Trang mạng The Diplomat ngày 18/1 đăng bài viết cho rằng căng thẳng Trung Quốc-Philippines xung quanh Bãi Cỏ Mây có thể leo thang thành xung đột quân sự - và đó là cơ hội mà Bắc Kinh dường như sẵn sàng nắm bắt.
Ngân sách quốc gia năm 2024 của Philippines dành khoảng 1,8 triệu USD để xây dựng một công trình lâu dài trên Bãi Cỏ Mây, nơi có con tàu BRP Sierra Madre bị mắc cạn và hư hỏng, để làm căn cứ cho một lực lượng nhỏ thủy quân lục chiến của nước này và là nơi trú ẩn cho ngư dân Philippines.
Mới đây, người đứng đầu quân đội Philippines đã công bố các kế hoạch mới nhằm củng cố tới 9 thực thể trong khu vực. Nếu kế hoạch này được thực thi, điều này sẽ giúp củng cố chủ quyền của Philippines đối với Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này, như được nêu trong phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) liên quan đến Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 2016.
Sau khi xây dựng và củng cố 7 hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa để khẳng định yêu sách chủ quyền đối với khoảng 90% diện tích Biển Đông, Trung Quốc đánh giá cao tầm quan trọng của việc có căn cứ lâu dài trên các rạn san hô và bãi cạn. Bắc Kinh sẽ cố gắng hết sức để ngăn Philippines làm điều tương tự ở Bãi Cỏ Mây và cuối cùng sẽ tìm cách đánh đuổi lực lượng thủy quân lục chiến Philippines khỏi tàu Sierra Madre.
Do không bên nào tỏ ra sẵn sàng nhượng bộ, đồng thời tuyên bố rằng hành động của họ là hợp pháp trong các khu vực thuộc chủ quyền mà họ tuyên bố, tranh chấp này khó có khả năng được giải quyết một cách hòa bình thông qua đàm phán hoặc phân xử - như trong trường hợp các giải pháp khác nhau đạt được giữa Malaysia, Indonesia, và Singapore trong những thập kỷ qua. Thay vào đó, căng thẳng sẽ tiếp tục tồn tại và có thể dễ dàng leo thang đến mức nguy hiểm, thử thách sự sẵn sàng và khả năng của Mỹ trong việc bảo vệ đồng minh hiệp ước của mình.
Quan điểm của Trung Quốc
Theo quan điểm của Trung Quốc, các diễn biến gần đây mở ra cơ hội để nước này thúc đẩy chương trình nghị sự của mình ở Biển Đông.
Bất chấp những tranh luận về lời hứa sẽ loại bỏ con tàu, Trung Quốc vẫn đưa ra cáo buộc rằng Philippines đang có những hành động khiêu khích, từ việc cho neo đậu tàu Sierra Madre đến việc duy trì nó trong nhiều thập kỷ qua và hiện đang cố gắng xây dựng một công trình lâu dài ở đó. Vì vậy, theo quan điểm của Bắc Kinh, Manila phải chịu trách nhiệm về những leo thang căng thẳng hiện nay. Đây cũng là cách Bắc Kinh biện minh cho các hành động đáp trả của họ.
Để thúc đẩy chiến lược của mình, Trung Quốc đã cố gắng cô lập Philippines khỏi các thành viên ASEAN khác bằng một “cuộc tấn công quyến rũ”, liên quan đến một loạt hoạt động ngoại giao bao gồm các dự án Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) được đề xuất với các quốc gia khác có yêu sách ở Biển Đông như Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Đặc biệt, sau khi Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, Trung Quốc và Việt Nam đã nhất trí xây dựng “cộng đồng chia sẻ tương lai”. Trong khi đó, sáng kiến của Philippines nhằm thuyết phục Việt Nam và Malaysia đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) riêng biệt với Manila đã không thu hút được sự ủng hộ trong bối cảnh sáng kiến này bị Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ.
Trung Quốc cũng hy vọng khai thác sự chia rẽ ngay trong nội bộ Philippines. Khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tìm kiếm một liên minh chặt chẽ với Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản để chống lại áp lực từ Trung Quốc, sự phản đối trong nước đã ngày càng gia tăng. Cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, con gái ông và Phó Tổng thống Sara Duterte, cùng cựu Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo đã công khai chỉ trích rằng đường lối cứng rắn của Marcos Jr. đối với Trung Quốc có nguy cơ biến Philippines trở thành chiến trường giữa Mỹ và Trung Quốc, đe dọa hòa bình và thịnh vượng của đất nước. Đã có tin đồn rằng Arroyo và Duterte sẽ hợp tác trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2025 để củng cố sự phản đối của Quốc hội đối với liên minh cầm quyền. Sự chia rẽ tương tự cũng đã xuất hiện trong cộng đồng doanh nghiệp.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Trung Quốc có thể sẵn sàng đánh cược rằng Mỹ sẽ thực sự can dự vào tranh chấp. Mỹ phải đối mặt với năm 2024 đầy thử thách với cuộc bầu cử tổng thống gây chia rẽ trong bối cảnh mâu thuẫn chính trị ngày càng gia tăng về viện trợ của Mỹ cho Ukraine và Israel. Trong bối cảnh đó, vẫn chưa rõ dư luận trong nước có ủng hộ việc Mỹ tham gia một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc hay không. Ngay cả khi Mỹ quyết tâm làm như vậy, không rõ Mỹ có thể huy động các nguồn lực cần thiết để đối phó với 3 cuộc chiến tranh khu vực cùng một lúc hay không.
Xét cho cùng, mặc dù việc đẩy Philippines ra khỏi Bãi Cỏ Mây là điều quan trọng trong nỗ lực mang tính chiến lược của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền đối với khu vực “đường 10 đoạn” (đường đứt đoạn), các yêu sách chồng chéo đối với một bãi cạn cách xa hàng nghìn dặm được xếp hạng khá thấp trong các lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ. Trong khi các quan chức và chuyên gia quan hệ quốc tế có thể thất vọng khi thấy mức độ tin cậy trong các cam kết của Mỹ với các đồng minh bị suy yếu – nếu chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden không nỗ lực hết sức để hỗ trợ Philippines – vấn đề này có lẽ được hầu hết cử tri coi là không đáng để gây chiến.
Trong bối cảnh Biển Đông, các tiền lệ lịch sử cũng cho thấy có lợi cho Trung Quốc: Bắc Kinh đã chiếm đóng về mặt quân sự đối với nhiều hòn đảo và thực thể ở Biển Đông – ví dụ mới nhất là Bãi cạn Scarborough năm 2012 – mà Mỹ đã không làm gì trước những hành động tiếp quản này./.