Chuyên gia đánh giá về động thái “hút tiền khỏi thị trường” của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thứ Ba, 20/05/2025

6:26 am(VN)

-

9:26 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Chuyên gia đánh giá về động thái “hút tiền khỏi thị trường” của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

26/09/2023

Theo đài Sputnik, động thái hút tiền khỏi thị trường của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam diễn ra khi thanh khoản hệ thống ngân hàng tại Việt Nam liên tục dư thừa. Giới chuyên gia đánh giá, phát hành tín phiếu là biện pháp đỡ tốn kém nhất so với các biện pháp can thiệp tiền tệ khác như bán ròng ngoại tệ hay tăng lãi suất.
 

Ngày 21/9, NHNN thông báo về việc phát hành 9.995 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, với lãi suất 0,69%/năm. Phương thức thanh toán lãi là một lần đầu kỳ, ngày đến hạn là 19/10. Đây là phiên đầu tiên NHNN sử dụng lại nghiệp vụ bán kỳ hạn sau hơn 6 tháng tạm ngưng (từ ngày 10/3). Sau diễn biến này, rất nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm đồng tình với quyết định của NHNN Việt Nam.


Tổng Giám đốc Công ty đầu tư FIDT Huỳnh Minh Tuấn đánh giá, quyết định của NHNN là hợp lý trong bối cảnh thanh khoản trong hệ thống quá dư thừa, lãi suất liên ngân hàng đang về mức 0,15%/năm, đồng thời giúp giảm áp lực tỷ giá và hạn chế bớt đầu cơ tỷ giá: “Việc hút thanh khoản giúp ổn định tỷ giá, tạo môi trường phục hồi ổn định hơn cho nền kinh tế và hỗ trợ xu hướng đi lên trung hạn của thị trường chứng khoán”.


Giới phân tích lưu ý, thực trạng dư thừa thanh khoản tạo áp lực tỷ giá tăng cao gần đây, điều này khiến nhà đầu tư nước ngoài đang rút vốn mạnh. Trên thị trường chứng khoán, khối ngoại đã rút ròng hơn 4.900 tỷ đồng từ đầu tháng 9 đến nay, mức mạnh nhất kể từ đầu năm. Ông Huỳnh Minh Tuấn cho rằng, nhà đầu tư có thể mua vào một khi thị trường đã phản ánh thông tin: “Tin tức này sẽ có tác động ngắn hạn về mặt tâm lý và khiến thị trường dễ điều chỉnh, nhưng không quá đáng ngại”.


Thực tế, động thái phát hành tín phiếu của NHNN diễn ra ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố quyết định giữ nguyên lãi suất. Tuy nhiên, quan điểm điều hành có phần “diều hâu” hơn thị trường kỳ vọng, làm dấy lên lo ngại về việc xoay chiều chính sách của cơ quan quản lý trong bối cảnh tỷ giá dậy sóng thời gian gần đây.


PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, chính sách tiền tệ Việt Nam tương đối độc lập và điều hành theo thực tế của nền kinh tế Việt Nam nên không có biến động lớn dù Fed giữ nguyên lãi suất, nhưng cũng không loại trừ khả năng tăng lãi suất thời gian tới. Từ nay đến cuối năm, lãi suất sẽ vẫn ở mức thấp và như vậy lãi suất cho vay còn có thể hạ thấp hơn nữa: “Ngay cả phía NHNN cũng có thể xem xét giảm tiếp lãi suất, nhưng hiện mức lãi suất điều hành của Việt Nam cũng đã khá thấp, nếu cần thiết chỉ có thể giảm khoảng 0,25%”.


Nói về động thái phát hành tín phiếu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng điều này có nghĩa là NHNN đang hút tiền trên thị trường về. Mục tiêu chủ yếu là hút tiền trên thị trường trong bối cảnh đang thừa tiền, không cho vay được. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh giải thích, khi tín phiếu phát hành ra thị trường, ngân hàng thương mại có thể chỉ là nơi trung chuyển và ngân hàng thương mại cũng có thể mua tín phiếu từ NHNN để hút bớt tiền trong nền kinh tế, giảm áp lực tiền tệ giữa VND và USD cũng như áp lực về lạm phát. Sau 8 tháng đầu năm, VND chỉ mất giá hơn 1,6% so với USD. Có thể nói VND rất ổn định so với USD. Trong khi đó, lãi suất USD đã lên mức cao nhất trong vòng 22 năm, trong khi lãi suất VND lại đang giảm mạnh.


Về mặt lý thuyết, VND đáng lẽ phải giảm giá nhiều. Trong khi Việt Nam đang giảm lãi suất, đầu tư công cần giải ngân ra thị trường 711.000 tỷ đồng, rõ ràng lượng tiền trên thị trường rất nhiều. Như vậy, muốn giữ ổn định tỷ giá hối đoái, cân bằng tiền tệ thì phải có cách hút bớt VND trên thị trường. Ngoài việc bơm hút bình thường thì phát hành tín phiếu để hút bớt tiền trong thị trường về NHNN sẽ giảm áp lực tiền tệ, đồng thời tạo ra nguồn dự trữ cho ngân hàng trong điều kiện lãi suất đang thấp.


PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm, NHNN vẫn kiên quyết giữ ổn định tỷ giá hối đoái bằng nhiều cách, nếu cần thiết thì can thiệp, bán ngoại tệ, nhưng tình hình hiện tại chưa đến mức phải can thiệp: “Hiện ngoại tệ trên thị trường rất ổn định, xuất-nhập khẩu đang hồi phục, đầu tư nước ngoài vẫn tăng, kiều hối về vẫn tăng, do đó ngoại tệ trên thị trường không thiếu để can thiệp. Chỉ có VND trên thị trường đang nhiều nên hút bớt về bằng cách phát hành tín phiếu có kỳ hạn”.


PGS.TS Đinh Trọng Thịnh dự báo, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn sẽ ổn định. Điều này là do NHNN cũng có thống nhất với Chính phủ. Việt Nam vẫn giữ vững ổn định tiền tệ, giữ vững tỷ giá hối đoái, từ đó đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững. Ông đồng thời lưu ý: “Trên cơ sở đó, VND sẽ ổn định so với USD. Nếu VND có biến động về giá thì chỉ tăng/giảm 2-3% so với đầu năm. Do đó, việc phát hành tín phiếu chỉ là để điều chỉnh thị trường”./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn Sputnik

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage