Đằng sau cuộc tập trận chung Philippines-Mỹ-Nhật-Australia

Thứ Bảy, 17/05/2025

1:52 pm(VN)

-

4:52 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Đằng sau cuộc tập trận chung Philippines-Mỹ-Nhật-Australia

08/04/2024

Philippines, Mỹ, Nhật Bản và Australia thông báo sẽ tổ chức các cuộc tập trận hải quân và không quân chung ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) vào ngày 7/4/2024. Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh tại Washington quy tụ Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Philippines, Nhật Bản.
         

Tăng cường khả năng tương tác


Cuộc tập trận được tổ chức vào ngày 7/4 tại Biển Đông tranh chấp, nơi Bắc Kinh tuyên bố gần như toàn bộ chủ quyền của mình. Cuộc tập trận mang tên “Hoạt động hợp tác hàng hải” sẽ có sự tham gia của các đơn vị hải quân và không quân từ 4 nước. Đây là cuộc tập trận toàn diện đầu tiên có sự tham gia của 4 nước này nhằm tăng cường khả năng tương tác giữa các lực lượng của nhau.


Trong một tuyên bố chung hôm 6/4, Bộ trưởng Quốc phòng 4 nước cho biết “hoạt động hợp tác hàng hải” sẽ diễn ra bên trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 dặm của Philippines và tuân thủ các công ước quốc tế về quyền tự do hàng hải và hàng không. “Thể hiện cam kết chung của chúng tôi trong việc tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế nhằm hỗ trợ một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, các lực lượng vũ trang/phòng thủ kết hợp của chúng tôi sẽ tiến hành ‘hoạt động hợp tác hàng hải’ trong EEZ của Philippines”, tuyên bố nêu rõ. Cuộc tập trận có sự tham gia của các tàu chiến USS Mobile của Mỹ, JS Akebono của Nhật Bản và HMAS Warramunga của Australia.


Philippines đã bày tỏ ý định tổ chức một cuộc tập trận chung với 3 nước nói trên nhiều lần trong năm. Kể từ năm ngoái, Philippines đã tổ chức các hoạt động hợp tác hàng hải riêng biệt với Mỹ và Australia. Đáng chú ý, 4 nước Nhật, Mỹ, Australia và Philippines hồi tháng 8/2023 cũng đã tiến hành huấn luyện chung về bổ sung năng lực ngoài khơi ở biển phía Tây Bắc Philippines.


Đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán


Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động quyết đoán ở Biển Đông. Vào ngày 5/3 và 23/3 vừa qua, hải cảnh Trung Quốc đã 3 lần liên tiếp phun vòi rồng vào các tàu tiếp tế dân sự của Philippines ở Bãi Cỏ Mây. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. hôm 28-3 cho biết ông đã liên lạc thường xuyên với các đồng minh, đồng thời tiết lộ Manila đang chuẩn bị “gói phản ứng và biện pháp đối phó tương xứng, có chủ ý và hợp lý” trước các hành động của hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông. Ngày 2/4 vừa qua, các cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ và Phiilippines cũng đã có điện đàm thảo luận về “hàng loạt hành động bất hợp pháp” gần đây của hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông.


Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr. cho biết cuộc tập trận lần này là một phần trong kế hoạch “xây dựng năng lực phòng vệ cá nhân và tập thể của đất nước chúng tôi”. Theo ông Arsenio Andolong, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines, hạm đội đa quốc gia gồm 5 tàu sẽ cùng nhau di chuyển từ phía Nam lên phía Bắc trong một cuộc tập trận "được thiết kế để nâng cao khả năng của các lực lượng tham gia phối hợp hiệu quả trong các tình huống hàng hải". Ông Ông Andolong cho biết, các tàu BRP Gregorio del Pilar và BRP Ramon Alcaraz của Philippines sẽ tham gia cùng 3 tàu còn lại trong các cuộc tập trận liên lạc, chiến thuật phân tán và diễn tập giám sát. Ông cũng nhấn mạnh hoạt động này “không nên” làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Tây Philippines, nhưng “chúng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ bôi nhọ cuộc tập trận như họ vẫn thường làm”.


Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kihara Minoru cho biết, cuộc tập trận này là nhằm mục đích đảm bảo một khu vực hòa bình. Ông Minoru nói: “Nhật Bản tin rằng vấn đề Biển Đông liên quan trực tiếp đến hòa bình và ổn định của khu vực và là mối quan tâm chính đáng của cộng đồng quốc tế. Tokyo phản đối bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào đối với nguyên trạng bằng vũ lực”. Theo Đại sứ quán Nhật Bản tại Manila, cuộc tập trận chung giữa 4 nước ở Biển Đông sẽ còn bao gồm “huấn luyện chiến đấu chống tàu ngầm”.
         

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2022, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã theo đuổi mối quan hệ nồng ấm hơn với Mỹ và các quốc gia phương Tây khác, đồng thời áp dụng đường lối cứng rắn chống lại điều mà ông coi là sự thù địch của Trung Quốc, quay lưng lại với lập trường thân Bắc Kinh của người tiền nhiệm.
         

Căng thẳng khu vực đã leo thang trong năm qua khi Trung Quốc ngày càng tự tin khẳng định các yêu sách của mình đối với các vùng biển mà Philippines và Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và đối với hòn đảo tự trị Đài Loan.
 

Để đáp lại, Mỹ đã tìm cách tăng cường liên minh trong khu vực, bao gồm cả với các đồng minh hiệp ước Nhật Bản và Philippines. Hội nghị thượng đỉnh dự kiến vào ngày 11/4 của ông Biden với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Nhà trắng sẽ là hội nghị mới nhất trong một loạt cuộc gặp với các đối tác châu Á-Thái Bình Dương. Tổng thống Biden cũng sẽ tổ chức các cuộc gặp song phương riêng với ông Marcos và ông Kishida.
 

Một nguồn tin ngoại giao nói với AFP rằng các cuộc tuần tra chung giữa lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, Nhật Bản và Philippines dự kiến sẽ được công bố trong hội nghị thượng đỉnh, sau khi cuộc tập trận chung lần đầu tiên được tổ chức vào năm ngoái.
 

Cuộc tập trận và hội nghị thượng đỉnh diễn ra sau các cuộc đối đầu liên tục giữa các tàu Trung Quốc và Philippines gần các rạn san hô tranh chấp ngoài khơi Philippines trong những tháng gần đây. Các quan chức hàng đầu của Mỹ đã nhiều lần tuyên bố cam kết “sắt đá” của Mỹ trong việc bảo vệ Philippines trước một cuộc tấn công vũ trang ở Biển Đông. Mối quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đã xấu đi dưới thời ông Marcos Jr., người có lập trường mạnh mẽ hơn người tiền nhiệm Rodrigo Duterte trước các hành động của Trung Quốc trên biển.
 

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng Biển Đông, nơi hàng nghìn tỷ USD thương mại đi qua hằng năm, bất chấp tuyên bố của các quốc gia khác và bất chấp phán quyết quốc tế rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý.
 

Tổng thống Marcos Jr. đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ vào ngày 28/3, cam kết Philippines sẽ không bị Trung Quốc “làm cho im lặng, khuất phục hoặc vâng lời”. Ông cũng nói Philippines sẽ phản ứng với các sự kiện gần đây bằng các biện pháp đối phó “tương xứng, có chủ ý và hợp lý”.
 

Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa Philippines và Nhật Bản về một hiệp ước quốc phòng cho phép 2 bên triển khai quân trên lãnh thổ của nhau “đang diễn ra”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines nói với các phóng viên hôm 4/4. Manila đã có thỏa thuận tương tự với Australia và Mỹ./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn RFI/TNHK/AFP/VNA

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage