ việc tôn trọng đối tác - đồng minh, kìm hãm Trung Quốc, cho đến các vấn đề con người, bảo vệ môi trường, tiếp cận công nghệ…Về những điểm này, theo quan sát của ông Rory Medcalf, “rõ ràng Mỹ đang đi theo các quan điểm của Nhật và Australia”./.

 

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn RFI

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage